Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Loạt ký sự Điện Quang

Chuyện ông Bảng kẻ “ô bàn cờ”
"Khi đó, tôi nghĩ rằng chính quyền Cách mạng về, làm gì thì cũng phải làm lợi cho dân hơn, làm đẹp hơn cái chính quyền cũ đã làm thì hẵng làm. Thôi thì cứ chia ô bàn cờ là đơn giản nhất. Vừa đẹp, mọi người lại vừa đỡ đỡ ‘théc méc’ chuyện thiệt hơn”, - Võ Bảng, Bí thư Điện Quang giai đoạn 1975-1982.

LTS: Việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, do Ban Bí thư TW phát động, đã sắp kết thúc ba năm thí điểm, với một loạt xã được chọn làm thí điểm đợt 2. Trong số đó có Điện Quang (Điện Bàn, Quảng  Nam), nơi phóng viên Tuanvietnam vừa thực hiện chuyến đi tìm hiểu cách đây 2 tuần.

Điều khác biệt của Điện Quang so với các xã được lựa chọn khác, là việc bắt đầu xây dựng nông thôn mới đã bắt đầu ngay từ ngày đất nước thống nhất. Và ngay từ ngày đó, lãnh đạo của cái xã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh này đã biết biến cái bất lợi đó thành một lợi thế.

Đó là tiến hành qui hoạch lại khu dân cư theo kiểu "ô bàn cờ" - điều mà mấy chục năm sau mới có duy nhất một đô thị ở Việt Nam là Đà Nẵng làm được. (Nha Trang là do người Pháp qui hoạch.)
29.3 tới là kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Đà Nẵng. Theo ông Ngô Văn Văn Dũng, người vừa thôi chức Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng nhưng vẫn là thành viên Hội đồng Nhân dân, năm nay, cũng như những năm lẻ khác, sẽ chỉ có một buổi gặp mặt giữa những cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ, các cựu chiến binh và những người có công.
Còn với đông đảo người dân Đà Nẵng, nhất là thế hệ trưởng thành sau năm 1975, dường như đó sẽ là một ngày bình thường. Bởi sẽ không có diễu hành quần chúng.
Nhưng đối với một người đàn ông sống cách Đà Nẵng 40 km về phía Nam, vào ngày này cách đây 37 năm mới là một cậu bé 12 tuổi, đó luôn là một kỷ niệm khó quên.
"Đà Nẵng vừa được giải phóng hôm trước thì hôm sau, cha tôi kéo hai chị em tôi đến chiếc xe bò đã chất sẵn một ít vật dụng và lương thực, thực phẩm, và nói gọn lỏn: Về quê. Thế là ba cha con chúng tôi, người kéo người đẩy, theo quốc lộ đi về quê", Tân Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Điện Bàn (Quảng Nam) Nguyễn Đức Chơi nói. (Huyện Điện Bàn trước đó 6 ngày đã được giải phóng.)
Gia đình Nguyễn Đức Chơi, quê ở xã Điện Quang, tản cư ra Đà Nẵng năm 1969, sau hai cuộc "chà xát" qui mô lớn của quân đội Mỹ và Sài Gòn vào một trong những căn cứ địa Cách mạng ở đất miền Trung này. Hầu hết, những gia đình khác ở Điện Quang cũng đi tản cư ra Đà Nẵng, Thăng Bình, Quế Sơn, hay nhiều nơi khác.
"Ba tôi nói rằng về quê hương mình ăn hạt muối cũng sướng. Nhà tôi có mảnh vườn, nay đã là mặt tiền nhà phố ở Đà Nẵng, cũng bỏ luôn", ông Chơi nói.
Khác với ở nhiều nơi, trẻ em ở đây "cưỡi ngựa gỗ" trên những chiếc vỏ bom. Ảnh tư liệu Điện Quang
Ba cha con ghé qua Vĩnh Điện mượn một chiếc ghe nang, chèo dọc theo dòng sông Thu Bồn về tới cầu Kỳ Lam. Lúc đó đã 6 giờ tối. Họ cặp thuyền vô bãi cát, nổi lửa nấu ăn, rồi ngủ ngay trên bãi cát, để sáng sớm hôm sau bắt đầu quá trình đi tìm vườn. Trong vòng mấy tháng kể từ khi Đà Nẵng được giải phóng, nhiều hộ dân gốc Điện Quang cũng lục tục trở về quê, và bắt đầu quá trình tái định cư. Ông Chơi cho biết đây thực sự là một cuộc khai phá đất đai thực sự.
"Chúng đã nhiều lần dùng B52 và chất độc hóa học rải thảm, cày ủi để biến Điện Quang thành vùng đất trắng. Vùng Gò Nổi (nay gồm ba xã Điện Quang, Điện Phong và Điện Trung) cũng là mảnh đất hứng chịu những trái bom thừa do không quân Mỹ thả xuống, trước khi trở về căn cứ Đà Nẵng. Cũng vì mức độ tàn khốc của cuộc chiến ở khu vực này mà người ta thường hay nói:  "Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi".
Hồi đó, chỉ có cán bộ xã, thôn và những gia đình có liên quan đến Cộng sản ở lại bám trụ, vì sợ đến những chỗ mới bị chính quyền Sài Gòn truy nã. Trên mảnh đất có 1600 héc ta đất mà chỉ có vỏn vẹn hơn một trăm người ở lại bám trụ.
Kết thúc chiến tranh, riêng xã Điện Quang đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, với 115 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, và 1.165 liệt sỹ và 312 thương bệnh binh", - cựu Chủ tịch Điện Quang Nguyễn Đức Chơi.
Nhờ có vàng bạc tích lũy trong quá trình tản cư, nhiều hộ dân đã không gặp khó khăn về kinh tế trong quá trình khai hoang, vỡ hóa đất đai. Trở ngại lớn nhất đối với họ lại chính là số lượng bom, hay rốc két, còn nằm trong lòng đất.
"Thỉnh thoảng lại nghe đùm một cái. Nếu không có người  chết, thì cũng bị thương, thậm chí mất chân, mất tay", ông Chơi nhớ lại.
"Bây giờ anh ra, thấy đồng ruộng bằng phẳng, nhưng ngày xưa có hàng ngàn tấn bom rải ở đây. Hơn nữa, do đồng ruộng, vườn tược đã bỏ hoang từ lâu, nên cây dại mọc lên trông như một khu rừng. Đêm nằm ngủ thì nghe chim rừng véo von, còn ban ngày, thỉnh thoảng, cha tôi và các bác, các chú, còn săn được heo rừng nữa", ông Chơi nói.
Nhưng thành công đó, tuy với cái giá không hề nhỏ, chưa phải là kỳ tích thực sự mà chính quyền và người dân Điện Quang đã làm được trong những năm tháng xây dựng nông thôn thời hậu chiến.
"Kỳ tích thực sự mà Điện Quang đã làm được trong những năm tháng đó chính là đã qui hoạch lại khu dân cư ở nông thôn và đồng ruộng theo kiểu bàn cờ, và, có thể nói, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng lại nông thôn mới, theo những tiêu chí "nông thôn mới" của Chính phủ, ngay từ tháng 8.1975", cựu Chủ tịch xã Nguyễn Đức Chơi quả quyết.
Thời điểm 8.1975 mà ông Chơi nhắc đến gắn với việc lãnh đạo huyện Điện Bàn cử ông Võ Bảng, nguyên là Bí thư xã Điện Quang thời kỳ 1970-1973, được bổ nhiệm làm Bí thư một xã Điện Quang mới (gồm hai xã Điện Quang và Điện Hồng sáp nhập lại).
Chuyện ông Bảng kẻ "ô bàn cờ"
"Nguyên thủy của xã Điện Quang là làng mạc nó không ở tập trung thế này, nhà ở rải rác, đường đi thì nhỏ, lại đi ngoằn ngoèo. Nhưng do bom đạn chiến tranh, khu vực này trở nên tan hoang, ranh giới cũ cũng chẳng còn nữa, nên khi về đây thấy chỗ nào còn khả dĩ bằng phẳng thì chúng tôi tiến hành tái định cư.
Bất lợi của 4 lần địch chà ủi trong chiến tranh (1968, 1969, 1971 và 1973) lại là ưu thế cho việc qui hoạch lại", ông thầy thuốc Đông y Võ Bảng, năm nay đã bước sang tuổi 66, thủng thẳng bắt đầu câu chuyện.
Bản đồ quy hoạch xã Điện Quang
Vừa về nhận chức bí thư, ông bàn với lãnh đạo xã rồi cho tiến hành phân cụm, phân lô.
Ông cho lấy con đường, hiện nay đã trở thành tỉnh lộ, làm cái trục chính, rồi cứ đếm đủ 10 hộ, mỗi hộ được phân 600 m2 (mặt tiền 20m và chiều sâu 30m)  là làm một con đường cắt ngang. Phía sau con đường tỉnh lộ đó lại cho làm một con đường song song, với 10 hộ nữa "đấu đít" với 10 hộ ở mặt tiền tỉnh lộ. Như vậy, mỗi ô bàn cờ có tổng cộng 20 hộ.
"Hồi đó, toàn cây dại mọc um tùm, nên tôi phải cho phóng sào tre, rồi cắm cờ làm mốc. Bà con từ đó mới chặt cây dại, rồi cải tạo thành vườn và dựng nhà", ông Võ Bảng nói.
Khi chúng tôi hỏi liệu ông có đọc sách, hay mục sở thị mô hình qui hoạch đó ở đâu không, mà làm hay vậy, ông mủm mỉm cười:
"Tôi do điều kiện mồ côi, học hành ít, làm gì có điều kiện đọc sách, hay đi ra khỏi địa bàn huyện Điện Bàn, mà bảo học hỏi được từ người khác. Trong chiến tranh chỉ lo chống càn, chiến đấu thôi à.
Chỉ có điều, khi đó, tôi nghĩ rằng chính quyền Cách mạng về, làm gì thì cũng phải làm lợi cho dân hơn, làm đẹp hơn cái chính quyền cũ đã làm thì hẵng làm. Thôi thì cứ chia ô bàn cờ là đơn giản nhất. Vừa đẹp, mọi người lại vừa đỡ 'théc méc' chuyện thiệt hơn."
Theo ông, trước đây nhiều hộ dân chỉ được cớ 5-6 thước đất, ở chen chúc nhau, nay được phân 1,2 sào (ở miền Trung một sào rộng 500 m2), nên rất phấn khởi. Ông giải thích thêm rằng sở dĩ ông chỉ đạo cho phân một lô theo tỷ lệ 20.30 là vì như thế chuồng trâu bò và chuồng heo cách xa vừa đủ với nhà ở, đỡ mất vệ sinh.
"Nhưng chắc hẳn có những hộ trước kia có đất thổ cư và đất vườn rộng hơn 600 m2 chứ, chẳng lẽ họ không phàn nàn gì sao?", chúng tôi hỏi lại.
Ông lại cười: "Tư tưởng dân cũng thuận lợi. Anh nào theo chế độ cũ thì rất lo ngại, còn những người ở lại bám trụ thì "thông" lắm. Họ nói chiến tranh khốc liệt như vậy mà may còn sống sót được, thì đó là cái phước lớn nhất rồi, còn nay hòa bình lập lại, mấy cái tư hữu đó ăn thua gì."
Ông Võ Bảng, Bí thư xã Điện Quang thời kỳ 1975 - 1982
Cách ông làm cũng rất minh bạch. Gia đình có công với Cách mạng được ưu tiên chọn trước, sau đó mới cho tiến hành bốc thăm chọn lô. Còn những nơi có nhiều hố bom thì tiến hành san lấp và bố trí cho những hộ trở về sau.
Xong phần qui hoạch khu dân cư, ông Võ Bảng lại bắt tay vào việc cải tạo đồng ruộng để phục hồi sản xuất nông nghiệp. Và trở ngại đầu tiên đối với vị Bí thư mới ngoài 30 tuổi đời này là câu chuyện di dời mồ mả.
"Lúc đó, tôi có suy nghĩ thế này, nhìn về quê hương mình, nghĩ lại về quá khứ, thấy đó là một nơi hiển hách, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân của đất nước, mình học cha ông không được nhiều thì cũng cố được chút ít cái hay. Cho nên, về đường lối chủ trương không được trái với Đảng và Nhà nước là được, nhưng mục tiêu phải làm sao cho đời sống dân mình khấm khá lên. Từ đó, tôi mới 'đẻ' ra nhiều sáng kiến", ông bộc bạch.
Theo ông nhớ, hồi đó đụng vào chuyện mồ mả ở nông thôn là căng thẳng lắm. Phải đi vận động từng nhà một, nói với họ rằng "người đẻ thêm mà đất thì không đẻ, nếu cứ để mồ mả ngoài ruộng như vậy, lấy đâu ra đất sản xuất để đời sống no ấm lên được".
Ý ông nghe hợp tình hợp lý là vậy, nhưng thực hiện thì không đơn giản. Ông phải tổ chức những người ở lại bám trụ trong trong thời gian chiến tranh làm nòng cốt, rồi bổ sung thêm những anh em trẻ có học hành, có nhiệt huyết, và bồi dưỡng cho họ cách vận động bà con. Còn ông chỉ lo việc kiểm tra, đôn đốc.
"Chỉ có những hộ nào anh em không thể thuyết phục nổi, tôi mới trực tiếp đi làm. Mình có phải ba đầu sáu tay đâu mà bao đồng", ông nói.
Lần lần, người nọ nghe, người kia nghe, rồi thành phong trào di dời mồ mả. Nhưng cũng phải đến năm 1980, xã Điện Quang mới hoàn tất cuộc di dời mồ mả sang khu vực được qui hoạch ở xã Thanh Châu (huyện Duy Xuyên) - quê hương của cố Thi sĩ Bùi Giáng.
(Duy chỉ có mộ của cụ Hoàng Diệu là trường hợp ngoại lệ, bởi theo cựu Bí thư Võ Bảng, đó là một di tích lịch sử của cả nước.)
"Ngay từ trong những năm chiến tranh, tôi luôn có suy nghĩ là làm cách mạng là phải làm những gì có lợi cho dân mình, có lợi cho Tổ quốc, chứ không phải chỉ có thuận lợi cho lãnh đạo. Như vậy, dù việc có khó mấy mình vẫn tranh thủ được lòng dân mà làm", ông đoan chắc.
Cho đến khi thôi làm bí thư xã vào năm 1982, để chuyển lên Ủy ban Mặt trận huyện Điện Bàn, ông cùng với ban lãnh đạo xã đã vận dụng tốt cái chủ trương mà mà sau này được coi là một sai lầm lớn là xây dựng "mô hình hợp tác xã cấp cao" với trình độ và tư liệu sản xuất còn hạn chế, tức là, theo lời của ông, "quốc hữu hóa mọi thứ từ ruộng đất, cày bừa, trâu bò, và cả sức lao động của mình nữa", để tạo dựng nền móng cho việc xây dựng một nông thôn mới ở xã Điện Quang.
"Trong 5 năm đầu xây dựng hợp tác xã theo kiểu miền Bắc, nhờ có chủ trương công hữu hóa đất đai chúng tôi mới thúc đẩy mạnh được việc di dời mồ mả, để qui hoạch lại đất sản xuất. Mô hình hợp tác xã cũng đã giúp cho chúng tôi có thể huy động được một lực lượng lớn nhân lực cho việc cải tạo lại mảnh đất, vốn đầy rẫy những hố bom và cả bom đạn nằm trong lòng đất, biến nó thành đất sản xuất. Đó là chưa nói tới hạ tầng thủy lợi và điện cũng được xây dựng trong giai đoạn này", ông Nguyễn Đức Chơi, người mà khi ông Võ Bảng thôi chức Bí thư mới đi học trung cấp nông nghiệp, rồi đại học, để khi trở về vào năm 1988, lúc chủ trương khoán hộ bắt đầu được triển khai ở Điện Quang, đã tiếp nối cái quá trình xây dựng nông thôn mới mà ông Võ Bảng để lại, đỡ lời.
"Khi hạ tầng đã ổn rồi, thì những bất cập của mô hình hợp tác xã, nhất là việc biến người nông dân trở thành người lao động công nhật theo tư tưởng "cha chung không ai khóc", mới bộc lộ ngày một rõ ràng. Chúng tôi cũng muốn thay đổi, nhưng lại ngại ngần, bởi việc không chấp hành chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước bị qui kết trách nhiệm lớn lắm", ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTX Điện Quang kể từ năm 1982 đến tận bây giờ, người đã chứng kiến việc chuyển đổi mô hình HTX từ quản lý nhà nước và tổ chức sản xuất sang cung cấp dịch vụ, bổ sung thêm.
Ông Võ Bảng sinh vào cuối năm 1946, vào khoảng thời gianm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Cậu bé Võ Bảng mồ côi cha mẹ từ sớm, và nhờ bà con họ hàng mà học hết tiểu học, trước khi đi theo ông dượng học nghề thuốc đông y để tự mưu sinh.
Tuy nhiên, chưa kịp hành nghề thuốc, thì phong trào Cách mạng nổi lên ở Điện Quang, và chàng trai Võ Bảng đã tham gia chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bám trụ giữ quê hương. Rồi khi hòa bình lập lại, ông lại đi đầu trong việc xây dựng lại nông thôn mới trên quê hương mình.
Ông chỉ trở lại với nghề thuốc sau khi lên làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận huyện Điện Bàn, khi được thọ giáo ba vị danh y thuộc Hội Đông y Điện Bàn - một thành viên của mặt trận -, và chính thức hành nghề sau khi đã nghỉ hưu.
Người viết cũng đồng ý với ông, “nông thôn mới” hay “nông thôn cũ”, xét cho cùng, chỉ là vấn đề câu chữ. Điều quan trọng nhất là người dân nông thôn, nhất là giới trẻ, cảm thấy hạnh phúc, gắn bó với vùng quê mình đang sống, và hãnh diện về nó. Chứ không phải theo trào lưu “thả mồi bắt bóng” mà tìm đến chốn đô thành, để trở nên những công dân hạng hai, hạng ba ở đó!


Tác giả xin phép được nói rõ rằng câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Điện Quang là một câu chuyện nghiêm túc, có bài có bản và được phê duyệt đàng hoàng, chứ không phải chuyện nói chơi, hay nói cho "sang miệng". Cụm từ "Chuyện Chơi" ở tiêu đề là câu chuyện kể của ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Hạ tầng & Kinh tế huyện Điện Bàn, nguyên là Chủ tịch UBND xã Điện Quang, với tác giả.
"Anh biết vì sao tôi được huyện lấy lên phụ trách mảng phát triển hạ tầng & kinh tế không? Đó là vì trong 7 năm làm chủ tịch xã ở đây tôi đã cùng lãnh đạo xã xây dựng cho Điện Quang một giai đoạn phồn vinh, và Điện Quang đã trở thành một xã toàn diện của huyện Điện Bàn", ông Nguyễn Đức Chơi vừa pha trà mời chúng tôi, cũng vừa theo ông về nhà sau bữa "nhậu" ở đám giỗ bà nội của ông, vừa bắt đầu cuộc trò chuyện.
Cái "phồn vinh" mà ông Chơi nói xã Điện Quang đã bê tông hóa được tổng cộng trên 30 cây số đường giao thông trong xã, với mặt cắt từ 2 mét đến 4 mét (chủ yếu là 3 mét), hạ tầng thủy lợi và điện để ba phần tư đất sản xuất nông nghiệp được bảo đảm nước tưới. Đó là chưa nói tới hệ thống hạ tầng về giáo dục và y tế đều đạt chuẩn quốc gia.
"Nhưng cái tôi thích nhất là cần việc gì, từ triệu tập họp hành đến gọi xe đưa vợ đi sinh, cứ bấm điện thoại là xong. Hầu hết người dân đều có điện thoại bàn, hay điện thoại di động", ông Chơi hồ hởi khoe.
Cựu Chủ tịch xã Điện Quang Nguyễn Đức Chơi, nay là Trưởng phòng Hạ tầng & Kinh tế huyện Điện Bàn. Photo: Huỳnh Phan
Ông cũng cho biết thêm rằng cái khu vực cù lao nằm giữa hai nhánh sông mang tên Gò Nổi này đã không còn bị biệt lập với các vùng khác trong tỉnh, trong nước, thậm chí nước ngoài nữa, nhờ hệ thống Internet dùng luôn mạng điện thoại, và cả 3G nữa. "Các thầy cô giáo ở đây đều có máy tính xách tay hết, nên không lo lạc hậu về kiến thức để dạy học trò", ông Chơi nói.
(Tác giả đã kiểm chứng điều này, khi hơn 9 giờ tối mới gọi điện cho ông xin vài tấm ảnh tư liệu, và nhận được ngay qua email sau 15-20 phút.)
Có một điều mà ông Chơi quên không khoe, nhưng tác giả đã tự phát hiện ra khi lên mạng tìm thêm thông tin viết bài - đó là xã này có hẳn một website riêng (dienquang.net) với máy chủ nằm tận ở "hải ngoại" (Đà Nẵng). Mặc dù, nội dung được đăng tải trên website này vẫn cần phải cải thiện rất nhiều, nhất là với mục tiêu là quảng bá địa phương nhằm kêu gọi đầu tư mà lãnh đạo xã này đang rất kỳ vọng.
Nhưng, những gì ông Chơi để lại cho xã Điện Quang, trước khi lên huyện cách đây ngót nghét nửa năm, không chỉ có vậy. Một bản đề án xây dựng nông thôn mới đầy tham vọng, giai đoạn 2011-2015, đã được ông soạn thảo, khi trong Chương trình Mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới đợt 2, Điện Quang và Điện Phước là hai xã đầu tiên được lãnh đạo huyện Điện Bàn chọn làm thí điểm.
Trong đề án này, việc tiếp tục qui hoạch hạ tầng giao thông xã vẫn được coi là một bước đột phá quan trọng. Cái khác biệt với các xã khác trong cả nước, theo ông Chơi, là đường trong xã, chủ yếu là nội thôn, đều rộng tới 5-7 mét.
"Ý đồ của chúng tôi là sẽ xây dựng Điện Quang như một thành phố ở trong làng quê, tức là sẽ huy động các nguồn vốn, bao gồm tiền ngân sách, kết hợp dự án và đóng góp của dân, để làm sao đổ bê tông hết mặt cắt của đường", ông Chơi nói tiếp.
Cũng theo đề án này, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động người dân lùi thêm vào, mỗi hộ có thể phải lùi tường rào khoảng nửa mét đến một mét rưỡi, tùy theo loại đường, để mở rộng đường, làm vỉa hè, làm hệ thống cống ngầm thoát nước, và trồng cây trên vỉa hè.
"Chúng tôi dự định sẽ chọn một loại cây đặc trưng của từng thôn để trồng ở hai bên từng con đường. Như vậy, vừa rẻ tiền giống, vừa mang bản sắc địa phương, lại vừa có hiệu quả kinh tế", ông Chơi nói.
Ông cho biết sẽ có thôn trồng toàn mít, có thôn trồng toàn xoài, nói chung là ưu tiên các loại cây có quả. Hiện hai thôn Bến Đền Đông và Bến Đền Tây đã thí điểm trồng xong toàn cau hai bên đường nội thôn.
Con đường trước trụ sở UBND xã này sẽ là phố chính của Thị tứ Điện Quang mấy năm nữa. Photo: Huỳnh Phan
Bước tiếp theo của việc xây dựng "thành phố trong nông thôn", ông Chơi nói, xã sẽ tiến hành đặt tên đường. Khi tác giả hỏi liệu ông sẽ đặt tên đường theo loại cây trồng hai bên hay không, như Phố Xoài, Phố Cau, Phố Hồng, Phố Na, Phố Cam, Phố Quít, Phố Mít, Phố Bưởi, hay, thậm chí, Phố Chôm Chôm..., ông Chơi bật cười:
"Tạm thời, theo qui chế của nhà nước, nông thôn chưa được phép đặt tên đường, nhưng, có lẽ, Điện Quang sẽ đặt tên đường theo số tự nhiên, hoặc số La Mã, để từ đó đánh số nhà. Chứ về lâu về dài, chúng tôi sẽ xin qui chế đặt tên đường theo các danh nhân, anh hùng liệt sĩ đã được nhà nước công nhận, khoảng trên 20 người", ông nói.
"Lúc đó, anh về tìm tôi, chỉ cần biết tên phố, số nhà tìm được ngay. Thay vì, cứ phải mất công hỏi nhà ông Chơi cán bộ huyện, cha của cậu Bời công an ở đâu", ông Chơi bật cười khoái trá.
"Đột phá thứ hai là đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Trước đây, làm chủ yếu là thủ công, tốn nhiều lao động. Nay cơ giới hóa tạo điều kiện giải phóng lao động, để họ ly nông làm những việc khác, và cũng là để cho những người làm nông nghiệp thực sự có thêm đất để làm", ông Chơi nói.
Việc đầu tiên phải làm là phải qui hoạch lại đồng ruộng theo hướng chuyên canh. "Ví dụ, doanh nghiệp muốn Điện Quang cung cấp đều mỗi vụ một ngàn tấn ớt để chế biến xuất khẩu, nếu để dân làm rải rác rất khó thu gom cho đủ, và đảm bảo chất lượng đều như nhau. Phải bố trí vùng chuyên canh để kéo điện tới nơi", ông Chơi giải thích.
Điện Quang có lợi thế là nằm ở giữa hai dòng sông, nên chỉ cần khoan sâu 6 mét là có thể dùng mô tơ hút nước tưới. Như vậy, ông Chơi hy vọng, một năm có thể làm tới bốn vụ màu.
"Mặc dù, quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Điện Quang đã bắt đầu ngay từ sau ngày hòa bình lập lại, nhưng, rõ ràng, nhờ có tiêu chí rõ ràng, công với nguồn đầu tư của Nhà nước, mà chúng tôi có thể làm bài bản hơn", ông Chơi nói.
Trong suốt thời gian làm chủ tịch xã, ông Chơi đã làm các đề án để đi vận động các nguồn đầu tư cho hạ tầng, chủ yếu từ ngân sách, được tới 50-60 tỷ. Nhưng với kế hoạch "bài bản" mà ông soạn thảo, chỉ trong vòng 5 năm (2011-2015) xã Điện Quang cần tới một số tiền gấp trên dưới 7 lần con số đó (khoảng 375 tỷ đồng), trong đó già phân nửa là nguồn vốn ngân sách, trực tiếp và gián tiếp thông qua việc lồng ghép với các dự án riêng rẽ khác của chính phủ.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang trong cơn khủng hoảng thế này, và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ, việc cắt giảm đầu tư công có thể được quyết định bất cứ lúc nào, khi lạm phát gia tăng, cái di sản ông Chơi để lại cho người kế nhiệm, hiểu theo mức độ tham vọng của đề án, không khéo lại là một sự thách đố cực kỳ lớn. Đó là chưa nói tới sự phức tạp trong câu chuyện dồn điền đổi thửa sắp tới để xây dựng các vùng chuyên canh", người viết chợt thấy âu lo cho ông Tân Chủ tịch Trần Công Quảng .
Hơn nữa, theo bộ tiêu chí "Nông thôn mới" gồm 19 điểm, Điện Quang vẫn còn tới 7 tiêu chí chưa đạt.
Nhưng Tân Chủ tịch Trần Công Quảng đã tiếp nhận "sự thách đố" đó một cách hết sức bình thản.
Tân Chủ tịch xã Điện Quang Trần Công Quảng. Photo: Huỳnh Phan
"Chúng tôi làm bản đề án đó theo mẫu của Chính phủ trong Chương trình Mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới, để căn cứ vào đó mà huyện phê duyệt để triển khai, để phấn đấu. Chứ lãnh đạo xã chúng tôi, kể từ thời anh Chơi còn làm, vẫn xác định phải tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả nông nghiệp và tăng thu nhập thực tế của người dân, cũng như đảm bảo ngăn làn sóng ra đi của lao động trẻ", ông Quảng giải thích.
Hiện nay, trong số trên 5000 lao động đăng ký hộ khẩu ở xã, có tới một phần ba, chủ yếu là thanh niên, ở cảnh "tha hương cầu thực". Họ đến Đà Nẵng, Sài Gòn, và những nơi khác, làm đủ nghề, từ công nhân trong các khu công nghiệp, thợ hồ, đến các nghề dịch vụ khác, và chỉ trở về vào dịp Tết.
"Hai đột phá mà anh Chơi nói (ở trên) cũng hướng tới mục đích làm Điện Quang trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp. Ngoài tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, và giữ thanh niên ở lại quê hương, việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến nông sản, về đầu tư ở đây cũng giúp thúc đẩy quá trình thành lập các vùng chuyên canh", ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng không quên báo một tin vui là một doanh nghiệp may ở Sài Gòn vừa thỏa thuận lập mấy chuyền may ở Điện Quang, tạo việc làm cho ít nhất 500 lao động nữ. Sau 3 tháng nữa, khi xưởng may đi vào hoạt động, đây sẽ là doanh nghiệp thứ ba có mặt ở xã này, ngoài một xưởng dệt lụa và một nhà máy chế biến thủy sản.
Khi người viết hỏi liệu trong quá trình thực hiện nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn, liệu Điện Quang có nghĩ tới câu chuyện ở Thái Bình mươi lăm năm trước, khi chính quyền quá nôn nóng trong việc hiện đại hóa nông thôn (không kể chuyện biển thủ, xà xẻo phần đóng góp của người dân), ông Quảng cười:
"Thứ nhất, phần đóng góp của người dân, dự kiến khoảng 14% tổng vốn đầu tư, sẽ không phải dưới hình thức tiền mặt, bởi thu nhập bình quân đầu người ở đây có khoảng 15 triệu đồng/năm, lấy đâu ra mà đóng góp. Họ sẽ đóng góp bằng cách không nhận đền bù phần đất mà họ hy sinh để mở rộng đường, và bằng ngày công lao động trong quá trình thi công.
Thứ hai, chúng tôi sẽ không làm đại trà, mà sẽ chọn những nơi thuận tiện để làm trước. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ triển khai trước ở hai thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây, nơi được chọn để xây dựng thị tứ (trung tâm xã). Người dân thôn khác thấy điều đó có lợi cho họ, chắc chắn sẽ noi theo.
Và, cuối cùng, chúng tôi sẽ không cố gắng phấn đấu đạt tất cả các tiêu chí chưa đạt một cách máy móc theo kiểu chạy đua theo thành tích. Chúng tôi chỉ nhân có phong trào xây dựng nông thôn mới và sự hỗ trợ của nhà nước để phát động người dân toàn xã cố gắng nâng cao hiệu quả sản xuất, và cải thiện cuộc sống của chính họ."
Người viết cũng đồng ý với ông, "nông thôn mới" hay "nông thôn cũ", xét cho cùng, chỉ là vấn đề câu chữ. Điều quan trọng nhất là người dân nông thôn, nhất là giới trẻ, cảm thấy hạnh phúc, gắn bó với vùng quê mình đang sống, và hãnh diện về nó.
Chứ không phải theo trào lưu "thả mồi bắt bóng" mà tìm đến chốn đô thành, để trở nên những công dân hạng hai, hạng ba ở đó!

Chuyện về một làng nghề đã chết

Trong số những người mà nhờ nghề dệt của bà mẹ mà "nên người" có (cố) Họa sĩ Hoàng Kiệt, (cố) Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, (cố) Giáo sư Vật lý Hoàng Quý và (cố) Giáo sư Toán học Hoàng Chúng, ngoài Giáo sư Toán học Hoàng Tụy.

"Có thể nói 1930-1931 là giai đoạn cực kỳ khó khăn với gia đình tôi. Người anh cả là một trong 5 Đốc học Đông dương đã bị sa thải vì bị Pháp phát hiện tham gia Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội, và một năm sau cha tôi (cụ Hoàng Kỵ) mất, khi tôi mới 4 tuổi và cậu em út là Hoàng Chúng còn nằm trong bụng mẹ. Tất cả nhờ nghề dệt mà mẹ tôi nuôi đã nuôi nấng chúng tôi nên người", Giáo sư Hoàng Tụy kể.

Trong số những người mà nhờ nghề dệt của bà mẹ mà "nên người" có (cố) Họa sĩ Hoàng Kiệt, (cố) Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, (cố) Giáo sư Vật lý Hoàng Quý và (cố) Giáo sư Toán học Hoàng Chúng, ngoài Giáo sư Toán học Hoàng Tụy.
"Tôi còn nhớ gia đình tôi mang vải xo đi bán ở khắp nơi, từ Huế đến Hà Nội và Sài Gòn", GS Hoàng Tụy kể tiếp.
Theo cuốn "Địa chí xã Điện Quang" (NXB Văn học, 2011), việc dệt vải "xo" (tussor), từ tơ tằm, ở Việt Nam được một số người Pháp khởi xướng với xưởng dệt đầu tiên tại Phú Phong (Bình Định), do sự khan hiếm của vải Tây nhập ngoại dùng để may âu phục. Người Việt đầu tiên năm được cách thức dệt vải "xo" là ông Lê Đồng Lợi, người làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhưng người mở rộng và phát triển nghề này cho nhiều hộ gia đình làm là ông Huỳnh Nam người thôn Xuân Đài (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), cháu gọi cụ Hoàng Kỵ (cha của GS Hoàng Tụy) là bác ruột, vào khoảng năm 1935.
Xưởng dệt từng có 200 công nhân làm việc trước 2008 bây giờ chỉ còn hoạt động với 1/10 công suất.Ảnh Huỳnh Phan.
"Mẹ tôi kể lại rằng cái xưởng dệt nằm ngoài vườn nhà tôi lúc đó có khoảng chục khung dệt. Ngoài ra, cha tôi còn "outsource" cho nhiều hộ khác trong thôn làm", ông Hoàng Gia Phúc, một cán bộ hưu trí hiện sống ở Đà Nẵng, kể lại.
Nghề dệt lụa tơ tằm ở Quảng Nam nói chung đã có lịch sử khoảng 400 năm, kể từ khi Bà Chúa Tằm Tang họ Đoàn, phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, khai sinh nghề trồng dâu tại làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên, trước khi mở rộng ra các nơi khác trong tỉnh, trong đó có khu vực Gò Nổi - nằm giữa hai con sông nên thổ nhưỡng rất phù hợp với nghề trồng dâu.
Cũng theo "Địa chí xã Điện Quang", trước Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là giai đoạn 1940-1944, nghề trồng dâu ở Điện Quang rất thịnh, bởi ngoài việc phục vụ cho nghề ươm tơ - dệt lụa ở xã, khi tơ lụa của Điện Quang được xuất đi cả Nam Vang (Campuchia) và Ấn Độ, kén còn được cung cấp cho Đông Yên và vài xã khác của huyện Duy Xuyên.
"Ở Điện Quang, nghề trồng dâu - ươm tơ - dệt lụa còn tiếp tục đến giữa những năm '60, khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng, và những ném bom, càn quét sau đó đã biến xã này thành một vùng trắng", cựu Chủ tịch xã Nguyễn Đức Chơi, người kể rằng cha vợ ông trong những năm '50 vẫn còn đi bộ gùi lụa sang Nam Vang bán, nói.
Khi hòa bình lập lại, cùng với việc xây dựng lại nông thôn mới và phòng trào hợp tác hóa nông nghiệp, kể từ năm 1979, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Điện Quang đã được phục hồi.
"Cực thịnh nhất là giai đoạn 1987-1991, khi toàn xã có tới 400 héc ta dâu, tức là gần hai phần ba đất nông nghiệp", ông Chơi nói.
Trong những năm đó, lãnh đạo xã đã liên doanh với Công ty Dâu Tằm Tơ Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1989) để lập ra được một nhà máy ươm tơ. Trong đó, xã lo phần nhà xưởng, còn công ty ở Đà Nẵng chuyển máy móc, thiết bị về cho 400 công nhân làm việc.
Thế nhưng, ngày vui không kéo dài. Năm 1993, nhà máy này đã phải dừng hoạt động, do không tìm được đầu ra. Một năm trước đó ông Giám đốc Công ty Dâu Tằm Tơ Quảng Nam - Đà Nẵng, con người năng động với các mối qua hệ với đầy đủ các khách hàng từ Ý, hay Nhật, nghỉ hưu, và các mối làm ăn cũng rụng dần.
Chuyến đi Ý và nỗ lực không mệt mỏi của ông "quan xã"
Năm 1995, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có tổ chức cho một đoàn doanh nghiệp, đại diện cho các ngành giày da, may mặc, dâu tằm, và chế biến thực phẩm sang Ý, theo lời mời của Thương vụ thuộc Đại sứ quán Ý tại Việt Nam. Đặc biệt, trong đoàn có một ông quan xã, nói chính xác hơn là hợp tác xã.
"Hồi đó, tôi làm trưởng bộ phận kế hoạch - định mức của HTX Điện Quang. Tuy ông anh tôi là Nguyễn Đức Thành là Chủ nhiệm HTX kiêm Giám đốc Nhà máy Ươm tơ, nhưng tôi là người quản lý trực tiếp và am hiểu về kinh tế - kỹ thuật của nghề này, nên được cử đi để đàm phán", ông Chơi giải thích.
Mục đích cử ông Nguyễn Đức Chơi đi Milano của ngành dâu-tằm-tơ tỉnh là muốn cứu nhà máy ươm tơ đã bị chết yểu cách đó 2 năm. Họ muốn kêu gọi người Ý bỏ vốn đầu tư vào nhà máy và bao tiêu hộ sản phẩm.
Nhiều làng nghề truyền thống đang mai một dần. Ảnh minh họa: làng nghề ươm tơ Cổ Chất, Cổ Lễ, Nam Định.
"Kết quả duy nhất mà tôi đạt được trong chuyến Tây du đầu tiên và duy nhất trong đời đó, kéo dài tới 10 ngày, là các đối tác chỉ gạ tôi mua máy móc của họ, và trích phần trăm cho tôi nếu ký hợp đồng, chứ không hề có ý định hợp tác làm ăn với chúng ta", ông Chơi vừa nói vừa nhếch mép.
Kể từ đó, ông Chơi thôi hẳn ý định tìm đối tác nước ngoài. Ông đọc báo đài, hỏi han người nọ, người kia về các doanh nghiệp ngành tơ tằm trong nước, rồi tự tìm cách tiếp cận trực tiếp họ. Và, trong một loạt các cuộc tiếp xúc tay đôi đó, có một lần, ông đã thành công.
"Một người bạn học làm Phó Giám đốc Công ty Phú Cường Silk ở Điện Thắng (Điện Bàn) đã giới thiệu tôi với anh Võ Đức Cường, và, kể từ năm 2002, anh Cường đã gắn bó với Điện Quang cho tới tận bây giờ", ông Chơi nói.
Lãnh đạo xã giao cho Phú Cường tiếp quản toàn bộ nhà xưởng của nhà máy ươm tơ cũ. Tiền thuê đất, sau 2,5 năm đầu tiên được giảm 50%, 3-4 năm tiếp theo chỉ phải trả 20 triệu đồng/năm.
"Xã ưu đãi như vậy là vì muốn tôi giúp khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa truyền thống", Võ Đức Cường nói.
Lúc Cường về Điện Quang, diện tích trồng dâu ở xã này chỉ còn 17 héc ta, so với 400 héc ta cách đó 10 năm. Những người làm nghề dệt ở xã cũng theo bước cha anh lên Sài Gòn kiếm sống, và chủ yếu tập trung ở làng dệt "Quảng Nôm" ở quanh Ngã tư Bảy Hiền.
"Thời gian đầu, nhất là giai đoạn 2003-2005, làm ăn khỏe lắm. Lúc cao điểm một tháng nhà máy sản xuất được 30 ngàn mét vải, năng suất cao nhất Việt Nam luôn", Cường kể.
Thế nhưng, lại một lần nữa, ngày vui không kéo dài với ngành tơ tằm Điện Quang. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã lại một lần nữa phủ nhận những nỗ lực của lãnh đạo xã Điện Quang trong việc phục hồi một nghề vừa truyền thống vừa có ý nghĩa kinh tế - xã hội cao.
Nhà máy của Phú Cường ở Điện Quang, lúc cao điểm nhất đã tuyển khoảng 200 lao động địa phương, nay chỉ còn hoạt động cầm chừng với khoảng 20 công nhân. Họ chỉ đảm nhận một công đoạn "đánh sợi để mắc thành sợi dọc" cho cơ sở chính của Phú Cường ở Điện Thắng, nơi cũng chỉ hoạt động với một phần mười công suất và lượng nhân công tương ứng.
Nghề trồng dâu - nuôi tằm ở Điện Quang cũng chết hẳn một năm sau đó (2009). Để làm món "Nhộng trộn", món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ hội, giỗ chạp ở Điện Quang, người dân ở đây cũng phải đi mua ở nơi khác.
"Nếu anh vào Sài Gòn đến đường Đồng Khởi, hay Lê Thánh Tôn, thì thấy trước đây 10 cửa hàng có đến 9 cửa hàng bán đồ tơ tằm. Nhưng bây giờ còn không quá 5%", Cường khẽ lắc đầu.
Các cụ vẫn nói: Trong cái rủi có cái may! Cường cũng chia sẻ điều này.
"Khủng hoảng, bên cạnh vô số mặt tiêu cực, cũng có cái tích cực của nó. Những "sinh vật yếu ớt, bệnh hoạn" sẽ bị đào thải, chỉ còn lại những "sinh vật" khỏe mạnh", ông nói, mắt lóe lên niềm hy vọng.
Đọc được sự hoài nghi trong ánh mắt của người viết, Cường tiếp lời luôn: "Xã vừa cho chúng tôi thuê một mảnh đất mới, rộng chừng 8000 mét vuông, để thí điểm một mô hình mới trồng sắn - nuôi tằm. Tôi tin sẽ hiệu quả hơn nhiều so với mô hình trồng dâu - nuôi tằm cũ."


Tiếng gọi nơi hoang dã

“Trong cái không thể tránh khỏi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều hữu ích có thể làm được là cố gắng tìm ra một hướng đi mới. Đối với tôi, đó là hợp tác với người Nhật để phát triển một loại tằm mới ăn lá sắn” – Võ Đức Cường, Giám đốc Phú Cường Silk.

Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong số ra ngày 20.3 vừa rồi, có bài viết "Miền Trung - Tây Nguyên: Sắn đồng loạt phá vỡ qui hoạch nông nghiệp". Trong bài viết này, nhóm phóng viên đã lấy huyện Ea Kar, thuộc tỉnh Đắk-Lắk, là một trong những "case study". Diện tích trồng sắn ở huyện này đã tăng khoảng 50% trong có một năm, từ 4300 héc ta năm 2010 lên 6400 héc ta năm 2011, do giá sắn trên thị trường tăng cao.
Quan điểm của nhóm phóng viên đã được thể hiện rõ ràng trong sa-pô: "Diện tích sắn bùng phát tại miền Trung - Tây Nguyên không theo quy hoạch để lại quá nhiều hậu quả, mất rừng, môi trường xáo trộn, hoang hoá đất... Đáng buồn nếu nói dân đừng trồng loại cây trồng này là điều không thể, bởi đầu tư ít, dễ trồng, chịu hạn tốt lại chủ động được khâu thu hoạch. Chỉ một điều không ai lường được là giá cả."
Người viết bài này hoàn toàn không có quan điểm gì trái ngược, hay cần tranh luận thêm với các đồng nghiệp báo Nông nghiệp Việt Nam, hay các quan chức phụ trách nông nghiệp được nêu danh trong bài viết. Lịch sử nền nông nghiệp Việt Nam, kể từ sau năm 1975 tới giờ, đã chứng kiến không ít các thất bại đau đớn khi chạy đua theo phong trào, cũng như giá cả.
Có điều, từ câu chuyện của doanh nhân Võ Đức Cường của Phú Cường Silk, sẽ kể dưới đây, người viết muốn cung cấp thêm chút thông tin và dữ liệu cho các nhà làm qui hoạch và quản lý nông nghiệp tham khảo.
Mô hình thử nghiệm nuôi tằm hoang dã ở Eakar.
"Trong cái không thể tránh khỏi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều hữu ích có thể làm được, theo tôi, là cố gắng tìm ra một hướng đi mới", Võ Đức Cường tiếp tục câu chuyện.
"Hướng đi mới" của Phú Cường Silk là từ giữa năm 2011 họ đã hợp tác với người Nhật để phát triển một loại tằm mới - tằm ăn lá sắn. "Đó là lý do chúng tôi đã chọn huyện Ea Kar, một trung tâm sắn của tỉnh Đắk-Lắk, để thử nghiệm mô hình mới của mình", Cường giải thích.
Cùng với Yoshida, một doanh nhân và cũng là một chuyên gia kỳ cựu của Nhật Bản về nghề tơ tằm, Cường thuê một mảnh đất rộng chừng 1 héc ta ở Ea Kar, trong đó diện tích dành cho nhà xưởng chừng vài ngàn m2.
"Đây hoàn toàn không phải là giống tằm ngoại nhập, mà người dân miền núi phía Bắc Việt Nam, như ở Hòa Bình hay Hoàng Liên Sơn đã nuôi từ bao đời nay. Ngoài ưu thế chỉ ăn lá sắn, giống tằm này lại có khả năng đề kháng bệnh tật rất tốt, và vì vậy người ta còn gọi là tằm hoang dã", Cường nói, và cho biết thêm chính một công ty quốc doanh của Việt Nam đã có công lên miền núi tìm hiểu từ bà con dân tộc và nhân giống đưa vào phía Nam.
Một khác biệt quan trọng nữa của tơ tằm hoang dã là không kéo được tơ trực tiếp kén mà phải đánh kén ra thành bông rồi xe thành sợi, hệt như với cotton. "Điều này thì không có vấn đề gì, bởi tôi đã có sẵn máy móc nhập của Trung Quốc để dùng để xử lý kén tằm dâu loại 2, loại 3", Cường nói.
Điều quan trọng hơn với dự án của họ là tìm thị trường cho loại sản phẩm dệt từ tơ tằm hoang dã. Theo Cường, loại lụa dệt từ tơ tằm dâu (sợi dọc) kết hợp với tơ tằm hoang dã (sợi ngang) có những ưu điểm vượt trội so với lụa tơ tằm dâu thuần túy.
"Thứ nhất, do khối lượng riêng của tơ tằm hoang dã nhỏ hơn nhiều, nên loại lụa mới có khả năng cách nhiệt tốt. Thứ hai, nó thấm được mồ hôi và không dễ nhàu, mặc rất thoải mái và tiện dụng. Còn bít tất thì anh đi giày mấy ngày liền mà không sợ hôi chân", Cường nói.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm sắp tới, khi tơ tằm hoang dã được sản xuất với khối lượng lớn và ổn định. Chứ hiện giờ, sau khoảng 2 tháng khi thu được mẻ kén đầu tiên, mối quan tâm chính của ông Yoshida, người trực tiếp quản lý cơ sở ở Ea Kar, chỉ là thu được kén.
Lứa kén đầu tiên
"Mấy tháng nữa, ông Yoshida sẽ cho lắp đặt máy móc trên đó để sản xuất chăn bông tơ tằm, xuất về Nhật. Loại chăn này tôi mua một chiếc ở Trung Quốc, giá đắt gấp đôi chăn bông thường, nhưng, bù lại, đẹp hơn nhiều, đắp lại vừa nhẹ vừa ấm", Cường nói.
Theo kế hoạch, khi đã thành công với mô hình nuôi tập trung, họ sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Khi đó, cơ sở của họ chỉ nhân giống tằm con, đến khi phải sử dụng nhiều lá thì bán cho nông dân làm tiếp, và thu mua tơ của họ.
Nếu biết hái lá nuôi tằm đúng cách, người nông dân có thể thu hoạch củ sắn với năng suất còn cao hơn hiện nay. Nhưng cái lợi của người nông dân, ông Cường, không chỉ dừng ở đó.
"10 ký kén thì hết 8 ký rưỡi là nhộng rồi. Nếu tôi tìm được nơi tiêu thụ nhộng, với giá khoảng 30 ngàn một ký, bằng giá cá tạp ngoài chợ thôi, thì người dân ăn không cái bông (tơ) rồi", Cường cười lớn.
Nhưng cái khó là người dân Việt Nam chưa quen với loại nhộng hoang dã này. Ông Cường tính có khi phải qua Thái Lan, vương quốc của "ẩm thực côn trùng", để tìm thị trường tiêu thụ, trước khi "nhập" ngược trở lại thói quen ẩm thực này.
"Mọi thứ vẫn còn ở phía trước, chứ từ nay đến cuối năm, chúng tôi đặt mục tiêu họ sẽ hoàn thành giai đoạn kiểm tra sức đề kháng của tằm hoang dã và năng suất kén, trước khi giao dần cho các hộ nông dân làm", ông nói.
Khi người viết hỏi ông, tại sao không thí điểm mô hình này ở Điện Quang, nơi có truyền thống hàng trăm năm về nghề tơ tằm, mà lại chọn vùng dân tộc thiểu số ở Đắk-Lắk, bởi với khu đất mới mà lãnh đạo xã đã giao cho công ty hoàn toàn có thể trồng sắn nuôi tằm mà, ông cười:
"Làng nghề truyền thống là một lợi thế lớn, nhưng cũng là một bất lợi không nhỏ. Bởi khi mình phổ biến kỹ thuật mới, người ta phá lên cười và bảo rằng cha ông tôi bao đời làm nghề này rồi, kinh nghiệm đầy mình việc chi phải học. Vậy tốt nhất là chọn những người không biết gì, dạy từ đầu dễ hơn."
"Thử nghiệm nuôi tằm hoang dã tại chốn "hoang dã" đúng là thuận lợi hơn, kể cả về con người, khí hậu, và thổ nhưỡng. Tiếng gọi nơi hoang dã mà", người viết thầm nghĩ.
"Doanh nghiệp ở khu vực Kansai, Nhật Bản tìm đối tác Việt Nam có thể sản xuất / xuất khẩu sợi lụa làm từ tằm hoang dã để phục vụ sản xuất tại Nhật. Số lượng đặt hàng là 150kg ~ 200kg / tháng. Mục đích là để làm phần lõi của thắt lưng (obi) của bộ Kimono của Nhật"  - VCCI/HCM, 20.10.2011.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét