Vị giám đốc và lời “thách thức” 200 ngàn đô
Điều thú vị nhất là thách thức lần này lại đến từ một định chế tài chính có cái tên rất “thách thức” là Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF). Những người quản lý quỹ này đã “thách” các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới mẻ và táo bạo, và nếu thấy khả thi họ sẽ chia sẻ một phần những rủi ro, nếu có, ở mức độ cao nhất là 49% số tiền bỏ ra thực hiện.
LTS: Vào thượng tuần tháng 6 vừa rồi, phóng viên Huỳnh Phan có tham gia một chuyến đi thực địa do Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức lên Hà Giang, nơi có dự án chè hữu cơ Cao Bồ.
Đây là một trong 7 dự án do Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) tài trợ, nhằm mục tiêu phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè Shan cho các thị trường diện hẹp giá trị cao, và thông qua đó góp phần ổn định và ngày càng nâng cao thu nhập của các hộ nông dân trồng chè ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
TuanVietnam xin trân trọng giới thiệu những ghi chép của phóng viên Huỳnh Phan trong chuyến đi này.
Năm 1976, có một quân nhân vừa phục viên với quân hàm thượng sĩ, quê ở Nam Định, mò lên đất chè Hà Tuyên (hợp nhất từ hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang vào tháng 12.1975), kiếm việc làm.
Ý nghĩ của anh lúc đó là cái miền quê cũ "đất chật người đông" đầy tù túng đó không còn chỗ cho một người đã quen với sương gió, mạo hiểm trên khắp các chiến trường miền Nam, cũng như Lào, hay Căm pu chia. Vả lại, trên đất Hà Tuyên, anh có một đồng đội cũ.
"Lúc lên, tôi cứ nghĩ, mình còn trẻ, cứ thử bay nhảy, không hợp thì lại đi chỗ khác. Không ngờ...", Giám đốc Công ty Chè Hùng Cường Nguyễn Thanh Hùng, tên chàng trai đó, kể lại.
Lên tới thị xã Tuyên Quang, thủ phủ của tỉnh Hà Tuyên lúc đó, Hùng xin được một chân ở Công ty Ngoại thương tỉnh, và làm ở đó đến năm 1991, khi Hà Tuyên lại được tách trở lại thành Tuyên Quang và Hà Giang. Công ty Ngoại thương lại được tách làm đôi, và Hùng được phân công phụ trách Công ty Ngoại thương Hà Giang.
Giám đốc công ty chè Hùng Cường (ảnh phải). Ảnh: Huỳnh Phan |
Chỉ đến thời điểm đó, cái chất phóng khoáng, thậm chí hơi liều mạng, của người đàn ông gốc Nam Định mới được bộc lộ hết. Cánh cửa của cơ chế kinh tế bao cấp vốn đang khép chặt đã tự nhiên được hé ra, như một kết quả ban đầu của luồng gió "đổi mới", đã được ông Hùng liều mở toang ra. Với cả sức bung của đôi cánh tay đã bị "trói" lâu ngày.
Ông đã đa dạng hóa lĩnh vực và mặt hàng kinh doanh, cho mở hàng loạt chi nhánh ở Hà Nội, Hải Phòng..., để mở hướng liên doanh, liên kết và xuất khẩu.
"Sau dăm bảy năm, công ty làm ăn phát đạt hẳn lên, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, và thuế nộp cho nhà nước cũng lên tới vài tỷ. Đời sống cán bộ, nhân viên trong công ty cũng vì thế được cải thiện. Ai cũng vui", ông Hùng nhớ lại.
Có điều, vẫn có những người không vui. Tuy là thiểu số, nhưng họ lại có tiếng nói lớn. Họ qui kết cho ông tội "vượt khung", "vượt rào".
"Giải thích mãi không được, tôi tức mình xin về hưu. Tôi ra ngoài, mở công ty riêng. Sướng nhất là mình được tự quyết", ông nói.
Công ty Hùng Cường đã ra đời năm 1988.
Lúc đầu, ông làm ăn nhỏ, chủ yếu là thu mua chè, sản phẩm chủ lực của Hà Giang và cũng là mặt hàng thế mạnh của cái công ty ngoại thương mà ông vừa rời bỏ. Các mối quan hệ làm ăn chính là cái phần thưởng mà công ty ngoại thương này đã phải "bất đắc dĩ" tặng cho ông, để làm vốn ra ở riêng, sau những gì ông đã gầy dựng cho họ.
Chè thu mua được trong dân, phần thì ông đem bán ở thị trường trong nước, phần thì bán sang Trung Quốc, phần còn lại thì xuất khẩu ủy thác qua các thị trường khác. Cũng trong thời gian này, ông đã liên kết được với một công ty ở Vân Nam để sản xuất chè Phổ Nhĩ, và từ đó dần học được bí quyết của họ.
Với số tiền tích lũy được sau một năm buôn đi bán lại chè, gặp lúc Công ty Chè Hà Giang giải thể, ông đã dốc túi mua ngay nhà máy chè Cao Bồ của họ.
"Đây quả là một thách thức lớn với tôi, bởi cái giá gần tỷ bạc vào những năm khủng hoảng kinh tế châu Á đó không hề nhỏ đối với một cái nhà máy mà dây chuyền công nghệ là của Trung Quốc, cổ lỗ sĩ từ cái thời quan hệ giữa hai nước còn "môi hở - răng lạnh", ông Hùng giải thích.
Và ông đã vượt qua thách thức đầu tiên.
Cho đến nay, ông Hùng đã sở hữu thêm được 4 nhà máy khác, và 2 tổng kho để chế biến khâu cuối và đóng gói. Cái thì tự đầu tư, cái thì mua của công ty chè nhà nước khác đã giải thể.
Tuy nhiên, nhà máy Cao Bồ đối với ông vẫn có một ý nghĩa đặc biệt: Nó tiếp tục chứng kiến người cựu chiến binh đã ngoại lục tuần này vượt qua một thách thức mới, tạo đột phá khẩu vào một phân khúc thị trường cao hơn - chè hữu cơ.
Chứng chỉ hữu cơ không chỉ cho cây chè
Điều thú vị nhất là thách thức lần này lại đến từ một định chế tài chính có cái tên rất "thách thức" là Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF). Những người quản lý quỹ này đã "thách" các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới mẻ và táo bạo. Nếu thấy khả thi, họ sẽ chia sẻ một phần những rủi ro, nếu có, ở mức độ cao nhất là 49% số tiền bỏ ra thực hiện.
Ông Hùng đã chấp nhận thách thức này.
"Ước mơ xây dựng Cao Bồ thành một vùng chè hữu cơ, để gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng tôi đã ấp ủ từ lâu rồi, nhưng chưa đủ quyết tâm và điều kiện để làm", ông Hùng giải thích.
Đồng nghiệp Đoàn Đạt của báo Sài Gòn Tiếp Thị, người đã tham gia nhóm du khảo văn hóa xuyên Việt hồi 2005, có thể chứng thực điều này cho ông. Đoàn Đạt thuật lại rằng, trong bữa rượu mời, ông Hùng đã say sưa kể về loại chè Shan tuyệt hảo mà Trời ban cho đất Hà Giang (để bù lại việc bị Trời phụ là địa thế quá hiểm trở), theo nghĩa vừa bổ dưỡng vừa sạch (không bị dính phân hóa học và thuốc trừ sâu).
Nhưng để nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ đó VCF, Hùng Cường đã phải cạnh tranh với hơn 200 đơn vị khác trên khắp lãnh thổ Việt nam, trước khi ý tưởng chè hữu cơ lọt vào danh sách rút gọn gồm 21 ý tưởng thuyết phục nhất, và được VCF hỗ trợ xây dựng thành đề án. Đề án xây dựng xong lại còn phải chịu sự xét duyệt lần cuối của một nhóm chuyên gia độc lập của VCF, trước khi quỹ này chính thức ý hợp đồng với chủ của 11 đề án lọt vào danh sách cuối cùng.
Sự khắt khe của các nhà tài trợ đâu chỉ dừng ở đó. Phần tài trợ 40% tổng giá trị dự án từ VCF, 215 ngàn USD, cũng chỉ được giải ngân dần dần, qua từng mốc thời gian thực hiện dự án.
"Nghiệm thu xong từng phần việc, thấy đạt yêu cầu họ mới giải ngân. Chúng tôi toàn phải ứng tiền làm trước", ông Hùng nói.
"Một thuận lợi lớn đảm bảo thành công của dự án này là bản thân người dân đã làm chè hữu cơ từ bao đời rồi, chỉ có điều họ không ý thức được thôi. Cái thiếu của họ là quá trình thu hái và chế biến vẫn chưa được coi là sạch", ông Hùng giải thích thêm.
Cảnh hái chè tại Cao Bồ. Ảnh: Đặng Hữu Cự |
"Chúng tôi tổ chức cho trưởng thôn làm đại lý thu gom chè tươi, trả hoa hồng cho họ. Họ sẽ được lợi khi tỷ lệ thu mua cao, và họ cũng có trách nhiệm trong việc giám sát bà con hái chè theo đúng kỹ thuật", ông Hùng bật mí.
Kết quả thu được bước đầu khá khả quan. Cả với doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Năm 2011, tức là vẫn trong quá trình thực hiện dự án chứ chưa nhận được chứng chỉ chè hữu cơ của IFOAM (Liên đoàn các phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ quốc tế), giá bán ra trung bình của chè xanh và chè đen Cao Bồ đã tăng từ 2 USD/kg năm 2010 (trước khi dự án triển khai) lên 4 USD/kg. Nhờ đó mà giá thu mua chè tươi của nông dân cũng tăng từ 4 ngàn đồng/kg năm 2010 lên gần 7 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Hùng Cường và cũng là người được ông Hùng giao phụ trách trực tiếp dự án, cho biết rằng sau khi được cấp chứng chỉ IFOAM vào tháng 4.2011, công ty đã ký hợp đồng ngay được với một khách hàng từ Đức, với giá 6 USD/kg chè đen và 8 USD/kg chè xanh.
"Tháng 7 này, chúng tôi sẽ xuất lô đầu tiên, khoảng 2 công (container), tổng cộng 80 tấn, chia đều cho cả chè đên lẫn chè xanh", ông Khoa nói.
Cũng nhờ vậy, ở vụ đầu của năm 2012, công ty đã nâng giá mua chè của người dân trong vùng chè hữu cơ Cao Bồ lên 7,5 ngàn/kg đối với loại B (1 tôm ba lá), và hơn 10 ngàn đồng/kg đối với chè loại A (1 tôm 2 lá). Trong khi đó, theo ông Khoa, chè Shan bên ngoài vùng Cao Bồ vẫn được thu mua của người dân với giá 4 ngàn đồng/kg.
"Tôi cứ trăn trở mãi rằng, trong khi nguồn tài nguyên của mình là chất lượng cao, công sức người dân cũng bỏ nhiều, mà sao sản phẩm đầu ra giá trị lại thấp? Chủ yếu là do tranh mua tranh bán thôi. Nhất là với sự tham gia của thương lái nước ngoài.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu của chúng tôi khi quyết tâm thực hiện dự án chè hữu cơ này cũng là tạo mối quan hệ "hữu cơ" giữa người nông dân trồng chè và doanh nghiệp chế biến chè", ông Hùng kết luận.
Chinh phục trái tim người Dao
Nỗi lo thiếu vốn
Niềm tin và nỗi bất an
Mối quan hệ "hữu cơ" giữa người dân Cao Bồ và Công ty Hùng Cường được ông giám đốc Nguyễn Thanh Hùng diễn đạt một cách hết sức đơn giản: "Một gói thuốc lào, hay đôi pin, đối với chúng ta chẳng đáng là bao, nhưng khi chúng tôi tặng vẫn khiến bà con cảm động. Bà con cần nhất sự đối xử chân tình, có trước có sau."
Phóng viên VTV1 Lê Anh Ngọc đã bật cười khi nghe câu này.
"Bác cả tin quá", Ngọc nói với ông Hùng.
Người phóng viên đã từng làm nhiều phóng sự về chè ở Phú Thọ, Tuyên Quang, hay Yên Bái, kể lại rằng anh nghe nhiều vụ "lật kèo" của người bán chè tươi, khi có thương lái khác trả giá cao hơn.
Tuy không hoài nghi ở mức độ như vậy, người viết bài này vẫn thấy băn khoăn. Để rồi trong suốt và cả sau chuyến đi vẫn cố gắng xác minh tính xác tín trong câu nói của ông Hùng.
Và rất may, cuối cùng Quản đốc nhà máy chè Cao Bồ Nguyễn Anh Dũng, người vẫn hàng ngày phải trực tiếp làm việc với người dân Cao Bồ, đã giải đáp hộ thắc mắc đó, qua một cuộc trò chuyện bằng điện thoại.
Phóng viên VTV1 Lê Anh Ngọc nhìn ông Nguyễn Thanh Hùng đầy "nghi ngờ"
|
"Người Dao nói chung sống thật. Họ rất sợ người Kinh nhiều mánh khóe. Cho nên muốn họ quý mình trước hết phải thật thà, và phải ăn ở, sinh hoạt cùng với họ, nói chung là phải hòa đồng với họ", Dũng nói.
Dũng kể, từ cuối năm 2010, khi bắt đầu dự án ngày nào anh cũng phải đi xuống các thôn bản, để giải thích cái lợi khi tham gia làm chè hữu cơ cho bà con. Hầu như đêm nào anh cũng ngủ lại ở một thôn bản nào đó.
"Vì ban ngày, bà con đi lên đồi, lên nương, nên chỉ có buổi tối mới nhờ trưởng thôn tập trung bà con lại cho mình vận động, trình bày. Xong việc thì đã khuya rồi, nhiều thôn bản lại xa nhà máy nữa", Dũng giải thích.
Khi bà con đã thông rồi, đến giai đoạn triển khai hướng dẫn kỹ thuật, anh hàng ngày lại phải lên tận nương chè để kiểm tra, giám sát xem họ có thực hiện đúng không.
Dũng bảo nhà anh ở xã Việt Lâm, cách Cao Bồ có khoảng 27 cây số, nhưng mỗi tuần anh chỉ tranh thủ tạt được về nhà được có nửa buổi, rồi lại tất tả phóng xe quay trở lại nhà máy. Cô con gái thứ hai, năm nay mới được ba tuổi, nhiều hôm cứ ôm cứng lấy cổ bố, nước mắt giàn giụa.
"Nhìn cảnh đó, đã mấy lần vợ tôi đã khuyên tôi nên xin chuyển công ty, hay ít nhất là xin quay lại nhà máy chè Việt Lâm, nơi tôi làm quản đốc trước khi được cử sang Cao Bồ. Nhiều khi cũng thấy phân tâm, nhưng rồi nghĩ lại, thấy lãnh đạo công ty họ tín nhiệm mình, giao trọng trách cho mình, bỏ đi sao được", Dũng khẽ thở dài.
Dũng kể rằng Giám đốc Hùng điều anh xuống triển khai dự án mới ở Cao Bồ, chỉ vì anh là người trẻ nhất trong đội ngũ lãnh đạo cấp nhà máy (Dũng sinh năm 1971).
"Ông Hùng hy vọng ở sự năng nổ của tôi, nhưng không biết rằng thời gian làm chè ở Việt Lâm tôi đã có mấy năm kinh nghiệm làm ăn, sinh hoạt với người Dao ở đó. Tôi còn biết nói tiếng Dao trong sinh hoạt hàng ngày nữa", Dũng "bật mí" về một trong những lý do khiến dự án Cao Bồ thành công bước đầu.
Cái kinh nghiệm của Dũng ở Việt Lâm là từ thời nhà máy chè Việt Lâm vẫn thuộc Công ty Chè và Cà phê Việt Lâm, một doanh nghiệp nhà nước, trước khi Hùng Cường mua lại vào năm 2004. Hồi đó, anh hay phải đi thu mua chè Shan của đồng bào Dao ở Quảng Ngần, một xã cũng thuộc huyện Vị Xuyên như Việt Lâm và Cao Bồ. Anh cũng được giao làm quản đốc nhà máy chè Thượng Sơn của Công ty Việt Lâm, cũng chế biến chè Shan của người Dao như nhà máy Cao Bồ, trong khoảng thời gian 2 năm.
"Do phải cạnh tranh thu mua với với những công ty khác, rồi tư thương, nên tôi phải tìm cách chiếm được tình cảm của người Dao, bằng cách tìm hiểu phong tục, tập quán của họ, rồi học tiếng nói của họ", Dũng kể.
Theo Dũng, một trong những điều quan trọng khi bước chân vào nhà sàn của người Dao là phải tháo giày dép, để ở chân cầu thang, và múc nước từ cái chum bên cạnh để rửa sạch chân. Có như vậy, họ mới cho là mình tôn trọng họ.
"Người Kinh mình, nhiều khi được mời ăn món gì, thường hay nhận xét, hoặc kể rằng chỗ chúng tôi người ta nấu thế nọ, thế kia. Nhưng người Dao chỉ quý vị khách nào mà khi đến nhà họ có cái gì thì cứ lẳng lặng ăn nhiệt tình cái đó", Dũng nói thêm.
Cũng nhờ kinh nghiệm với người Dao mà Dũng đã đề xuất với công ty Hùng Cường thuyết phục các trưởng thôn làm đại lý thu mua chè tươi của người dân ở các bản xa. Bởi những trưởng thôn, do dân bầu lên, có tiếng nói rất lớn với họ.
"Trong số 11 trạm thu mua ở các thôn bản xa, thì có tới 8 cái là do 8 trưởng thôn nắm. Vì nhận được tiền công theo sản phẩm là 1,5% trên tổng số tiền thu mua chè, nên họ rất có trách nhiệm trong việc đôn đốc và hướng dẫn người dân thu hái đúng kỹ thuật", Dũng nói.
Chính các trưởng thôn cũng hứa với Dũng là nếu nhà máy Cao Bồ thu mua ít nhất bằng giá thị trường, thì họ đảm bảo sẽ thuyết phục được các hộ bán cho nhà máy. Nhưng nếu có người trả giá cao hơn, họ không dám chắc.
"Bây giờ có chứng chỉ hữu cơ rồi, chè Cao Bồ sản xuất ra bán giá lên gấp đôi, gấp ba, so với trước, giá thu mua cũng tăng lên, tôi tin rằng khó có doanh nghiệp, hay tư thương trong nước nào có thể mua tranh được với chúng tôi. Các máy mini, chuyên làm chè vàng trong các thôn bản, bây giờ đắp chiếu hết rồi", Dũng nói.
Nhưng khi người viết hỏi, nếu thương lái Trung Quốc lại ào vào như hồi cuối 2007, đầu 2008, để chuẩn bị cho nhu cầu bùng nổ nhân sự kiện Olympics Bắc Kinh, như người viết đã được nghe người dân Cao Bồ kể lại, Dũng tự nhiên lặng đi, dễ đến 1-2 phút.
Thế rồi ,anh buồn buồn kể lại chuyện công ty Hùng Cường đã khốn khổ như thế nào trong trận "càn quét" đó. Thương lái Trung Quốc, thông qua các chủ máy mini lên tận trên nương mua chè, và thuê luôn họ sơ chế thành chè vàng - nguyên liệu dùng để làm chè Phổ Nhĩ.
"Giá một cân chè tươi, bất kể là loại 1 tôm 3 lá, 4 lá hay 5 lá, tự nhiên vọt lên gấp 2-3 lần. Để đảm bảo hợp đồng đã ký, chúng tôi vẫn phải mua một số lượng nhất định với cái giá đó, dù biết sản xuất là lỗ", Dũng than vãn, và lo lắng rằng không biết sắp tới liệu bên Trung Quốc có sự kiện trọng đại nào không.
Ông Nguyễn Thanh Hùng ngỏ lời nhờ nhờ các tổ chức tài chính quốc tế cứu giúp
|
Quản đốc Dũng đã lo như vậy, ông giám đốc Hùng lại càng lo hơn. Nhưng cái lo của ông lại nằm ở khía cạnh khác.
Ông bảo ông không sợ thương lái Trung Quốc cạnh tranh về giá. Không có chứng chỉ hữu cơ, họ khó mà bán giá cao được, nên chắc sẽ tìm cách thu mua chè ở những vùng khác, ngoài Cao Bồ.
"Hơn nữa, người dân ở đây cũng thấy sợ kiểu làm ăn của người Trung Quốc rồi, khi chỉ rmua ào ào lên dăm ba tháng, rồi tự nhiên không mua nữa. Người dân không biết bán cho ai, hoặc bị ép giá", ông nói.
Anh nông dân Bàn Văn Thỉnh, người đã kể cho người viết về "trận càn" của thương lại Trung Quốc cách đây hơn 4 năm, cũng khẳng định điều này.
"Người Trung Quốc nhiều mưu kế lắm, không chơi được đâu. Chúng tôi chỉ mong công ty Hùng Cường bán được chè hữu cơ giá cao, và từ đó nâng giá thu mua của chúng tôi lên theo thôi", anh Thỉnh nói.
Ông Hùng biết về nguyện vọng của người dân, và nhận thức rằng đó chính là một điểm mấu chốt trong quan hệ "hữu cơ" mà ông đang xây dựng với người dân trồng chè ở Cao Bồ. Nhưng ông sợ điều đó vẫn sẽ nằm ngoài sức với của ông.
"Tôi chỉ sợ khi không có tiền thu mua chè của dân, và thương lái Trung Quốc sẽ vào mua hết, rồi tha hồ ép giá, đời sống họ lại bấp bênh trở lại. Như vậy, hóa ra mình lừa dân à?", ông lắc đầu, ngán ngẩm.
Ông giải thích rằng, muốn cho 5 nhà máy, kể cả ở Cao Bồ, hoạt động đúng công suất, ông cần chừng 30 tỷ vốn lưu động, để mua chè của người dân. Nhưng hiện giờ ông đã thế chấp hết tài sản, từ nhà máy đến khu văn phòng, khách sạn, mà chỉ vay được có 10 tỷ đồng.
"Tôi mới đầu tư dây chuyền trị giá 2 triệu USD mà vẫn chưa dám khởi động, vì còn phải dồn vốn vào dự án chè hữu cơ Cao Bồ. Không thể để cái đà đi lên này bị chững lại giữa chừng. Mất mặt với các nhà tài trợ, các đối tác, và nhất là với người dân, lắm", ông nói.
Ông giải thích rằng trong nhiều năm qua, giá trị tài sản mà ông thế chấp để vay vốn đã tăng lên gấp nhiều lần do đầu tư của ông, cũng như giá thị trường. Thế nhưng, ngân hàng nông nghiệp ở đây vẫn không chịu định giá lại để nâng trần vay cho ông.
"Tôi đã liên hệ thử, qua người quen, với một ngân hàng ở Hà Nội. Qua định giá sơ sơ, họ nói sẵn sàng cho tôi vay khoảng 50 tỷ", ông Hùng tiết lộ.
Nhưng, theo ông, mối quan hệ đã thành thân quen với ngân hàng nông nghiệp xưa nay, và có thể qua đó là cả mối quan hệ với chính quyền địa phương, khiến ông cảm thấy ngần ngại khi nói thẳng điều này với họ. Ông cứ đành hy vọng vào lời hứa sẽ trình cấp trên xem xét việc định giá lại tài sản của họ.
"Câu chuyện bây giờ là của nhà nước, nếu họ cũng thấy đây là một mô hình phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo hiệu quả, như các tổ chức quốc tế đã nhìn nhận. Đó là còn chưa nói tới tác dụng kép của việc phát triển cây chè, bởi trồng chè là trồng rừng, chống được xói mòn, sụt lở...", ông Hùng bỏ lửng ở đó.
Đoạn, ông nhấp một ngụm trà Phổ Nhĩ, rồi ngước lên nhìn ông cán bộ ADB Đào Việt Dũng khá chăm chú, rồi chậm rãi nói: "Liệu anh có thể liên hệ với tổ chức quốc tế nào đó cho tôi vay tiền được không? Tôi vay bằng đô, bán chè đi rồi trả lại bằng đô."
Người viết tự nhiên có cảm nhận rằng dường như bao nhiêu hy vọng của ông Hùng gửi gắm hết trong ánh mắt đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét