Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Quy định riêng về DNNN trong TPP: Thách thức hay cơ hội?


Quy định riêng về DNNN trong TPP: Thách thức hay cơ hội?

Tuy chúng ta cùng đàm phán TPP và sẽ có những nhượng bộ lẫn nhau. Nhưng chắc chắn không có chuyện những quốc gia khác sẽ đứng lại để chờ Việt Nam. Cho nên cũng đừng loại trừ khả năng chúng ta sẽ không còn ở chung trên một con thuyền nữa, khi nó cập bến.
LTS: Tại Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội cách đây gần 3 tuần, ngoài giới học giả, các chuyên gia tư vấn chính sách và giới ngoại giao, người ta còn thấy sự xuất hiện của một người đại diện cho giới kinh doanh.
Đó là bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, và Chủ tịch Quỹ Đầu tư Vietnam Partners LLC, người mà suốt hơn 2 thập kỷ qua đã đóng một vai trò không nhỏ trong tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Tuần Việt Nam và bà Virginia Foote, bên lề cuộc hội thảo Biển Đông, như một góc nhìn của một đại diện giới kinh doanh đối với tình hình Biển Đông, môi trường kinh doanh ở Việt Nam, và triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Xin bà cho biết lý do bà quan tâm tới sự kiện này.
Tôi nghĩ không chỉ các nhà hoạch định chính sách, giới quân sự, ngoại giao, rồi học giả quan tâm tới những giải pháp, gợi ý dược nêu ra và bàn thảo trong những hội nghị như thế này. Giới kinh doanh, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng lượng, cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt.
Tôi là người luôn cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, vì vậy tôi có mặt ở đây là để hiểu thêm những gì đang thực sự diễn ra ở Biển Đông, theo chiều hướng nào, và ảnh hưởng tới hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng như thế nào..
Như bà thấy đấy, Conoco Phillips đang hoàn tất thủ tục để bán cổ phần của họ trong liên doanh dầu khí với Petro Vietnam. Mặc dù Exxon Mobil tuyên bố tìm thấy khí ở dự án ngoài khơi Việt Nam, cổ phiếu của công ty này vẫn giảm điểm, khi Trung Quốc lên tiếng phản đối dự án này.
Theo bà, liệu sự bất ổn tiềm tàng ở khu vực Biển Đông càng ngày càng là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư Mỹ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, tiếp cận thị trường Việt Nam?
Tôi đã được nghe những đề xuất giải quyết bất ổn thông qua kênh ngoại giao, nghe các học giả nhấn mạnh về tính quan trọng về địa chính trị của khu vực này... Rồi mọi người cũng bàn thảo về những khả năng có thể hợp tác cùng khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, và tôi hy vọng đây sẽ là khía cạnh được mọi người quan tâm nhiều.
An ninh năng lượng là mối lo thường trực của mọi quốc gia. Với Việt Nam lại càng quan trọng.
Liệu sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ có nhận được sự đảm bảo gì đó từ phía Chính phủ Mỹ hay không?
Mối quan tâm của chính phủ Mỹ, theo tôi quan sát, ngày càng tăng. Năm ngoái, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã có mặt ở Hà nội hai lần. Tại ARF và tại Thượng đỉnh Đông Á. Năm nay đích thân Tổng thống Barrack Obam dự Thượng đỉnh Đông Á ở Bali (Indonesia).
Bà Virginia Foote
Ổn định ở Biển Đông không còn là vấn đề của riêng khu vực này nữa rồi, mà là mối quan tâm chung của toàn cầu, khi 53% lượng hàng hoá vận chuyển giữa các nước và các khu vực đi qua vùng này.
Một người bạn của tôi làm ở một hãng tư vấn lớn của Mỹ tại Việt Nam có nói rằng nếu như trước đây công việc chính của anh ta là tư vấn đầu tư vào Việt Nam, thì khoảng 2 năm trở lại đây khách hàng chính lại là những người muốn thoái vốn. Bà nghĩ gì về điều đó?
Trước hết, tôi cần khẳng định rằng Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, tuy chưa phải lớn nhất. Hơi khó để tính chính xác của đầu tư Mỹ vào Việt Nam, bởi nó có thể đuợc tiến hành từ một lãnh thổ thứ ba, như Singapore chẳng hạn.
Thật khó giải thích là tại sao một số công ty vẫn tiếp tục ở lại, mà một số công ty khác lại muốn ra đi. Câu hỏi này anh phải dành cho phía chính phủ Việt Nam, bởi chính họ phải tìm hiểu là liệu môi trường đầu tư đã đủ hấp dẫn chưa, các thủ tục có quá rắc rối hay không.
Tôi cho rằng họ phải làm việc với cộng đồng doanh nghiệp để làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh ở Việt Nam - một việc phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng. Bởi do khủng hoảng, nguồn vốn huy động cho một dự án đầu tư càng khó gấp bội, rủi ro cũng cao hơn. Và, bù lại, môi trường kinh doanh lại càng cần thông thoáng, minh bạch mới có hy vọng mời gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào.
Chính một số nhà đầu tư Mỹ đã nói với tôi rằng, sau khi tìm hiểu thị trường và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, họ thấy khó có thể vào Việt Nam làm ăn được. Việc giải quyết các thủ tục quá chậm chạp, quá khó khăn và quá tù mù.
Hơn nữa, về thương mại, trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã có những qui định hạn chế thương mại, có lẽ là để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Điều đó đã khiến các công ty nước ngoài, trong đó có Mỹ, bị tổn thương. Tôi nghe thấy nhiều phàn nàn từ phía họ.
Đây cũng là lý do nhiều công ty đang cân nhắc xem có nên mở rộng sản xuất kinh doanh, hay thu hẹp lại. Hoặc những người muốn vào cũng trở nên lưỡng lự hơn.
Tuy nhiên, một thoả thuận thương mại tự do giữa hai nước, trong khuôn khổ TPP, có thể là một xung lực mới và quan trọng để thu hút đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.
Thế còn vấn đề lao động, mà cụ thể là quyền tự do lập hội, có phải là một trở lực tiếp theo không, nhất là đối với Việt Nam?
Tôi cũng đoán vậy. Mặc dù, theo tôi biết, vấn đề này chưa được đưa lên bàn đàm phán. Không chỉ với Việt Nam, mà chắc một số nước khác cũng thấy có những khó khăn nhất định so với những nước còn lại.
Tôi nghĩ chắc vấn đề này phải sang năm mới được đưa ra. Việt Nam rất cần nghiên cứu kỹ những hiệp định thương mại song phương mà Mỹ đã ký, xem liệu điều này có được đưa vào hay không, mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án. Nếu có, chắc chắn đây sẽ là lập trường kiên quyết của các nhà đàm phán Mỹ.
Tại vòng đàm phán trước tại Lima (Peru), Mỹ đưa ra đề xuất cần các qui định mậu dịch mới cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà họ cho rằng được trợ giá và bảo hộ không công bằng. Việt Nam đã phản đối, trong khi những nước như Malaysia lại cho rằng cần cần cân nhắc trước khi nêu chính kiến. Nhận xét của bà?
Tôi nghĩ trong quá trình đàm phán Hiệp đinh Thương mại song phương Mỹ - Việt (BTA), hay đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vấn đề DNNN cũng đã được hai bên bàn thảo, nhưng dưới hình thức đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Có lẽ đây là lần đầu tiên Mỹ nêu thẳng yêu cầu cần có một qui định riêng cho DNNN, và, vì vậy, Việt Nam đã phản ứng tức thì như vậy, bởi vẫn chưa quen với cách nói thẳng vào vấn đề của người Mỹ.
Theo tôi, vẫn cần có thời gian để từng quốc gia tham gia đàm phán phân tích cặn kẽ cái lợi cái hại của đề xuất này, như cách Malaysia đã làm. Việt Nam không phải là nền kinh tế duy nhất, trong số 9 nước đàm phán TPP, có sự tham gia của DNNN. Nhưng về qui mô và mức độ thì không ai vượt mặt được Việt Nam.
Không chỉ các công ty tư nhân trong nước phàn nàn về sự đối xử bất bình đẳng giữa hai khu vực doanh nghiệp này đâu, cả các nhà đầu tư vào đây tìm hiểu thị trường Việt Nam cũng lắc đầu nói rằng với sự ưu đãi quá mức mà chính phủ dành cho DNNN thì khó có ai mà cạnh tranh nổi với họ.
Bà có nghĩ đề xuất của phía Mỹ về việc giám sát chặt chẽ hoạt động thương mại của DNNN, mặt khác, sẽ là một cơ hội để Việt Nam mạnh dạn đổi mới DNNN theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh thật sự, nhất là quá trình tái cấu trúc DNNN mà giới lãnh đạo Việt Nam vừa khẳng định là một trong ba lĩnh vực ưu tiên?
Những đòi hỏi khắt khe của Mỹ khi đàm phán BTA, theo nguyên tắc WTO chứ không phải của riêng nước Mỹ, được coi là một động lực to lớn để Việt Nam thúc đẩy cải cách hệ thống luật pháp, môi trường kinh doanh ngày càng tương thích hơn với thông lệ quốc tế, giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Rất may, lúc đó giới lãnh đạo Việt Nam đã mạnh dạn chấp nhận điều đó.
Còn hiện nay, chúng ta đều ngày càng thấy rõ rằng Việt Nam gặp phải nhiều hệ luỵ của việc DNNN vẫn chiếm vị trí ngự trị trong nền kinh tế. Đó là những vấn đề của hệ thống ngân hàng như dư nợ tín dụng cao, rồi sự thiếu minh bạch, sự thiếu khả thi của hệ thống qui định, nạn tham nhũng...
Tất nhiên, chuyện nợ nần, tham nhũng, hay thiếu minh bạch..., nước nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam thì dường như những vấn nạn này lại nổi cộm.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia nhận xét với tôi rằng qui mô, sự tập trung các nguồn lực và sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước, về dài hạn, sẽ làm hại nền kinh tế Việt Nam. Bởi tất cả những cái đó đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam như một địa điểm đầu tư.
Vì vậy, đây sẽ là một cơ hội, nếu giới lãnh đạo Việt Nam thực sự ý thức được tính nghiêm trọng đó. Và những cam kết mới trong khuôn khổ TPP sẽ là một động lực tiếp tục thúc đẩy Việt Nam vượt qua sự trì trệ hiện nay, và là một cú hích mới cho việc tiếp tục cải cách.
Đầu tháng 12 tới, sẽ tiếp tục một vòng đàm phán mới về TPP. Bà có dự đoán gì về khả năng ký kết được hiệp định này?
Tôi nghĩ một số lĩnh vực đàm phán đã đạt được kết quả tốt, nhưng vẫn còn nhiều thứ phải thảo luận thêm như thuế, những qui định. Hơn nữa, có một số lĩnh vực hoàn toàn mới được đưa vào, và ngôn ngữ cũng khác. Tôi nghĩ chắc hẳn sẽ cần ít nhất một năm nữa các bên mới hy vọng có thể ký được.
Chúng ta hy vọng sẽ có thêm Nhật Bản vào một giai đoạn nào đó, và vài nước khác cũng thể hiện mối quan tâm. Nhưng điều quan trọng hơn là không ai bỏ cuộc giữa chừng.
Bà nói như vậy là sao?
Nên nhớ rằng, tuy chúng ta cùng đàm phán TPP và sẽ có những nhượng bộ lẫn nhau. Nhưng chắc chắn không có chuyện những quốc gia khác sẽ đứng lại để chờ Việt Nam.
Cho nên cũng đừng loại trừ khả năng chúng ta sẽ không còn ở chung trên một con thuyền nữa, khi nó cập bến.
Xin cám ơn bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét