Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

“...Nhưng kiều bào cũng cần đất nước"


Thứ sáu, 03 Tháng hai 2006, 19:06 GMT+7




“...Nhưng kiều bào cũng cần đất nước"


Đất nước cần kiều bào, nhưng rõ ràng kiều bào cũng cần đất nước
" - Phan Thành, người đã nhận giải Vinh Danh Nước Việt trò chuyện cùng TS.

Ông tự nhận mình là một Việt Kiều may mắn:
Thứ nhất là khi ra đi (vào năm 1974), không hề mang một mặc cảm, định kiến, hay mất mát nào liên quan đến sự chuyển giao chế độ ở một đất nước bị chia rẽ bởi một cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm.
Thứ hai, ông về nước làm ăn từ rất sớm (năm 1984), thông qua việc kết hợp với buôn bán và chi trả kiều hối với một doanh nghiệp nhà nước, nên rất hiểu đất nước trước và sau đổi mới.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Ông Phan Thành
Ngoài việc gây dựng một cơ nghiệp cho riêng mình, ông đã dành rất nhiều thời gian và sức lực để giúp những người không được may mắn như ông có thể phần nào tự “hàn gắn” được vết thương lòng, và qua đó đóng góp vào cái sự nghiệp “hoà hợp” chung của cả một dân tộc.
Lễ trao danh hiệu “Vinh Danh Nước Việt” tại Văn Miếu
19h50 ngày Chủ nhật 5/2/2006, tức ngày 8 Xuân Bính Tuất, Lễ trao tặng danh hiệu “Vinh Danh Nước Việt 2005” do Báo điện tử TS và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với chủ đề “Những Sứ giả Lạc Hồng”
Ông đã tham gia thành lập ra Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Kiều (OVIBA) là nơi giao lưu của doanh nhân Việt Kiều, nơi họ có thể tìm thấy sự chia sẻ và giúp đỡ ban đầu khi mới chân ướt chân ráo về lại quê hương, cũng như những cơ hội hợp tác làm ăn giữa họ cũng như với các doanh nghiệp trong nước thông qua Công ty Đầu tư Việt kiều (OVIC).
Bản thân khu du lịch sinh thái về nguồn “Làng Tôi”, rộng 5,5 mẫu Tây nằm ở Quận II (Thành phố HCM), được ông bắt tay vào xây dựng từ năm 1989, với sự tái hiện khá chi tiết hình ảnh làng quê Việt Nam, cũng là một gợi ý hay cho những nhà hoạch định chính sách Việt Kiều.
“Muốn gọi chim về phải trồng tràm trước đã”, ông vừa nói vừa chỉ tay về phía rặng tràm, nơi một bầy chim vừa bay về...
"Cả hai bên phải giơ tay thì mới bắt tay được chứ "
15 Việt kiều được bình chọn danh hiệu VDNV-2005
15 gương mặt tiêu biểu có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh doanh, trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đồng thời có những đóng góp thiết thực đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như với đất nước.
Là một Việt Kiều về nước từ rất sớm, ông có thể cho biết đánh giá của mình về sự thay đổi trong chính sách của lãnh đạo Việt Nam trong thời gian qua?
Tôi thấy chính sách chung của nhà nước thay đổi theo nhiều giai đoạn khác nhau, và tôi cảm nhận được sự thận trọng trong việc thay đổi này. Tôi thấy sự thận trọng này là cần thiết, chính đáng, vì bản thân tôi cũng không muốn thấy Việt Nam như Liên Xô cũ hay các nước Đông Âu.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Phó Thủ tướng Vũ Khoan gặp gỡ với ông chủ "Làng Tôi"
Anh có thể đòi hỏi sự đổi mới nhanh hơn, nhưng cũng phải ý thức rằng căn nhà của anh có 10 cửa sổ. Nếu anh mở cả 10 cửa 1 lúc, không khéo mọi người trong nhà bị cảm lạnh hết. Tôi cho sự mở cửa dần dần, đủ cho mọi người thích nghi, là sự khôn ngoan của nhà nước Việt Nam, rút ra từ kinh nghiệm của nhiều nước.
Tôi đã nói chuyện với Việt Kiều nhiều, và tôi thấy đa số họ thấy hài lòng. Họ đều hoan nghênh sự đổi mới cả hai phương diện kinh tế và chính trị.
Ông thấy chính sách đối với Việt kiều thay đổi rõ nét nhất từ khi nào?
Sự thay đổi diễn ra nhiều lần, nhưng tôi thấy đến năm vừa rồi có Nghị quyết 36 của TW Đảng là rõ nét nhất. Tôi đã đọc nó 4, 5 lần, đọc kỹ từng từ một.
Điều sâu sắc nhất trong nghị quyết này, theo tôi, là các nhà lãnh đạo đã xác định rõ được những gì họ đã làm được, những gì họ chưa làm được, và hướng sắp tới họ định sẽ làm gì cho Việt Kiều.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Cuộc sống gắn với thiên nhiên khiến ông còn trai trẻ lắm
Trong nghị quyết này cũng thể hiện sự “mở tấm lòng” của nhà nước Việt Nam: người Việt Nam ở nước ngoài được đối xử ngang bằng người Việt Nam ở trong nước!
Bây giờ Việt Kiều được công nhận là “người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể thiếu được của dân tộc Việt Nam”. Rõ ràng chính phủ Việt Nam muốn hoà hợp dân tộc.
Theo quan điểm của riêng ông, lý do vì sao lại có một sự thay đổi mang tính đột biến trong quan niệm như vậy?
Tôi nghĩ rằng càng ngày giới lãnh đạo Việt Nam càng nhận thấy rõ ràng rằng lợi ích dân tộc và Tổ quốc cao hơn thiên kiến chính trị. Họ dẹp được chuyện đó, và việc họ dám dẹp chuyện đó tôi cho là hết sức can đảm. Anh cũng phải hiểu rằng họ cũng là con người chứ không phải cái máy mà có thể on/off trong chốc lát được.
Nhưng tôi cũng không phải là người ảo tưởng mà cho rằng với sự ra đời của Nghị quyết 36 mọi chuyện sẽ được giải quyết “overnight”. Đây là một quá trình đầy vất vả của 5, hay 10 năm phía trước.
Muốn thực hiện được nó thì 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và 80 triệu người Việt Nam ở trong nước phải cùng bắt tay hiệp lực mà làm, thiếu một phía thì không thể nào thực hiện được. Cả hai bên cùng phải giơ tay ra thì mới bắt tay được chứ.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Ông Phan Thành bên câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ
"Sau khi Thủ tướng sang Mỹ, tôi nhận nhiều điện thoại của bạn bè hỏi chuyện về nước làm ăn "
Ông có thể cho biết những cơ hội trong thời điểm này đối với Việt Kiều khi quyết định về nước đầu tư?
Cách đây 2 năm tôi đã kêu gọi, nhắc nhở anh em rồi, làm lớn làm nhỏ gì cũng đuợc. Chứ còn nếu cuối năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO thì lúc đó anh em mất cơ hội luôn. Nói không đâu xa chứ nếu cà phê Starbuck của họ vào mở độ hai chục cái thì hút hết khách đến, mình hết cơm luôn.
Tôi cho rằng nhiều Việt Kiều đã nhận thức được chuyện này và từ nay sẽ có nhiều anh em về nước làm ăn. Nhưng chúng ta cũng đừng kỳ vọng là mỗi Việt Kiều sẽ mang nhiều triệu đô la về. Không có chuyện đó đâu, nói chung là chỉ chừng một vài chục ngàn đến một vài trăm ngàn Mỹ kim mỗi người thôi.
Tôi nói vậy là theo kinh nghiệm của tôi, học hành đàng hoàng, làm kinh doanh một ngày 15, 16 tiếng luôn, mà kiếm được 1 triệu Mỹ kim không hề đơn giản. Tôi nói là nói số đông, chứ không nói chuyện năm, bảy chục người thành công đặc biệt đâu.
Chúng ta phải ý thức thêm một điều khác là những người có nhiều tiền, tức là rất thành đạt bên đó, càng khó về hơn nữa. Đâu phải chỉ nói về là về, còn nhà cửa, chuyện học hành của con cái, chứ đâu đùa được.
Vả lại, công việc kinh doanh của họ bên đó quen rồi, có thị trường, có khách hàng sẵn, việc gì họ lại phải mạo hiểm đi tìm một thị trường mới. Nếu muốn làm ăn ở một thị trường mới anh phải có số tiền gấp 5, 10 lần so với thị trường quen thuộc.
Qua đó tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng nếu mấy ông “đại gia” về nước làm ăn tức là họ phải có một tấm lòng rất lớn đối với quê hương.
Sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông thấy phản hồi của dư luận Việt Kiều bên đó thế nào?
Chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải qua đó đã làm cho một số nhóm cực đoan khó có lý do gì chống lại Việt Nam nữa, bởi Mỹ đã bắt tay với Việt Nam rồi. Hơn nữa, lực lượng trung dung là đối tượng xưa nay họ tuyên truyền xấu về Việt Nam đã có cái nhìn khác về đất nước.
Người em rể tôi, một sĩ quan chế độ Sài Gòn qua Mỹ theo diện HO, đã gọi cho tôi khi ông Sáu Khải qua đó:
“Anh Ba ơi, em báo cho anh tin là những người chống Việt Nam đã “xìu” khi biết Việt Nam và Mỹ có quan hệ tốt với nhau, còn những người đứng lưng chừng thì tỏ rõ thái độ muốn về Việt Nam làm ăn.”
Còn anh Quách Hưng Tòng, một thành viên trong Hiệp hội có mặt trong chuyến đi đó, có phone về và nói:
“Đi quán ăn, quán cà phê nào cũng thấy Việt Kiều nói chuyện về Việt Nam. Họ bàn bạc với nhau cách về làm sao, cách tổ chức làm ăn thế nào… Trong mấy ngày hôm đó ở những nơi như Orange County không có tin gì khác ngoài chuyện làm thế nào về đầu tư ở Việt Nam.”
Từ chuyến đi của ông Sáu Khải đến nay, tôi tiếp chừng hơn 10 Việt Kiều về đây tìm hiểu cơ hội đầu tư, đó là chưa kể mấy chục cú phone hỏi han tình hình. Trong đó có gần một nửa là Việt Kiều Mỹ.
Tôi nghĩ đầu tư năm 2006 này sẽ tăng lên. Tôi cũng đã nói với họ:
“Chính sách thu hút Việt Kiều đang nóng, đất nước đang rất cần các anh em, cần vốn liếng, kinh nghiệm, mối quan hệ của các anh em, thì hãy về, sẽ được coi trọng, chứ còn để khi nó nguội rồi thì lúc đó ai biết ai là ai đâu.”
"Cả hai phía, đừng nóng ruột "
Ông nhận thấy sự thay đổi của dư luận trong nước về Việt Kiều bắt đầu từ khi nào?
Nó cũng diễn ra qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng rõ ràng là phụ thuộc nhiều vào anh chị em Việt Kiều về nước. Về phần Việt Kiều nếu mình về làm ăn đàng hoàng thì dư luận trong nước cũng đâu có kỳ thị gì.
Về mặt dư luận theo tôi cũng phải có cái nhìn công bằng:
Xã hội nào cũng có người nọ người kia, và đối với người Việt ở nước ngoài hay người Việt trong nước cũng vậy. Không thể qua việc anh nọ anh kia làm bậy bạ mà nghĩ đó là hình ảnh của Việt Kiều nói chung được.
Tôi nghĩ sự thay đổi của dư luận là nhờ sự đóng góp ngày càng lớn hơn của Việt Kiều vào quá trình phát triển đất nước, và nhà nước cũng đã nhìn nhận sự đóng góp của Việt Kiều một cách đúng mức hơn.
Mặt khác cũng nhờ có thông tin được đăng tải hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà mối quan hệ giữa người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước ngày càng tốt hơn.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Muốn thu hút đầu tư thì phải giúp đỡ Việt Kiều từ khi mới chân ướt chân ráo về nước làm ăn.
Cách thông tin cho đồng bào Việt Kiều ở nước ngoài, theo ông nên làm như thế nào, đặc biệt xuất phát từ kinh nghiệm của ông?
Muốn làm công tác Việt Kiều phải tự đặt mình vào vị trí Việt Kiều trước đã. Phải có thời gian để đi giao lưu với anh em Việt Kiều, biết họ băn khoăn, trăn trở cái gì.
Thứ hai là phải thông qua những Việt Kiều đã về nước làm ăn từ những địa bàn đó, bàn cách xem nên thúc đẩy hoạt động thông tin cho bà con bên đó thế nào cho hiệu quả. Để tự mấy anh em đó nói ra thì tốt hơn là mình nói.
(Cũng đừng sợ mấy anh em bên đó gặp khó khăn với lực lượng chống đối, vì họ có thể giải thích rằng “chúng tôi làm ăn ở Việt Nam thì chúng tôi phải có quan hệ với chính quyền nước sở tại chớ”.)
Thứ ba là thông tin cho họ cũng cần phải có cách riêng để họ có thể thu nhận thông tin theo hướng tự nhiên nhất, chứ đừng để họ nghĩ là đang bị tuyên truyền - điều được coi là tối kỵ trong văn hoá phương Tây.
Nhung kieu bao cung can dat nuoc
Trong khuôn viên "Làng Tôi"
Nếu những người hoạch định chính sách Việt Kiều hỏi ý kiến của ông, ông sẽ khuyên họ thế nào?
Nếu những người làm chính sách hỏi tôi nên làm thế nào thu hút được thêm Việt Kiều về thăm quê, tôi nghĩ chỉ thực hiện tốt Nghị quyết 36 là quá đủ rồi. Nhưng tôi nghĩ là phải mất nhiều thời gian và phải thay đổi tư duy của rất nhiều người.
Tại cuộc gặp giữa Việt Kiều với Thủ tướng năm ngoái tại Dinh Thống nhất, tôi chỉ đề nghị 2 điểm thôi: Thứ nhất là cho bà con mua nhà ở, và thứ hai là cho bà con lấy visa ở phi trường.
Lý do tại sao à? Nếu khó lấy visa thì người ta sẽ phàn nàn tại sao tôi về nhà tôi (được nhà nước cho mua) mà cũng phải xin visa nữa. Vả lại, ở nước ngoài đâu phải ở nơi nào cũng có lãnh sự, từ tỉnh này qua tỉnh kia cả ngàn cây số.
Như vậy, thường thì người ta phải qua công ty du lịch và mất cho họ 100-200 USD dịch vụ lấy visa. Nhưng cái chính vẫn là cảm giác bị gây khó dễ khi về quê hương.
Tôi nghĩ đó là hai điều mấu chốt để xúc tiến đầu tư. Người muốn mua nhà là thế hệ thứ nhất qua Mỹ, chứ đừng kỳ vọng nhiều ở thế hệ thứ hai - thế hệ quả chuối (vỏ vàng, ruột trắng) - bởi vì thế hệ thứ nhất còn nhiều gắn bó với quê hương, có nhu cầu thăm viếng quê hương, thậm chí có nhu cầu chết trên quê hương.
Ai có tiếng nói với thế hệ thứ hai hơn thế hệ thứ nhất, cha mẹ bảo sao con cái không nghe? Cha mẹ ở đây kêu con về thăm, sao con không về?
Khi về ở lần lần rồi thấy quê hương đẹp, có cơ hội đầu tư, làm ăn rồi tự họ về thôi. Mình cứ nắm chắc thế hệ thứ nhất là được, tự họ sẽ kéo thế hệ thứ hai về, rồi tương tự với thế hệ thứ ba.
Còn lời khuyên của ông đối với Việt Kiều về làm ăn ở quê hương là gì?
Tôi đã nhiều lần nói với anh em Việt Kiều là không nên nóng vội đòi hỏi cái nọ, đòi hỏi cái kia. Việt Kiều mình có 3 triệu, trong khi trong nước còn tới hơn 80 triệu người, nên nhà nước họ không thể một lúc lo hết được.
Đất nước cần kiều bào, nhưng rõ ràng kiều bào cũng cần đất nước. Đất nước cũng như một gia đình, và tôi thấy chuyện này nó cũng tương tự như mấy chuyện họ đăng báo về đề tài “làng lên phố” ấy. Khi mưa bão, hạn hán, mùa màng thất bát, mấy ông con đầu chạy tuốt hết ra thành phố để lại cha mẹ cùng với mấy đứa em gồng mình chống đỡ. Đến khi đô thị mở rộng, “làng lên phố”, đất tự nhiên lên giá, mấy người anh lại chạy về đòi chia phần hương hoả. Nghe nó không có dzô à!
Có một điều nữa tôi muốn nói là tại sao dân tộc ta cùng một gốc Bắc, sau này mở rộng bờ cõi mới có miền Trung, miền Nam, mà sao sự phân biệt vùng miền lại nặng thế. Không chỉ ở đây đâu, bên lắm nơi hải ngoại cũng vậy à, cũng phân nhóm Bắc Kỳ, nhóm Trung Kỳ, rồi nhóm Nam Kỳ. Kỳ quá à!
Nói đến đó tự nhiên ông cảm hứng đọc mấy câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
“... Có ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...“
  • Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét