Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Chuyện "bếp núc" Thủ tướng đi Mỹ


Chủ nhật, 05 Tháng hai 2006, 00:34 GMT+7

Chuyện "bếp núc" Thủ tướng đi Mỹ

- "Để tôi kể với anh một ví dụ về việc Thủ tướng đã chấp nhận make-up (trang điểm) như thế nào trước cuộc phỏng vấn với CNN...". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng, người phụ trách về "hình ảnh" của Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến đi Mỹ vừa qua kể lại...
Chuyen "bep nuc" Thu tuong di My
Ông Lê Dũng ngồi chờ Thủ tướng.
Tuy không mấy khi ngơi nghỉ với công việc làm đối ngoại, ông vẫn thu xếp được cho chúng tôi một buổi trò chuyện vào những ngày cuối năm. Hôm nay, lần đầu tiên, Lê Dũng kể về những câu chuyện bếp núc của ông...
"Thủ tướng chúng tôi đã đặt chân tới Mỹ rồi đây"
Xin ông cho biết những người “lo việc bếp núc” đã làm gì để hình ảnh của Việt Nam, của Thủ tướng được xuất hiện một cách tốt nhất, ấn tượng nhất, và có lợi nhất trong con mắt của báo giới và người dân Mỹ.
Trước chuyến thăm chúng tôi đã cho ra được phụ trương ở Washington Times để nói rõ về chính sách đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như giới thiệu những nét tổng quan nhất về Việt Nam để làm cái phông nền chung để người ta có một hiểu biết tổng thể về Việt Nam.
Ở từng chặng một, chúng tôi rất coi trọng những tập đoàn báo chí lớn, nhưng đến từng địa phương chúng ta cũng ưu tiên tiếp xúc với báo chí địa phương. Lý do là vì báo chí địa phương có tác động rất lớn với dân địa phương, họ xem báo địa phương nhiều hơn là báo phát hành toàn quốc.
Chẳng hạn khi đến San Fransisco, chúng ta đã tổ chức gặp gỡ ngay với báo chí địa phương sau khi check-in khách sạn.
Khi tới Washington, chúng ta tập trung vào những đối tượng quan trọng ở Thủ đô như hãng CNN, hay Washington Post và một số tờ báo uy tín khác. Ngoài thời gian của các cuộc gặp chính thức, Thủ tướng và các thành viên cao cấp trong đoàn đều dành hết thời gian cho giới truyền thông.
Chuyen "bep nuc" Thu tuong di My
Chụp cùng Thủ tướng trên chuyên cơ.
Việc Thủ tướng tới thăm một gia đình Việt Kiều ngay khi đặt chân tới Mỹ, chứ không chỉ quan tâm đến việc gặp lãnh đạo cao cấp của họ, ông Bill Gate, hay chủ những công ty lớn, đã khẳng định chính sách của Việt Nam coi Việt Kiều là một phần không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam.
Để có được hình ảnh này ra công chúng, chúng tôi cũng phải lo tổ chức cho truyền hình và báo chí họ đến đưa tin.
Về mặt kinh tế chúng tôi đã kết hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và Bộ Thương mại, để mời rất đông phóng viên tới tham dự các buổi hội thảo về đầu tư, và bố trí cho phóng viên tiếp xúc rất nhiều với các quan chức của ta, trả lời họ về môi trường đầu tư, về chính sách của Việt Nam.
Một điều đặc biệt nữa là ngay khi tới San Fransisco, về tới khách sạn là có ngay cuộc gặp gỡ với báo chí rồi. Cuộc họp báo này như một tiếng rung, báo với các nơi khác rằng: “Thủ tướng chúng tôi đã đặt chân tới Mỹ rồi đây”.
Đây cũng là cách thức mình học được của các đoàn nước ngoài. Khi muốn quảng bá chuyến đi bao giờ họ cũng tổ chức họp báo ngay khi tới sân bay, hoặc khách sạn. Điều này chưa hề có tiền lệ ở Việt Nam trong các chuyến đi cấp cao, bởi chúng tôi ý thức rằng đây đúng là “cơ hội vàng” để thông tin và quảng bá về Việt Nam.
Thủ tướng được make-up
Cường độ hoạt động của Thủ tướng đã thể hiện việc chúng ta tận dụng cơ hội vàng này như thế nào, thưa ông?
Chuyen "bep nuc" Thu tuong di My
"Chuyến này tuy mệt nhưng vui ông Tuấn ạ!" - Ảnh chụp cùng Tổng biên tập TS trong chuyến đi Mỹ của Thủ tướng.
Tôi nghĩ là Thủ tướng không có thời gian nghỉ. Chuyến thăm này cũng đạt được kỷ lục về thời gian hoạt động. Chương trình dày đặc liên tục, tranh thủ tiếp xúc với tất cả các cấp. Thậm chí có những hôm đến tận 10, 11 giờ ông mới về được phòng khách sạn.
Có những hôm chúng tôi phải bố trí cho Thủ tướng trả lời phỏng vấn giữa hai cuộc tiếp xúc, như hôm làm live với CNN. Đã tưởng là không xong rồi do thời gian quá gấp, nhưng Thủ tướng cũng cố gắng tranh thủ thời gian vẻn vẹn chưa đầy 1 tiếng nghỉ trưa để trả lời CNN.
Nói chung những cuộc bất thường khá nhiều. Có những cuộc chúng tôi có ý định sắp xếp rồi nhưng chưa tìm được thời gian thích hợp nên đành tranh thủ những khe hẹp như vậy trong lịch trình dày đặc của Thủ tướng để xen vào.
Thế còn ý kiến tư vấn của ông Peterson khi ông nói “hình ảnh tươi cười, dễ mến của một vị nguyên thủ chính là hình ảnh thân thiện của một quốc gia” đã được “tiếp thu” thế nào?
Để tôi kể với anh một ví dụ về việc Thủ tướng đã chấp nhận make-up (trang điểm) như thế nào trước cuộc phỏng vấn với CNN.
Hôm ấy, Thủ tướng về, chúng tôi báo cáo về cuộc phỏng vấn với CNN, và đề nghị Thủ tướng để cho cô kỹ thuật viên của CNN make-up cho ông.
Thông thường nhiều nguyên thủ đều làm thế trước ống kính cả. Lúc đầu Thủ tướng có cười và xua tay: “Thôi khỏi, trông thế này là ngon rồi!”. Nhưng rồi ít phút sau ông vẫn cứ ra để cho họ make-up.
Đúng là hình ảnh trông đẹp thật. Tôi cũng nghĩ đây cũng là cái cách người ta thường xuất hiện trước ống kính, tạo cho mình hình ảnh, ấn tượng tốt nhất có thể được.
Đề nghị này là của CNN, chứng tỏ họ cũng rất quan tâm đến hình ảnh của Thủ tướng trong chương trình của họ. Bản thân người phỏng vấn Thủ tướng, một phóng viên rất nổi tiếng tên là Ted Kopel, người thường có hàng triệu người xem chương trình của mình, cũng được make-up.
Tôi có cảm giác là khi đã make-up rồi Thủ tướng có cảm giác rất thoải mái trước ống kính, câu chuyện cũng thân mật, tự nhiên hơn, và hôm đó Ted Kopel đã hỏi được về rất nhiều vấn đề.
Hay hôm gặp ở Quốc hội, Thủ tướng cũng vừa cười vừa nói rất tự nhiên: “Nhiều nghị sĩ các bạn cũng không hiểu rõ về tình hình Việt Nam lắm, nhưng chuyến thăm này có nhiều thông tin, bài viết về Việt Nam. Theo họ báo cáo cho tôi là đến hôm nay, mới qua 2 đêm, đã có hơn 800 bài rồi, vậy các vị nên đọc những bài đó, và qua đó mới hiểu được đầy đủ về Việt Nam”.
Các nghị sĩ Mỹ bật cười thoải mái.
Tôi nghĩ đó cũng là cách Thủ tướng “kích” họ nên tìm hiểu toàn diện về Việt Nam, chứ đừng chỉ nhận những thông tin của nhóm này nhóm kia mà nghĩ đó là Việt Nam.
Thông điệp rất rõ ràng: “Việt Nam không phải là một đất nước chỉ với những vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền.”
Nhưng cũng có một số khán giả trong nước có nói là họ “hơi gợn” với hình ảnh Thủ tướng cầm giấy, trong khi Tổng thống Bush nói vo trong buổi họp báo sau khi hội đàm?
Tôi nghĩ lúc đó nếu kết hợp được cả nội dung và hình ảnh thì tốt nhất, nhưng khi phải ưu tiên cho một thứ thì tôi nghĩ Thủ tướng đã có cách lựa chọn đúng.
Với những gì đã chuẩn bị sẵn một cách có chủ định, ông đã chuyển được đầy đủ các thông điệp của mình với dân chúng Mỹ về mong muốn và thái độ của Việt Nam như thế nào trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Tôi đã kiểm tra hết rồi, báo giới Mỹ đâu có để ý đến hình ảnh đó, họ chỉ quan tâm đến nội dung cuộc hội đàm là gì, quan hệ thực chất của hai bên như thế nào. Chẳng báo nào đưa tin về hình ảnh mà anh vừa nêu.
Mà chắc các anh cũng thế thôi, khi đi họp báo cũng không để ý tới việc người chủ trì họp báo khi tuyên bố có cầm giấy hay không mà chỉ chăm chăm theo dõi xem có nhiều thông tin trong tuyên bố đó không.
Anh cũng nên để ý đến Tổng thống Bush, người không cầm giấy và nói vo. Ông ta chỉ phát biểu một vài câu chung chung thôi.
Công việc “người làm bếp”
Chuyen "bep nuc" Thu tuong di My
Thủ tướng trả lời phỏng vấn trước phóng viên Wolf Blitzer.
Trong quá trình hoạt động bên đó có gì trục trặc mà mình phải xử lý khẩn cấp không?
Trục trặc lớn nhất là mình đã thu xếp cho ABC phỏng vấn Thủ tướng, nhưng chiều hôm trước họ báo lại là không sắp xếp được thời gian và muốn mình đổi lịch.
Lịch trình thủ tướng đã kín rồi, chúng tôi buộc phải liên lạc ngay với CNN để thế vào. CNN trước đó đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan rồi. Chúng tôi muốn ABC làm cho đa dạng, nhưng thực tế là làm với CNN thành công hơn, có tiếng vang hơn, phát cả ở Mỹ và quốc tế
Trong chương trình phát sóng, ngoài bài phỏng vấn Thủ tướng họ còn có giới thiệu về lịch sử Việt Nam và công cuộc đổi mới như thế nào.
Chúng tôi phải nhắm trước Ted Kopel và mời đích danh phóng viên này. Mình gọi từ tối hôm trước, sáng hôm sau ông ta trả lời là đồng ý, nhưng nói phải 1:30 mới có thể làm được. Cứ tưởng “xong phim” rồi.
Gọi điện đi gọi điện lại gần cả buổi sáng họ mới báo lại là có thể thực hiện vào lúc 12 giờ. Có lẽ họ cũng thấy tầm quan trọng của bài phỏng vấn nên đã phải cố gắng đảo lại chương trình đã sắp sẵn.
Liên quan đến chuyến đi của Thủ tướng tới Hoa Kỳ chúng tôi thống kê có chừng 1.700 bài viết về quan hệ Việt - Mỹ và chuyến thăm của Thủ tướng, trong đó của Mỹ là hơn 2/3. Thông tin về chuyến thăm và về Việt Nam nói chung đã đến được với cả chục triệu người.
Tôi nghĩ đây cũng là một thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ trong công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam. Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn chỉ trong vòng 10 ngày lại có một lượng tin bài lớn như thế về Việt Nam với cách đưa tin tương đối khách quan.
Qua sự quan tâm và cách đưa tin của báo giới Mỹ, cũng như công tác chuẩn bị, phối hợp của phía ta, ông rút ra điều gì cho công tác thông tin đối ngoại?
Chuyen "bep nuc" Thu tuong di My
Phút thảnh thơi hiếm có ở New York.
Qua chuyện này chúng tôi rút ra kết luận là nếu chúng ta chủ động tiếp xúc với họ, tạo thuận lợi cho họ thì cách đưa tin của họ sẽ tích cực hơn, có thiện chí hơn và thông tin first-hand sẽ tác động nhiều hơn đến độc giả.
Tôi nghĩ việc này cũng xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía, đoàn ta và báo chí của họ. Trong chuyến thăm lịch sử như vậy, bản thân từ “lịch sử” cũng gây ra sự tò mò. Nhưng để có hướng tuyên truyền như mình mong muốn, bản thân chúng ta phải chủ động.
Điều đáng mừng là từ Thủ tướng đến các đồng chí lãnh đạo trong đoàn như Phó Thủ tướng Vũ Khoan, các bộ trưởng đều rất ủng hộ phương án tăng cường tiếp xúc, và đồng ý cho họ tham dự một số hoạt động của đoàn để họ có thông tin.
Những hình thức mới được áp dụng, chẳng hạn như một loạt phụ trương đã được xuất bản với sự hợp tác của các hãng truyền thông nổi tiếng và có uy tín ở Mỹ.
Với Washington Times vào trước dịp Thủ tướng đi Mỹ ta tự bỏ khoảng 60 ngàn USD ra làm. Sau đó là với Tạp chí Fortune, Tạp chí Foreign Affairs có sự đóng góp của các doanh nghiệp được giới thiệu và những nguồn tài trợ khác.
"Công việc một ngày của người phụ trách báo chí là kết nối với phóng viên để cho họ thực hiện phỏng vấn, dự kiến nội dung và phán đoán những vấn đề họ có thể quan tâm, và theo dõi động thái dư luận trong ngày hôm đó.
Tôi bị sụt 3 cân. Có những hôm phải thức trắng, đến tận 6:30 sáng để 7 giờ có bản sơ kết dư luận cho đoàn, còn thường thì phải thức đến 2, 3 giờ sáng.
Do thay đổi thời tiết bị cảm nên tôi phải tạm bỏ thuốc trong suốt chuyến đi, do sợ không đảm bảo sức khoẻ".
  • Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét