Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chuyện về “ông chủ” công ty Anh-Chị-Em


Thứ ba, 19 Tháng bảy 2005, 14:20 GMT+7
  • Cỡ chữ

Chuyện về “ông chủ” công ty Anh-Chị-Em

- Viết xong ngày tháng khi điền tờ khai hải quan, Lâm Hải Tuấn mới chợt giật mình: “Ồ, hôm nay là ngày sinh nhật của mình!”
Cảm xúc thật bất chợt đó diễn ra tại Sân bay Osaka của Nhật vào trưa ngày Chủ nhật 26/6/2005 khi Lâm Hải Tuấn chuẩn bị lên chiếc Boeing 777 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bay về Thành phố Hồ Chí Minh. “Đây chính là món quà sinh nhật dành cho mình”, anh mỉm cười tự nhủ, khi đã yên vị trên máy bay và giở tờ giấy phép thành lập công ty ACE INA Vietnam được tự tay Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng trao cho Chủ tịch ACE Life International Jacobson mấy hôm trước ở Washington D.C. ra ngắm nghía.
Chuyen ve ong chu cong ty Anh Chi Em
Ông chủ của công ty Anh-Chị-Em Lâm Hải Tuấn.
Lễ sinh nhật đầu tiên ở tuổi 43
Vừa bước ra khỏi phòng đợi, Tuấn nhìn thấy cả 10 người trong ban quản lý ACE Vietnam tươi cười chờ đón anh với bó hoa lan Thái đủ màu sắc. Tuấn càng ngạc nhiên hơn khi về tới văn phòng công ty tại Toà nhà Sun Wah, một chiếc bánh ga tô thật lớn với dòng chữ "Chúc mừng sinh nhật" đang đợi anh. Ông Giám đốc 43 tuổi này đã rưng rưng nước mắt nói: "Trong đời tôi cho đến ngày hôm nay chưa có ai tổ chức sinh nhật cho cả"!
Tuổi thơ của cậu bé Lâm Hải Tuấn gắn liền với thời kỳ khó khăn của Việt Nam, và sau này là những năm tháng ở Mỹ vừa đi học vừa đi quét bụi cho thư viện, hay làm gia sư để tự lo tiền học và giúp đỡ cha mẹ nuôi ba đứa em nhỏ. Sau này, đến khi đi làm, hay lập gia đình, thì công việc nay đây mai đó, chả bao giờ anh có mặt ở nhà vào ngày sinh nhật cả. “Tôi còn quên sinh nhật của mình, huống hồ là người khác”, Lâm Hải Tuấn kể lại.
Suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ, họ ngồi bên nhau như những người thân, nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, từ chuyện nhận giấy phép bên Mỹ thế nào đến lễ treo biển của công ty ở đây ra sao, nhưng nhiều nhất vẫn là kế hoạch triển khai giấy phép để có thể đưa công ty chính thức vào hoạt động trong quý 4 này.
“Tôi cứ tưởng tấm giấy phép là món quà có ý nghĩa nhất, nhưng sự quan tâm của anh chị em trong công ty đối với tôi còn quý hơn nhiều”, Lâm Hải Tuấn tâm sự.
Công ty Anh-Chị-Em
Đặng Giao Thùy Uyên, người được Giám đốc Lâm Hải Tuấn mời về từ Ngân hàng Hồng Công & Thượng Hải cách đây 2 tháng để phụ trách mảng đối ngoại, đã nói: “Từ khi về đây, chúng em không còn cái cảm giác đi làm thuê nữa, mà đang làm cho chính gia đình mình. Nhiều hôm chúng em làm việc tới sáng luôn mà chẳng ai tính toán thiệt hơn gì cả”.
Công việc có liên quan đến cộng đồng người Việt ở California, khi anh làm trưởng chi nhánh của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Metlife ở đó, và thời gian hai năm ở Việt Nam chuẩn bị cho công ty nhận giấy phép và đào tạo nhân lực đã giúp Lâm Hải Tuấn nhận ra rằng dân tộc Việt Nam tạo ra “rất nhiều viên kim cương”, nhưng là những viên kim cương đơn lẻ.
“Tôi muốn khi nắm lại một vốc kim cương, thả tay ra phải được một khối kim cương. Và chất kết dính đó chính là văn hoá teamwork”, Lâm Hải Tuấn nói.
Lâm Hải Tuấn tiết lộ “bí quyết” quản lý nhân lực của anh là làm cho đội ngũ quản lý ở đây cảm thấy tự hào vì họ là một phần của công ty, và coi việc góp sức vào sự lớn mạnh của công ty như một sự khẳng định cho thương hiệu cá nhân của mình.
“Một ngày nào đó bất kỳ ai trong đội ngũ quản lý và nhân viên của tôi có thể tự hào khi nghe câu nói :Wow, you are with ACE Vietnam! (Ồ, bạn đang làm cho ACE Vietnam cơ đấy!)”, anh nói, ánh mắt hơi mơ màng.
Theo Lâm Hải Tuấn, những người của Tập đoàn ACE sang đây đều hết sức ngạc nhiên trước sự thông minh và năng động của đội ngũ quản lý người Việt làm ở đây, và chính ông Jacobson khi gặp anh tại Washington D.C., khi nói đến Việt Nam trong một loạt các thị trường nước ngoài đối với tập đoàn, chỉ buông một câu ngắn gọn: “No concerns!” (Không có gì phải lo cả!)
Chuyen ve ong chu cong ty Anh Chi Em
Người Việt phải có vị thế xứng đáng
“Nếu tôi không về đây, ACE sẽ chọn một người Mỹ về đây quản lý, và người Việt Nam mình vẫn cứ là con trâu trong khi họ là người cầm cày”, Lâm Hải Tuấn nói. Anh đã kiên quyết yêu cầu Tập đoàn bên Mỹ chỉ cử chuyên gia sang đào tạo đội ngũ quản lý người Việt rồi để họ tự điều hành công ty.
Trong thời gian gần 20 năm làm việc cho Metlife ở Mỹ, Lâm Hải Tuấn đã chứng kiến nhiều người Mỹ gốc Việt, và gốc Á nói chung, rất có khả năng nhưng không có cơ hội thăng tiến như những người Mỹ bởi sự phân biệt đối xử trong cái văn hoá “glass ceiling” (trần vô hình) của Mỹ. “Nếu họ muốn được công ty để ý, hay công nhận, họ phải nỗ lực gấp 5, 10 lần so với người Mỹ gốc Âu”, Lâm Hải Tuấn bức xúc.
Bản thân anh cũng phải hy sinh hết cả tuổi trẻ để nỗ lực học tập lấy đủ bằng nọ chứng chỉ kia, từ kỹ sư điện, quản lý ngân hàng, kiểm toán đến chứng khoán..., và sau đó phấn đấu cật lực trong công việc mới được sự thừa nhận của Metlife trước đây, và ACE hiện nay.
“Cả hạnh phúc riêng tư của tôi cũng bị ảnh hưởng”, Lâm Hải Tuấn nói, giọng trầm xuống. (Anh đã ly dị được 5 năm năm, và nhìn vẻ mặt buồn lặng của anh khi nhớ lại chuyện đó tôi không dám hỏi thêm câu gì).
“Vậy thì ngay tại đây, chứ không phải tại mảnh đất sống nhờ, tại sao mình lại không tạo cơ hội cho anh chị em mình có cơ hội để nhanh chóng tiến xa cơ chứ?”, Lâm Hải Tuấn vừa nhìn vào khoảng không vừa nói, như với chính mình.
Ngay cả chiến lược kinh doanh và kế hoạch triển khai cụ thể cũng được chính anh với đội ngũ quản lý người Việt ở đây soạn thảo dựa trên những nghiên cứu, phân tích thị trường và đặc điểm văn hoá của người Việt Nam chứ không copy từ tập đoàn, theo như thông lệ.
“Tôi muốn ACE Vietnam trở thành công ty tiên phong trong việc kết hợp sức mạnh và uy tín của một tập đoàn đa quốc gia bên ngoài với một logo riêng của người Việt ở đây”, Lâm Hải Tuấn bộc lộ tham vọng của mình.
Anh đang ấp ủ dự định xây dựng ACE Vietnam trở thành một hình mẫu trong Tập đoàn về tính chuyên nghiệp cao của đội ngũ quản lý, để khi ACE International muốn thành lập một công ty mới ở bất cứ nước nào khác, họ có thể cử người ở đây đi, như họ đã từng cử anh sang Việt Nam cách đây 2 năm.
“Nếu ACE Vietnam thành công, các công ty đa quốc gia khác cũng noi theo gương này mà trọng dụng đội ngũ quản lý người Việt”, Lâm Hải Tuấn nói, giọng đầy lạc quan.
Chuyen ve ong chu cong ty Anh Chi Em
Trả nghĩa người cha
“Khi tôi rời Metlife để về Việt Nam, đồng nghiệp, bạn bè và người thân đều bảo tôi điên, từ bỏ cả một sự nghiệp đầy hứa hẹn để tìm đến một mảnh đất đầy rủi ro bất trắc như Việt Nam”, Lâm Hải Tuấn nhớ lại.
Lúc đó, anh đang phụ trách mảng thị trường Á Châu và Việt Nam của công ty này, sau ba năm liền từ 1994 đến 1996 được bầu làm “The Man of The Year” (Nhân vật trong năm) của Metlife do thành tích xuất sắc trong việc điều hành Chi nhánh California.
“Tôi nghĩ mỗi người đều có một cái gì đó thiêng liêng, hay như người ta thường gọi là hoài bão, để vươn tới, và đối với tôi hoài bão đó là thực hiện ước nguyện của cha tôi”, Lâm Hải Tuấn lý giải. Cha anh, trước khi nhắm mắt vào năm 1989, đã trăn trối lại với các con: “Hãy đừng quên Việt Nam, hãy làm điều gì đó cho Việt Nam, mảnh đất đã sinh ra ba và cả gia đình ta”.
Năm 1977, gia đình Lâm Hải Tuấn được chính quyền cho phép sang Mỹ vì cha anh là người gốc Hoa. Ông giáo sư văn chương và Pháp văn, vốn chỉ gắn bó với sách vở và học trò, không hề muốn tận dụng cơ hội này. Nhưng vì chiều ý bà vợ muốn tạo cơ hội học hành cho 5 đứa con, ông đành gác bút nghiên, chấp nhận phụ giúp bán hàng cho bà trong một cửa tiệm nhỏ của gia đình để nuôi các con ăn học khi gia đình họ sang Mỹ.
“Trong suốt 12 năm cuối đời, ông luôn day dứt với nỗi nhớ quê hương, và có lẽ ông mất sớm vì lý do đó”, Lâm Hải Tuấn bồi hồi nhớ lại. Anh cho biết mỗi khi gia đình đoàn tụ là cha anh lại gợi chuyện về Việt Nam để nói với các con. Gia đình Lâm Hải Tuấn cũng có hai điều luật bất di bất dịch: Không ai trong số 5 anh chị em nhà anh được đổi sang tên Mỹ, và khi nói chuyện với nhau họ không được dùng tiếng Anh.
“Tôi được học hành, thành đạt như ngày hôm nay, là hoàn toàn nhờ vào sự hy sinh của cha tôi ngày ấy, thì việc trở lại Việt Nam để đóng góp một cái gì đó, như ước nguyện của ông, thực ra cũng đâu to tát gì”, Lâm Hải Tuấn nhìn nhận.
Hai năm sau, Lâm Hải Tuấn thu xếp công việc để về Việt Nam lần đầu tiên, và khi trở lại Mỹ, anh đã có một đề nghị táo bạo với Metlife là đầu tư vào thị trường Việt Nam. Từ đó trở đi anh liên tục có dịp về Việt Nam nghiên cứu thị trường, và củng cố thêm niềm tin của mình vào tương lai của thị trường này. Rất tiếc là sau đó Metlife đã thay đổi chiến lược để đầu tư vào Trung Quốc.
“Tôi rất tâm huyết với những cơ hội đầu tư ở Việt Nam, và việc họ thay đổi chiến lược khiến tôi hoàn toàn thất vọng”, Lâm Hải Tuấn lắc đầu, và cho biết thêm đó chính là lý do về mặt nghề nghiệp khiến anh không gia hạn hợp đồng với Metlife, khi nó kết thúc vào tháng 10 năm 2002.
Tự bỏ tiền túi trở lại Việt Nam nghiên cứu những thay đổi của thị trường, sau mấy tháng, Lâm Hải Tuấn đã có trong tay một bản phân tích thị trường cụ thể và một kế hoạch hành động chi tiết.
Cùng lúc đó, anh nhận được một cú phone của ACE, và sau khi nghe anh trình bày, Chủ tịch của Tập đoàn ACE Greenberg đã mời anh về làm với cương vị Phó Chủ tịch của ACE Life International. Ít lâu sau anh được cử sang Việt Nam.
“Đúng là ý tưởng của họ đã gặp ý nguyện của tôi”, Lâm Hải Tuấn mỉm cười kết luận.
  • Hoàng Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét