Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Trò chuyện với Nguyễn Hữu Thái Hoà

Alice – Thái Hoà ở xứ sở kỳ lạ - FPT
Tôi nhận thấy rằng thiếu hụt lớn nhất của giới trẻ hiện nay không phải vấn đề nhận thức, mà là vấn đề niềm tin – tin vào những điều tử tế. Đây mới thực sự là một nguy cơ lớn.

LTS: Tiếp tục "Sài Gòn ký sự", Tuanvietnam xin giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên Huỳnh Phan với Giám đốc Chiến lược của FPT - Nguyễn Hữu Thái Hoà, người cách đây hơn một năm đã quyết định rời bỏ một chức vụ cao cấp trong Tập đoàn Đa Quốc Gia Schneider Electric (Pháp) tại Hồng Kông để hồi hương.
Hai người, vốn đang sống ở Hà Nội, lại gặp nhau vào một chiều Sài Gòn Thứ Bảy, tại buổi giới thiệu chương trình "Du lịch - Du học Canada", trong đó một người là diễn giả, và một người là phóng viên đưa tin, tại Khách sạn InterContinental, nằm không xa Dinh Thống Nhất - nơi cách đây 37 năm cha Thái Hòa là KTS Nguyễn Hữu Thái đã giúp anh bộ đội Bùi Quang Thận cắm cờ trên Dinh Độc Lập, và ra đài phát thanh Sài Gòn giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh.
Hôm đó, sau khi kể về trải nghiệm của mình trong năm năm học tại Toronto, Canada, Thái Hoà đã hát bài "Diễm Xưa" của Trịnh Công Sơn theo một cách rất riêng - hát trên nền bản nhạc cổ điển "Sonate ánh trăng" của Beethoven.
Trong cuộc trò chuyện sau đó, Thái Hoà nói rằng nhạc Trịnh đã luôn đồng hành cùng với anh, không chỉ với ý nghĩa một hobby, mà vì đó là cách anh sống và chiêm nghiệm thế giới này qua âm nhạc của người nhạc sĩ có mối quan hệ rất đặc biệt với gia đình anh, với cá nhân Thái Hoà.
Tuy nhiên, chủ đề của cuộc trò chuyện này không phải về người ca sĩ hát nhạc Trịnh, hoặc về mối quan hệ giữa nhạc Trịnh và tiêu chuẩn ISO của một chuyên gia quản trị chất lượng... Đã có quá nhiều đồng nghiệp khai thác anh về những chủ đề này.
Phóng viên Huỳnh Phan quan tâm đến Nguyễn Hữu Thái Hoà, chủ yếu với tư cách một doanh nhân Việt Kiều đang từng bước hòa nhập lại, chấp nhận thử thách mình trong một môi trường kinh doanh và văn hoá tại Việt Nam - có lẽ là khác xa so với hơn 13 năm anh làm việc cho Tập đoàn Schneider Electric ở nhiều nơi trên thế giới.
Chuyển từ một môi trường làm việc ở nước ngoài về Việt Nam, tại FPT hơn một năm qua, điều gì làm anh thấy bỡ ngỡ nhất?
Khi tôi mới chuyển từ Hồng Kông về làm việc tại Việt Nam, tôi có được phân công giảng dạy môn Quản trị Chiến lược tại các lớp mini-MBA cho lãnh đạo trẻ FPT. Hôm đầu tiên, vừa thấy tôi bước vào lớp, vài chú em trong FPT đã thể hiện sự khó chịu ra mặt.. Và khi tôi bắt đầu bài giảng, sự khó chịu đó đã thể hiện ra mồm.
Người thì nói: "Thôi anh đừng có "chém gió" về chiến lược nữa. Chém ở trên công ty chưa thấy đã hay sao, mà còn xuống trường chém tiếp?"
Kẻ khác lại tăng sự bức xúc lên mức hỗn láo: "Anh yêu nước cái gì? Ông Bình (Chủ tịch FPT Trương Gia Bình) trả anh bao nhiêu tiền? Cao hơn tụi Tây chúng nó trả không? Thời nay chỉ có tiền thôi, yêu nước cái gì?"
Đối với tôi, những giờ phút đó là khoảng thời gian trải nghiệm có lẽ thú vị nhất trong cuộc đời làm việc của mình. Tôi nhìn thẳng vào mắt từng bạn trẻ, và chọn ra cậu có vẻ cứng đầu nhất. Tôi bảo: "Anh có thể nói chuyện thẳng thắn với em 5 phút, trước mặt cả lớp."
Và anh đã giải thích với họ như thế nào?
Tôi nói: "Em có biết khi con trai mới được 2 tháng tuổi, tôi đã bế nó từ Hồng Công về Hà Nội do cái quyết định về FPT này không? Và tôi sẽ giải thích cho em lý do tại sao tôi sẵn sàng đánh đổi một cuộc sống đang ổn định ở Hồng Kông để về Việt Nam, nhận lấy thử thách từ FPT."
Nguyễn Hữu Thái Hoà
Tôi nói tiếp: "Chắc em chưa bao giờ có cảm giác sống đằng đẵng xa xứ, nên có thể không có cảm giác ngóng trông về đất nước. Chính vì vậy, tôi đồng ý với em, và các em khác, có thể chưa tin ở niềm tin và lòng yêu nước của tôi khi quyết định về Việt Nam, nhưng các em cần phải tôn trọng sự thật đó. Đơn giản là vì các em chưa có trải nghiệm để có quyền bác bỏ nó."
Bằng những câu chuyện thật về cơ hội của những người đi sau có quyền chọn lựa công nghệ cao, về giá trị quyền lực mà cả thế giới đang trao cho Châu Á, hay bằng những đóng gói kiến thức, công cụ thực tế của một chuyên gia hơn 15 năm đi nghiên cứu "risk & opportunity" (nguy cơ và cơ hội) của phát triển tại các tập đoàn quốc tế, tôi chỉ ra rằng, trong một góc nhìn khác về FPT, về Việt Nam, hiện có một cơ hội thật sự to lớn cho những ai dám có chiến lược đột phá, dám tin vào năng lực, vào lao động miệt mài hơn các đối thủ khác.
Mặt khác, điều quan trọng nhất là khi Việt Nam đang rơi xuống đáy của khủng hoảng, người ta sẽ cần lời khuyên của các chuyên gia, sẽ chấp nhận thay đổi dễ dàng hơn những lúc rủng rỉnh tiền bạc, và thành công. Tôi thật sự tin rằng thời điểm này là lúc tốt nhất để chứng minh năng lực bằng học thuật và bản lĩnh - là "thời thế tạo anh hùng".
Họ có bị anh thuyết phục không?
Tôi nghĩ tôi dần dần đã có thể thuyết phục được họ. Ít nhất là xóa đi những nghi ngờ tiêu cực ban đầu từ trong suy nghĩ của các cán bộ trẻ FPT.
Thế nhưng, đến lúc đó, sự nghi ngờ lại chuyển sang hướng khác. Có người lại chép miệng nói: "Có thể những điều anh nói là thật. Nhưng phải chăng anh đã bị ông Chủ tịch FPT dụ dỗ?"
Anh có giật mình trước câu hỏi đó không?
Không. Tôi đủ trải nghiệm để tin vào khả năng của mình, cũng như biết người khác chờ đợi gì ở tôi.
FPT cũng chỉ là một bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam. Qua một số lớp học khác mà tôi đã từng giảng dạy, tôi nhận thấy rằng thiếu hụt lớn nhất của giới trẻ hiện nay không phải vấn đề nhận thức, mà là vấn đề niềm tin.
Thực tế đau lòng là ở Việt Nam bây giờ ít có người còn niềm tin vào những điều tử tế. Đây thực sự là một nguy cơ lớn.
Đây không phải vấn đề của riêng giới trẻ. Việc ngày càng nhiều người, bất kể già hay trẻ, đi chùa chiền xin cái nọ cầu cái kia, hay tin vào tử vi, bói toán... đã phản ánh sự mất niềm tin đó. Nhưng anh nói đúng, đối với riêng giới trẻ, vốn rất cần niềm tin để xây dựng tương lai, thì việc mất niềm tin vào bản thân, hay những điều tử tế, quả là một nguy cơ lớn.
Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị bị lừa nung vôi...
Tôi hiểu rằng, với một người mang một hoài bão lớn về nước như anh, quả là một cú sốc lớn, và đây mới là nỗi cô đơn thực sự.
Lúc tôi mới về, tôi tưởng tôi sẽ rất cô đơn. Nhưng dần mới phát hiện ra, khoảng 40% các bạn trẻ chia sẻ được những suy nghĩ với tôi. Đã có sự đổi màu trong từng lớp học. Thật ngạc nhiên là năm ngoái, khi tổng kết khoá học, tôi là một trong số vài giảng viên nội bộ được học viên xếp hạng 9/10.
Chúc mừng anh!
Cám ơn. Thật ra với tôi, sự khích lệ đó lớn hơn tất cả những phần thưởng tôi đã có được trong hơn 10 năm làm việc quốc tế.
Thế mới hiểu ra rằng trở về với chính mình, với đồng bào của mình, cũng là một hành trình không hề đơn giản.
Có nhân tố mới, và, nhờ đó, người ta tự nhiên phát hiện rằng người ta đang thay đổi. Đó là điều đáng mừng cho FPT. Nhưng liệu có phải đáng lo cho anh không, với tư cách là kẻ khơi mào cho một sự thay đổi lớn?
Tôi không phải là nhân tố mới duy nhất của FPT. Cách đây 3 năm FPT đã thay đổi "slogan" thành "tiếp nguồn sinh khí", và hiện đã có hơn 30% lãnh đạo trẻ từ bên ngoài tham gia vào điều hành công ty.
Tôi biết tôi có vai trò gì ở đây, và bản thân lãnh đạo cao nhất của FPT cũng ý thức rõ điều này. Câu cửa miệng của ông Trương Gia Bình nói với tôi là: "Em không được thay đổi cái giá trị của riêng mình." Câu nói làm tôi nhớ hoài như một kim chỉ nam trong công việc, hiện vẫn còn đầy gian nan đối với tôi, dù có đỡ hơn trước nhiều.
Thế còn các lãnh đạo khác, trừ ông chủ tịch mời anh về, nhìn chung đã đón nhận anh như thế nào?
Đối với FPT, sự trở lại của tôi có lẽ hơi đột ngột, và có phần bốc đồng. Tuy nhiên, về phía tôi thì hoàn toàn ngược lại.
Suốt 3 năm tư vấn cho FPT trong chương trình BiC (Best in Class - Vươn đến đỉnh cao), tôi đã từng phân tích rất rõ những điểm tương đồng và khác biệt của doanh nghiệp này đối với các doanh nghiệp khác, và đối với riêng tôi. Khi tôi được mời về làm việc cho ông Trương Gia Bình, hầu như mọi người nhìn tôi bằng con mắt không thiện cảm, trừ một số ít anh chị lãnh đạo cao nhất.
Cũng tự nhiên thôi mà. Anh thử tưởng tượng có những người làm ở vị trí quản lý cấp trung hơn hai chục năm trời, mình tự nhiên ở đâu về ngồi cùng ban lãnh đạo, đề xuất cho họ phải làm việc này việc kia, thì làm sao họ dễ dàng chấp nhận mình.
Anh tiếp nhận sự lạnh nhạt đó như thế nào?
Khi người ta công kích mình, tôi nhận ra rằng người ta chờ đợi tôi, vì tự ái, sẽ phản công lại, và trong cuộc chiến đó chắc chắn kẻ thua cuộc sẽ là tôi. Vì quan trọng hơn hết là nếu không nhận được sự hợp tác của mọi người, dù có chuyên tâm công việc đến mấy, tôi cũng khó hoàn thành được nhiệm vụ được giao.
Tôi đã chọn cách ứng xử khác theo kiểu Thiền...
Tức là "mũ ni che tai"?
Không. Tôi đối diện thẳng với thách thức đó, nhưng theo kiểu Thiền và "Đắc Nhân Tâm".
Mỗi ngày, tôi đến công ty thật sớm, và tự "dọn mình" với một nụ cười.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Cùng với anh em tìm đến mọi người...?
(Cười) Chưa đến đoạn đó. Mới là "Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ Đường đến anh em, đường đến bạn bè..." thôi.
Khi gặp người quá ghét tôi, tôi nói với anh ta: "Tôi biết anh không thích tôi, nhưng tôi vẫn rất muốn quí mến anh. Bởi anh là người đồng nghiệp mà chúng ta phải hợp tác để hoàn thành công việc chung sao cho đạt kết quả tốt nhất. Tôi vẫn cứ mở lòng hết với anh đấy, vẫn cứ quý mến anh đấy, Phải tính sao bây giờ?"
Tôi mà ghét anh thì cũng chào thua anh luôn. Người Bắc chúng tôi hay nói rằng "cùn đến thế là cùng". Thế họ phản ứng ra sao?
Có người bị bất ngờ. Có lẽ anh ta đã nghĩ: "Chẳng lẽ mình lại tiếp tục xử tệ với thằng cha này, trong khi hắn lại luôn hiền hòa, nhũn nhặn với mình? Thiên hạ trông vào lại nghĩ mình là người nhỏ nhen."
Và dường như tôi đã thành công. Bởi vì, không chỉ "ông bạn vàng" đó, mà nhiều người khác cũng dần dần bớt ghét tôi hơn. Họ chỉ không biết rằng sau lưng tôi, ông Trương Gia Bình vẫn thầm theo dõi, và thỉnh thoảng nhắc nhở tôi bằng một tin nhắn: "Em cứ làm tới đi!"
Hoá ra cái môi trường cạnh tranh khắc nghiệt ở FPT đã giúp anh ngộ ra giáo lý Nhà Phật?
Không, tôi ngộ ra từ lâu rồi. Ở môi trường Phương Tây còn cực hơn thế, bởi còn thêm cả kỳ thị chủng tộc nữa.
Tuần lễ đầu tiên mới qua Pháp nhận việc, với tư cách là một thành viên trong Ban điều hành nhà máy, tôi đã bị bảo vệ bắt vì nghi "thằng cha da vàng lạ mặt này có ý định ăn cắp".
Chả là tôi tự đi tìm hiểu sản phẩm, và lạc vào một khu vực "Test" quan trọng, do không rành đường. Cô Giám đốc Nhân sự sau đấy phải đến phòng bảo vệ để bảo lãnh cho tôi ra, và xin lỗi tôi rối rít.
Có lẽ, do đã luôn phải cố gắng vươn lên trong một môi trường không phải thuận lợi và bình đẳng cho những người Á Châu như tôi, so với dân bản địa, tôi đã tự luyện cho mình thói quen đối mặt với sự thật. Tôi đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn cái sĩ diện bình thường.
Ở đây người ta hay gọi là tự ái vặt, sĩ diện vặt, dẫn đến tốn công, tốn sức, trả thù vặt lẫn nhau. Khó làm được việc lớn.
Tôi cũng định nhấn mạnh điều đó. Hồi ở Hồng Công, tôi nhận thấy rằng cách nhìn về đại cục của người Hoa khác hẳn người Việt chúng ta.
Khi làm việc, tôi có gặp phải một giám đốc người Trung Quốc ở nhà máy của Schneider Electric bên đại lục, trình độ cực kỳ dốt nát. Có lần, tôi đã thứ hỏi riêng một nhân viên của tay đó.
Hỏi: Các anh có biết giám đốc dốt không?
Đáp: Có.
Hỏi: Có bao giờ các anh chỉ trích ông ta không?
Đáp: Không.
Hỏi: Tại sao?
Đáp: Chúng tôi tôn trọng vị trí của ông ta, chứ không phải cá nhân ông ta. Việc ông ta dốt mà vẫn được trọng dụng là trách nhiệm của bộ phận tổ chức và của Sếp ông ta, chứ không phải của chúng tôi.
Qua những trải nghiệm của mình từ Đông sang Tây, tôi ngộ ra rằng cách tốt nhất cho một người có thể thoát khỏi trạng thái bị cô lập, hay khủng hoảng, là cố gắng làm việc hết mình, chứ đừng phân tán năng lực của mình vào những chuyện đối đầu không đâu vào đâu với người khác.
Càng hướng thiện thì mình càng chứng minh họ đã sai, chứ mình nhất định không "a dua" theo cách của họ. Chính Nhà Phật cũng từng khuyên ta không nên "ác giả ác báo".
Và anh đã áp dụng triệt để triết lý đó trong cả công việc lẫn cuộc sống?
Trong công việc thì đúng như vậy. Chứ trong cuộc sống thì cũng tuỳ từng trường hợp mà có cách hành xử phù hợp.
Chẳng hạn, trên sân đá bóng mà đối thủ cứ cố tình đá xấu mình, đôi khi cũng phải "dằn mặt" lại chứ. Tôi không phải là kẻ thích "sưu tầm" những vết thương. (Cười)
Trong cuộc sống, nơi trú ẩn cuối cùng của tôi không phải Cửa Phật, mà là thế giới của Âm nhạc.
Tại sao ông Trương Gia Bình lại mời anh về FPT?
Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) đã giới thiệu tôi về hỗ trợ FPT trong dự án BiC (Best in Class - Vươn tới đỉnh cao), và, sau dự án lãnh đạo FPT đã mời tôi về.
Hồi đó, tưởng anh vẫn làm cho Schneider Electric ở Hồng Công cơ mà, tại sao lại có ông bộ KHCN dính vào đây?
Sau khi xem một chương trình "Người Đương thời" của VTV3, hồi 2007, trong đó tôi đã trả lời rạch ròi về vụ nước tương đen, về chuyện một loạt doanh nghiệp có chứng nhận ISO mà sản phẩm vẫn có chứa chất độc hại, và đưa ra các giải pháp đi vào bản chất vấn đề, lãnh đạo bộ này đã liên hệ với tôi. Bởi tôi đã vô tình "gãi" đúng chỗ họ đang "ngứa".
Khi gặp Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, tôi tặng cho cho ông cuốn sách về ISO và ứng dụng thực tế trong doanh nghiệp từ Âu sang Á, và nói lên ao ước chọn một hai công ty mạnh ở Việt Nam làm thí điểm ứng dụng công cụ quản trị chất lượng. Họ đưa cho tôi danh sách 20 công ty hàng đầu Việt Nam, và sau khi khảo sát, chúng tôi đã chọn một công ty sản xuất phần cứng là Gạch Đồng Tâm, và một công ty phầm mềm là FPT.
Sau này, khi quan hệ với Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc, nhân vật hồi đó đã đặt nhiều câu hỏi "móc họng" cho bộ KHCN và tôi về dự án BiC, đã trở nên thân thiết, tôi mới kể lại với ông cái câu tôi đã nói với ông Thứ trưởng đi cùng, khi rời trụ sở FPT ra xe: "Đây mới là một nơi có thử thách lớn nhất mà một chuyên gia như tôi cần vượt qua tại Việt Nam. Như vậy, mới bõ công hàng tháng từ Hồng Kông bay đi bay về, và hy sinh vào những ngày nghỉ cuối tuần của gia đình."
Thực sự là phải có một khát vọng vượt qua thách thức lớn cỡ đó mới có thể bay đi bay về như vậy, trong suốt 2 năm và 8 tháng của dự án BiC.
Chỉ có điều hơi tiếc là qua giai đoạn đầu làm thí điểm BiC với hai doanh nghiệp đã xong, tôi không còn cơ hội khởi động việc áp dụng đại trà kinh nghiệm này cho các doanh nghiệp khác, do thay đổi bộ trưởng Bộ KHCN và mọi việc bị gián đoạn một thời gian.
Đó là bad news. Còn good news là FPT mời anh về?
Có lẽ thế. Và điều hết sức xúc động là chính ông Bùi Quang Ngọc là người giới thiệu tôi gặp ông Trương Gia Bình, để bàn chuyện tôi về với FPT.
Có lẽ giờ anh đã hiểu nhân duyên của tôi với FPT thật ra dài hơn thực tế của hơn một năm nay.
(Còn tiếp)

Hành trang “Trịnh” trong cuộc khám phá "xứ sở kỳ lạ - FPT"

Tôi chợt hiểu đó là sự thú vị được khám phá cuộc đời đến tận cùng của Trịnh Công Sơn. Tôi ngộ ra rằng cái cuộc sống mà mình hiểu biết quá nông cạn, một chiều. Cái xấu, cái ác cũng phải cần có những chiêm nghiệm thì mới đánh giá được.

Tuanvietnam tiếp tục cuộc trò chuyện với Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hoà, với nickname trong phần 1 là Alice - Thái Hoà, trong cuộc phiêu lưu đến "xứ sở kỳ lạ - FPT".
Xin được hỏi thật, cho đến thời điểm này, anh có thấy ân hận, hay lo nghĩ, gì về quyết định chuyển về sống và làm việc ở Việt Nam không?
Hoàn toàn không. Quyết định đó rất đúng đắn. Tôi đã thay đổi môi trường sống và làm việc vào lúc tuổi đời còn sung sức, tuổi nghề cũng đã đủ từng trải để đóng góp. Nếu về muộn hơn, có khi cơ hội lại không nhiều nữa. Và nhất là sức khỏe không đủ để "cày" hơn 15 tiếng một ngày như hiện nay.
Điều duy nhất tôi thấy đáng lo nghĩ là Việt Nam đang phí phạm từng ngày những cơ hội lớn của mình.
Trải nghiệm chính trong một năm vừa rồi chủ yếu ở FPT. Điều đó có nghĩa là, nói theo tinh thần "xây dựng", anh nhìn thấy ở FPT còn có quá nhiều dư địa để tự hoàn thiện?
(Cười) Anh lại hỏi kiểu "gài" rồi. Đúng vậy, FPT là doanh nghiệp thuộc loại hàng đầu ở Việt Nam, nhưng phải cố gắng nhiều nữa mới được coi là hoàn hảo. Kinh nghiệm hơn hai năm rưỡi trước đó đã chỉ cho tôi thấy rõ điều này.
Dù dư luận có thể đánh giá thế nọ thế kia về FPT. Nhưng, khách quan mà nói, so với các "ông lớn" doanh nghiệp nhà nước đang dùng tiền thuế của dân để kinh doanh và khi thua lỗ thì để nhà nước và người dân trả giá hộ, thì rõ ràng FPT, dù gì cũng vượt lên bằng năng lực, trách nhiệm và sẵn sàng trả giá cho các quyết sách của mình, xứng đáng được trân trọng hơn nhiều.
Anh thật sự tự tin rằng anh có thể đóng góp vào quá trình tự hoàn thiện của FPT?
Vì tư duy của những người lãnh đạo FPT khác hẳn với các công ty khác. Tôi nhận thấy rằng một khi những người đứng đầu, như ông Trương Gia Bình hay ông Bùi Quang Ngọc, dù đã giàu sụ rồi, nhưng vẫn còn khao khát làm việc, khao khát cho sự thịnh vượng của công ty, thì công ty đó còn có tương lai. Tôi hiểu công ty là đứa con tinh thần của họ, và, vì vậy, họ vẫn sống chết vì công ty.
Lần đầu tiên mới về FPT làm việc, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông Bình vẫn cứ ở lại công ty đến tận 10 giờ đêm. Sau 7 giờ tối, ông lại sang chỗ tôi, và đặt ra một loạt câu hỏi để hai anh em cùng nghĩ, cùng bàn.
Thực sự anh có thấy "người FPT" có "chảnh", như người ta nhận xét không?
Cái xã hội nhìn thấy là cái "chảnh", thậm chí "quá chảnh", có thể đúng. Nhưng tại sao xã hội lại không chịu khó lý giải thêm tại sao FPT lại như vậy? Chắc "bọn đó" phải có cái chất gì đó mới "chảnh" đến thế chứ, đúng không?
Tôi đã từng đi xông pha với cả Tây lẫn Tàu rồi, nên tôi cho rằng đức tính tự tin cạnh tranh đó vô cùng quí giá. Bởi một người Việt mà đứng trước ông Tây đã run thì không làm gì được.
Hồi ở Hồng Kông mỗi khi sang Trung Quốc công tác, tôi nói đi nói lại với nhân viên là: "Không phải ông da trắng nào cũng là Chúa Jesus hết đâu nhé!"
Cá tính của "người FPT" là bàn đạp tốt nhất cho thanh niên, tất nhiên là những người có năng lực thực sự, để làm việc cạnh tranh ngang bằng với Tây. Tôi biết có những trường hợp người từng "quá giang" qua FPT, khi đi làm với Tây rất ngon lành. Ở FPT, họ đã dám cãi nhau thẳng với lãnh đạo Hội đồng quản trị.
Còn việc FPT để cho xã hội ngộ nhận về mình thật ra không phải là vấn đề tiền, không phải là chuyện thành đạt, mà là ở cái sự "fun" (sự vui nhộn) đôi khi hơi quá đà, mà người ta cho là "nổ". Tôi biết, văn hóa doanh nghiệp độc đáo của FPT là con dao hai lưỡi. Vì vậy, nếu biết tận dụng tốt thì sẽ là một vũ khí hữu hiệu.
Ví dụ điển hình như cái anh chàng Dũng "Xoay" (Đinh Tiến Dũng - Cù Trọng Xoay) là người rất nổi tiếng trên Show-Biz. Có thời gian anh chàng suýt phải thôi việc, do người ta cho rằng cậu ta không chịu làm việc, suốt ngày đi chơi bên ngoài, tham gia hết show nọ đến show kia.
Nhưng, thực ra, Dũng "Xoay" đại diện cho FPT- một xã hội thu nhỏ của những điều sống thật, bằng cái cách rất khác biệt. Tôi nghĩ đất nước mình trong giai đoạn này đang nặng về sống "gồng",  và vẫn có quá nhiều người chưa dám sống thật với chính mình.
Và cũng ít người biết rằng đằng sau Dũng "Xoay" là các lãnh đạo tinh đời luôn bảo vệ cậu ta, như bảo vệ một món "bảo bối" cho thương hiệu văn hóa độc đáo của FPT.
Một cái "fun" nữa với cá nhân tôi là, nếu trước đây khi đi làm với Tây, cái năng khiếu văn nghệ, yêu nhạc Trịnh đến mức "cuồng đồ", của mình lại luôn phải giấu tiệt, thì về FPT lại được coi là sở trường. Đi đâu, anh em cũng giới thiệu ông Thái Hòa này là trùm nhạc Trịnh, và tôi cảm thấy vừa hãnh diện, vừa ngồ ngộ thế nào ấy.
Nói tóm lại, FPT là một tập thể trẻ, còn nhiều sơ hở, nhưng rất năng động và dám sống.
Khi phỏng vấn Bí thư Đoàn Đinh Tiến Dũng, tôi có đặt một vấn đề như thế này (mặc dù chưa đưa vào bài vì một số lý do chưa tiện nói):
"Trong một xã hội vẫn còn sống nép mình, giấu mình, không dám bộc lộ cái thật của mình, FPT đã làm được một chuyện tốt là sống thật. Giống như một chàng trai mới lớn, sống có thể ngang tàng, ngổ ngáo, nhưng có cái khát khao thể hiện cái bản ngã của mình, chứ không ép mình cho vừa mắt các bậc trưởng lão.
Thế nhưng, nhớn rồi, trưởng thành như một người đàn ông thực thụ rồi, anh không thể mãi hành xử như cũ. Vừa không hợp với lứa tuổi, lại vừa không tốt cho "đám choai choai" đang nhìn mình với cặp mắt đầy ngưỡng mộ.
Vậy cái văn hóa công ty ở FPT phải nên thay đổi như thế nào?"
Tôi xin đặt lại vấn đề này với anh.
FPT là một sản phẩm thu nhỏ của sự biến đổi xã hội Việt Nam trong hai thập kỷ qua, và mang tính đại diện cao. Hay nói như anh là một gã trai ngổ ngáo.
Bây giờ, ở một vị thế mới, tất nhiên FPT phải định vị lại. Và chúng tôi đang định vị lại văn hóa FPT với mười mấy dự án trong năm 2012 này.
Chẳng hạn như đặt lại các Tín điều, đặt lại qui chuẩn, ranh giới rõ ràng giữa những cuộc vui trên bàn nhậu, và đức tin vào những giá trị truyền thống có thật của công ty. Bên cạnh đó, vẫn duy trì cái sân chơi trẻ, vẫn cho phép sự ngổ ngáo. Nhưng có sự tách bạch rõ ràng, không lẫn lộn giữa cái chơi và cái làm, cái vui đùa và cái nghiêm túc.
Tôi có xem trên youtube tiết mục đoạt giải nhất của Hội diễn FPT 2011, trong đó vai trò làm chiến lược của anh và ông chủ tịch FPT là hai nhân vật chính bị đem ra trêu chọc. Đó có phải là sản phẩm đầu tiên, sau khi có qui chế văn hoá mới, không?
Nhộn thật anh nhỉ, bởi họ chẳng chừa ai cả? Nhưng vui là trên sân khấu, còn những lúc làm việc là chuyện khác.
Dũng "Xoay", người đóng vai Chủ tịch trong vở kịch đó, đang là người cầm trịch của sân chơi trẻ. Sáng tạo, điên khùng, rap, rock thoải mái.
Thế nhưng, mặt khác, Dũng "Xoay" vẫn phải khép mình vào công việc quản trị và điều hành Ban Văn Hóa, phải họp giao ban các anh em hàng tuần để chi tiết hóa từng việc một.
Còn có những dự án nghiêm túc hơn như là thành lập Bảo tàng công nghệ thông tin. Chúng tôi đi tìm những cái máy vi tính do FPT, hay những công ty Việt Nam khác, lắp ráp từ hồi đầu những năm '90.
Hay Ban Văn hóa, và các đoàn thể trong FPT, đang khuyến khích toàn bộ "công dân" FPT cùng viết tiếp cuốn sách về đồng đội, nhất là về 13 người đã khởi nghiệp từ đầu với FPT như thế nào. Từng tấm gương buôn bán với Nhật, Mỹ như thế nào, cả chiến thắng lẫn chiến bại, quyết tránh "photoshop".
Nói ở khía cạnh văn hóa doanh nghiệp thôi, FPT thật sự có một môi trường vượt trội mà nhiều nơi rất thèm muốn. Con gái tôi học lớp 4, vừa tham gia trong đội FPT Smalls với vốn tiếng Việt chưa sõi, nhưng đã mê văn hóa FPT đến mức đổi tên FPT là "Funny People Team".
Thái Hòa trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Chứ không còn là "Food Processing Technologies" như thời khởi thuỷ, với tư duy "mỳ ăn liền" nữa, đúng không? Nhưng người ta bảo rằng FPT đang vẫn hài lòng với những hợp đồng gia công giá rẻ cho nước ngoài? Đó là nguy cơ lớn nhất?
Đây là một hiện trạng chung của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, chứ không riêng FPT. Nếu xét về việc thiếu đầu tư vào R&D, vào sản phẩm công nghệ của riêng mình, thì nhận xét đó có phần đúng.
Nhưng, cho đến thời điểm này, nhận xét đó đã không hoàn toàn sát với thực tế nữa.
Từ năm 2011, FPT đã có CTO (Giám đốc Công nghệ), và chúng tôi đã cố gắng đầu tư 5% lợi nhuận trước thuế vào các dự án R&D, đưa công nghệ vào các hoạt động chiến lược OneFPT của tập đoàn. Với khát vọng đưa FPT đứng vào Top 500 toàn cầu và là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, như là các chỉ tiêu chúng tôi đặt ra, thì chắn chắn không thể chỉ hài lòng với việc làm thuê cho của các tập đoàn nước ngoài.
Còn nguy cơ lớn nhất của FPT, cũng như của nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam, lại nằm ở chỗ khác. Đó là khả năng phạm sai lầm của cấp lãnh đạo cao nhất.
Anh đã nói thẳng điều này với ông Chủ tịch Trương Gia Bình?
Có, và rất thường xuyên. Vì "Nhân bất thập toàn" mà. Hơn nữa, quản trị nhân sự cấp cao là quá trình rủi ro cao nhất cho mọi tổ chức.
Có bao giờ anh thoáng nghĩ rằng đó cũng có thể là rủi ro cho chính anh, một chuyên gia đã thành danh trong môi trường quốc tế, nếu thất bại với FPT - một môi trường phức tạp và tiềm ẩn nhiều cạm bẫy?
Danh tiếng là của mình, và do mình tạo ra, chứ không phải do môi trường bên ngoài. Tôi cho rằng cuộc sống là một chuỗi phấn đấu liên tục để đi tìm sự cân bằng giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người chúng ta. Không có gì là tuyệt đối cả.
Dĩ nhiên, tôi vẫn có những quan hệ nghề nghiệp quốc tế để mình không bị tụt hậu về chuyên môn, và tư duy tri thức.
Xin anh giải thích về cách hát bài "Diễm Xưa" trên nền nhạc "Sonate Ánh trăng" của Beethoven.
Đây là hát thơ (Chantre) trên nền bản nhạc cổ điển. Đây là sự sáng tạo của tôi và nhạc sĩ hòa âm Hoàng Công Luận, để chứng minh văn hóa, âm nhạc Đông và Tây có thể kết hợp, hòa quyện được với nhau.
Tôi đã hát bài "Diễm Xưa - Moon Light Sonata" này tại rất nhiều quốc gia ở cả 4 châu lục trên thế giới. Chỉ thiếu mỗi Châu Phi - nơi mà tới đây, tôi sẽ sang cùng với các dự án của FPT tại Nigeria. Biết đâu tâm nguyện toàn cầu hóa của tôi với nhạc Trịnh sẽ hoàn thành ở đó, anh nhỉ?
Như anh đã nói anh mê nhạc Trịnh như một "cuồng đồ". Tôi không hiểu liệu Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng ở mức độ nào đó đối với các quyết định quan trọng trong cuộc đời của anh không?
Có lẽ anh là một trong số ít những người đặt câu hỏi này đối với tôi. Biết nói sao nhỉ?
À, để tôi kể cho anh câu chuyện này.
Có lần, tôi thắc mắc với ông rằng tại sao "cậu Sơn" lại có thể giao du với một số ca sĩ thị trường ngày nay. Bởi thứ ngôn ngữ (chúng tôi gọi là tiếng Đức) họ nói, đến tôi còn cảm thấy khó nghe, huống hồ người thuộc thế hệ như ông Sơn. Hay, lần khác, tôi chứng kiến một cô ca sĩ trẻ đẹp, nổi tiếng xấc láo, sau khi đi biểu diễn về ghé qua chơi, mặc váy ngắn mà gác cả chân lên bàn ông Sơn đang ngồi uống rượu.
Anh biết ông Sơn trả lời ra sao không?
Ông ấy nói: "Hắn hay lắm, lạ lắm, Hoà à. Hắn hỗn dễ sợ. Trong đời 'moi' (tôi), 'moi' chưa thấy ai mà hỗn cỡ ni!" (Thái Hoà kể lại bằng giọng Huế.)
Tôi chợt hiểu đó là sự thú vị được khám phá cuộc đời đến tận cùng của Trịnh Công Sơn. Tôi ngộ ra rằng cái cuộc sống mà mình hiểu biết quá nông cạn, một chiều. Cái xấu, cái ác cũng phải cần có những chiêm nghiệm thì mới đánh giá được.
Có lẽ, đó là lý do tại sao nhạc Trịnh đã luôn đồng hành cùng với tôi, không chỉ với ý nghĩa một "hobby". Càng trải nghiệm nhiều, tôi càng thấy mình gắn bó với triết lý sống của Trịnh Công Sơn.
Tôi hiểu. Và anh đã đi khám phá cuộc sống, khám phá con người, ở Việt Nam theo cách của mình, thông qua FPT?
FPT đã cho tôi một môi trường được "thách thức & thưởng thức" đến tận cùng công việc và niềm vui của mình. Tôi hòa vào đó để cùng chiến đấu và cống hiến. Có một điều quan trọng nhất đối với tôi là ở FPT, chúng tôi được sống thật với con người mình.
Một năm rưỡi ở Việt Nam tôi đã hiểu Việt Nam bằng 10 năm trước cộng lại. Tôi tự mình chứng kiến chứ không phải nghe kể lại, như một người ngoài cuộc.
Anh biết không, ngày xưa mỗi lần tôi đi công tác từ Sài Gòn trở về Pháp, là các trí thức Việt Kiều bên Paris lại kêu đến nhà ăn uống để kể cho họ nghe những câu chuyện mà tôi nghe được từ Việt Nam. Tuy thông tin loại second-hand từ anh em trí thức trong nước, nhưng ai bên ngoài cũng háo hức nghe, hóng chuyện tình hình bên nhà.
Cách đây 16 năm, anh cũng đã từng quay về Việt Nam, để rồi lại ra đi. Còn lần này?
Rời Canada chỉ một năm sau khi tốt nghiệp để về Việt Nam, bạn bè đều cho tôi là liều lĩnh. Sau mười sáu năm nhìn lại nhóm bạn bè ở bên đó, tôi thấy họ tuy ổn định hơn mình, nhưng bản thân mình rõ ràng đã vượt xa họ về kiến thức toàn cầu hóa, về tầm nhìn, và cả tư duy kinh tế.
Ở hải ngoại, chúng tôi sẽ phải đánh đổi thế này: Khi đi làm có lương và ra ngân hàng vay tiền mua nhà, mua xe và thế là cả cuộc đời của chúng tôi bị dính vào con bạch tuộc tiêu thụ, cái nhà cái xe trả góp đó, khoảng 20 đến 25 năm, và nhiều khi là suốt đời. Cùng lắm cả một đời đi làm nếu may mắn thì tích cóp được 1 đến 2 triệu USD.
Mười sáu năm trước, tôi về Việt Nam chính là quyết tâm rời bỏ khỏi Canada, nơi được mặc định là thiên đường để sống, và làm việc, đối với dân di cư. Tôi muốn bắt đầu cuộc du hành  khám phá thế giới mới từ Việt Nam.
Tôi được Schneider Electric tuyển dụng ở Việt Nam, rồi được cử sang Pháp trong 4 năm và sau đó tiếp tục sang Hồng Kông 7 năm nữa. Tôi có được cơ hội đi nhiều nơi, làm việc rất sâu trong nghề chất lượng và quản trị trên toàn thế giới.
Cách đây một năm rưỡi nay, cũng là về lại Việt Nam, nhưng với FPT lần này là sự trở về cái nơi mà tôi đã học bài học đầu tiên làm người Việt Nam, học cách trở lại làm một công dân Việt Nam, theo đúng nghĩa của từ này.
Cũng như trong ca hát, tôi học được cách yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng một chữ Tâm. Và từ đó, cũng giống như người nhạc sĩ của mình, nhưng theo một hành trình khác, tiếp tục một cuộc khám phá mới.
Tôi lao vào cuộc cải cách bằng những lý tưởng mà tôi tin rằng có thật. Tôi đụng chạm vào nhiều lĩnh vực của một doanh nghiệp hàng đầu trên một quê hương đang phải oằn mình để thay đổi. Tôi khám phá chính khả năng của mình trong cuộc thay đổi đó.
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim...
Xin cảm ơn anh, và chúc anh thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét