Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Nhìn lại hành trình "học để hiểu nhau" giữa hai cựu thù


Nhìn lại hành trình "học để hiểu nhau" giữa hai cựu thù

Khi Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, vị thế của ông Nguyễn Cơ Thạch còn lớn lắm. Lúc bấy giờ, giới báo chí nước ngoài đều cho rằng vị thế lớn của ông Thạch là một lợi thế lớn cho xu thế bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Họ đều biết nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Thạch để thiết lập một kênh nào đó để thúc đẩy quan hệ với Mỹ, qua câu chuyện MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích), rồi qua tiếp xúc của ông Thạch ở Thái Lan...

LTS: Ngày 9.12.2011 tới Học viện Ngoại giao sẽ phối hợp với Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực (10.12.2001), bằng một cuộc hội thảo và một Gala Dinner.
Ông Nguyễn Đình Lương, trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam, đã nhận xét rằng quá trình đàm phán này thực chất là quá trình hai bên học cách hiểu nhau.
Theo Tuanvietnam, nhận định của ông Lương, thực ra, có ý nghĩa cho cả hành trình Việt - Mỹ, từ những cựu thù mấy chục năm về trước trở thành những đối tác chiến lược trong những năm tới đây.
Tuanvietnam, kể từ Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này sẽ giới thiệu loạt tư liệu về quá trình "học để hiểu nhau" đó. Những nhân vật trong loạt tư liệu này có những vai trò khác nhau trong hành trình này, nhưng điểm giống nhau là họ đều là những nhân chứng của một bối cảnh lịch sử - điều mà Tuanvietnam muốn nhấn mạnh.
Nhân vật trong Gặp gỡ & Đối thoại tuần này là ông Lương Văn Lý, hiện là Giám đốc của Công ty tư vấn đầu tư DNL Partners - người đầu năm 2007 đã làm xôn xao báo giới Sài Gòn với quyết định nộp đơn xin thôi chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM. Tuy nhiên, nội dung của cuộc trò chuyện dưới đây lại gắn với hơn 20 chục năm ông gắn bó với ngành ngoại giao, khi phụ trách mảng quan hệ Việt - Mỹ và báo chí của Sở Ngoại vụ TP HCM, trước khi chuyển sang Sở KHĐT vào đầu năm 2001.
- Nhà báo Huỳnh Phan: Kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc (4.1975), đến lúc nào thì phóng viên nước ngoài trở vào lại Việt Nam nhiều?
Cựu PGĐ Sở Ngoại Vụ Lương Văn Lý: Tôi nghĩ họ vào rải rác từ khoảng 1983-1984, bởi lúc đó Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao) được thành lập cuối năm 1983 để thực hiện chức năng hướng dẫn phóng viên nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam.
Kể từ Đại hội VI của Đảng CSVN, với điểm nhấn quan trọng là quyết định đổi mới, phóng viên nước ngoài bắt đầu quan tâm mạnh trở lại đến Việt Nam. Nhưng thời điểm đánh dấu sự trở lại ồ ạt của họ chính là năm 1987, khi Quốc Hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên, và Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) đã vào trong Sài Gòn tổ chức giới thiệu luật này với phóng viên nước ngoài tại Dinh Thống Nhất.
Ngày hôm sau, tại khách sạn Rex, nơi duy nhất tại Sài Gòn lúc đó có cabin dịch trực tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dành cả một buổi sáng trả lời câu hỏi của các phóng viên nước ngoài, còn buổi chiều là phần trả lời của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Chủ nhiệm SCCI Võ Đông Giang.
Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Chủ nhiệm Võ Đông Giang là những nhà ngoại giao lão luyện nên chuyện trả lời báo chí nước ngoài  chắc không có vấn đề gì. Thế nhưng, với TBT Nguyễn Văn Linh, không hiểu ông có bất ngờ trước cách đặt vấn đề quá trực diện của phóng viên nước ngoài hay không?
Không hề. Đây cũng là lần đầu tiên hỏi và trả lời trực tiếp, mà không có sự chuẩn bị trước câu hỏi và câu trả lời.
Cuộc đó nói chung được đánh giá là một cách tiếp xúc hoàn toàn mới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với báo chí quốc tế. Lần đầu tiên, một người đứng đầu Đảng CSVN tổ chức một cuộc họp báo với sự tham dự của hơn trăm phóng viên nước ngoài, thay vì trả lời phỏng vấn tay đôi như xưa nay, kể từ thời Bác Hồ.
Hình thức hỏi là hỏi câu nào trả lời câu đó, hay gom một nhóm câu hỏi rồi mới trả lời, như về sau này lãnh đạo Việt Nam vẫn làm?
Đa số hỏi 3-4 câu rồi trả lời một lần. Nhưng có những câu ông Linh thấy có thể trả lời ngay, ông trả lời luôn.
Ông Lương Văn Lý, hiện là Giám đốc của Công ty tư vấn đầu tư DNL Partners
Từ đó cho đến 1995, khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ, xu hướng báo chí nước ngoài khai thác những gì?
Suốt thời gian đó, họ chủ yếu quan tâm đến đổi mới của Việt Nam, tương lai triển vọng thế nào, có thành công hay không. Người ta hiếu kỳ muốn biết chuyện đó, và các phóng viên cố đi tìm những thông tin nội bộ của Việt Nam.
Dư luận chung cho là tuy kết quả cuối cùng của Đại hội VI là quyết định đổi mới, nhưng bên trong vẫn còn có những giằng co nhất định. Vì vậy, các phóng viên nước ngoài thường quan tâm ai thuộc phe nào, cấp tiến hay bảo thủ, như cách phân loại đơn giản của họ, rồi tương quan lực lượng ra sao.
Thứ hai, về kinh tế, Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường ra sao. Bởi lúc đó sự quản lý của nhà nước với kinh tế rất nặng nề, và sự can thiệp của Đảng vào quá trình điều hành kinh tế rất sâu, thể hiện qua câu chuyện giá - lương - tiền. Qua tiếp xúc, tôi cảm nhận rằng họ vẫn nghi ngờ rằng tuy Việt Nam "nói dzậy, nhưng chưa chắc đã làm dzậy".
Thứ ba là quan hệ với Mỹ. Bởi chỗ đó là chỗ tắc lớn trong lối ra thế giới của Việt nam. Họ quan tâm tới e kíp lãnh đạo lúc đó, như ông Nguyễn Văn Linh, hay ông Nguyễn Cơ Thạch sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ đi về đâu.
Phóng viên nước ngoài nhìn nhận vai trò của ông Nguyễn Cơ Thạch như thế nào trong tiến trình Việt - Mỹ?
Khi Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, vị thế của ông Thạch còn lớn lắm. Lúc bấy giờ, giới báo chí nước ngoài đều cho rằng vị thế lớn của ông Thạch là một lợi thế lớn cho xu thế bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Họ đều biết nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Thạch để thiết lập một kênh nào đó để thúc đẩy quan hệ với Mỹ, qua câu chuyện MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích), rồi qua tiếp xúc của ông Thạch ở Thái Lan. Mặc dù, Việt Nam vẫn duy trì quân tình nguyện ở Campuchia, nhưng ông Thạch vẫn cố gắng giữ quan hệ đối thoại với Thái Lan.
Hay, thông qua những chuyến ông Thạch qua châu Âu, qua trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, họ cũng biết ít nhất đang có người trong giới lãnh đạo Việt Nam vẫn miệt mài tìm các kênh khả thi để bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
Sau hội nghị Thành Đô (bàn về Campuchia và bình thường hoá quan hệ Việt - Trung), đầu tháng 9.1990, giới báo chí nước ngoài nhận thức rằng sự nghiệp của ông Thạch đã tới khúc quanh, và họ cũng hiểu rằng xu thế bình thường hoá quan hệ với Mỹ đang bị mất đà.
Tuy tiến trình MIA vẫn được tiếp tục, nhưng sự đầu tư vào việc thúc đẩy tiến trình bình thường hoá này có phần bị sao lãng trong một khoảng thời gian nhất định. Thậm chí, dường như có sự e ngại trong số những người muốn tiếp tục tiến trình mà ông Thạch đang đi dở dang.
Xin ông nói rõ hơn?
Chẳng hạn, ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai cũng đã có lúc bị phê phán là quá "thân" Mỹ.
Lúc đó, khi tiếp xúc với phóng viên nước ngoài, ông có bị hỏi về chuyện ra đi của ông Thạch không?
Không. Có chăng chỉ ở những buổi tiếp xúc không chính thức, như trong những bữa ăn trưa, hay bên ly bia, họ có nêu, nhưng chỉ hỏi vòng vòng thôi, chứ hầu như không nêu đích danh tên ông. Họ chỉ hỏi xu hướng bình thường hoá quan hệ thế nào.
Giả sử ông Thạch còn ở lại thêm một thời gian nữa, liệu Việt Nam và Mỹ có bình thường hoá được nhanh hơn không?
Tôi nghĩ có thể, nhưng không phải sớm hơn nhiều đâu. Bởi đó là sự nghiệp chung của cả hai bên, và phía Mỹ dường như cũng chưa hẳn đã sẵn sàng.
Mỹ lúc đầu còn quan tâm rất nhiều đến Trung Quốc. Bởi đổi mới của Việt Nam bị cải cách của Đặng Tiểu Bình khoả lấp. Cải cách ở Trung Quốc đã mở ra triển vọng quá lớn cả về chính trị và kinh tế cho Mỹ.
Lúc đó, tôi có cảm tưởng chẳng còn mấy ai trên thế giới quan tâm đến Việt Nam nữa.
Vì sao?
Campuchia thì qua rồi, chỉ còn vài vấn đề như MIA, hay nhân quyền, mà thôi. Mà chủ yếu đó cũng chỉ là mối quan tâm của các chính trị gia muốn kiếm phiếu thôi, chứ dư luận mấy ai quan tâm. Sự thờ ơ thể hiện khá rõ.
Dịp 30.4.2010, tôi có gặp nhiều cựu phóng viên chiến trường Mỹ tại Phnompenh và Sài Gòn, như Peter Arnett, Mike Morrow, Jim Laurie, hay Neil Sheehan. Họ đều nói là sau chiến tranh họ đều quay trở lại Việt Nam đưa tin về quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai cựu thù. Trong thời gian ở Sở Ngoại Vụ, ông có hay gặp họ không?
Có chứ. Barbara Crosssette của New York Times, Ron Moreau của Newsweek, Peter Arnett của CNN, Murray Hiebert của FEER, rồi Jean-Claude Pomonti... Riêng Neil Sheehan thì tôi gặp nhiều lần. David Halberstam thì tôi đưa đi gặp ông Phạm Xuân Ẩn...
Theo tôi, đó là những người chí cốt. Họ hiểu Việt Nam trước và sau cuộc chiến. Thậm chí, có những người còn không đồng tình với cuộc chiến. Trong thời gian trước bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, họ chiếm số đông trong số các phóng viên Mỹ vào Việt Nam.
Họ hiểu biết Việt Nam cũng khá, họ cảm tình với Việt Nam cũng nhiều. Vì vậy, họ đóng góp khá nhiều để dư luận và chính giới Mỹ hiểu về một Việt Nam mới.
Ông đánh giá thế nào về việc phía Việt Nam đưa những người như ông Phạm Xuân Ẩn ra tiếp họ?
Tuyệt vời. Bởi, trước hết, họ quen nhau nên ngồi nói chuyện với nhau cũng dễ hơn. Hơn nữa, uy tín và hiểu biết của những người như ông Ẩn khiến cho những trao đổi với họ trở nên có trọng lượng và có sức thuyết phục cao.
Thời đó, để thu xếp những cuộc đó, ông có gặp khó khăn gì không? Phải vận động thuyết phục nhiều không?
Sau Đại hội VI có một sự "xả van" rất lớn trong xã hội. Trong lĩnh vực thông tin văn hoá, sự "xả van" càng lớn. Vì vậy, việc báo chí nước ngoài vào tiếp xúc với người này người kia không khó lắm.
Thông thường ở Trung tâm Báo chí Nước Ngoài ở Hà Nội sắp xếp hết. Khi vào đây, họ muốn gặp thêm nhân vật nọ, nhân vật kia, tôi thu xếp thêm. Chỉ cần báo cho bên cơ quan chức năng thôi, và họ biết vậy để nắm thông tin mà báo cáo thôi.
Trong không khí chung của mở cửa hội nhập lúc đó, vị thế của những người làm đối ngoại lớn lắm. Ngoại vụ than phiền về trở ngại nọ, trở ngại kia, là cũng phiền. Hơn nữa, những người làm đối ngoại chúng tôi cũng được hưởng cái thuận lợi từ vị thế của ông Nguyễn Cơ Thạch.
Ngoài ông Phạm Xuân Ẩn, họ còn được tiếp xúc với những ai trong Sài Gòn?
Ông Nguyễn Xuân Oánh, bà Dương Quỳnh Hoa, và bà Ngô Bá Thành, tức là những nhân vật Sài Gòn cũ còn ở lại.
Đối với lớp phóng viên có mặt ở Việt Nam trước 1975, có thể họ chưa hiểu về chế độ mới, nhưng về bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hoá họ hiểu rất rõ. Do đó, trả lời phỏng vấn họ không hề đơn giản.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí nước ngoài trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài, giúp thế giới hiểu Việt Nam hơn?
Quan trọng lắm. Chẳng hạn, khi Việt Nam ra luật đầu tư đầu tiên, thế giới biết được là do báo chí quốc tế. Chứ, hồi đó, bộ máy tuyên truyền quảng bá của mình cực kỳ yếu. Tôi nói thế không có nghĩa là khẳng định công tác thông tin quảng bá hiện giờ của Việt Nam đã mạnh.
Hay, đợt hưng phấn đầu tiên của thế giới và khu vực về Việt Nam như một con tiểu hổ, hay một con rồng nhỏ, là hoàn toàn do báo chí quốc tế tạo ra.. Công bằng mà nói họ đã đóng góp nhiều vào việc đánh bóng hình ảnh của Việt Nam. Tuy tôi chưa dám nói hay, hay là dở, bởi vẫn có nhiều đánh giá khác nhau.
Theo kinh nghiệm của bản thân, khi tiếp xúc với phóng viên nước ngoài, nên có cách ứng xử thế nào đối với báo chí nước ngoài?
Mục đích chính của chúng ta là giúp họ có một cái nhìn tương đối cân bằng về Việt Nam, chứ đừng mong hão là xoá định kiến của họ. Họ là những người có "sạn" trong đầu rồi.
Như vậy, việc đầu tiên là cần sắp xếp một chương trình làm việc của họ cho cân đối, và cố gắng tạo điều kiện cho họ đi càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy những chương trình Hà Nội đưa vào tôi xem rất kỹ, và nếu cần thiết thì góp ý thêm. Cũng may lúc đó là thời ông Nguyễn Công Quang làm giám đốc TTBCNN nên rất dễ đối thoại.
Thứ hai là nên chủ động tiếp xúc. Khi họ vào tôi hay chủ động mời họ đi ăn cơm nói chuyện, qua đó mình hiểu họ hơn, và cũng chủ động cung cấp cho họ những thông tin mà họ thiếu.
Ông có thể dẫn chứng cụ thể không?
Hai đề tài mà tôi hay phải hầu chuyện họ là kinh tế và dân chủ - nhân quyền.
Họ nói lúc mới đổi mới Việt Nam tuyên truyền nói dữ lắm về kinh tế thị trường, nhưng mấy năm sau, mới thấy rõ là quản lý kinh tế của Việt Nam tồi lắm.
Tôi bảo họ là nên kiên nhẫn, tuy "cậu học trò Việt Nam" còn chưa thuộc hẳn bài học quản lý kinh tế, nhưng thấy cũng sáng dạ, chịu khó, và cầu thị. Lúc đó, tôi cũng hay chỉ họ tới thăm những công ty quốc doanh ăn nên làm ra, như công ty của bà Ba Thi (công ty Lương thực TP.HCM), hay IMEXCO... Tệ cái, sau này họ không theo kịp thời thế nên làm ăn bết bát, thậm chí sập tiệm.
Còn về đề tài thứ hai, tôi nói rằng nếu đến Việt Nam với một quan điểm cực đoan về dân chủ, như ở Mỹ, là không thể nào có được. Thế nhưng, xét ra cái gốc dân chủ ở Việt Nam có xuất phát điểm là đồng thuận xã hội - cũng là một nguyên lý dân chủ thuộc loại cơ bản trên thế giới. Hơn nữa, ở Việt Nam đó còn là một yếu tố của nền văn hoá. Thì anh thấy đấy, những quyết sách đưa ra mà không nhận được sự đồng thuận của xã hội khó mà thực thi được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét