Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Mua sắm chính phủ trong TPP: Thách thức hay cơ hội?


Mua sắm chính phủ trong TPP: Thách thức hay cơ hội?

Một trong những trở ngại khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) là chương mua sắm chính phủ.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán về mua sắm chính phủ, sau khi đã bỏ qua vấn đề này ở Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ (BTA), cũng như không tham gia Hiệp định Mua sắm công (GPA) khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thế là vận động viên nhảy cao Việt Nam, sau khi thất bại ở hai lần nhảy đầu, đã nâng mức xà lên ở lần nhảy thứ ba. Bởi, chương Mua sắm chính phủ của TPP dựa trên chuẩn của GPA, trước khi những đối tác như Hoa Kỳ đưa thêm những đòi hỏi cao hơn.
Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam Nguyễn Đình Lương đã từng ngậm ngùi nhớ lại rằng việc chương Mua sắm chính phủ cuối cùng bị loại ra khỏi hiệp định là một trong những thất bại của những nhà đàm phán Việt Nam trước sức ép của các nhóm lợi ích trong nước.
Hơn một thập kỷ sau, một thành viên của đoàn đàm phán TPP, đứng đầu là Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, một cựu thành viên của đoàn đàm phán BTA, cũng có một chia sẻ tương tự.
"Thực chất của chỉ định thầu là cơ chế xin - cho, và vì vậy loại bỏ doanh nghiệp ra khỏi một sân chơi chung, sân chơi cạnh tranh bình đẳng và rộng mở", ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ phó Vụ Đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trưởng nhóm Mua sắm chính phủ trong TPP, nhận xét.
Ông Trương cho biết rằng nếu gia nhập TPP, chỉ định thầu chắc chắn bị hạn chế tối đa, và chỉ được áp dụng trong những trường hợp mang tính khẩn cấp, có thể chứng minh được.
"Đó là một thách thức lớn cho thói quen mấy năm qua của chúng ta, khi có cơ chế 29 của chính phủ về kích cầu đầu tư, theo hướng lấy đầu tư bù tăng trưởng", ông Trương nói.
Theo ông Trương, theo một công bố công khai, trong 3 năm trở lại đây, tổng số các gói thầu được chỉ định thầu chiếm tới 75% về số lượng, và 45% về giá trị.
"Với việc chấp nhận đấu thầu là chủ yếu, chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn cho chủ đầu tư, và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cũng như công trình tốt hơn. Đó là chưa nói tới việc thu hút được vốn của khu vực tư nhân vào các dự án PPP (hợp tác công tư)", ông Trương nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cảm nhận rằng một trong những trở ngại khi tham gia TPP lại xuất phát từ trong nước, khi sự minh bạch hoá nhiều khi lại không được hưởng ứng. Ông Trương kể rằng đã hai năm nay, với sự giúp đỡ của Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã  xây dựng một hệ thống đấu thầu điện tử, và đã xong giai đoạn làm thử nghiệm và sẽ mở rộng.
"Chính vì vậy sự tham gia TPP ở khía cạnh này không hề là rào cản với Việt Nam. Thế nhưng, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp trong nước không muốn áp dụng hệ thống này, bởi đơn giản là nó minh bạch quá, nhanh gọn quá", ông Trương thở dài.
Khác với các nước phát triển, khi mua sắm chính phủ chủ yếu là mua sắm cho các cơ quan của chính phủ, cả trung ương lẫn địa phương, để duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan này, ở Việt Nam hiện có ba đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu của Việt Nam, dự kiến sẽ được đổi tên thành Luật Mua sắm công theo thông lệ quốc tế.
Thứ nhất là các cơ quan chính phủ, bao gồm cả cấp trung ương lẫn địa phương, cũng như lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội, và các hiệp hội nghành nghề, được cấp ngân sách từ chính phủ. Thứ hai là các dự án để đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách, trừ các dự án PPP (hợp tác công tư) mới xuất hiện gần đây. Và cuối cùng là đầu tư, mua sắm của doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP, ở ngưỡng GPA, Mỹ mới chỉ đưa các cơ quan chính phủ ở cấp liên bang vào danh sách. Và điều khó khăn của phía Việt Nam là hai bộ quốc phòng và công an vẫn chưa chấp nhận việc điền tên mình vào bản danh sách đó, như yêu cầu của các nhà đàm phán Hoa Kỳ, vì lo ngại ảnh hưởng đến yếu tố an ninh quốc gia.
Theo bà Virginia Foote, hiện mới chỉ có 26 nước trong WTO tham gia GPA, và mỗi nước đều có những qui định riêng là những lĩnh vực nào nằm ngoài tầm điều chỉnh của hiệp định này. Chính vì vậy, khi đàm phán TPP, người ta muốn thúc đẩy GPA lên một mức cao hơn nữa.
"Tức là không như GPA, anh không thể bảo với các thành viên khác của TPP rằng lĩnh vực này anh muốn đưa vào, hay lĩnh vực kia anh muốn đưa ra ngoài... Chính vì vậy họ đang tranh luận rất căng thẳng trên bàn đàm phán liệu lĩnh vực này, lĩnh vực kia trong bộ này, hay bộ nọ, có thực sự là "nhạy cảm", hay thực sự là vấn đề an ninh quốc gia hay không", bà Foote nói.
Bà Foote cho rằng, về lý thuyết, rất khó phân định ranh giới giữa vũ khí sát thương và không sát thương (khí tài), hay liệu quân trang, quân dụng có thực sự thuộc về an ninh quốc gia hay không.
"Tuy nhiên, trên thực tiễn, đó là một thị trường rất lớn", bà Foote nhận xét.
Bà kể rằng Mỹ có những doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp hàng theo hợp đồng cho quân đội. Và, hàng năm, bộ quốc phòng Mỹ có một khoản ngân sách khổng lồ dành cho thực phẩm, quân trang, quân dụng, hay khí tài...
Bà Foote gợi ý rằng, tuy trong PGA Mỹ chưa đưa mua sắm ở chính quyền cấp bang vào trong cam kết, nhưng tại sao Việt Nam lại không chủ động đề xuất.
Bà kể rằng cách đây mấy tháng, bà có cùng với một nhóm công ty qua Mỹ và gặp chính quyền thành phố Chicago. Mọi người trong đoàn đều ngỡ ngàng khi được biết rằng chỉ một năm thôi mua sắm công ở thành phố này đã lên tới 10 tỷ USD.
"Những gói thầu rất lớn này được đưa ra đấu thầu rộng rãi, và đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn tham gia, như đồ gỗ, quần áo, hay vật dụng văn phòng. Rõ ràng đây là một kênh khác do TPP tạo ra để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Mỹ", bà Foote nói.
Tuy nhiên, là người đã có trải nghiệm ngót một phần tư thế kỷ ở Việt Nam, bà Foote hiểu những gì nằm đằng sau những mối quan ngại đó của phía Việt Nam.
"Việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ ở trong nước nhiều khi lại ảnh hưởng tới SOEs, vốn là cánh tay nối dài của chính phủ, cũng như các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang", bà nói.

Cuộc đàm phán về mở cửa thị trường mua sắm công vẫn đang còn tiếp diễn, và chắc hẳn các bên, chứ không chỉ riêng Việt Nam hay Hoa Kỳ, có thể thoả thuận được với nhau. Bởi các nhóm lợi ích, nhất là những nhóm đang hưởng lợi từ sự đóng cửa, hay mở cửa hạn chế, của thị trường, ở từng quốc gia, vẫn tiếp tục gây sức ép với đoàn đàm phán.
Nhưng, về phía Việt Nam, phát biểu của ông trưởng đoàn đàm phán vẫn khiến người ta hy vọng.
"Chính phủ đang tiêu tiền của người đóng thuế Việt Nam, nên chính phủ có xu hướng dành phần tiền đóng thuế đó cho các doanh nghiệp Việt Nam, tức là mua hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh đó, chính phủ cũng có nghĩa vụ phải sử dụng tiền thuế của dân một cách hết sức hiệu quả", ông Trần Quốc Khánh kết luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét