Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chân Trân đang chờ "chàng Karembeu"


Thứ bảy, 04 Tháng sáu 2005, 08:18 GMT+7
  • Cỡ chữ

Chân Trân đang chờ "chàng Karembeu"

Trịnh Chân Trân vẫn chẳng thể giấu nổi sự cầu toàn trong bất cứ công việc gì cô đang toàn tâm toàn ý. Vẫn chưa có ai tìm được chỗ đứng xứng đáng trong trái tim của vị Phó tổng giám đốc đẹp nhất Việt Nam này.
Chan Tran dang cho "chang Karembeu"
Trịnh Chân Trân
Làm người mẫu ảnh cho một công ty quản lý người mẫu của Nhật có liên quan gì đến công việc kinh doanh không nhỉ?
Trịnh Chân Trân: Tôi nhận lời làm người mẫu ảnh vì coi đây là một cơ hội để thử sức mình, và một cơ hội để đi đây đó học hỏi thêm kinh nghiệm. Thực tế đã chứng minh quyết định của tôi là đúng đắn, tôi có cơ hội đi khắp các khu du lịch nổi tiếng ở châu Á và học hỏi được khá nhiều cách làm du lịch của họ, được thử cách thể hiện khả năng bản thân trong khi đàm phán hợp đồng với các đối tác muốn cộng tác với mình. Tôi nghĩ đây là lúc tôi có thể áp dụng những điều "sở học" và "sở mục" vào công việc kinh doanh ở đây.
Những điều đầu tiên mà Trân "kịp" áp dụng là gì?
Trịnh Chân Trân:Thứ nhất, đó là chủ động tìm hiểu phản ứng của khách hàng, chứ không chờ họ phàn nàn rồi mới điều chỉnh. Mỗi khi có đoàn khách nước ngoài đến, người đầu tiên họ gặp khi "check - in" là tôi. Cảm giác được đón chào rất quan trọng. Sau đó tôi đến khu vui chơi, giải trí để xem họ có thoải mái không.
Chẳng hạn, thấy một gia đình nước ngoài có cháu nhỏ ngơ ngác khi nghe lời giới thiệu bằng tiếng Việt trong chương trình biểu diễn cá heo, tôi đã thuyết minh bằng tiếng Anh ngay tại chỗ. Bữa ăn của họ cũng là điều tôi hay quan tâm, xem đồ ăn, thức uống có phù hợp với khách từng nước hay không...
Có vẻ như đây là công việc của người phụ trách dịch vụ chăm sóc khách hàng chứ không phải của Phó TGĐ?
Trịnh Chân Trân:Yêu cầu dù nhỏ nhặt nhất của khách hàng mà tôi trực tiếp nghe được sẽ giúp tôi điều chỉnh hoạt động của đội ngũ nhân viên cho phù hợp với tư cách là Phó TGĐ phụ trách kinh doanh. Đến khi họ quen rồi thì họ cứ thế mà làm theo quy trình sẵn có. Ở đây mọi thứ mới bắt đầu nên đưa họ vào "guồng máy" không hề đơn giản.
Song song với công việc đó, tôi có một nhiệm vụ rất quan trọng là tiến hành quảng bá thương hiệu khu du lịch này và thu hút khách, nhất là khách quốc tế.
Một người sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn, du học khá lâu ở nước ngoài, rồi sống trong một thế giới "hào nhoáng" khi làm người mẫu, liệu Chân Trân có gặp nhiều trở ngại khi phải hàng ngày làm việc với một bộ máy gồm hầu hết những người gần như chưa bước chân ra khỏi địa phương của mình?
Trịnh Chân Trân:Cá tính hay cách sống không quan trọng bằng quan điểm và cách làm việc. Tôi luôn tạo cơ hội cho họ, nhưng nếu thấy vị trí nào đó không phù hợp thì kiên quyết thay bằng người thích hợp hơn. Tôi cũng là người làm thuê, mà đã làm thuê thì phải cố gắng đáp ứng được những gì lãnh đạo đang đòi hỏi và chờ đợi ở mình.
Riêng đối với bộ phận marketing quốc tế, tôi phải thành lập mới, bao gồm những người có năng lực thực sự được đào tạo ở nước ngoài (ít nhất có bằng thạc sỹ), có thâm niên công tác và có mối quan hệ với bên ngoài. Trong số đó có một người đã làm việc hơn 10 năm cho một ngân hàng nổi tiếng của Mỹ. Chiến lược tiếp thị của chúng tôi là nhắm tới 3 thị trường lớn và tiềm năng tài chính lớn là Mỹ, Châu Âu và Nhật - Hàn Quốc.
Đoạt danh hiệu Á hậu ở Tuần Châu, rồi được mời về làm Phó TGĐ ở đây. Có gì liên quan giữa những sự kiện này?
Trịnh Chân Trân:Về dự thi là tình cờ, còn ở lại làm việc ở Việt Nam là có suy nghĩ cân nhắc rõ ràng. Tôi biết được cuộc thi Hoa hậu qua Internet khi đang ở Hongkong.
Trên con đường đi tới Tuần Châu, những cánh đồng lúa mang lại cho tôi cảm giác rất yên ả. Chính sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều người, khán giả, tự nhiên mình thấy ấm áp.Ý định trở về quê hương là chắc chắn, chỉ có điều là thời điểm thôi.
Cùng lúc đó cũng có nhiều lời mời khác, cả công ty trong nước lẫn nước ngoài ở Việt Nam, có những công việc còn nhẹ nhàng và mức lương cũng cao hơn. Nhưng sau thời gian cân nhắc và cũng phải vượt qua nhiều dư luận, tôi đã nhận lời làm việc ở Tuần Châu.
Thứ nhất là vì Tuần Châu rất đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển. Thứ hai, họ muốn biến đây thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế, và việc họ mời tôi rõ ràng là một cơ hội lớn để tôi thử sức mình, thể hiện mình. Nếu khu này thành công rõ ràng là có dấu ấn của những người như tôi.
Nhân nhắc lại cuộc thi Hoa hậu, được bình chọn là Hoa hậu qua Internet, rồi đến khi được công bố là Á hậu 1, Trân có cảm thấy thất vọng không?
Trịnh Chân Trân:Có, không phải là tôi nghĩ mình đẹp hơn, hay trả lời hay hơn các cô khác, nhưng tôi thất vọng vì không đạt được mục đích mình hướng tới khi tham gia. Nếu nói khi đi thi mà không mong muốn đoạt giải hoa hậu là nói dối.
Tôi đã cố gắng hết sức thể hiện những gì tốt nhất của mình mà không đạt được thì thất vọng về bản thân mình là lẽ đương nhiên. Nhưng cũng chỉ là một lúc thôi, khi người ta xướng tên mình lên. Đêm đó tôi vẫn ngủ ngon.
Nhiều người rất ấn tượng với câu trả lời ứng xử của Trân "...con người cần phải sống có trách nhiệm với nhau hơn...". Đó là câu trả lời đã có sẵn hay bột phát trong thời điểm đó?
Trịnh Chân Trân:Nó xuất phát từ tiềm thức của tôi. Tôi vào chùa học đạo từ năm 6 tuổi, theo học ni sư Thích Nữ Trí Hải, đến tận hết lớp 12. Cả ngày chủ nhật, và những tháng nghỉ hè tôi vào chùa ở bên đường Nguyễn Kiệm. Điều đó ảnh hưởng đến tư duy của tôi.
Thầy có nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Tài sản quý nhất của con người là trí tuệ và sức khoẻ. Người ta phải phấn đấu học tập để nâng cao cái trí đó lên, nhưng khi sử dụng cái trí đó cho mọi người, cho xã hội thì cái trí đó mới thực sự có tầm cỡ, còn nếu cái trí đó chỉ phục vụ cho cá nhân mình thì cái trí đó rất tầm thường".
Tôi luôn tâm niệm điều đó, khát khao làm một điều gì đó. Cũng chính vì thế mà con người tôi cân bằng hơn, bình tĩnh, điềm đạm hơn. Tôi ít có những hành động xốc nổi, luôn chín chắn suy nghĩ, và khi tôi căng thẳng, mệt mỏi, hay buồn chán thì không thể hiện cho người khác thấy.
Những lúc như vậy, Trân thường làm gì để vượt qua ?
Trịnh Chân Trân:Những lúc căng thẳng quá tôi ngồi thiền cho thư thái lại. Quan điểm của tôi là khi vui thì chia sẻ, còn khi buồn chia sẻ chỉ khiến cho người khác buồn thêm, tốt nhất là mình tự ôm cái buồn lấy một mình. Chia sẻ thì mình vơi đi một nửa, nhưng người khác chắc chắn phải gánh lấy nửa đó. Chẳng hạn trước đây tôi có chuyện buồn bên nước ngoài, tôi gọi điện cho mẹ. Mẹ tôi đâu có giải quyết được chuyện của tôi, nhưng vẫn cứ mất ngủ.
Trân cứ tự ôm vấn đề của mình như vậy, chắc chắn khó cho người con trai nào có cơ hội?
Trịnh Chân Trân:Chắc chỉ khi nào tìm được "người đó" rồi tôi mới tâm sự, sẻ chia hết. Cũng có lẽ vì thế nê cho đến giờ tôi chưa có người yêu. Chắc phải có một người rất mạnh mẽ, chủ động thì mới lôi tôi được ra khỏi vỏ ốc của mình, vì trong công việc tôi là người của chủ động, nhưng trong tình cảm lại là người rất bị động.
Tôi có nhớ một câu chuyện về cô người mẫu chân dài nổi tiếng gốc Slovakia, kể rằng sở dĩ cô nhận lời tỏ tình của anh chàng cầu thủ bóng đá Pháp gốc thổ dân Karembeu "đen đúa" vì anh này không hề mặc cảm của mình. Trân nghĩ sao?
Trịnh Chân Trân:Có thể câu chuyện anh kể về anh chàng Karembeu với cô người mẫu là đúng với tôi, bởi vì chắc cũng có người thích nhưng lại ngần ngại khi tiếp xúc tôi. Thôi đành dồn hết trái tim vào công việc trong lúc chờ "chàng Karembeu" của mình vậy chứ làm sao bây giờ!
(Theo Tiếp thị & Tiêu dùng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét