Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Phóng sự ảnh Điện Quang

24 giờ trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu
Tuanvietnam xin giới thiệu những hình ảnh ghi lại trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên có mặt trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu, vùng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam.

LTS: Cách đây gần 10 ngày, phóng viên Huỳnh Phan của Tuanvietnam có chuyến đi về thăm quê gốc - xã Điện Quang, một trong ba xã thuộc vùng Gò Nổi (Điện Bàn) - nơi sinh ra nhiều danh nhân trong lịch sử của tỉnh Quảng Nam, chủ yếu thuộc những dòng họ lớn là họ Hoàng, họ Phan, họ Phạm Phú, họ Lê Đình...
Xã Điện Quang hiện cũng là địa phương được chọn để xây dựng mô hình nông thôn mới đợt 2.
Tuanvietnam xin giới thiệu những hình ảnh mà phóng viên này kịp ghi lại trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên có mặt trên quê hương, sau hơn 50 năm.
Thôn Kỳ Lam, một trong 11 thôn thuộc xã Điện Quang, vẫn còn nguyên dư âm Tết Nhâm Thìn với tấm băng rôn "Mừng Đảng - Mừng Xuân". Chiếc xe tình cờ chạy qua cổng thôn Kỳ Lam ở ngoài Bắc, nơi tác giả sinh ra, người ta gọi là xe công nông - một biểu tượng của liên minh công nhân - nông dân là hai lực lượng nòng cốt của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiếc cầu sắt Kỳ Lam, một di sản từ thời thực dân Pháp làm đường sắt Bắc Nam, vẫn còn sử dụng tốt, mặc dù lâu lâu vẫn phải gia cố và tân trang...
... Tuy nhiên, phần đường dành cho người đi bộ, hay cùng lắm là xe đạp ở hai bên cầu đường sắt, vốn quá hẹp nay chủ yếu dùng để phục vụ người đi xe máy. Những người dân địa phương thì bình thản như không, chứ ngồi sau xe Honda của đồng nghiệp Xuân Thi (SGTT) tác giả thực sự có cảm giác như đi qua cầu khỉ ở vùng sông nước Nam Bộ. Điều khác biệt ở đây là "khỉ đi xe máy".
Mấy quả mướp đắng (khổ qua), vài mớ rau bí, rau lang... hái trong vườn, bà nông dân này đã có thể quẩy ra chợ xã bán...
Một góc chợ quê.
Vừa liên lạc với cựu Chủ tịch xã Nguyễn Đức Chơi, cách đây 6 tháng đã lên huyện phụ trách mảng thu hút và phê duyệt đầu tư, tác giả đã được mời ngay đến dự đám giỗ ông ngoại của cựu Chủ tịch Chơi. Hôm đấy, trong thôn Kỳ Lam có hai đám giỗ, và cộng đồng dân cư trong thôn lại xẻ làm hai. Tuy nhiên, theo cựu Chủ tịch Chơi phong tục này cũng giúp cho người dân ở nông thôn gắn bó với nhau hơn.
Nói về tập tục giỗ chạp ở nông thôn, doanh nhân Võ Đức Cường của Doanh nghiệp "Lụa Việt" - một trong hai nhà đầu tư ở xã Điện Quang với một xưởng dệt lụa -, nhận xét: "Cứ hôm nào mà có giỗ chạp vào ngày thường là y như rằng hầu hết công nhân ở xưởng của tôi lại nghỉ ở nhà ăn giỗ. Phong tục này cũng là một trong những bất lợi cho những nhà đầu tư về nông thôn."
Những người con của Điện Quang thành danh ở bên ngoài luôn luôn là niềm tự hào của người dân và chính quyền địa phương. Họ cũng coi đây là những tấm gương để giáo dục truyền thống học hành và phấn đấu cho con cháu.
Tác giả được yêu cầu thay mặt cho "cộng đồng người Điện Quang xa xứ" tặng hoa chúc mừng Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến, nhân dịp ông được nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", trong buổi lễ tại hội trưởng UBND xã mà chính quyền quê hương tổ chức cho ông.
Photo: Xuân Thi
Ở bên ngoài, một con bê thui, một trong những đặc sản truyền thống.
Món nhộng trộn (chính giữa bàn tiệc) ăn cùng bánh đa, một món ăn truyền thống của vùng Gò Nổi - nơi nổi tiếng từ cả trăm năm nay với nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa - đã phải mua từ nơi khác. Đã 15 năm nay nghề trồng dâu - nuôi tằm truyền thống đã bị "chết" hẳn, do không tìm được đầu ra. Xưởng dệt lụa của Công ty "Lụa Việt" cũng phải lấy tơ từ nơi khác.
Đối diện với trụ sở Uỷ ban xã là một sân vận động lớn, nơi chiều chiều thanh thiếu niên trong xã ra tập bóng - một giấc mơ với đa số trẻ em thành phố. Đây cũng là nơi diễn ra Lễ Hội vào dịp Thanh minh (15.3 Âm lịch) hàng năm, kể từ năm 2009, hay các cuộc mít ting, thi đấu thể thao, hay biểu diễn văn nghệ.
Trước đó, các "công nhân" đã chăm sóc cho mặt sân cỏ không dầy quá, để các cầu thủ dễ đá. Những "công nhân" này được trả lương bằng chính sản phẩm của họ - một hình thức trả lương quen thuộc, nhất là ở miền Bắc, vào những năm '80 của thế kỷ trước (tiếng Anh gọi là pay in kind). Tuy nhiên, nhiều khi những "công nhân" này cũng gây khó chịu cho các cầu thủ, bởi "đống đồ nghề" mà họ bỏ quên tại nơi làm việc.
Hộc trưng bày, cũng cùng công năng như tủ trang trí ở thành phố) trong nhà cựu Chủ tịch Chơi.
Cựu Chủ tịch Chơi đang kể với tác giả về lịch sử, và tình hình kinh tế - xã hội - văn hoá của xã Điện Quang và đề án xây dựng nông thôn mới.
Theo cựu Chủ tịch Chơi, vùng Gò Nổi (được bao bọc bởi hai con sông Thu Bồn và Vu Gia) là địa phương duy nhất ở miền Trung có đất đai màu mỡ phù sa giống như vùng đồng bằng sông Cửu Long, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nhưng, đổi lại, năm nào vùng này cũng chịu một đợt lụt vào khoảng tháng 11 Tây.
Vì vậy, hầu như nhà nào cũng phải làm thêm gác xép để ở trong những ngày lụt.
Đến chuồng bò ở đây (trong ảnh) cũng phải làm thêm căn gác trên nóc.
Quán cà phê ở gần trụ sở Uỷ ban cũng phải xây thêm một căn gác, mặc dù bình thường diện tích ở dưới cũng chẳng bao giờ sử dụng hết. Ông chủ quán nói với tác giả là vào mùa lụt, thanh niên trong xã thường chèo thuyền thúng tới đây uống cà phê trên căn gác đó. Nhiều khi, chẳng biết làm gì trong những ngày lụt, họ còn mang rượu tới đó nhậu từ sáng tới chiều.
Một trong những điều mà lãnh đạo xã Điện Quang rất hãnh diện là họ đã xây dựng được mô hình thu gom rác tập trung, khiến diện mạo và tình hình vệ sinh ở địa phương được cải thiện rõ rệt. Mỗi hộ một tháng phải đóng trên dưới 10 ngàn đồng, tuy theo số nhân khẩu, và để bao rác ra trước cửa. Những nhân viên vệ sinh môi trường được hưởng lương, như người trong ảnh, sẽ hai ngày một qua từng tuyến đường mà thu gom rác, vào thứ 3-5-7, hay thứ 2-4-6, tuỳ theo thôn.
Mô hình chẵn - lẻ mà Hà Nội định áp dụng cho ô tô - xe máy, theo biển số, và bị người dân kịch liệt phản đối, lại được người dân nông thôn Điện Quang hưởng ứng nhiệt liệt và chứng tỏ sự hiệu quả của nó trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Nơi tập kết rác tạm, trước khi xã cho khánh thành cơ sở xử lý rác trong vài tuần tới. Bởi vì, vào dịp Lễ Thanh Minh, địa điểm này sẽ diễn ra Hội Ẩm Thực, với các gian hàng của bà con trong và ngoài xã.
Cựu Chủ tịch Chơi cho biết Trường Tiểu Học Phan Thanh (gọi theo tên của nhà Cách mạng Phan Thanh, cha của cựu Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn) chính là ngôi trường Bảo An nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám.
Theo cuốn "Địa chí xã Điện Quang" (NXB Văn học, 2011), Trường Tiểu học Bảo An (hệ thống 6 năm), là nơi những nhân vật nổi tiếng như mấy anh em học giả họ Hoàng (cố GS Hoàng Phê, cố GS Hoàng Quý, GS Hoàng Tuỵ và cố GS Hoàng Chúng), GS Lê Đình Kỵ; các nhà ngoại giao (cố Đại sứ Ngô Điền, cố Đại sứ Đinh Bá Thi), Phan Thao, hay nhạc sĩ Thuận Yến..., đã từng học.
Còn những thầy giáo của Trường Tiểu học Bảo An, người ta thấy có những cái tên như cố GS Lê Trí Viễn, cố Thi sĩ Khương Hữu Dụng...
GS Hoàng Tuỵ nói: "Cho tới bây giờ tôi vẫn con chưa hiểu vì sao và bằng cách gì trong hoàn cảnh đất nước còn bị đô hộ và toàn dân còn bị dìm trong nghèo đói và dốt nát mà các thầy ở một trường nông thôn như Bảo An đã có thể truyền đạt được cho học sinh của mình lúc đó niềm khao khát ánh sáng khoa học chân chính và nhen nhóm trong tuổi thơ của họ những ước mơ sau này biến thành những hoài bão lớn, những lý tưởng lớn chi phối cuộc đời của nhiều người..."
Cuối giờ chiều Chủ Nhật (26.2), tại Nhà thờ Tộc Hoàng, thôn Xuân Đài, đã diễn ra cuộc họp của ban tổ chức, để chuẩn bị cho Đại hội Tộc Hoàng lần thứ 2 (5 năm một lần).
Ban Thờ Cụ Phó Bảng Hoàng Diệu, Thượng Thư Bộ Binh, Tổng Đốc Hà Nội, người đã tuẫn tiết khi thành thất thủ, nằm ở góc bên trái Nhà Thờ Tộc Hoàng. Sắp tới, theo nguyện vọng của chính quyền địa phương (cho thuận tiện đối với đoàn khách tham quan), cũng như một số bậc tiên chỉ trong Tộc Hoàng, một Đền Thờ Hoàng Diệu sẽ được xây ở khu đất ngay bên cạnh, được một Việt Kiều trong tộc bỏ ra mua từ trước. Việc quyên góp trong ngoài tộc để đủ tiền xây đền thờ đang được tiến hành.

Dự lễ hội dòng tộc sinh ra Tổng đốc Hoàng Diệu
Ở nông thôn Việt Nam, câu chuyện lễ hội dòng tộc luôn là một nét văn hoá truyền thống. Ở phần 2 của phóng sự ảnh "24 giờ trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu", Tuanvietnam xin giới thiệu một lễ hội của chính dòng tộc đã sinh ra người anh hùng Hoàng Diệu.

Ở nông thôn Việt Nam, câu chuyện lễ hội dòng tộc luôn là một nét văn hoá truyền thống. Có thể từng người, ở từng lĩnh vực công tác khác nhau, có những cách nhìn khác nhau về tập tục này.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, đối với nội bộ một dòng tộc, những sự kiện này là một cơ hội để những người con đã rời quê hương đi lập nghiệp ở các vùng khác nhau trên đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài, có thể gặp lại nhau, nhận họ nhận hàng, và ôn lại truyền thống của dòng họ, từ đó mà giáo dục những thế hệ kế tiếp.
Ở phần 2 của phóng sự ảnh "24 giờ trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu", Tuanvietnam xin giới thiệu một lễ hội của chính dòng tộc đã sinh ra người anh hùng Hoàng Diệu, tổ chức tại xã Điện Quang, địa phương có tới 97 dòng tộc.
Một điều thú vị khác của dòng tộc Huỳnh (Hoàng) này là họ có mối quan hệ thông gia với những dòng tộc nổi tiếng khác như tộc Phan, tộc Phạm Phú, tộc Lê Đình, hay tộc Bùi của cố thi sĩ Bùi Giáng.

Đại hội Tộc Hoàng (Huỳnh) bắt đầu bằng cuộc hành hương của hai nhóm tộc Hoàng từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tới khu mộ của dòng tộc tại Nghĩa Trang Bạc Hà, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam...
Photo: Hoàng Dũng
Thắp hương tại mộ Đức Thuỷ tổ tộc Huỳnh (Hoàng) Xuân Đài - Huỳnh Đại Lang Phủ Quân, tức Huỳnh Văn Phổ (1572-1679), vốn quê ở Làng Huệ Trù, huyện Minh Chánh, Phủ Nam Sách, Hải Dương. Theo câu chuyện lưu truyền qua nhiều đời trong nội bộ dòng tộc, Đức Thủy Tổ vốn gốc gác họ Mạc, thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, và sau khi nhà Mạc bị lật đổ, ông đã chạy vào Xuân Đài và cải họ thành họ Huỳnh.
Photo: Hoàng Dũng
Các con cháu nội ngoại của tộc Hoàng (Huỳnh) ghi danh nhận thẻ ghi tên, chi và đời, cho họ hàng dễ xưng hô, và đóng góp để bù đắp chi phí tổ chức đại hội.
Chủ tịch HĐQT Công ty Rượu Hà Nội Hoàng Nguyện (đứng ở bìa phải) "tài trợ" mấy thùng rượu Vodka Hà Nội - "của nhà nấu được".
Paul Phạm Phú, hậu duệ của Quan Đại thần Phạm Phú Thứ, hiện là kỹ sư điện tử của Công ty Powervamp tại Anh Quốc, cùng bạn gái Estella, sinh viên trường ngoại ngữ ở Paris (tiếng Anh và Tây Ban Nha) lần đầu tiên dự một sự kiện dòng tộc kiểu này tại Việt Nam. Bà nội của người thanh niên sinh ra ra và lớn lên tại Pháp này vốn là con gái họ Hoàng làm dâu bên họ Phạm Phú. Paul cho biết anh cảm thấy thích thú với kiểu giáo dục về truyền thống dòng tộc như thế này, và qua sự kiện này anh cũng biết thêm được một số điều bổ ích về những nét văn hoá quê hương.
Nhận họ nhận hàng, và phân ngôi thứ. Bà Hoàng Châu Thanh (người chỉ tay), con gái cố GS Hoàng Phê, giới thiệu với mấy người bà con rằng ông Chủ tịch Công ty Rượu Hà Nội chính là con trai của cố Hoạ sĩ Hoàng Kiệt. Chất "men say" từng tạo nên một họa sĩ Hoàng Kiệt tài hoa và đam mê đã chuyển hóa thành "men rượu" để người con trai ông tạo dựng nên một thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường rượu Việt.
Nhạc công "nhị điện" đang so dây chuẩn bị cho lễ tế trong nhà thờ tộc Hoàng (Huỳnh).
Nhân vật chính được chọn trong lễ tế lần này là Hoàng Minh Đông (đang quỳ) - con trai của cố GS Hoàng Quý.
Mấy cô cháu bên ngoại ngồi bên ngoài tranh thủ "tám", nhưng sợ các cụ mắng nên lấy áo trùm kín đầu.
Một vị tiên chỉ trong tộc đang đọc bài văn tế.
Phóng viên Xuân Thi (SGTT), người đồng hành với tác giả trong chuyến đi này, tranh thủ học hỏi kỹ thuật chụp "phóng sự ảnh" qua bộ ảnh về đại hội lần thứ nhất.
Sau lễ tế trong nhà thờ tộc, mọi người trở lại khu đất bên cạnh, nơi dự định sẽ dùng để xây dựng đền thờ riêng cho cụ Hoàng Diệu, để ăn cỗ.
Trong ảnh là phút "xả súp páp" của ông Hoàng Gia Phúc (bìa trái), thành viên chủ chốt của ban tổ chức, sau một ngày đêm vất vả.
Nhận họ hàng và phân ngôi thứ trong cuộc nhậu. Chỉ vì trí nhớ không rõ ràng của một ông chú, khi bảo "ông nội thằng ni là anh ông nội mi", rồi lại cải chính thêm 2 lần nữa, mà hai "ông cháu" phải "đi" hết 3 chai vodka Hà Nội nhỏ.
Photo: Xuân Thi
Tan lễ hội, ông Hoàng Gia Việt tranh thủ sang nhà ông Giao Hữu Thiệt, người cùng lứa với cố GS Hoàng Chúng tại Trường Tiểu học Bảo An và sau này trở thành giáo viên ở ngôi trường này, để nghe kể chuyện những người chú của ông, như ông Đốc Dư (Huỳnh Dư) và người em trai Hoàng Phê về Điện Quang phát động phong trào truyền bá quốc ngữ như thế nào; hay Hoạ sĩ Hoàng Kiệt về mở lớp vẽ và triển lãm tranh cho trẻ con ở Điện Quang ra sao...
Trong khi đó nhóm hỗn hợp từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tranh thủ ra thắp hương tại mộ cụ Hoàng Diệu, nằm ngoài cánh đồng thôn Xuân Đài.
Trong ảnh là cô cháu nội của GS Hoàng Tuỵ đọc tấm bia ghi công đức của cụ Hoàng Diệu.
Photo: Hoàng Dũng
Cựu Chủ tịch Chơi cho tác giả biết sắp tới con đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất sẽ chạy ngang qua đây, và mộ cụ Hoàng Diệu sẽ "ra mặt đường" - một "good news"!
Còn "bad news", theo ông Chơi, là chính quyền xã rất lo lắng về phươg án bảo vệ khu mộ của cụ Hoàng Diệu vào mùa lụt. Bởi ngay khi chưa có đường cao tốc, khu mộ cao hẳn so với phần còn lại của cánh đồng vẫn bị ngập (dấu vết của phù sa vẫn còn trên nền bê tông).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét