Chuyện nữ doanh nhân trẻ và chàng thi sĩ già
Nhờ cái biển hiệu "Ziều Đỏ Kwán" mà ánh mắt của tôi đã chuyển từ cái ngõ cụt tối thui để hướng lên bầu trời, rồi theo Đỗ Trung Quân lên con điều biếc và nhìn xuống quê hương mình - đúng cái quê hương mà anh đã tả trong bài thơ "Bài học đầu cho con".
LTS: Kể từ khi vào Trung tâm Báo chí nước ngoài (đầu năm 1993), rồi được cử sang làm ở báo Nikkei (Thời báo Kinh tế Nhật Bản), năm nào phóng viên Huỳnh Phan cũng có dịp đi công tác Sài Gòn. Ít thì vài ba lần, nhiều thì cả chục lần.
Nhiễm cái thói quen hít thở bầu không khí khoáng đạt của đất Sài Gòn, cảm giác nhớ hơi ấm của đất phương Nam mỗi khi Hà Nội đón đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên, khiến Huỳnh Phan vẫn tìm mọi cách để xin vào Sài Gòn công tác, khi đã chuyển về những tờ báo như Sài Gòn Tiếp Thị (trụ sở chính tại Sài Gòn), hay Vietnamnet (có văn phòng đại diện tại Sài Gòn).
Trong suốt gần 20 năm qua, Huỳnh Phan đã gặp nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội, đã chứng kiến không ít sự kiện, và đã nghe nhiều câu chuyện.
Tuanvietnam xin được giới thiệu những ghi chép của phóng viên Huỳnh Phan trong một tiêu đề chung là "Sài Gòn ký sự", không nhất thiết phải liên tục, về những nhân vật, sự kiện, hay những câu chuyện 'hóng hớt" được trong những chuyến đi đó.
Mở đầu cho "Sài Gòn ký sự" là những ghi nhận về một buổi tối thứ Bảy tại quán Ziều Đỏ, mới được mở vào ngày 8.3 vừa rồi, và chủ nhân của nó chính là nhà thơ Đỗ Trung Quân - người kể từ 1.7 này sẽ không còn hợp đồng với báo Sài Gòn Tiếp Thị. "Nhà báo già" (Đỗ Trung Quân sinh năm 1955) đã quyết định "về hưu non" (đến năm 2015 anh mới đủ tuổi hưu).
Hoa Lài, một doanh nhân trẻ xuất thân là phóng viên, có một cuộc hẹn trả lời phỏng vấn cho một đồng nghiệp, người muốn nghe những cảm nhận của cô về một cuộc hội thảo do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức trước đó 2 ngày, tại quán "Ziều Đỏ". Anh ta giải thích rằng, ngồi nghe cả buổi mà anh ta vẫn chưa tìm ra được mạch viết cho mình, nên muốn mượn cô làm người dẫn chuyện.
Khi tới nơi, ngoài người đồng nghiệp (chính là tác giả bài viết này), cô còn thấy có một vài người khác. Đặc biệt, có một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, với đôi mắt có vẻ liên láo. Vẻ ngại ngùng chợt thoáng hiện trên khuôn mặt cô, trước khi cô cố nở một nụ cười để lấy lại sự bình thản cần thiết của một doanh nhân.
Tất cả đều không lọt qua được đôi mắt tinh ranh của người đàn ông đó. Ông ta vụt cúi người ngó xuống dưới chân bàn, mắt hướng về phía Hoa Lài. Mặt cô đỏ lựng lên, căng thẳng. Cô quay về phía tôi như muốn hỏi: "Bạn của anh sao kỳ cục vậy?"
Nữ doanh nhân Hoa Lài |
Tôi, theo thói quen, cũng ngoác miệng cười "hôi". Mặc dù, tôi cũng ngỡ ngàng như Hoa Lài.
Tối hôm đó, Hoa Lài mặc bộ áo đầm hoa màu đỏ, chân cũng đi giày đỏ. Làm trong lĩnh vực truyền thông, cô rất có ý thức về sự hòa hợp giữa hình ảnh và bối cảnh - đến quán "Ziều Đỏ" mà.
Vì vậy, cô càng thấy ngỡ ngàng về cách hành xử kỳ cục của người đàn ông đó, cũng như sự phụ họa nhiệt tình của đám bạn của ông ta. Mắt cô mở to, ngơ ngác.
"Xin giới thiệu đây là nhà thơ Đỗ Trung Quân - tác giả của câu thơ "quê hương là con "Diều Biếc", và cũng là chủ nhân của quán "Ziều Đỏ" này", tôi lên tiếng phá vỡ sự lúng túng đó.
"À, thảo nào", Hoa Lài thở phào, gương mặt giãn ra trở lại, - "Vậy tại sao anh không đặt tên quán là 'Diều Biếc'. Mà lại còn bày đặt viết là 'Ziều Đỏ' nữa?"
"Tại sao không phải là "Diều Biếc', xin cô hãy tự tìm hiểu. Còn tại sao là 'Ziều', chứ không phải là 'Diều', là vì tôi muốn học gương bậc tiền nhân, đơn giản hóa tiếng Việt", Quân vừa tưng tửng đáp, vừa vớ lấy chai rượu "Ông già chống gậy", rót một lượt cho mọi người.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
|
Khi cụng ly, Quân hướng về phía Hoa Lài, rồi cất giọng bình phẩm: "Đầm đỏ, giày đỏ, má đỏ, môi đỏ... Giá có Huy Đức ở đây mà kể chuyện đời mình, thì đôi mắt em tôi sẽ đỏ hoe luôn. Lúc đó, mới đúng là "tông xuyệt tông" tới từng mi li mét."
Hoa Lài nhoẻn miệng cười. Nụ cười lần đầu tiên từ lúc cô tới đây.
Cô bảo rằng cô chỉ được gặp Huy Đức trên facebook thôi. Và hình dung của cô về nhà báo nổi tiếng này là một người đàn ông có cái miệng rất tươi (sản phẩm của Đấng Tạo hóa?), có một cặp mắt vừa sắc sảo vừa đằm thắm, và luôn có những câu đối đáp rất thông minh, hóm hỉnh.
"Không ngờ, như anh Quân nói, đời tư của anh Huy Đức lại buồn đến như vậy", cô khẽ nói.
Nhưng trong ánh mắt của Hoa Lài tôi thoáng thấy sự tiếc nuối, lẫn vẻ hơi ngờ vực. Chắc cô nghĩ Quân "dìm hàng", tôi cười thầm.
Cũng vì vậy, tôi đã không dám góp chuyện với Quân. Lúc sáng, khi đến quán lần đầu, tôi gặp Huy Đức vội vã ghé qua lấy một bịch thuốc tướng, cả thuốc huyết áp, tim mạch, lẫn dạ dày, mà anh nhờ cô bác sĩ - một trong những người hùn vốn mở quán với Quân - mua hộ.
Những người bạn của Huy Đức và Đỗ Trung Quân đều nhận xét rằng, không có biệt tài làm đỏ hoe những cặp mắt mở to, mơ màng, như Huy Đức, Quân lại có cái duyên riêng để luôn giữ được những nụ cười chúm chím trên những cặp môi mọng đỏ.
Tối hôm đó, Quân kể nhiều chuyện lắm. Từ chuyện thơ, chuyện nhạc, đến chuyện đời, chuyện báo. Chả chuyện nào liên quan đến chuyện nào, nhưng lại có vẻ rất có lang - có lớp, có chuỗi - có xâu. Có những chuyện tôi đã nghe có dễ đến chục lần, vậy mà vẫn thấy buồn cười.
Thảo nào, cả buổi tối hôm đó, Hoa Lài hầu như không nói. Cái miệng xinh xắn của cô cứ mải cười.
Tối hôm đó, Quân bao cả bàn, và bảo mọi người gọi thỏa thích.
"Lần đầu tiên có chàng Ngọc (tên tôi) từ Hà Nội vào tới quán của Quân, nên Quân mời các bạn. Còn từ lần thứ hai, Quân sẽ "chặt" (charge)", chàng thi sĩ già vừa nhe hàm răng gắn đầy dấu ấn của thời gian, và có lẽ đúng hơn là khói thuốc, vừa giơ ra mảnh bìa có vẽ hình người chủ quán gí súng vào thực khách.
"Đây là tấm bìa do mình tự vẽ, đưa kèm với "bill" thanh toán cho khách. Có giời mà chạy", Quân giải thích.
Nghe Quân nói, tôi chợt nhớ ngay tới câu chuyện được nghe từ Hòa thượng Thích Huyền Diệu, người sáng lập nên 2 ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật là Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và Lâm-tì-ni (Nepal), rằng các chủ nhà hàng người Việt ở hải ngoại đã kinh ngạc thế nào khi lần đầu tiên được nghe những khách từ Việt Nam, nhất là từ miền Bắc, sau khi ăn uống no say, đã kêu họ lại đòi "thanh toán" - một từ chỉ dùng tron câu chuyện giải quyết ân oán giang hồ giữa các băng nhóm xã hội đen.
|
Quân cầm bản thực đơn ra giới thiệu với mọi người về các món đặc sản của "Ziều Đỏ", món nào món nấy đọc tên là đã thấy hấp dẫn. Nào là "cá điêu hồng sốt chanh dây", nào là "cá Hoàng Đế sốt xí muội", nào là "cá điêu hồng tẩm mè", nào là "hàu bỏ lò" nào là "thỏ cuộn rau củ"...
Và nhất là món "bò Mỹ nướng Teppanyaki (nướng thiết bản kiểu Nhật), được chuyên gia ẩm thực Số Zách của báo Sài Gòn Tiếp Thị là Ngữ Yên viết riêng một bài giới thiệu. Đọc xong là muốn nuốt nước miếng ừng ực!
Quán Ziều Đỏ của nhà thơ Đỗ Trung Quân
|
Quân khoe rằng tất cả những món trên đều do một cậu đầu bếp mà Quân mới tuyển chế biến. Được Ngữ Yên khen thì hẳn anh ta không phải tay vừa, tôi nghĩ.
"Cậu bếp trưởng này tên là Đua, vậy mà dễ thương lắm. Khách phàn nàn điều gì, mình kêu ra nạt, cậu ta cứ gãi đầu gãi tai xin lỗi ngay, rồi sửa liền", Quân nói.
Quân còn kể rằng, cũng có lẽ vì cái đức hiền lành, chịu thương chịu khó, và phục thiện đó, có một cô gái xinh xắn, chân dài, con nhà tử tế hẳn hoi, cứ nằng nặc xin vào làm phụ bếp cho bếp trưởng Đua.
Quân đã hỏi rằng hình thức ngon lành như cô thế này, thì khối gì việc nhàn nhã hơn, mà sao phải chui vô bếp, mồ hôi mồ kê cho cực. Cô bé, theo lời Quân kể, nhoẻn miệng cười e lệ, và lí nhí đáp: "Dạ, con chỉ muốn học được nghề của anh Ba thôi."
"Nghe cô bé cứ một điều anh Ba, hay điều anh Ba, mắt lại chớp chớp, mà thấy ghét. Phải chi mình biết nấu ăn... Mà Ba Quân nghe nó oai hơn hẳn Ba Đua, đúng không nào?", Quân như tự nói với mình, rồi khẽ thở dài.
Trong lúc mọi người đang phân vân không biết chọn món gì, Quân đã gọi ngay cho mỗi người một tô mỳ Quảng - một món mới của quán.
"Ăn chút lót dạ, để còn uống lai rai", Quân nói.
Mỳ Quảng ở Ziều Đỏ quả thật là ngon, và tô mỳ còn to thiệt là to nữa. Tôi đã ăn đến sợi mỳ cuối cùng, và còn húp cố những giọt nước lèo cuối cùng. Những người khác cũng xuýt xoa khen ngon.
Chỉ có điều, sau tô mỳ Quảng, chẳng ai còn bụng dạ mà chọn món nữa. Quân đành gọi cho bọn tôi thêm đĩa đậu phộng, ngồi nhấm lai rai.
Tôi bảo Quân rằng, món này nên gọi là món "lèn dạ", chứ không phải là "lót dạ" nữa. Quân nhe răng cười, bảo: "Đúng ý, đúng ý."
Đến khoảng chín rưỡi, khi câu chuyện, do MC Đỗ Trung Quân dẫn dắt, vẫn đang rôm rả, Hoa Lài đột ngột đứng dậy. Cô xin phép ra sân bay đón bạn từ hải ngoại về.
Nhìn cái dáng đi dứt khoát một cách khác thường của cô, tôi hiểu cô vẫn muốn nấn ná thêm với Quân.
Đây cũng là lý do mà tôi đành phải lỡ hẹn với các đồng nghiệp Sài Gòn Tiếp Thị đến sang năm, khi kỳ hội thảo tiếp theo được tổ chức. Lần tới, dứt khoát tôi sẽ mời cô ra quán cà phê để phỏng vấn. Cầu Trời cho quán này ăn nên làm ra, để cho Quân đừng chuyển sang kinh doanh cà phê!
|
Chúng tôi ngồi đến tận hơn 11 rưỡi mới rời quán. Các quán kế bên, cũng như nhà dân trong ngõ, đều đã tắt đèn từ bao giờ rồi.
Trong lúc chờ người bạn lấy xe, tôi ngước nhìn lên tấm bảng hiệu "Ziều Đỏ Kwán". Đó là thứ ánh sáng duy nhất trong cái ngõ cụt đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Bất giác, tôi ngước lên thêm chút nữa...
Tôi nhớ, Quân đã từng giải thích với một nhà báo khi mở quán: "Thuở bé, tôi thích một vành trăng non xanh biếc, cong như một cánh diều, nơi ấy có chú bé mộng mơ ngồi vắt vẻo giữa lưng chừng trời..."
Tôi chợt hiểu, tại sao Quân đặt tên quán là "Ziều Đỏ"... Vào Sài Gòn lần tới, tôi sẽ kể cho Hoa Lài nghe những gì tôi đã mục kích được vào những giây phút đó.
Chính nhờ cái biển hiệu "Ziều Đỏ Kwán" mà ánh mắt của tôi đã chuyển từ cái ngõ cụt tối thui để hướng lên bầu trời, và theo Quân lên con diều biếc mà nhìn xuống quê hương mình - đúng cái quê hương mà Đỗ Trung Quân đã tả trong bài thơ "Bài học đầu cho con".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét