Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Phỏng vấn Ginny Foote về TPP

Hiệp định đối tác xuyên TBD: Chưa kết thúc trong năm nay
Với sự có mặt của hai khuôn mặt mới là Canada và Mexico vào vòng đàm phán cuối năm nay, các thành viên TPP sẽ "dễ thở" hơn vì họ không còn bị sức ép về "hạn chót" kết thúc đàm phán nữa. Nhưng dù Tổng thống Barrack Obama có thất cử vào tháng 11 tới, tiến trình TPP vẫn được giữ nhịp, bởi đây là chính sách thương mại lưỡng đảng của Hoa Kỳ.

LTS: Vòng đàm phán thứ 13 của Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ 2.7-10.7, tại San Diego, California (Mỹ), đã đạt được một bước tiến quan trọng, theo thông cáo báo chí của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ - chủ nhà và chủ toạ của vòng đàm phán này.

Mặc dù, các bên tham gia đàm phán đã không đạt được mục tiêu tham vọng ban đầu là hoàn tất lời văn của hầu hết hơn 20 chương trong hiệp định, sau khi vòng đàm phán trước đó ở Dallas, Texas, các bên đã thống nhất về lời văn cho chương về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bản thông cáo báo chí, các nhóm đàm phán đã đạt được tiến bộ quan trọng trong một số chương như hải quan, dịch vụ xuyên biên giới, viễn thông, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, cũng như hợp tác và tăng cường năng lực.
Những bước tiến quan trọng cũng đạt được trong các lĩnh vực như nguyên tắc xuất xứ, đầu tư, dịch vụ tài chính... Lần đầu tiên, phía Mỹ đã đặt lên bàn đàm phán một yêu cầu mới về những hạn chế và loại trừ đối với bản quyền.
Tuanvietnam có cuộc trao đổi với bà Virginia Foote, người vừa trở về từ San Diego, sau khi gặp gỡ tất cả các đoàn đàm phán TPP. Khác với vai trò "cầu nối" trong đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam, và đặc biệt là đàm phán song phương giữa hai nước cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, bà Foote có mặt bên lề đàm phán TPP với tư cách đại diện cho một nhóm lợi ích (stakeholders).
Bà Foote đến San Diego cùng với một nhóm công ty quan tâm đến buôn bán hàng may mặc và giày dép giữa Mỹ và Việt Nam, với mối quan tâm đến chuỗi cung ứng, và những qui định và thủ tục hải quan, cũng như những cam kết mở cửa, của các nước TPP hiện đang xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ.
Bà Virginia Foote
Bà cảm nhận thế nào về quyết tâm của nước chủ nhà trong việc thúc đẩy TPP? Liệu có khả năng là đàm phán TPP về cơ bản sẽ kết thúc vào cuối năm nay, như các nguyên thủ đã thể hiện quyết tâm vào cuối năm ngoái tại Honolulu?
Cuộc gặp tiếp theo của các nguyên thủ TPP sẽ vào tháng 9 tới Vladivostok, bên lề diễn đàn APEC 2012, vào thượng tuần tháng 9. Cùng thời gian đó, vòng đàm phán thứ 14 của TPP sẽ diễn ra tại Leesburg, Virginia (Hoa Kỳ) từ 6.9 đến 15.9.
Mexico và Canada sẽ tham gia TPP, nhưng do thủ tục nội bộ của những thành viên còn lại mất 3 tháng, nên chắc chắn hai nước này chỉ có thể tham gia từ vòng tiếp theo vào tháng 12.
Vì lý do này, và vì vẫn còn khá nhiều vấn đề còn đang bàn thảo nên chắc chắn đàm phán TPP sẽ kéo sang năm 2013. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Như vậy, tại APEC, động thái dự kiến của các nguyên thủ TPP sẽ là gì?
Họ sẽ tuyên bố rằng tiến trình TPP đã đạt được những tiến bộ căn bản, ở nhiều chương đã thống nhất được lời văn, nhưng cuộc đàm phán vẫn còn tiếp diễn...
Bà có nghĩ rằng với sự tham gia của hai thành viên mới, các thành viên còn lại sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vì họ có được "lý do" hợp lý để không quá căng thẳng về "hạn chót" của việc kết thúc đàm phán, và như vậy đỡ phải ép nhau thái quá trên bàn đàm phán? Ngày còn rộng, tháng còn dài mà.
(Cười) Đúng vậy. Mặc dù, Canada và Mexico được cả 9 thành viên ban đầu chào đón, với nguyên tắc hai nước này sẽ đi tiếp từ giữa đường, chứ không phải từ đầu. Tức là đối với văn bản thoả thuận của từng chương, họ chỉ tham gia đàm phán ở những điểm vẫn còn nằm trong ngoặc (chưa thống nhất).
Thường thì các nước luân phiên nhau tổ chức đàm phán TPP. Nhưng từ vòng 12 (tại Dallas, Texas, Mỹ đã liên tục nhận đăng cai. Liệu có phải Mỹ với tư cách nước chủ nhà đồng thời là chủ toạ đàm phán muốn tác động lên tiến trình đàm phán, và nhanh chóng kết thúc nó?
Quả thật Mỹ là nước có động cơ và quyết tâm mạnh nhất trong việc nhanh chóng kết thúc đàm phán TPP. Nhưng còn có một lý do không kém phần quan trọng là đăng cai đàm phán TPP là một việc làm tốn kém. Và Mỹ có khả năng đáp ứng điều này tốt nhất, và cho đến giờ chưa có ai phàn nàn cả.
Chẳng hạn, để phục vụ cho khoảng 500 người ở San Diego, California, trong vòng hai tuần của vòng đàm phán vừa rồi, bất kể là các nhà đàm phán hay các nhóm lợi ích, đã có biết bao nhiêu cuộc gặp giữa các nhóm lợi ích đơn lẻ với từng đoàn đàm phán, đòi hỏi một khối lượng công tác hậu cần rất lớn.
Tôi cho rằng vòng đàm phán vào tháng 12 sẽ không tổ chức ở Mỹ. Nhưng phải có nước tình nguyện đăng cai chứ? (Cười).
Như vậy, Tổng thống Barrack Obama sẽ không đặt cược vào kết quả của đàm phán TPP trong chiến lược tranh cử của mình?
Khi nói về thương mại, Tổng thống luôn nhấn mạnh tới TPP như một phần quan trọng của chính sách thương mại của chính quyền Mỹ dưới thời của ông.
Tôi xin đặt câu hỏi theo cách khác. Khi vận động tranh cử, Tổng thống sẽ nói gì liên quan đến TPP? Chẳng hạn, "hãy bầu cho tôi để tôi tiếp tục lái con tàu TPP đến đích".
Chiến dịch tranh cử kết thúc trước khi đàm phán TPP có thể kết thúc. Theo tôi, ông ta có thể nói đến TPP trong cả gói thành tích mà chính quyền của ông đã đạt được trong nhiệm kỳ 4 năm vừa rồi. Chẳng hạn, đã có 3 hiệp định thương mại tư do song phương (với Hàn Quốc, Peru và Colombia) đã được phê chuẩn. TPP đã đạt được những bước tiến triển quan trọng, và đã có thêm Canada và Mexico tham gia TPP...
Liệu có khả năng đàm phán TPP sẽ mất động lực, nếu Tổng thống Obama của Đảng Dân chủ thất cử trước đối thủ Mitt Romney của Đảng Cộng hoà?
Không. Đây là tiến trình lưỡng đảng. Chính Tổng thống George Bush quyết định Mỹ sẽ tham gia TPP, và Tổng thống Obama đã triển khai cái quyết định này đến những kết quả hôm nay.
Bà có nhận xét gì về một diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức ở Siem Riep nhân chuyến đi của Ngoại trưởng Hilary Clinton đến Diễn đàn an ninh khu vực? Liệu có phải phía Mỹ muốn thay đổi cái bức tranh Căm-pu-chia là sân sau của Trung Quốc?
Thứ nhất, cả chính quyền lẫn doanh nghiệp Mỹ các doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá cao tầm quan trọng của ASEAN. Năm nào các doanh nghiệp Mỹ, nhất là những công ty có sự hiện diện ở ASEAN, đều tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp tại một nước nào đó trong khối này.
Năm nay, Căm-pu-chia là chủ tịch ASEAN, nên việc tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp ở đây là lẽ tự nhiên. Nhưng có lẽ điểm mới là diễn đàn năm nay to hơn, và được tổ chức đúng vào dịp ngoại trưởng Clinton dự diễn đàn an ninh thường niên ở đây, và bà tham dự sự kiện quan trọng này.
Tôi hiểu rằng các doanh nghiệp Mỹ bao giờ cũng muốn sự chú trọng của chính quyền Mỹ đến khía cạnh phát triển quan hệ kinh doanh, bên cạnh những mối quan hệ an ninh - chính trị.
Chúng ta sẽ xem những gì diễn ra ở diễn đàn này (diễn ra vào Thứ Sáu, ngày 13.7), và hy vọng rằng kiểu kết hợp này sẽ được lặp lại hàng năm.
Tức là sự gắn kết giữa an ninh trong khu vực và đảm bảo môi trường kinh doanh sẽ được nhấn mạnh thông qua sự gắn kết giữa hai diễn đàn này?
Đúng vậy.
Bà nghĩ mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam như thế nào? Cứ đều đều như mấy năm qua, hay có sự chú ý đặc biệt?
Thứ nhất, việc tham gia đàm phán TPP tiếp tục có tiến triển khiến cho Việt Nam trở nên đáng kỳ vọng hơn trong con mắt giới đầu tư Mỹ, bởi họ hy vọng rằng hiệp định này có thể giúp Việt Nam rũ bỏ những thông lệ xấu và tự nâng mình lên một chuẩn mực mới.
Thứ hai, trong một động thái khác, những quyết định mang tính nội bộ của Việt Nam lại khiến cho các nhà đầu tư - kinh doanh Mỹ e ngại, nếu không nói là họ nhìn Việt Nam với con mắt kém hấp dẫn hơn nhiều. Chẳng hạn, đó là qui định quản lý Internet, hay việc thông qua Luật Giá.
Hơn nữa, tôi nghĩ Việt Nam hiện nay không phải là nơi dễ dàng kinh doanh. Tức là giữa những gì chính phủ cam kết chào đón và những gì các nhà đầu tư gặp phải khi triển khai dự án, đặc biệt là đối với nỗ lực của bộ máy thực thi, có một khoảng cách lớn.
Dường như Việt Nam luôn giỏi tạo cho người khác những cảm xúc lẫn lộn.
(Còn tiếp)

Dệt may trong TPP: Việt Nam đàm phán - ai hưởng lợi?

Người Việt Nam hay nói việc bị một nước thứ ba nào đó đàm phán trên lưng mình để hưởng lợi. Trong câu chuyện nguyên tắc xuất xứ liên quan đến dệt - may trong TPP, dường như lại có khả năng một nước thứ ba hưởng lợi trên lưng các nhà đàm phán Việt Nam.


LTS: "Trong tổng số 1,3 tỷ USD thuế nhập khẩu mà 8 nước đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải nộp cho Mỹ một năm, khoảng 1 tỷ USD, liên quan đến hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Trong 1 tỷ USD đó, khoảng 80-90% lại do các nhà xuất khẩu hàng may mặc và giày dép chi trả." - đó là đánh giá của bà Virginia Foote về hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong việc giảm thuế quan xuống 0 phần trăm trong TPP.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Hoa Kỳ cũng lại đưa ra qui tắc xuất xứ để nước thứ ba không được hưởng lợi từ qui tắc này. Chính vì vậy, cuộc tranh luận về nguyên tắc xuất xứ trong dệt - may khá căng thẳng, và được coi là một trong những trở ngại chính giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tuanvietnam xin được tiếp tục câu chuyện TPP với bà Virginia Foote về những trở ngại này, bao gồm dệt - may, mua sắm chính phủ, hay qui định riêng về doanh nghiệp nhà nước, trước khi Việt Nam phải vượt qua rào cản cuối cùng là vấn đề quyền lao động (tự do hội đoàn và thoả ước tập thể).
Với việc tham gia của những nước xuất khẩu hàng dệt - may vào thị trường Mỹ như Mexico, liệu đòi hỏi về nguyên tắc "yarn-forward" (xuất xứ từ sợi trở đi) đối với những nước xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào vải nhập khẩu, như Việt Nam không?
Theo tôi hiểu đòi hỏi của Mỹ liên quan đến nguyên tắc xuất xứ trong dệt - may là nguyên tắc "yarn-forward với những linh hoạt nhất định. Chẳng hạn, trong CAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Dominique - Trung Mỹ), nếu một loại vải nhất định mà về mặt thương mại khó có thể cung cấp được trong khuôn khổ những nước tham gia hiệp định này, hàng may mặc sử dụng loại vải này sẽ được loại khỏi danh sách những mặt hàng cần tuân thủ nguyên tắc "yarn-forward".
Như vậy, với TPP, điều quan trọng là "khả năng cung ứng thương mại" được xác định như thế nào. Ví dụ, nếu một loại vải nhất định có ở Mexico, việc những công ty may ở Việt Nam phải chở vải từ Mexico về Việt Nam để may thành áo, và chở ngược sang Mỹ bán, là vô nghĩa về mặt thương mại. Đơn giản là các công ty đó sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển, và mất thêm thời gian thực hiện, và như vậy khả năng mất hợp đồng từ các nhà nhập khẩu Mỹ là rất cao.
Sự phức tạp nằm ở chỗ tuy TPP được coi là một hiệp định thương mại tự do khu vực (khu vực lòng chảo Thái Bình Dương), nhưng thực ra lại bị phân chia làm tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc.
Liệu có khả năng sự linh hoạt này còn có thể bao hàm cả khả năng dùng nguồn thay thế tương đương. Chẳng hạn, thay vì nhập vải của Trung Quốc, Việt Nam có thể tăng cường nhập vải của Hàn Quốc là nước đã có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, để xuất hàng may mặc vào Mỹ?
Câu chuyện không đơn giản như vậy. Anh thử tưởng tượng xem nếu mỗi thành viên TPP lại mang theo những đối tác tự do thương mại song phương hay đa phương của mình vào TPP thì cuối cùng chẳng phải 9, hay 11 nước mà có khi cả nửa thế giới trong đó mất. (Cười lớn)
Nhưng có thể là một ý tưởng hay, nếu như, thay vì cắt - may như hiện nay, các nhà xuất khẩu may mặc của Việt Nam để lại phần cắt cho người Mỹ, và họ có thể nhập vải từ Hàn Quốc, hay Mexico, tuỳ họ, và Việt Nam thực hiện công đoạn may, và bổ sung những phụ liệu còn lại.
Với việc tham gia chuỗi giá trị kiểu này, Việt Nam có thể "né" được nguyên tắc "yarn forward". Tất nhiên, phần giá trị gia công sẽ giảm đi, nhưng bù lại sẽ hưởng lợi từ thuế suất bằng 0 phần trăm.
Tôi nghĩ giải pháp này hài hoà, hay chia sẻ, lợi ích của các quốc gia, và đặc biệt là những nhóm có lợi ích mâu thuẫn với nhau tại đó, và có vẻ như khả thi hơn là nguyên tắc "yarn forward" cứng nhắc.
Vả lại, chúng ta cũng nên để ý tới một khía cạnh khác của vấn đề: Đó là anh không thể đưa ra một tiêu chuẩn này đối với hàng may mặc, nhưng lại áp dụng một tiêu chuẩn khác đối với Ipad.
Đối với mỗi công ty, mỗi sản phẩm đều có một chuỗi cung ứng phức tạp, thì làm sao anh có thể xác định rằng với sản phẩm này sự tham gia của bên thứ ba là không được, nhưng với sản phẩm khác thì lại được phép. Chính vì vậy người ta mới đang mặc cả với nhau trên bàn đàm phán rất căng thẳng.
Người Mỹ có quan điểm rằng TPP cần phải mang lại lợi ích nhiều nhất cho các thành viên TPP. Nhưng mặt khác, ngay cả những mặt hàng như giày dép do Mỹ sản xuất, nhưng phụ kiện lại nhập từ Trung Quốc và người Mỹ chỉ ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh thôi, và họ gắn dòng chữ "made in USA".
Hơn nữa, thị trường cao cấp luôn khó tính, và đó là chưa nói tới mối quan hệ đối tác lâu dài trong chuỗi cung ứng đã hình thành từ lâu. Nhà thiết kế ở Mỹ sẽ quyết định nhà cung cấp vải, hay phụ kiện là ai, đến từ nước nào.
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng với những thay đổi mạnh mẽ về chính trị và xã hội của Myanmar, trong vòng 5 năm tới quốc gia này sẽ là một đối thủ quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài ở phân khúc thấp, trong đó có may mặc và da giầy. Như vậy, liệu Việt Nam có nên khăng khăng trong việc bảo vệ quan điểm giữ nguyên nguyên tắc cắt - may, thay vì yarn-forward, mà vẫn được hưởng thuế suất bằng 0 phần trăm trong TPP, hay là nên chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong ngành dệt vào Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng, với lượng xuất khẩu hiện nay chiếm khoảng 7% thị phần may mặc ở thị trường Mỹ, Việt Nam chưa đủ hấp dẫn với các nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt, bởi đây là lĩnh vực đầu tư lớn với công nghệ cao. Những nhà máy dệt lớn nằm hầu hết ở Hàn Quốc, Đài loan, Trung Quốc, hay Nhật Bản. Họ cung cấp vải cho nhiều quốc gia.
Vì vậy, Việt Nam vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi kim ngạch xuất khẩu của mình vào thị trường Mỹ tăng lên đủ mức hấp dẫn mới có thể thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt.
Bao nhiêu theo bà là đủ?
Tôi nghĩ Việt Nam phải chiếm khoảng 15% thị phần hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường Mỹ, tức là khoảng 14-15 tỷ USD, thay vì 6-7 tỷ USD như hiện nay.
Thế nếu Việt Nam ưu đãi hết mức với họ thì sao?
Về nguyên tắc thì OK. Nhưng trên thực tế, liệu hạ tầng Việt Nam có đủ sức đảm đương điều đó không? Nên nhớ là cần rất nhiều điện, rất nhiều nước để cung cấp cho nhà máy dệt. Việt Nam vẫn cần thời gian để cải thiện hạ tầng để đón họ.
Việc Mỹ không muốn nước thứ ba hưởng lợi từ mức thuế quan 0 phần trăm của TPP, bên cạnh sự phản đối của nhóm lợi ích may mặc ở trong nước, như hồi đàm phán cho việc Việt Nam gia nhập WTO, liệu còn vì lo ngại Trung Quốc, nước đang chiếm tới 40% thị phần may mặc ở thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi, và qua đó gián tiếp tăng thị phần thực tế của mình lên không?
Mỹ có hai điều quan ngại.
Thứ nhất, Mỹ vẫn còn có một ngành công nghiệp may mặc, tuy nhỏ so với các ngành khác, nhưng lại tạo được công ăn việc làm. Và lập trường của chính phủ Mỹ là phải bảo vệ những nhà máy may mặc đó.
Còn mối quan ngại thứ hai, thì đúng như anh nói, Mỹ không muốn nước thứ ba hưởng lợi từ TPP. Cái này người Mỹ có lý, đúng không nào? Chẳng lẽ lại để một nước thứ ba, như Trung Quốc, hưởng lợi trên lưng các nhà đàm phán Việt Nam.
(Còn tiếp)

TPP có phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhà nước?

"Các qui định của tổ chức thương mại thế giới (WTO), và các qui định trong tương lai của bản thân hiệp định TPP này, đã đảm bảo quá đủ rằng SOEs sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường rồi, và không cần thiết có thêm các qui định riêng", ông Khánh nói.

LTS: Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh đã giải thích rằng liên quan đến đề xuất của phía Hoa Kỳ tại Lima (Peru) vào tháng 10 năm ngoái về một qui định riêng cho doanh nghiệp nhà nước (SOEs) trong khuôn khổ đàm phán Hiệp đinh Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông sẵn sàng lắng nghe, chứ không thẳng thừng "bác bỏ", như báo chí phương Tây giật tít.
"Tôi chỉ nói một cách đơn giản là chúng tôi cho rằng, các qui định của tổ chức thương mại thế giới (WTO), và các qui định trong tương lai của bản thân hiệp định TPP này, đã đảm bảo quá đủ rằng SOEs sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường rồi, và không cần thiết có thêm các qui định riêng", ông Khánh nói.
Ông cho biết thêm, phía Việt Nam đã đề nghị rằng, khi tiếp cận vấn đề SOEs trong TPP, tuyệt đối không được lâm vào một cực khác là phân biệt đối xử với SOEs. "SOEs cũng cần được đối xử công bằng", ông Khánh nói.
Điều ông Thứ trưởng Bộ Công Thương nói hoàn toàn có lý, trong bối cảnh mấy năm trở lại đây, ngay tại Việt Nam bản thân SOEs đã chịu sự "kỳ thị" của dư luận và cộng đồng doanh nghiệp, sau những vụ làm ăn bết bát của không ít tập đoàn kinh tế nhà nước, nổi bật là Vinashin, hay Vinalines, khiến quốc gia phải gánh chịu một món nợ khổng lồ của họ, dẫn theo hệ lụy cho hệ thống ngân hàng, cũng như nhiều doanh nghiệp vô tội khác.
Hơn nữa, bản thân Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong việc kiểm soát hoạt động của những "bad boys" này. Chẳng hạn như đề án giám sát tài chính tập đoàn, thậm chí "gài" người vào đó, hay quyết định tăng cường vai trò của ủy ban phòng chống tham nhũng...
Rõ ràng, quan điểm của Việt Nam là "con hư mẹ dạy", chứ không muốn "tổ dân phố" phải "can thiệp vào công việc nội bộ" của gia đình mình.
Tuy nhiên, dường như quan điểm này của phía Việt Nam chưa được các đối tác khác trong TPP chia sẻ. Bằng chứng điển hình là từ vòng đàm phán thứ 11 tại Melbourne (Australia), một qui định riêng đối với SOEs đã bắt đầu được đặt lên bàn đàm phán.
Để rộng đường dư luận, Tuanvietnam xin giới thiệu tiếp cuộc trao đổi của phóng viên Huỳnh Phan với bà Virginia Foote về suy nghĩ và lập luận của các đối tác khác, nhất là Hoa Kỳ, quốc gia đã lần đầu tiên đưa SOEs vào nội dung Hiệp định Tự do Thương mại song phương với Singapore, về vấn đề này.
Trưởng đoàn đàm phán TPP, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, nêu quan điểm của mình về doanh nghiệp nhà nước.
Tôi được biết là cuộc đàm phán về doanh nghiệp nhà nước (SOEs) đã được chính thức bắt đầu từ cuộc đàm phán ở Melbourne (Australia) hồi tháng 3, sau khi Mỹ đưa ra đề xuất này hai vòng trước đó, và phía Việt Nam đã phản đối.
Theo bà, cách đặt vấn đề của Mỹ có thực sự là một cách "phân biệt đối xử" với SOEs, như nhận định của ông trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam, không?
Quan niệm đằng sau một qui định riêng đối với SOEs, như phía Mỹ đề nghị, là một mối lo ngại toàn cầu là SOEs ở khắp nơi đều được hưởng những thuận lợi trong tiếp cận nguồn tín dụng, cũng như những cơ hội kinh doanh trong những ngành nghề mà khu vực tư nhân khó có thể chen chân vào. Đề xuất của phía Mỹ trong chương cạnh tranh về một qui định riêng đối với SOEs là một biện pháp bổ sung để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.
Mọi người đều cảm nhận được sự bất bình đẳng này, nhưng tìm kiếm đầy đủ chứng cứ về việc SOEs, chẳng hạn như khả năng tiếp cận những nguồn tín dụng giá rẻ, hay có những nguồn tín dụng chỉ dành riêng cho SOEs, là một điều hết sức khó khăn. Chính vì vậy một qui định giám sát riêng với SOEs là cần thiết để ngăn chặn sự bất bình đẳng đó.
Ngay ở Việt Nam trong hai năm trở lại đây người ta cũng tranh luận về vai trò của SOEs trong nền kinh tế, làm thế nào để quản lý giám sát SOEs, sự hỗ trợ tài chính của chính phủ đối với SOEs là bao nhiêu, những lĩnh vực nào thì SOEs được tham gia... Một điều quan trọng nữa là định nghĩa thế nào là SOEs, tức là nhà nước sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn trở lên thì được gọi là SOEs.
Từ khi tôi đến đây, tôi luôn nghe những lời phàn nàn về SOEs, bất kể đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, bất kể là doanh nghiệp nhỏ, hay doanh nghiệp lớn. Tôi nghĩ SOEs đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng khiến chính phủ phải trả giá nhiều cho chúng. Chẳng hạn, như Vinashin mấy năm trước, hay Vinalines gần đây.
Đây không phải là vấn đề bàn thảo của TPP, bởi Mỹ và các nước khác cũng đều có SOEs cả, và tuỳ từng quốc gia sẽ tự quyết định xem SOEs nên đóng vai trò gì, tham gia vào những lĩnh vực kinh doanh gì... Nhưng TPP đặt ưu tiên đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh.
Theo tôi biết, lời văn mà phía Mỹ dự thảo trong qui định này vẫn đang được các bên tranh luận, và tôi không nghĩ rằng các bên, chứ chẳng riêng gì Việt Nam, có thể sớm thống nhất với nhau.
Liệu khi đưa ra yêu cầu có cơ chế kiểm soát xuất khẩu của SOEs, ngoài những điều bà vừa nêu ra, vẫn có một nguyên nhân quan trọng là Mỹ vẫn liếc sang phía Trung Quốc, nơi có một đội ngũ SOEs hùng hậu, có thông tin nói là lên tới con số 20 ngàn. Trong đó có nhiều SOEs đã trở thành những công ty đa quốc gia.
Các chuyên gia nói rằng với việc đưa ra yêu cầu mạnh mẽ về SOEs trong TPP, nhất là với Việt Nam, Mỹ muốn tạo ra một hình mẫu, một tiền lệ, trước khi đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này. Hơn nữa, tham vọng của những người thúc đẩy ý tưởng TPP là tới khoảng 2025 nó sẽ bao trùm cả 21 nền kinh tế APEC.
Tôi nghĩ TPP là một hiệp định thương mại tự do khu vực có qui mô lớn đầu tiên nên những người thúc đẩy nó muốn giải quyết những vấn đề mới đang ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, và SOEs là một trong số đó. Ai cũng phàn nàn về SOEs, bất kể đó là Mỹ, Nhật, hay Việt Nam. Đây chính là lúc phải có cách tiếp cận mới đối với SOEs.
Quay lại giả thiết của anh, cũng không phải nó không có lý. Nhưng hiện giờ là TPP11 thì chúng ta cứ nói đến 11 nước liên quan đã, còn khi nào mở rộng ra thành TPP21, hay FTA-AP (Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương) thì tính sau. Chắc gì đến lúc đó, với sự tham gia của Trung Quốc, có những điều không phải đàm phán lại.
Và việc văn bản của chương SMEs được thông qua hồi tháng 5 cũng được coi là một một động thái song hành để bảo đảm sự bình đẳng trong kinh doanh?
Đúng vậy. việc hiệp định TPP có một chương riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), là để những doanh nghiệp kém thế này có thể hưởng lợi từ những thoả thuận thương mại trên toàn cầu, như TPP. Có thể có những trợ giúp kỹ thuật, hay những chương trình giúp cho SMEs có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách cung ứng dịch vụ cho các công ty đa quốc gia.
SMEs và SOEs ở Việt Nam dường như cũng có điểm gì đó tương tự như SMEs và các công ty đa quốc gia ở Mỹ, chẳng hạn, về mặt tạo việc làm. Bởi các công ty đa quốc gia ở Mỹ lại chuyển việc ra bên ngoài. Liệu đó có phải là một sức ép quan trọng khiến chính phủ Mỹ quyết tâm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của SMEs không?
Ở Mỹ có một mối quan ngại rất lớn về chuyện outsourcing (chuyển việc ra bên ngoài). Thế nhưng, chúng tôi cũng có một hệ thống dịch vụ phát triển rất mạnh ở Mỹ. Vì thế chắc trong một số lĩnh vực sản xuất xu hướng chuyển việc ra nước ngoài vẫn tiếp tục, nhưng trong một số lĩnh vực khác, công việc lại được chuyển về trong nước.
SMEs ở Mỹ có thể tồn tại và phát triển được nếu biết định vị mình trong hệ thống của các công ty đa quốc gia, bằng cách cung cấp một dịch vụ nào đó trong hệ thống cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia (MNCs). Hệ thống cung ứng được coi là hết sức phức tạp bất kể là trong ngành may mặc hay sản xuất máy bay.
Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI thích mua các sản phẩm hay linh kiện ở Việt Nam hơn là nhập khẩu từ nước khác để xuất khẩu hàng hoá cuối cùng. Bất kể đó là doanh nghiệp FDI, SOEs, hay một doanh nghiệp tư nhân lớn hơn, SMEs đều có thể trở thành nhà cung ứng. Đó cũng là cách các SMEs tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 


Xin cám ơn bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét