Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Chuyện "gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm"


Chuyện "gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm"

Có tới chín mươi phần trăm thanh niên xung phong Sài Gòn là sinh viên, học sinh, và cả binh lính của chế độ cũ. Khi gặp quân Khmer Đỏ, họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Tôi làm thơ vì cái nhu cầu muốn nói cho mọi người biết "chúng tôi không phải như mọi người vẫn nghĩ".
Kỳ 1: Chuyện nữ doanh nhân trẻ và chàng thi sĩ già
LTS: Sau khi về Hà Nội, phóng viên Huỳnh Phan cứ vẫn bị ám ảnh mãi về những câu chuyện mà Đỗ Trung Quân đã kể vào buổi tối Thứ Bảy đó. Phóng viên này đã quyết định thực hiện cuộc phỏng vấn qua điện thoại với vị thi sĩ kiêm chủ quán này.
Không ít quán do văn nghệ sĩ mở đã phải đóng cửa sau một thời gian, khi mối quan tâm của bạn bè, hay sự hiếu kỳ của người hâm mộ, vơi dần. Anh có nghĩ về điều này không?
Người ta mở quán phải chấp nhận bù lỗ khoảng 6 tháng. Nhưng cho tới giờ, Ziều Đỏ từ huề đến lỗ rất ít. Đó là sự may mắn trong điều kiện kinh tế như thế này.
Lý do là sự quan tâm của bạn bè mình là có thật.  Anh em ở thành phố (Sài Gòn), ở nước ngoài, hay ở dưới tỉnh lên, đều muốn gặp mình.
Tuy nhiên, khi kinh doanh, anh sẽ bớt lo lắng khi số lượng khách lạ bằng, hoặc lớn hơn, bạn bè. Gần đây, đã có không ít khách lạ, những người mình chưa gặp bao giờ.
Mục đích mở quán của anh? Sau gần cả cuộc đời người "ham chơi, ham vui", như bạn bè nhận xét vui về anh, không phải là anh mới chợt giật mình "giác ngộ" rằng đã đến lúc phải tu tỉnh làm ăn nghiêm túc?
Thế chàng nghĩ Quân xưa nay không làm ăn nghiêm túc à? Thử nói hộ xem có cái gì Quân không làm nghiêm túc. Từ tham gia Thanh niên Xung phong, làm thợ nhà in, đến làm thơ, viết báo, rồi MC âm nhạc...
Chỉ mỗi chuyện học hành dở dang là do thời cuộc đổi thay (Đỗ Trung Quân đang học dở dang Đại học Vạn Hạnh thì Sài Gòn giải phóng, và phải nghỉ học).
Xin lỗi anh... Làm nghiêm túc mà cứ như đi chơi như anh thì đúng là quá siêu.
(Cười) Chàng biết là không ai làm giầu từ cái tuổi của Quân cả, và Quân cũng không hy vọng trở thành tỷ phú từ cái quán này. Bởi điều đó đơn giản là hoang tưởng, và cũng trái với triết lý sống của Quân.
Mục tiêu mở quán của Quân là để gia đình mình không phải quá lo lắng về chuyện chợ búa hàng ngày. Còn một chút lời (lãi) thêm của riêng Quân là có một chỗ để tiếp bạn bè.
Mình còn đâu nhiều thời gian, đã sắp sang cái khúc "em ơi, sáu mươi năm cuộc đời" rồi, chàng ơi.
Anh không ngồi với bạn bè ở "Ziều Đỏ" thì cũng ngồi ở chỗ khác. Vậy ngồi với bạn bè ở đây khác với ngồi cùng họ ở những quán khác như thế nào?
Câu hỏi hay. Nếu mình đi nhậu chỗ khác với bạn bè, thì đó là chuyện vui vẻ bên bàn nhậu. Còn bạn bè đến quán mình, thì mình còn có một trách nhiệm ngầm nữa là chăm sóc bạn bè cho chu đáo.
Gần đây, bạn bè nói rằng những câu nói cửa miệng của Quân đã thay đổi hoàn toàn, ra dáng ông chủ quán ra phết. Toàn là "bạn ăn có ngon miệng không", "chỗ ngồi có thoải mái không", hay "quán phục vụ có tốt không"...
Phần "lời" thêm của Quân khi mở quán, ngoài chuyện rau dưa hàng ngày, là được chăm sóc bạn bè.
Còn với khách lạ thì sao?
Cũng vậy thôi. Ai đến quán của Quân, Quân đều chăm sóc chu đáo cả.
Có điều, thói quen ân cần đó đôi khi cũng làm một số vị khách có vẻ không vui lắm.
Lại còn thế nữa? Đúng là "làm rể trăm họ"...
Có mấy người đến ăn uống, lại cứ nhè chuyện báo chí, chuyện xã hội để hỏi. Quân quen miệng chỉ hỏi lại, thức ăn có ngon không, chỗ ngồi có thoải mái không... Mặt họ tự nhiên xịu xuống.
Kệ chứ, ở đây không có nhà báo Đỗ Trung Quân, chỉ có chủ quán Đỗ Trung Quân thôi.
Họ giận rồi có "một đi không trở lại" hay không?
Có đôi chút. Nhưng, có lẽ, họ vẫn thương lão già đã tuyên bố "gác kiếm" mà chuyển sang nghiệp "dao thớt" dối già, nên đôi ba hôm sau lại thấy trở lại. Vẫn ăn, vẫn uống, và khi "tưng tưng", vẫn hỏi lại những câu hỏi cũ... Dễ thương quá trời!
Sau mấy tháng làm chủ quán, ngoài việc "cắt được cơn nghiện nói dóc", cuộc sống của "gã mải chơi" Đỗ Trung Quân có gì khác không?
Cũng hơi ngạc nhiên là hầu như không thay đổi.
Lúc sáng tới đây, tôi có được nghe hết những bài hát phổ thơ của anh. Anh bắt đầu làm thơ từ hồi nào vậy, có như "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa không?
Xin bố! Quân bắt đầu làm thơ từ hồi tham gia lực lượng Thanh niên Xung phong Sài Gòn. Chứ hồi đi học, mình chỉ lo học cho giỏi thôi, vì sợ bị bắt lính. Chỉ làm "họa sĩ" cho tờ bích báo của trường thôi.
Ốm nhe ốm nhách như anh mà cũng vào TNXP à?
Sau 30.4.1975, mình phải nghỉ học, và đã phải đi kiếm việc làm phụ cho gia đình.
Lúc đó, mình 20-21 tuổi, gầy gò, tóc dài ngang lưng, trông như híp-py. Họ coi những thanh niên Sài Gòn như mình là đối tượng chậm tiến. Xin việc đâu người ta cũng hỏi: "Anh có nghiện xì ke không?"
Đã thế, địa phương thì vài tuần một lần lại kêu đi đào mương một đợt. Mình bực quá tuyên bố: "Nếu vậy tôi xin vào TNXP."
Hồi trước '75, ở quê Bọ Lập (Quảng Bình), bạn anh, người ta kể rằng có chú bộ đội cắt tóc cho bọ (ông già) bằng chiếc tông đơ cùn, chốc chốc tóc lại bị giật một cái, đau điếng. Bọ mới bảo rằng: Chú cắt thì cắt hẳn, còn nhổ thì nhổ hẳn, chứ vừa cắt vừa nhổ như vậy, bọ chịu không được.
Hồi đó, chắc anh cũng có cảm giác tương tự như vậy?
Mình nghĩ đơn giản là thực hiện xong cái nghĩa vụ lao động này mới có thể xin việc được. Quả vậy, sau sáu năm ở lực lượng này (1976-1982), mình mới xin được việc ở Nhà in Thanh niên.
Trong những năm tháng đó anh đã nảy ra ý định làm thơ là vì buồn, vì cô đơn?
Chàng nên hiểu bối cảnh của TNXP Sài Gòn hồi đó. Đang lao động thì năm 1978 có chiến tranh biên giới với Căm-pu-chia, bọn mình liền được điều động phục vụ chiến trường, tiếp tế đạn dược, tải thương... Sau giải phóng Phnôm-Pênh (1.1979) bọn mình mới được rút về, đi lao động tiếp.
Những hình ảnh đó khác hẳn với cách nhìn hồi đó với dân Sài Gòn. Mình làm thơ vì cái nhu cầu muốn nói cho mọi người biết "chúng tôi không phải như mọi người vẫn nghĩ".
Bài thơ đầu tiên của anh?
Mình không nhớ. Ngay cả bài thơ đầu tiên được đăng báo Tuổi Trẻ mình cũng không nhớ.
Chỉ nhớ bài thơ "Những bông hoa trên tuyến lửa". Bởi khi nó được đăng, có một sự rúng động đối với thanh niên Sài Gòn lúc đó, và nhiều thanh niên đã đăng ký đi TNXP, để bảo vệ Tổ Quốc.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ?
Mình làm bài đó sau khi tiểu đội nữ TNXP bị Khmer Đỏ bắt sống, hãm hiếp và giết chết. Họ đã không thể chống trả vì trong tay không có vũ khí.
Tại sao họ không được trang bị vũ khí?
Có tới chín mươi phần trăm TNXP ở Sài Gòn là sinh viên, học sinh, và cả binh lính của chế độ cũ. Chàng hiểu vì sao rồi chứ?
Sau vụ tiểu đội nữ TNXP bị thảm sát, bọn mình mới được cấp súng để tự vệ. Và chính những người lính chế độ cũ đó đã dạy bọn mình cách bắn súng.
Khi gặp quân Khmer Đỏ, họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Có những người được tặng huy chương, huy hiệu, bằng khen nữa.
Đỗ Trung Quân với (cố) nhạc sĩ Bảo Phúc, người hình như chưa phổ nhạc cho bài thơ nào của anh.
Thế còn bài thơ "Bài học đầu cho con", mà Giáp Văn Thạch đã phổ nhạc thành bài hát "Quê hương" nổi tiếng?
Hồi năm 1986, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn thời TNXP của mình, báo là chuẩn bị làm lễ thôi nôi cho cô con gái đầu lòng, bé Quỳnh Anh. Mình lúc đó làm công nhân xưởng in còn nghèo, nên đã làm bài thơ đó, gửi đăng trên báo Khăn Quàng Đỏ, làm quà tặng cho cô bé. Khi báo đăng, mình nhắn cho Ánh đi mua.
Giáp Văn Thạch đọc trên báo, thấy thích và đã phổ thành bài hát "Quê hương".
Trong bối cảnh phong trào vượt biên ở Sài Gòn vẫn tiếp tục, những người có trách nhiệm về tư tưởng - văn hóa trong chính quyền đã tìm cách phổ biến và sử dụng bài hát này với mục đích ngăn chặn bớt làn sóng di tản. Nhiều người biết bài "Quê hương" cũng một phần vì lý do đó.
Ít ai hồi đó biết rằng lời bài hát đó là dành cho một cô bé sắp đầy một tuổi, chứ chẳng dính dáng gì đến chuyện của người lớn cả.
Tức là ảnh hưởng của nó vượt ngoài cả ý tưởng ban đầu của tác giả bài thơ, cũng như tác giả nhạc.
Chính xác.
Thế còn bài "Chút tình đầu" mà Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài "Phượng Hồng", anh viết trong hoàn cảnh nào? Nhận được thiếp cưới của "mối tình đầu"?
Giỡn hoài. Có một hôm, mình nhớ cũng vào năm 1986 đó, mình đến Báo Tuổi Trẻ, nằm ở đường Lý Chính Thắng, để lĩnh nhuận bút một bài thơ được đăng. Mình đến vào lúc hết giờ làm việc buổi sáng, nên đành phải chờ đến đầu giờ chiều.
Trong lúc ngồi uống trà đá vỉa hè, mình thấy mấy bác công nhân nhặt những cành hoa phượng, do họ vừa chặt xuống, bỏ vào giỏ xe chở đi. Và cái tứ của bài thơ tự nhiên hiện ra.
Mình chỉ việc "nhấc" bác công nhân ra khỏi yên xe, và đặt cô nữ sinh mặc áo dài trắng lên đó. Kỷ niệm thời đi học quay trở lại, và cứ thế tuôn ra.
Có phải đạo diễn Lê Hoàng đã được nghe câu chuyện này nên đã gọi anh là "cướp" (trong bài báo "Đỗ Trung Quân: Triết gia pha Cướp biển") không?
(Cười) Xạo. Cướp xe đạp là loại cướp vặt, làm sao so với cướp biển được. Có lẽ, cha đó nghiền phim về cướp biển nên thấy bạn bè thằng nào có cái mặt hao hao thì gọi chơi vậy thôi.
À, tôi nhớ rồi. Vì bài viết đó mà anh phải lên tiếng trên báo, vì các "còm sĩ" đã "ném đá hội đồng" vào anh. Họ chẳng nhận xét về thơ mà chỉ xoay quanh cái chuyện "cướp biển" và "triết gia".
Thực ra, về vế thứ hai, tôi thấy Lê Hoàng rất có lý. Bởi, theo tôi, các nhà thơ luôn triết lý về cuộc đời theo cách riêng của họ.
Chẳng hạn, tôi rất thích những câu như "Em như hạt mưa trên phố xưa/ Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ/ Kỷ niệm như rêu.../ Giẫm vào anh trượt ngã" (Khúc mưa). Mỗi lần nghe bài hát này (Phú Quang đã phổ nhạc), đến những câu đó, tôi lại suy nghĩ miên man đủ thứ.
Hay câu "... đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần" (Những bông hoa trên tuyến lửa). Bởi nó như sự gợi ý cho những suy ngẫm, chẳng hạn, về công cuộc "hàn gắn vết thương chiến tranh" thời hậu chiến. Đã có bao vết thương đã rỉ máu hai lần...
Hoặc, trong bài thơ "Chút tình đầu" của anh có một câu thơ, theo tôi, là rất đắt. Đó là "có gã khờ, ngọng nghịu mãi... thành câm". Làm anh phóng viên ở cái tuổi ngoại ngũ tuần rồi, chiêm nghiệm cũng nhiều, tôi thấy nó đúng quá.
Mình hiểu. Nhưng mình lúc đó cũng chỉ nói tâm trạng thật của một kẻ đang yêu thầm nhớ trộm, chứ không hiểu theo cách mà nhà báo Huỳnh Phan bây giờ đâu. Dù sao cũng cám ơn chàng.
Tôi từ lâu cũng rất thích lời bài "Phượng Hồng", và cứ nghĩ lời bài hát cũng của Vũ Hoàng. Chính vì vậy, hồi năm 2006, tôi cùng người bạn là Vũ Bình, nguyên là Tham tán tại Mỹ và hiện là Đại sứ tại Hy Lạp) cùng viết một loạt bài bình luận về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, tôi đã chọn cái bút danh chung là Vũ Hoàng (Vũ Bình - Hoàng Ngọc).
Thậm chí, để cho cẩn thận, tôi còn hỏi cô Thu Hà, phóng viên văn hóa báo Tuổi Trẻ về nhạc sĩ này.
Thế Thu Hà có bảo chàng rằng tên thật của anh chàng nhạc sĩ là Vũ Bảo Hoàng không?
Chuyện là thế này. Sau phổ nhạc, Vũ Bảo Hoàng có kể lại với mình rằng một trong hai người phải đổi tên, vì ở Hội Nhạc sĩ  thành phố họ xì xào rằng Bảo Hoàng mà đi với Trung Quân đúng là sặc mùi phong kiến.
Không biết chuyện đúng bao nhiêu phần trăm sự thật nữa, nhưng mình dứt khoát không chịu đổi tên. Thế là anh ta phải đổi thành Vũ Hoàng.
Có phải vì sợ nhạy cảm nên nhạc sĩ này mới đổi "có gã khờ ngọng nghịu mãi thành câm" thành "có gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ" không? Nghe đúng là hơi "ngọng".
Có lẽ, do cảm nhận thơ của Vũ Hoàng là như vậy, chứ không phải là chuyện "nhạy cảm" gì đâu. Hồi đó chưa có luật bản quyền, nên cũng chẳng có trao đổi gì giữa người phổ nhạc và nhà thơ. Bài hát đã nổi tiếng rồi, mọi người hát thành quen, muốn đổi lại cũng khó.
Nhiều người, trong đó có tôi, cũng thắc mắc là tại sao anh lại dùng cái nick rất Hàn Quốc là Chung Do Kwan. Con người anh, trộm vía, may ra chỉ gợi nhớ tới củ sâm "còi" của Hàn Quốc thôi.
Anh già rồi, thời thượng như thế làm gì, để phải chịu đựng người đời ném đá? Cái tên Đỗ Trung Quân cũng rất hay mà?
Chớ có đùa. Cái tên "Chung Do Kwan" là một kỷ niệm rất đáng nhớ với mình.
Chả là, sau khi rời TNXP về Sài Gòn năm 1982, mình có viết bài "Tạ lỗi Trường Sơn". Bài thơ này được anh Hoàng Ngọc Biên và dịch giả Diễm Châu chọn đưa vào danh mục "sẽ in" của Nhà xuất bản "Trình Bày" với cái tên "Chung Do Kwan", tức là một dịch giả châu Á. Còn lý do thì chàng hiểu chứ?
Vâng ạ. Thế rồi bài thơ có được in không?
Không. Sau đó, dịch giả Diễm Châu mất, nhà xuất bản cũng bận nhiều cho việc biên dịch văn chương, nên bài thơ này cuối cùng cũng không in được. Mình vừa mới công bố bài này trên blog của mình, sau 27 năm im lặng.
Xin cảm ơn anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét