Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

“Ông Thạch là nhà thương lượng khó khăn nhất mà tôi từng gặp trong đời ngoại giao của mình”.


Hạnh phúc là đấu tranh hay tấm gương của một người thầy
 (Thứ Hai, 28/04/2008 - 10:24 AM)
Nhân 10 năm ngày mất của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, những cán bộ như chúng tôi, mới ngày nào còn đi theo giúp việc cho ông, nay cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu, xin chia sẻ một số điều tạm gọi là một vài bài học từ tấm gương của một người thầy, người anh của Ngoại giao Việt Nam.
Vì lợi ích dân tộc
“Hạnh phúc là đấu tranh” - đó là câu Các Mác trả lời con gái. Cả cuộc đời Nguyễn Cơ Thạch là một cuộc đấu tranh: Thời thanh niên tham gia chống Pháp, từ khi về công tác ở Bộ Ngoại giao chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất thì đấu tranh để phá bao vây, cấm vận, mở cửa, hội nhập và đổi mới đất nước.
Chèo lái con thuyền ngoại giao trong những năm như thế, ông Thạch luôn tâm niệm ngoại giao phải phối hợp với các mặt trận khác như chính trị, quân sự nhằm mang lại lợi ích tối đa cho đất nước. Những nội dung làm việc được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với ông dù có nói trời nói bể, cũng đều chốt lại ở một vài vấn đề mà cuộc đấu tranh ngoại giao đang hướng đến hoặc đất nước đang có yêu cầu. Ông không chịu được những tài liệu chuẩn bị “có đầy đủ mọi thứ nhưng không có nội dung gì”, mà ông gọi là “rải mành mành”.
Một nền ngoại giao đích thực luôn luôn gắn chặt với những ưu tiên của đất nước và phục vụ đắc lực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Có thể nói, chính ông Thạch là người đã đặt nền móng cho công cuộc ngoại giao phục vụ kinh tế hôm nay, cũng như cho công tác xây dựng ngành.
Tại Đại hội VII - Đại hội Đảng cuối cùng trong cuộc đời Nguyễn Cơ Thạch, ông đã đọc tham luận nêu bài học nếu biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì yếu cũng thành mạnh, nếu đi ngược với xu thế thời đại thì mạnh cũng thành yếu và bỏ lỡ cơ hội phát triển. Mà muốn phát huy được sức mạnh của thời đại để đi lên cùng nhân loại thì một dân tộc trước tiên phải có sức mạnh. Đấy là điều tâm huyết trăn trở của ông đến lúc cuối đời.
Phương pháp luận khoa học
Nguyễn Cơ Thạch rất coi trọng phương pháp luận. Tầm nhìn chiến lược cùng những ý kiến táo bạo, sáng tạo, không theo đường mòn mà thường sau đó được kiểm chứng là đúng ở ông không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của quá trình say mê nghiên cứu theo một hệ thống phương pháp mà bản thân ông trau dồi suốt đời.
Cơ sở lý luận của tư duy khoa học đó chính là phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, yêu cầu tuân theo những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Ở ông, phương pháp lý luận đó được vận dụng với trí tuệ sắc sảo và tài thao lược của một chính khách để đạt tới nghệ thuật ngoại giao ở mức tài tình.
Phương pháp luận tư duy và phong cách làm việc của ông Thạch đã có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ công tác của Bộ Ngoại giao. Lòng say mê nghiên cứu và phương pháp tư duy của ông vẫn là tấm gương cho các thế hệ ngoại giao noi theo.
Trọng đạo nghĩa
Khi một dân tộc tranh đấu, điều khiến kẻ thù sợ là thế và lực hoặc quyết tâm của dân tộc đó đoàn kết đấu tranh. Còn trên bình diện cá nhân là những người đại diện của dân tộc ấy có những phẩm chất khiến kẻ thù nể sợ. Ngoại giao là sự giao tiếp cá nhân giữa những người đại diện quốc gia thông qua hợp tác và đấu tranh, do đó đương nhiên có bạn và thù. Nhưng Nguyễn Cơ Thạch, bằng tài năng xuất chúng của mình, đã có sức chinh phục, “quyến rũ” cả những đại diện thuộc hàng ngũ đối phương.
Là một nhà hoạt động cách mạng, ông mang tinh thần cách mạng tiến công và những phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng. Sullivan, trưởng đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Geneva về Lào có lần nói: “Ông Thạch là nhà thương lượng khó khăn nhất mà tôi từng gặp trong đời ngoại giao của mình”.
Tác giả bài viết này từng chứng kiến anh Thạch nói vui với bạn bè quốc tế: Tên tôi là Thạch, có nghĩa là “đá”, nghĩa là “tough” (tiếng Anh: cứng, rắn). Nhưng trong những năm 1980, những người đồng nhiệm của ông đã khâm phục và cảm mến ông, dù họ theo đuổi những lợi ích, chính kiến khác nhau.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Thạch đã nêu cao chính nghĩa của dân tộc trong cuộc đấu tranh, trọng chữ tín và đạo nghĩa trong quan hệ với đối tác. Trong quan hệ đối ngoại ở tầm quốc gia, ông ghét sự lừa lọc, bội ước. Ông căn dặn cán bộ: phải khôn khéo, nhưng đừng nói dối - người ta không tin mình sẽ khó làm việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét