Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Con đường của ký ức

Ngày 26/04/2010, 15:58:49 (GMT+7)
Con đường của ký ức
SGTT - Kết thúc cuộc Hội ngộ Phnom Penh, vào sáng 24.4 Mike Morrow cùng với ba đồng nghiệp khác lên chiếc xe buýt của hãng Caravan về TP. HCM để gặp gỡ với một nhóm phóng viên khác trong cuộc Hội ngộ Sài Gòn. Chốc chốc, ông lại ngó ra bên ngoài cửa kính xe, vẻ mặt đầy ưu tư.
Mike Morrow (ngồi ngoài bên phải) thoát chết nhờ bộ đội Việt Nam cứu
“Tôi là một trong những phóng viên đầu tiên bị bắt ở Campuchia, trong cuộc chiến kéo dài 5 năm này”, Mike nói. Hai người còn lại là Richard Dudman của St Louis Post-Dispatch và Elizabeth Pond của Christian Science Monitor.
May mắn rơi vào tay bộ đội Việt Nam
Vào một ngày cuối tháng 3.1970, khi đang đưa tin về trận chiến đấu giữa bộ đội Việt Nam và quân đội của chính quyền Lon Nol tại thị xã Svay Rieng, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 90km, chàng trai mới 24 tuổi đời và hai tuổi nghề đã bị bắt.
“Tôi đã may mắn sống sót nhờ rơi vào tay bộ đội Việt Nam, chứ không phải Khmer Đỏ, và tôi chịu ơn họ vì điều này”, Mike nói.
Tuy nhiên, trước khi “rơi vào tay” bộ đội Việt Nam, anh đã bị lính Khmer Đỏ và dân làng gần đó lấy gậy phang cho thừa sống thiếu chết. Người chỉ huy đơn vị bộ đội Việt Nam có nói với Mike rằng ông ta đã kỷ luật người lính cấp dưỡng, vì mặc dù có mặt ở hiện trường mà lại không can thiệp, khi Mike bị đánh.
“Tôi bị giải đi hết chỗ này đến chỗ khác, và bị tra hỏi khá nhiều. Họ chỉ quyết định trả tự do cho tôi, khi đã thật sự tin rằng tôi chỉ là phóng viên đưa tin chiến sự thuần tuý, chứ không có bất cứ một mục đích nào khác”, Mike nói.
Mike cùng hai đồng nghiệp Mỹ được thả sau 40 ngày. “Khi được tự do, điều khiến tôi lo lắng nhất là liệu hai quân nhân, một Việt Nam và một Campuchia, có nhiệm vụ áp giải chúng tôi suốt thời gian đó, có sống sót được không, bởi cuộc chiến quá khốc liệt. Trước khi bị bắt tôi đã chứng kiến khá nhiều binh sĩ Việt Nam bị bắn chết, thậm chí cả một cái xác bị cháy thui”, Mike ngậm ngùi kể lại.
Anh với hai người áp giải mình, nhất là viên sĩ quan quân đội Việt Nam biết nói tiếng Anh, đã kịp trở thành những người bạn. Thậm chí, trước khi Mike được thả một tuần, khi đang bị giải trên đường, quân đội Mỹ không hiểu vì sao biết có người Mỹ bị bắt đã cử trực thăng đến giải cứu.
Mike kể: “Viên sĩ quan Việt Nam đưa cho tôi chiếc khăn tay (để vẫy trực thăng), và bảo tôi chạy nhanh ra phía cánh đồng lúa. Còn anh ta và người đồng đội Campuchia giương súng bắn lên trời, rồi sẽ rút đi theo hướng ngược lại. Có điều, sau vài loạt đạn nổ, chiếc trực thăng quay đầu bay luôn. Thế là, chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình như cũ”.
Sự biết ơn của Mike về cách ứng xử của bộ đội Việt Nam đã được thể hiện trong bài viết đầu tiên sau khi trở lại Sài Gòn. Trong bài viết này, Mike đã nhắc đến sự che chở của các sĩ quan quân đội Việt Nam đối với anh và hai đồng nghiệp. “Nhận xét này của tôi đã không được chính quyền Sài Gòn đánh giá cao. Và, có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi bị họ trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam một năm sau đó”, Mike khẽ nhún vai.
Người cựu đồng nghiệp của Mike, Carl Robinson, ngồi cách hai hàng ghế ở phía đối diện, chợt nói với lên: “Flynn cũng bị bắt trên quốc lộ 1 này, tại thị trấn Chiphou. Nhưng anh ta rơi vào tay quân Khmer Đỏ, và mãi mãi không trở về nữa”.
Vai diễn cuối cùng của Sean Flynn
Bà Kim Dung, vợ của Carl Robinson, kể lại rằng lần đó suýt nữa chồng bà cũng nhập hội với Sean Flynn và Dana Stone, đi đưa tin chiến sự ở Campuchia. Sang đến đất Campuchia, Carl đã bị trục xuất ngược trở về vì khi đi quên không lấy visa.
“Sean với ông Carl nhà tôi chơi thân lắm, và Sean còn là phù rể trong đám cưới chúng tôi trước đó một năm. Nên mấy ông nội này hay rủ nhau đi làm chung”, bà Kim Dung kể lại.
“Tôi không hiểu sao lúc đó chúng tôi lại có ý tưởng điên rồ như thế. Ở Cam pu chia, phóng viên phải đi tác nghiệp bằng xe hơi tự thuê, chứ không tới được nơi có chiến sự bằng trực thăng Mỹ như ở Việt Nam”, Carl nói, và cho biết thêm trước khi về ông đã cố ngăn Sean và Dana đừng đi.
Sean và Dana vẫn cứ đi, mà còn đi bằng xe máy. Người con trai của tài tử huyền thoại của Hollywood – Errol Flynn – cũng như cha mình, rất thích mạo hiểm. Bản thân Sean đã bỏ sang Sài Gòn làm phóng viên ảnh tự do, khi còn đang đóng phim ở Singapore.
Carl kể lại rằng, hình ảnh cuối cùng về Sean và Dana mà các phóng viên chiến trường khác nhìn thấy vào sáng 6.4.1970, trước khi cả hai bị mất tích vĩnh viễn, là hai chàng cao bồi cưỡi hai chiếc Honda 90 màu đỏ. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, họ được coi là đã rơi vào tay quân Khmer Đỏ.
“Trên con đường này, chỉ riêng trong mười ngày đầu tiên của tháng 4.1970, đã có chín phóng viên bị bắt và bị giết. Hai năm sau, lại thêm ba người nữa ở khu vực phà Neak Leung”, Carl nói.
Mạch chính của cuộc chiến Đông Dương
“Quốc lộ 1 này của Campuchia, nối với đường 52 ở phía Việt Nam đến thẳng Sài Gòn, rồi từ đó nối với quốc lộ 1 của Việt Nam ra Hà Nội, là do người Pháp xây dựng. Và cũng từ đó, nó trở thành mạch chính của cuộc chiến tranh ở Đông Dương”, Mike triết lý.
Khi chiếc buýt đang chạy trên đường 52 (nay là đường Xuyên Á), Carl chợt chỉ tay sang bên trái đường, phía ngôi nhà thờ Cao Đài, và hỏi: “Có ai biết chuyện gì đã xảy ra ở đây không, khi dân làng bị bom napalm đã bỏ chạy ra quốc lộ?”
Rồi ông tự trả lời: “Có một phóng viên ảnh đã chụp được bức ảnh này và đoạt giải Pulitzer”.
Nhưng hơn thế nữa, bức ảnh này, cùng với bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan giương súng lục bắn vào thái dương một tù binh Việt cộng, và loạt bài viết về cuộc thảm sát Mỹ Lai, đã được coi là những đóng góp quan trọng của giới phóng viên chiến trường phương Tây vào việc tạo ra “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”.
Huỳnh Phan – Lam Phong – Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét