Xoá bớt hiểu lầm - gây dựng lòng tin
Việt Nam đừng coi nghèo đói và chậm phát triển là cái cớ để biện minh cho việc trì hoãn mở cửa thị trường, mà phải coi việc đóng cửa thị trường chính là nguyên nhân của nghèo đói và chậm phát triển - Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond.
LTS: Tuần Việt Nam xin được tiếp tục loạt bài về 'quá trình học để hiểu nhau" giữa hai cựu thù, thông qua trải nghiệm của Trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại song phương của Mỹ, ông Joe Damond. Điểm khác biệt lớn nhất của Joe với những nhân vật mà Tuần Việt Nam đã từng giới thiệu, là ông không thuộc thế hệ "Chiến tranh Việt Nam", và, vì vậy, cách tìm hiểu, tiếp cận của ông cũng khác, nếu không nói là hoàn toàn mới mẻ, đối với tiến trình bình thường hoá quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Khi ông được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán BTA, ông nghĩ gì về quyết định đó, cũng như về Việt Nam?
Tôi biết về Việt Nam rất ít. Khi được chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán, tôi đã cố công đi hỏi chỗ nọ chỗ kia, kể cả các think-tank của Mỹ, nhưng thông tin tôi thu nhận được hầu như là không giúp gì được tôi. Bởi chỉ có một số ít ỏi hiểu về Việt Nam, nhưng, có điều, kiến thức và kinh nghiệm của họ về Việt Nam lại là về lĩnh vực quân sự, hay nói cách khác liên quan tới Chiến tranh Việt Nam, chứ không phải về kinh tế - thương mại. Khi hai nước chúng ta bắt đầu quá trình bình thường hoá quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại rất nhỏ, còn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam lại càng nhỏ hơn.
Tôi không biết phải kỳ vọng như thế nào, hay, nói cách khác, sự kỳ vọng của tôi là tiến trình sắp tới sẽ đầy rẫy khó khăn.
Nhưng khi chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán, tôi nhận ra điều tương tự từ phía Việt Nam. Họ cũng chẳng mấy hiểu về quan hệ thương mại với Mỹ. Việt Nam đã ký một số hiệp định thương mại song phương (BTA) nhưng không có cái nào giống như cái hiệp định mà hai bên chuẩn bị đàm phán.
Điều duy nhất tôi mà tôi thực sự tin tưởng lúc đó là Mỹ nên đạt được hiệp định thương mại với Việt Nam, vì chiến tranh đã qua được 20 năm rồi, và Việt Nam có tiềm năng của một thị trường mới nổi, cũng như Việt Nam cần tiếp cận được thị trường Mỹ để phát triển.
Tại sao ông lại được chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán?
Vị trí lúc đó của tôi là phụ trách khu vực Đông Nam Á trong Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Tôi có những kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thương mại với Thái Lan, Indonesia, hay Malaysia. Và khi quyết định đàm phán BTA được đưa ra, bà Barbara Barshefski (Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ) bảo tôi: "Anh phụ trách mảng ASEAN, vậy anh sẽ là trưởng đoàn đàm phán BTA với Việt Nam."
Ngoài ra, còn một lý do nữa, cũng hơi buồn cười. Đó là, nếu ông Sếp trực tiếp của tôi, người phụ trách cả khu vực Đông Á, muốn nhận trọng trách này, hẳn đã không đến lượt tôi. Nhưng ông ta, người thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam, đã vừa cười vừa nói với tôi: "Tôi muốn cứu đời mình, bằng cách không can dự vào câu chuyện Việt Nam. Vậy cậu hãy làm trưởng đoàn đàm phán."
Trước đó, ông đã từng tiếp xúc với người Việt Nam nào chưa?
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt, là vào tháng 12.1995, khi tôi sang Việt Nam trong một đoàn lớn, do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế Al Larson dẫn đầu, sang bàn về kinh tế nói chung. Bởi có rất nhiều mảng nhỏ khác nhau trong câu chuyện bình thường hoá quan hệ kinh tế, như các chương trình tín dụng của EXIMBANK, OPIC, hay quan hệ thương mại... Tức là chưa có đàm phán gì cả, mà hai bên chỉ mới dừng ở mức giới thiệu những mảng cần thúc đẩy cho nhau.
Ông thấy cuộc đàm phán giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ khác với cuộc đàm phán giữa Joseph Damond và Nguyễn Đình Lương như thế nào?
Trong cuộc đàm phán ở Paris, phía Việt Nam có thể chờ đợi, có thể tìm cách "giết thời gian", bởi họ biết rằng lúc đó Mỹ muốn rút chân khỏi Việt Nam để khỏi sa lầy thêm nữa. Tức là thời gian ủng hộ họ.
Nhưng cuộc đàm phán ở Hà Nội và Washington thì ngược lại. Chúng tôi có thể chờ đợi, bởi thị trường Việt Nam còn lâu mới quá quan trọng với nước Mỹ. Trong khi Việt Nam, ít nhất là đoàn đàm phán của ông Lương, nóng lòng muốn đạt được hiệp định để có thể tiếp cận được thị trường Mỹ mà phát triển kinh tế.
Hơn nữa, tôi còn trẻ, tôi có thể đợi thêm một hai năm để trở lại bàn đàm phán. Còn ông Lương đã lớn tuổi rồi, chờ đợi với ông là việc khó khăn hơn nhiều.
Ông Joe Damond và ông Nguyễn Đình Lương tại hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện BTA tại Hà Nội, 9.12.2011
|
Ông rút được kinh nghiệm gì từ cuộc đàm phán giữa ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger? Những điều mà ông Thọ kiên quyết đòi hỏi từ phía Mỹ, tức là chuyện đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến với số tiền 3,25 tỷ USD, và ông Kissinger bị ép phải cam kết, nên ông ta đã "khéo léo" chuyển vào bức công hàm của Tổng thống Nixon, và cuối cùng, việc thực thi vẫn phụ thuộc vào quốc hội.
Liệu có phải điều quan trọng nhất đối với một hiệp đinh được ký là tính khả thi của nó?
Đó là một trong những điều ông Lương đã lưu ý chúng tôi. Tức là phía Việt Nam muốn khẳng định rằng họ thực sự hiểu những gì phía Mỹ yêu cầu. Điều dễ nhất là ký BTA để Việt Nam được hưởng qui chế thương mại bình thường (NTR) từ phía Mỹ. Nhưng quá trình đàm phán kéo dài lâu hơn vì cả hai chúng tôi muốn biết chắc là chúng tôi thực sự hiểu những điều cam kết, và tin chắc vào khả năng thực hiện chúng.
Trước khi đàm phán, ông hình dung thế nào về đối tác của mình? Một nhà đàm phán tương tự như Lê Đức Thọ, người mà Kissinger trong hồi ký của mình đã ước gì không phải gặp trên bàn đàm phán, vì luôn bị ông Thọ chỉ trích gay gắt, nhiều khi đến mất mặt?
(Bật cười) Tôi không biết cụ thể về lịch sử cuộc đàm phán đó, bởi tôi chỉ đọc cuốn sách của Kissinger trong quá trình đàm phán, chính xác hơn là khi đàm phán sắp xong.
Tại sao?
Tôi không muốn bị ám ảnh bởi quá khứ chiến tranh, không muốn bị mặc cảm bởi quá khứ đó. Tôi cũng không hiểu điều đó đúng hay sai. Nhưng theo tôi nghĩ đã có quá nhiều người mang một hành trang quá nặng nề về Việt Nam rồi. Tôi còn trẻ và tôi may mắn vì không phải mang cái ký ức đau buồn đó, vậy tội gì vận vào mình cho khổ.
Đây là một kỷ nguyên mới, vậy tôi nên hiểu về Việt Nam theo những trải nghiệm riêng của mình. Và cũng nên có chính kiến riêng của mình.
Điều tôi băn khoăn là không hiểu một đối tác như ông Lương, người đủ già để có một trải nghiệm về cuộc chiến, lại học ở Liên Xô, nơi có một cơ chế kinh tế tập trung, lại có thể đi đến cùng trong một hiệp định thương mại dựa trên các nguyên tắc thị trường.
Và thực tế thì sao?
Tôi nghĩ Lương rất thẳng thắn và cởi mở. Ông nói thẳng cho tôi biết những vấn đề mà phía Việt Nam gặp phải để tôi hiểu, và như vậy cuộc đàm phán có thể đạt được tiến bộ.
Điều thứ hai ông nói thẳng với tôi, khi gặp riêng, rằng trong đoàn đàm phán của Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều bộ.
Ông Lương còn dặn tôi tôi là không nên nói năng kiểu ngoại giao. Bởi như vậy, phía Việt Nam sẽ khó nắm bắt được lập trường của phía Mỹ.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ con người giữa hai nhà đàm phán. Ông nói với tôi rằng ông đại diện cho hệ thống của đất nước ông, và ông muốn đàm phán tiến triển. Nhưng để đạt được điều này, ông cần phía Mỹ phải tiến theo cách này, hay làm theo cách kia. Ông không giải thích cặn kẽ với tôi, nhưng khẳng định với tôi rằng đây là chiến thuật cần thiết để đạt được tiến bộ từ phía Việt Nam.
Và ông đã tin?
Đúng. Ông đã nói thật, và nói đúng.
Nếu không phải là ông Lương mà là một người khác, hoàn toàn có thể là lập trường rất cứng rắn, và một thái độ cố gắng áp đảo người ngồi đối diện, nhất là một người còn trẻ như tôi, mới 33-34 tuổi. Hơn nữa, kể từ cuộc đàm phán Paris, Việt Nam nổi tiếng là có những nhà đàm phán rất cứng rắn.
Nhưng ông Lương đã thể hiện là một người hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung. Ông không hề "làm trò" (play game) trong khi đàm phán, mà rất thẳng thắn, và yêu cầu điều tương tự từ phía tôi, khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Điều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là một người già đời như ông, lẽ ra phải rất độc đoán, nhưng ông lại rất thoải mái. Vai trò của ông dường như là người điều tiết (moderator), và yêu cầu mỗi thành viên trong đoàn của mình phải đặt câu hỏi với phía Mỹ. Chứ không như tôi, một "kẻ độc đoán" (dictator), người luôn cố gắng kiểm soát đoàn mình và cuộc đàm phán từ phía Mỹ ở mức cao nhất.
Còn một điểm nữa, là khi tôi nêu câu hỏi, hay phát biểu lập trường của mình, ông không bao giờ nói rằng "ông Damond nói thế này, hỏi thế kia", mà luôn dùng cụm từ "phía Mỹ". Càng về sau tôi càng hiểu rằng cách nói sáng suốt đó đã giúp giảm thiểu những ác cảm có thể dành cho cá nhân tôi, từ phía đoàn đàm phán Việt Nam.
Theo ông khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống thương mại theo mô hình Xô Viết và theo GATT (Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch), cũng như WTO, là gì?
Chúng tôi chỉ đưa ra luật chơi, mở ra thị trường. Nhưng chúng tôi không áp đặt trước là lượng xuất khẩu của từng bên sẽ là bao nhiêu. Đó là khác biệt cơ bản giữa BTA mà chúng tôi bắt đầu đàm phán, với những BTA mà Việt Nam đã ký với các nước XHCN.
Tức là trong hiệp định mới này một luật chơi, công bằng nhất ở mức có thể, được xác định, còn tỷ số bao nhiêu là tuỳ theo cố gắng của từng bên, chứ tỷ số không được sắp đặt trước như trong các cuộc chơi trước đó của Việt Nam với các nước Comecon?
Chính xác. Và rất may điều nghi ngại lúc đầu của tôi đã sai. Ông Lương hiểu điều này, và hiểu rằng Việt Nam phải học chơi theo luật chơi mới, dựa trên các nguyên tắc của WTO. Bởi Liên Xô đã tan rã và hệ thống XHCN Đông Âu đã sụp đổ, tức là hệ thống thương mại mà họ đã thiết lập không còn tồn tại nữa.
Trong cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm thực thi BTA Việt - Mỹ, ông Lương nói rằng đây là BTA hoàn toàn mới đối với cả Việt Nam và Mỹ. Với Việt Nam thì rõ rồi, nhưng tại sao với Mỹ cũng vậy?
Thứ nhất, với hầu hết các nước trên thế giới, Mỹ trao qui chế tối huệ quốc (sau đổi thành qui chế thương mại bình thường - NTR) trên cơ sở đàm phán đa phương, chứ không cần phải đàm phán song phương.
Còn song phương, Mỹ chỉ ký với Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan, hay Czech. Những BTA này được ký trước 1994, khi vòng đàm phán Urugoay kết thúc để năm 1995 WTO đã thay thế cho GATT. Và với sự ra đời của WTO, hệ thống thương mại thế giới đã thay đổi đáng kể. Chúng ta có thêm khái niệm thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, và một số thứ khác.
Khi Việt Nam quyết định đàm phán BTA với Mỹ, họ đã tìm hiểu các BTA cũ đó, và nhận thấy rằng có quá nhiều thứ được đưa thêm vào.
Ông Lương nói sau khi đọc các BTA mà Mỹ ký với các nước XHCN, ông Lương thích nhất BTA Mỹ ký với Trung Quốc năm 1979. Ông đã trả lời thế nào?
Tôi còn nhớ tôi nói rằng BTA với Trung Quốc còn đơn giản hơn BTA với Liên Xô năm 1991. Tôi đã nói với ông Lương rằng đoàn tàu thương mại toàn cầu đang chạy, nếu muốn lên, Việt Nam phải nhảy lên giữa đường, chứ còn cứ muốn lên ở ga đầu tiên thì chẳng bao giờ lên được con tàu đó.
Còn một điều quan trọng nữa, là khi ký với Trung Quốc, trong khuôn khổ của chiến lược của Nixon-Kissinger, người Mỹ đã không hình dung được rằng sau này Trung Quốc lại có thể trở thành một mối đe doạ về kinh tế đối với Mỹ. Nhưng đến những năm '90, Trung Quốc đã nổi lên như một thế lực mạnh, cùng với Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến giữa những năm '90 Mỹ đã chịu nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản, còn hàng hoá của Trung Quốc thì tràn ngập nước Mỹ.
Chính vì vậy, Mỹ kể từ những năm '90, đã hết sức nghiêm túc trong việc đàm phán và ký kết các thoả thuận thương mại, trong chính sách thương mại của Mỹ nói chung.
Việt Nam có chấp nhận cách giải thích đó không?
Phản ứng của phía Việt Nam, mà tôi nhớ rõ đó là câu phản hồi của ông Lương, là Mỹ đã quá cứng rắn với Việt Nam do vấn đề lịch sử.
Tôi đã giải thích rằng điều đó chẳng liên quan gì đến quá khứ hết, rằng tôi không biết về lịch sử và cũng chẳng quan tâm đến nó. Thế nhưng điều quan trọng ở đây là một trăm ba mươi nước là thành viên của WTO lúc đó chấp nhận các nguyên tắc của WTO, vì vậy quan hệ thương mại Mỹ - Việt cũng không thể là ngoại lệ. Việt Nam nên chấp nhận phần lớn những nguyên tắc đó.
Phía Việt Nam lại muốn rằng phía Mỹ chấp nhận cư xử Việt Nam như một quốc gia non trẻ, cần thời gian để lớn, trước khi chấp nhận cách ứng xử, như một người trưởng thành. Tức là họ muốn đợi đến khi đàm phán gia nhập WTO.
Quan điểm của phía Mỹ là đây là câu chuyện đôi bên cùng có lợi, nên nếu Mỹ mở cửa thị trường cho Việt Nam, thì Việt Nam cũng phải đáp lại. Nếu Mỹ không có lợi ích gì ở Việt Nam, đời nào Quốc hội Mỹ thông qua được.
Bản thiết kế nội dung đàm phán đầu tiên là do phía Mỹ đưa ra?
Đúng vậy. Ông Lương đã yêu cầu phía Mỹ làm. Bản thiết kế đầu tiên ngắn thôi, khoảng 3-4 trang, nhưng bao hàm tất cả các lĩnh vực mà chúng tôi dự định sẽ đàm phán.
Chiến lược đàm phán ban đầu của tôi là hai bên sẽ đàm phán từng lĩnh vực trong đó, trước khi viết thành một bản hiệp định hoàn chỉnh. Nhưng ông Lương nói, cách đó sẽ không phù hợp với Việt Nam. Ông bảo rằng phía Việt Nam sẽ không thể hiểu một cách đại thể như vậy, họ cần nhận được những yêu cầu cụ thể từ phía Mỹ, chẳng hạn thuế suất phải cụ thể.
Tôi lại nói rằng đề nghị của ông Lương đã hoàn toàn đi ngược lại quan điểm đàm phán của tôi. Bởi tôi không muốn Mỹ là kẻ áp đặt.
Ông Lương giải thích ra sao?
Ông Lương nói ông cần như vậy, để về trình với chính phủ Việt Nam rằng phía Mỹ đã yêu cầu thế nọ thế kia. Tôi hiểu ông Lương cần như vậy cho câu chuyện nội bộ, và chúng tôi đã bỏ ra mấy tháng trời làm việc với luật sư của USTR để kết hợp những gì có trong các BTA mà Mỹ ký trước đó, với những cam kết mới xuất hiện trong khuôn khổ WTO.
Và đó là cơ sở để chúng tôi đàm phán tiếp.
Khi ông đưa bản thiết kế đầu tiên cho phía Việt Nam, ông Lương đã phản ứng ra sao?
Trong bức thư gửi cho tôi sau đó, ông Lương, mà tôi hiểu là lập trường của chính phủ Việt Nam, nói rằng Việt Nam là một nước nghèo, chậm phát triển, và chỉ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế (WTO) vào năm 2020.
Tôi trả lời lại rằng, tôi quả thực không nhớ là trong thư phúc đáp, hay trong đàm phán, chúng tôi không thể chờ đến 2020, tức là chờ 23 năm nữa. Nhưng điều thứ hai mới quan trọng.
Tôi nói: "Các ông nói Việt Nam là nước nghèo đói, chậm phát triển. Đúng, nhưng nguyên nhân mà Việt Nam nghèo đói và chậm phát triển là vì Việt Nam chưa chịu mỏ cửa thị trường cho thế giới bên ngoài, tức là chưa trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Việt Nam đừng coi nghèo đói và chậm phát triển là cái cớ để biện minh cho việc trì hoãn mở cửa thị trường, mà phải coi việc đóng cửa thị trường chính là nguyên nhân của nghèo đói và chậm phát triển. Vì vậy, nếu muốn trở nên giàu có, thịnh vượng hơn, các ông hãy nên làm theo những gì chúng tôi đề nghị. "
Chúng tôi cứ trao qua đổi lại như vậy, và dường như không đạt được sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc đàm phán chẳng có thêm bước tiến nào, cho tới khi tôi nhận được một bản fax vào đầu năm 1988.
(Còn tiếp...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét