Thứ hai, 07 Tháng hai 2005, 12:19 GMT+7
Cà phê sáng với nhà tỉ phú sân golf
Sau lễ ký hợp đồng xây dựng tổ hợp sân golf Tuần Châu và 2 dự án nữa ở Uông Bí và Nha Trang, ông Đào Hồng Tuyển có nói rằng đây là một kinh nghiệm lớn với ông sau khi làm việc với các đại gia Mỹ. “Thực dụng, không nhân nhượng, cùng đẳng cấp thì chơi. Không thì see you around”.
Ông Đào Hồng Tuyển nói rằng đàm phán với các ông rất khó vì không hề có sự nhân nhượng?
Thì ông Tuyển đâu có nhân nhượng với chúng tôi. Tôi thực sự mệt mỏi sau gần hai tuần thương thảo, chuẩn bị cho hợp đồng này. Không có gì dễ dàng cả, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã có một hợp đồng tốt đẹp. Thương thảo khó thì thực hiện dễ hơn nhiều.
Ông nghĩ thế nào về đối tác mới này của mình, ngoài những gì ông đã phát biểu trước đây?
Ông ta là người nhìn xa trông rộng, là người của công việc, của hành động, và là người trọng danh dự. Ông ấy thực sự có mong muốn vươn lên một tầm cỡ cao hơn, và điều đó cũng buộc chúng tôi phải suy nghĩ. Những gì ông ta đã làm trong mấy năm vừa qua đã chứng tỏ điều đó. Còn với tư cách một nhà đàm phán, ông ấy rất kiên định, phải nói là “rắn”, nhưng sòng phẳng và biết giữ lời. Trên thế giới này anh có thể gặp những người đã nói “không” là “không”, “có thể” là “có thể”, còn “có” là “có”. Ông Tuyển là người như vậy.
Là một nhà kinh doanh, ông ấy đôi khi rất “rắn”, nhưng sòng phẳng và đáng tin cậy. Cho đến thời điểm này tôi có thể rằng tôi tin ông Tuyển như tin anh em ruột của mình, và chúng tôi có thể cùng nhau chứng kiến sự hoàn tất của hợp đồng này. Không dễ dàng gì đâu, phải làm việc cật lực đấy, nhưng tôi tin rằng khi có khó khăn ông ấy sẽ có mặt, và tôi hoàn toàn có thể dựa vào ông ấy những thời điểm gay cấn.
Khi nước Mỹ mới phát triển đã có nhiều con người có tầm nhìn xa trông rộng như Ford, Rockefeller... Họ đã đóng góp rất lớn vào sự hùng mạnh của nước Mỹ hiện nay. Việt Nam cũng rất cần những con người như vậy.
Các ông sẽ bắt đầu từ dự án nào?
Chúng tôi đã bắt đầu từ qui hoạch tổng thể ở cả hai dự án ở Hạ Long và Khu đồi thông, và đi vào chi tiết cụ thể. Sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu với sân golf đầu tiên (18 lỗ) ở Hạ Long. Công việc san lấp chuẩn bị mặt bằng sẽ hoàn tất sau khoảng một tháng. Sau đó chúng tôi sẽ ươm cỏ cho sân golf, xây khách sạn, biệt thự song lập... Mọi việc sẽ được tiến hành song song, trừ dự án ở Nha trang bắt đầu chậm hơn một chút. Dự án Tuần Châu và Nha trang sẽ được hoàn thành sau 3 năm, còn Khu đồi thông có 6 sân golf (18 lỗ) nên phải mất tới 5 năm. Sân golf đầu tiên sẽ được hoàn thành ngay trước khi Hội Nghị Thượng đỉnh APEC khai mạc.
Được biết, ông có ý định mời ông Bush cha và ông Clinton đến dự lễ khánh thành sân golf?
Đúng thế. Tôi hy vọng sự có mặt của hai ông ấy ở đây. Đó là những con người tuyệt vời. Họ làm được rất nhiều điều, chỉ trừ một điều họ chưa từng bao giờ nói ra: Đó là niềm đam mê đối với golf. Cả hai người. Thật là tốt cho cả Mỹ, Việt Nam, thế giới, và môn golf này nói riêng, nếu cả hai người đó đến đây chơi trên một sân golf mang tầm lịch sử như ở Hạ Long và quảng bá cho nó.
Trong thời gian ông về Mỹ sau khi ký biên bản ghi nhớ, họ có hỏi gì ông không?
Họ hỏi đủ thứ về Việt Nam, nhưng một câu hỏi thường nghe thấy nhất là “Việt Nam như thế nào?” Tôi đã trả lời rằng đây là một đất nước tuyệt vời, những con người ở đây cũng tuyệt vời. Hơn nữa, cơ hội có nhiều vì đây là một đất nước đang mở cửa, đang đi lên. Mọi thứ đều theo chiều hướng tích cực. Tôi còn kể rằng đây là một đất nước tự do và an toàn, bạn có thể thoải mái đi bộ trên đường phố, hay bất cứ đâu bạn muốn. Con người ở đây rất hiền lành, niềm nở, và sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn cần. Tôi biết họ đang nhìn vào dự án của chúng tôi. Nếu thành công họ sẽ vào.
Nhiều người vẫn cứ ngại về tình trạng quan liêu, thủ tục rắc rối, rồi sự mơ hồ ở Việt Nam. Nhưng tất cả những gì chúng tôi vừa đạt được với ông Tuyển đã diễn ra rất chuyên nghiệp, sòng phẳng, hiệu quả và nhanh chóng. Tôi sẽ kể với các nhà đầu tư Mỹ về những gì tôi chứng kiến ở đây, về đẳng cấp của con người tôi đang hợp tác, của công trình tôi bắt đầu làm, về hệ thống hạ tầng viễn thông ở đây... Hễ cứ rảnh là tôi lại check mail và mail về nhà.
Ấn tượng của ông về Hà Nội thế nào, thưa ông?
Một thành phố tuyệt vời. Phố cổ, Hồ Tây, Hồ Miếu (Hồ Gươm –NV). Đẹp kinh khủng. Người Hà Nội rất thân thiện, rất nhiều người bắt chuyên với chúng tôi mà chỉ biết chúng tôi là người Mỹ. Theo cảm nhận của tôi Hà Nội là một thủ đô rất sôi động, mạnh mẽ. Lần trước tôi có đến Sài Gòn. Hà Nội so với Sài Gòn tương tự như Washington D.C. so với New York. Một cái là trung tâm chính trị, văn hoá với rất nhiều bảo tàng, còn cái kia là trung tâm kinh doanh tấp nập. Khí hậu cũng khác nhau một cách tương tự. Chúng khác nhau hệt như sự khác nhau giữa hai anh em trong một nhà.
Với tôi bây giờ thật khó khăn khi làm quen lại với đồ ăn Mỹ. Ở đây sáng nào tôi cũng ăn phở. Tôi cũng thích ăn “lẩu”. Đủ vị chua, cay, nóng. Mấy ngày vừa rồi đi bộ quanh Hà Nội tôi rất ấn tượng với hình ảnh những phụ nữ Hà Nội ngồi trên xe máy. Sự kết hợp giữa cái năng động và sự duyên dáng. Với tôi từ giờ Việt Nam là quê hương thứ hai. Trong năm năm tới đây tôi sẽ dành ít nhất một nửa thời gian của mình ở đất nước này. Tôi sẽ đưa vợ tôi và một vài đứa con tới đây chơi. (Andy Dye có tám người con - NV). Nếu không họ sẽ "bắn" tôi mất. (Cười).
Có phải ông Nguyễn Cao Kỳ là người đã "dẫn" ông đến với Việt Nam?
Ở California, ông Kỳ chơi golf và tôi là người thiết kế, xây dựng sân golf. Cách đây 5, 6 năm hai người quen tôi là ông Jeff Brammitt, một nhà kinh doanh, và Tướng Wayne Hoffman có giới thiệu chúng tôi với nhau trong một lần chơi golf. Sau này ông Kỳ kể cho tôi về đất nước Việt Nam, mà theo ông, rất tuyệt vời. Tôi nghĩ ông Kỳ là một người yêu nước, ông tin tưởng ở tương lai của đất nước ông. Tôi bị thuyết phục, và chúng tôi đã ở đây. Ông Kỳ đã giải quyết êm sự bất đồng về văn hoá và ngôn ngữ giữa chúng tôi và đối tác Việt Nam. Mọi hiểu lầm đều được ông gỡ bỏ. Ông dặn chúng tôi là khi sang đây không được nôn nóng, mọi thứ đang chuyển đổi theo hướng tốt hơn, nên cần phải kiên nhẫn. Tôi có cảm giác ông ta luôn nhìn sự việc theo hướng tích cực, cái chung nhiều hơn cái khác biệt.
Tôi nghĩ người Việt Nam và người Mỹ giống nhau ở chỗ đều khá độc lập trong suy nghĩ và rất cần cù trong công việc.
Xin cám ơn ông, và mong sớm gặp lại ông ở Việt Nam.
Huỳnh Phan thực hiện
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét