Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Ginny Foote với hành trình từ "một cuộc chiến" tới "một đất nước"


Ginny Foote với hành trình từ "một cuộc chiến" tới "một đất nước"

Tôi hiểu rằng sự nghèo nàn mà tôi chứng kiến khi sang Việt Nam lần đầu là hậu quả của tình trạng bị cô lập thời hậu chiến. Cho dù có phải là Mỹ đã áp đặt sự cô lập cho Việt Nam, hay Việt Nam tự lựa chọn để bị cô lập, hậu quả đều tồi tệ và kinh khủng như nhau. Nhưng đó cũng chính là động lực giúp tôi nỗ lực thúc đẩy việc bỏ cấm vận và bình thường hoá - Jinny Foote.

LTS: Quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao rồi kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Việt Nam có sự tham gia của nhiều người, trong những hoàn cảnh khác nhau và theo những cách khác nhau.
Chẳng hạn, nếu như chàng sinh viên Lê Văn Bàng được biết là anh sẽ về Bộ Ngoại giao và làm việc với Mỹ, ngay từ năm cuối cùng trên ghế trường đại học ở Cuba, thì đối với người thiếu phụ trẻ Ginny Foote, việc tham gia vào câu chuyện Mỹ - Việt hoàn toàn chỉ là một sự tình cờ.
Ginny kể: "Vào một ngày thu năm 1988, sau khi được lá thư của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ông Bill Sullivan, Sếp tôi, đã bảo tôi cùng đi với ông lên Bộ Ngoại giao Mỹ. Kể từ đó, ông giao cho tôi phụ trách mảng Việt Nam trong tổ chức NGO của chúng tôi, và trợ lý đắc lực của ông trong nỗ lực bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Nhớ lại cái ngày thu đó, tôi luôn có cảm giác hạnh phúc. Ông Sullivan kêu tôi đi cùng, đơn giản bởi phải có ai đó đi cùng với ông lên Bộ Ngoại giao..."
Trước khi sang Việt Nam lần đầu vào tháng 5.1989, đối với Ginny Foote, cái tên Việt Nam chỉ gợi lại một ký ức về một cuộc chiến tranh. Anh trai người bạn thân của Ginny tham chiến ở Việt Nam, còn hai người chị gái của cô, khi còn học đại học, đều tham gia biểu tình phản chiến. Cuốn sách của Sếp Sullivan, và những kỷ niệm mà ông kể cho Ginny, đều là những ký ức về một cuộc chiến.
"Đi suốt tiến trình Mỹ - Việt, tôi đã dần dần hiểu Việt Nam như một đất nước, và cố gắng  giúp những người Mỹ khác cũng hiểu điều này", Ginny nói tiếp.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Tuanvietnam với Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ Virginia Foote, người cho đến thời điểm này vẫn đi tiếp trên hành trình Mỹ - Việt.
Xin bà cho biết bối cảnh thành lập Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC).
Sếp của tôi là Bill Sullivan từng là đại sứ Mỹ tại Lào trong thời gian chiến tranh Đông Dương lần thứ 2. Ông có những cuộc đàm phán marathon qua nhiều năm với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và họ hiểu rất rõ về nhau.
Mùa thu năm 1988, Ngoại trưởng Thạch gửi thư mời Sullivan sang Việt Nam, để bàn xem làm thế nào để thúc đẩy bình thường hoá quan hệ. Việt Nam muốn tái khởi động tiến trình đã bị gián đoạn 10 năm trước.
Sullivan đã mang chuyện này lên hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng họ đã trả lời: "Chưa được. Việt Nam chưa rút quân khỏi Campuchia, và chúng ta chưa nên vội tiếp xúc với họ."
Đến tháng 5.1989, sau vài cuộc trao đổi tiếp theo của ông Sullivan và Bộ trưởng Thạch, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cho ông sang Việt Nam. Tôi đã đi cùng với ông, và đó cũng là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam.
Ý tưởng của chúng tôi là quan hệ ngoại giao giữa hai nước khó có thể bình thường hoá một sớm một chiều, vì vậy sự ra đời của một tổ chức như USVTC có thể giúp người Mỹ tìm hiểu về kinh tế Việt Nam, về tiềm năng của thị trường Việt Nam để Tổng thống Mỹ có thể gỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.
Tuy đó là tham vọng của chúng tôi, nhưng rút cuộc trong 5 năm đầu tiên, công việc chủ yếu của USVTC lại liên quan đến vấn đề POW/MIA. Bởi đó là điều kiện tiên quyết cho việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, và tiến tới bình thường hoá quan hệ.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành song song những nỗ lực khác, cùng với cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy Tổng thống Bush (cha) cho phép công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam (1992), hay Tổng thống Clinton "bật đèn xanh" cho WB và IMF cung cấp tín dụng cho Việt Nam (1993).
Bà Ginny Foote trao đổi với cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng.
Ấn tượng đầu tiên của bà về Việt Nam?
Sullivan rất vui được trở lại Việt Nam. Nhưng ông nói với tôi ông rất buồn khi thấy Việt Nam vẫn nghèo như thế, mặc dù cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được gần một thập kỷ rưỡi.
Còn tôi, tôi hiểu rằng sự nghèo nàn này là hậu quả của tình trạng bị cô lập thời hậu chiến. Cho dù có phải là Mỹ có áp đặt sự cô lập cho Việt Nam, hay Việt Nam tự lựa chọn để bị cô lập, kết quả đều tồi tệ và kinh khủng như nhau.
Nhưng đó cũng chính là động lực giúp tôi nỗ lực thúc đẩy việc bỏ cấm vận và bình thường hoá.
Những quan chức Việt Nam bà gặp lần đó nhìn bà như thế nào?
(Phá lên cười) Họ đâu có nhìn tôi. Sullivan mới là đối tượng của mọi ánh mắt.
Nhưng phát hiện lớn nhất của tôi lúc đó là mối quan hệ cá nhân giữa Sullivan và Nguyễn Cơ Thạch. Tôi đã không hình dung nổi. Bất chấp sự tàn khốc của chiến tranh, sự căng thẳng trong đối đầu giữa hai phía trên bàn đàm phán, hai người đàn ông đó gặp lại nhau, trò chuyện với nhau theo cái cách hoàn toàn tự nhiên, và thân thiện.
Bà gặp ông Thạch có nhiều không?
Chúng tôi gặp ông Thạch hai lần ở New York, bởi ông không được cho phép tới Washington D.C.. Chúng tôi gặp ông ở Hà Nội nhiều hơn. Chúng tôi có khoảng 3 năm cùng làm việc với nhau, trước khi ông bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Bà thấy ông Thạch là người thế nào?
Tôi có cảm giác câu chuyện trước đó gần hai thập kỷ (đàm phán ở Paris) dường như chả tác động gì tới hai người đàn ông này, Thạch và Bill (Sullivan). Họ tranh luận, rồi họ lại cười với nhau. Có những lúc họ cũng lâm vào bế tắc, nhưng họ đều nói với nhau: Hãy cố thử thêm lần nữa!
Với họ, thất bại, hay bế tắc, chỉ là tạm thời. Họ tin họ sẽ thành công.
Quan sát họ, tôi rút ra một bài học quan trọng: Đôi khi anh có thể thua cuộc trong một cuộc đàm phán. Nhưng cách cư xử đúng mực của anh trước sự thua cuộc đó lại là cái "được" của anh, cho cuộc đàm phán tiếp theo.
Đại sứ Phạm Ngạc, người phiên dịch, ghi biên bản và liên lạc với đoàn Mỹ trong suốt quá trình đàm phán hiệp định Paris:
Đại sứ William Sullivan là nhà ngoại giao sắc sảo, được Harriman tin dùng. Trong một hội nghị, Harriman cố tình vắng mặt để Sullivan đại diện đoàn Mỹ và chứng tỏ tài năng trong đàm phán. Sullivan và ông Nguyễn Cơ Thạch đã từng gặp nhau tại Hội nghị Geneve về Lào. Khi đàm phán ở Paris đi vào thực chất giải pháp, ông Lê Đức Thọ trở lại Paris. Ông Phan Hiền (sau này là Bộ trưởng Tư Pháp) vui vẻ thông báo với mọi người: "Chuyến này có cả Pélé cùng sang" (ý nói Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc đó đặc trách về giải pháp sẽ ghi bàn thắng tại Hội nghị Paris đang bế tắc). Phía Mỹ cũng có Sullivan tham gia đoàn của Kissinger. Trong buổi gặp lại, ông Thạch chủ động tạo không khí hợp tác hai đoàn, đón chào ông Sullivan bằng tiếng Pháp: Vous n'avez pas changé (Ông vẫn phong độ như xưa).
Sau khi Kissinger - Lê Đức Thọ thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản, chính cặp đôi Sullivan - Nguyễn Cơ Thạch đã chịu trách nhiệm thương lượng mọi chi tiết và hoàn thành văn bản Hiệp định, bốn Nghị định thư kèm theo, văn bản Định ước quốc tế cũng như mọi thủ tục ký kết chính thức và Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Trong đàm phán, tuy hai bên đều rất quyết liệt nhưng có thiện chí với nhau. Trong một buổi đàm phán gay go kéo dài, Sullivan đang phát biểu thì bị ho sặc sụa, cầm cốc nước lạnh để uống. Ông Thạch ngăn lại, nói: "Ông đừng uống nước lạnh, sẽ bị ho thêm", và gọi người phục vụ Việt Nam lấy một tách trà nóng cho Sullivan. Sự quan tâm rất văn hóa này đã gây ấn tượng cho cả đoàn Mỹ.
Hiệp định đã hoàn tất, thủ tục ký kết cũng được thoả thuận nhưng phía chính quyền Sài Gòn lại gây trở ngại. Sullivan lại phải nỗ lực can thiệp và nói đùa với ông Thạch nếu thất bại thì sẽ phải "hara-kiri" (mổ bụng tự vẫn). Khi Ngoại trưởng Mỹ William Rogers và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris chính thức ký kết Hiệp định, Rogers có Sullivan đi cùng gặp ông Nguyễn Duy Trinh ở hành lang, sau khi bắt tay chào nhau, Rogers nói ngay: "Sullivan nói thích ông Thạch vì ông ấy rất.. cứng (tough)". Một thái độ rất Mỹ, phục đối thủ sau khi đã "so găng" quyết liệt.
Những nhân vật có vai trò quan trọng trong tiến trình bình thường hoá mà bà đã từng làm việc?
Về phía Mỹ, ngoài Bill Sullivan và Đại tướng John Vessey - đặc phái viên của cả Tổng thống Reagan và Tổng thống Bush, là hai thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain.
Họ thuộc hai đảng đối lập, có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về cuộc chiến (cựu binh Kerry sau đó tham gia phong trào phản chiến, còn McCain lại bị bắt làm tù binh), về tính cách cũng rất khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là đều rất mong muốn quan hệ hai nước được nhanh chóng bình thường hoá. Và do cùng tham gia tiểu ban POW/MIA, cả hai đều làm việc rất nhiều với các đoàn Mỹ vào Việt Nam.
Và tất nhiên là các tổ chức cựu binh Mỹ.
Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao là những người tiên phong trong chuyện này. Sau Bộ trưởng Thạch, Bộ trưởng Cầm (Nguyễn Mạnh Cầm) và Thứ trưởng Lê Mai cũng là những người tích cực.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cả SCCI (Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư) là những cơ quan thực hiện, bởi theo tôi hiểu ở Việt Nam quyết định được đưa ra ở cấp cao.
Thế còn ở phía Mỹ?
Ngược lại. Mỗi người, mỗi nhóm chúng tôi làm từng việc một, cố gắng thúc đẩy để đạt được một quyết định cuối cùng ở cấp cao nhất.
Cách giải quyết vấn đề POW/MIA của USVTC khác với cách tiến hành của chính phủ Mỹ như thế nào?
Về phía Mỹ, những lực lượng phản đối bình thường hoá mạnh hơn rất nhiều so với lực lượng ủng hộ bình thường hoá. Vì vậy, những đoàn cựu binh do chúng tôi tổ chức sang Việt Nam có vai trò rất quan trọng.
Đầu tiên, chúng tôi thuyết phục họ suy nghĩ về việc thử sang VN. TNS Kerry đã mời nhiều cựu binh đến văn phòng của ông, và tôi cũng có mặt ở đó để trả lời những câu hỏi của họ.
Khi họ đến Việt Nam, là ban lãnh đạo của các tổ chức cựu binh, tôi nói với phía Việt Nam rằng nếu những người này cảm thấy không thoải mái, tiến trình bình thường hoá sẽ gặp khó khăn hơn. May mà mọi chuyện nói chung đều ổn thoả.
Về phía Việt Nam, (TBT) Đỗ Mười tỏ ra tuyệt vời trong cách cư xử với các cựu binh. Tôi đã có lần chứng kiến ông ta tiếp đoàn VWF - tổ chức cựu binh lớn nhất của chúng tôi ở Mỹ với hàng triệu thành viên và có tiếng nói rất quan trọng.
Trước cuộc gặp, các cựu binh Mỹ đã nghĩ rằng họ sẽ gặp một khuôn mặt đỏ gay, giận dữ và mồm luôn phê phán Mỹ về những chuyện xảy ra trong quá khứ. Nhưng những chuyện đó đã không diễn ra.

Vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã tươi cười bắt tay họ, ôm hôn họ, hỏi thăm về gia đình họ. Ông còn hỏi họ vết thương còn đau không. Thậm chí ông còn bắt một người vén áo lên để ông xem vết thương, hay xem tận nơi cái tai bị cụt của một người khác.
Đó là một trải nghiệm rất con người mà cả các cựu binh có mặt hôm đó lẫn tôi đã từng chứng kiến.
Cùng với việc tìm hiểu kỹ lộ trình thực hiện chương trình POW/MIA, và thái độ hợp tác của phía Việt Nam, về nước họ đã thay đổi hẳn lập trường trong đại hội toàn quốc tổ chức sau đó. Họ quay sang ủng hộ Tổng thống Clinton dỡ bỏ cấm vận, chứ không kiên quyết chống như trước nữa.
Xin được phép tò mò một chút. Bà đi đi lại lại như con thoi như vậy giữa Washington D.C. và Hà Nội trong suốt quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao, rồi quan hệ kinh tế - thương mại (BTA), và cả quá trình Việt Nam đàm phán với Mỹ để gia nhập WTO, rồi đủ các cuộc gặp mặt, vận động khác ngay tại Mỹ. Vậy không hiểu bà thu xếp gia đình thế nào?
Tôi luôn phải cố gắng sắp xếp cho các chuyến đi sang Việt Nam có thể kết thúc nhanh nhất, để tôi không phải xa nhà quá một tuần. Rất may là chồng tôi không mấy khi phải đi công tác xa nhà, dù là trong nội bộ nước Mỹ.
Trong lần đi Việt Nam đầu tiên (5.1989), tôi đã nấu sẵn rất nhiều món, nhét chật cứng tủ lạnh để hai bố con ăn dần. Nhưng khi tôi về tới nơi, mọi thứ vẫn còn nguyên, và từ đó tôi không chuẩn bị đồ ăn sẵn nữa.
Con gái tôi chấp nhận chuyện luôn phải xa mẹ, mà không phàn nàn gì. Nhưng có một lần tôi đã thực sự có cảm giác tội lỗi đối với con gái, khi phải ra đi đúng vào ngày sinh nhật của cô bé.
Khi bà sang Việt Nam lần đầu, cô bé lên mấy?
Con gái tôi sinh năm 1987. Chính vì vậy tôi luôn đo những tiến bộ đạt được trong quá trình bình thường hoá bằng chiều cao qua từng năm của con gái tôi.
Bây giờ nhìn lại quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao và kinh tế - thương mại, bà có cảm thấy kinh ngạc về biết bao chướng ngại mà hai bên đã vượt qua không? Và dường như có cả những chướng ngại do tự chúng ta dựng lên nữa?
Tôi nghĩ rằng lịch sử khi nhìn lại chúng ta cảm thấy nó khó khăn, nặng nề hơn nhiều, so với khi sự kiện đang diễn ra. Nhưng nhìn lại toàn bộ cả quá trình tôi thấy rằng tại mỗi bước đi chúng ta đều có những sai lầm. Chuyện xảy ra với Bộ trưởng Thạch là một trong những trường hợp đó.
Hay những người chờ đợi sự kiện diễn ra vào tối khuya ở Melia vào tháng 7.1999 đều nghĩ rằng ký tắt (BTA) là sắp xong rồi. Thế nhưng, thực ra còn 12 điều mà hai bên vẫn chưa thống nhất được.
Và điều gì ở Oakland (New Zealand), bên lề APEC, thực sự là một thảm hoạ. Chúng ta đã từng thất bại trong quá khứ, nhưng đó là là một thất bại cực kỳ tồi tệ. Đó cũng là lý do tại sao, trong nhiều tháng sau đó, phía Mỹ không muốn nhắc lại chuyện này nữa.
Rất may, nhờ nỗ lực lớn của cả hai phía mà đối thoại vẫn được duy trì, mặc dù họ chưa thể ngồi lại vào bàn đàm phán. Chỉ đến mùa hè năm 2000, đàm phán mới được nối lại.
Theo bà tại sao lại có sự lỡ nhịp như vậy? Chúng ta ký chậm mất 10 tháng, nhưng dường như để hiệp định có hiệu lực chúng ta lại mất thêm nhiều thời gian và công sức hơn.
Tôi nghĩ, trước hết, về phía Mỹ, chúng tôi đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc thúc đẩy phía Việt Nam cùng tới đích.
Thứ hai là ở Quốc Hội, những vấn đề của chiến tranh vẫn là trở ngại lớn. Chúng tôi phải đương đầu với vấn đề POW/MIA và Jackson-Vanik. Nhiều khi rất khó khiến mọi người tập trung chú ý vào một việc chúng ta muốn thúc đẩy, một khi mọi người đã không mấy quan tâm tới nó. Đó là chưa nói tới việc làm cách nào thắng được cuộc bỏ phiếu, bởi có nhiều người chống.
Trong suốt hơn một năm kể từ ngày BTA được ký, chúng tôi hầu như rất bận rộn chuẩn bị cho việc quốc hội thông qua. Vào chiến dịch vận động ở quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ BTA phải gặp nhau hàng tuần, dưới sự chủ toạ của tôi.
Chúng tôi phải lên lịch xem tuần tới gặp những nghị sĩ nào, nói những gì, và cách lập luận đối với từng đối tượng như thế nào cho phù hợp. Một lịch trình hoàn toàn tương tự trong chiến dịch vận động quốc hội trao cho Việt Nam qui chế thương mại bình thường (2006).
Xin cám ơn bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét