Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chuyện hàng Việt ở Đông Âu


Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Chuyển phát nhanh tăng tốc, ra ngày 14-09-2009
Chuyện hàng Việt ở Đông Âu
Tác giả: Lưu Hương    NCĐT 14/09/2009
Việc nhiều gia đình ở Czech chọn mua hàng Việt thay vì hàng hiệu có phải là tín hiệu vui cho các nhà sản xuất Việt Nam?

Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Incoma GfK, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của 35% số gia đình ở Czech. Họ quyết định chọn những cửa hiệu của người Việt Nam để mua quần áo, giày dép, thay vì mua chúng ở các cửa hiệu đắt tiền.
Đây có phải là cơ hội cho sản phẩm Việt Nam tìm được thị trường mới, khi việc xuất khẩu sang những thị trường truyền thống bị thu hẹp lại do khủng hoảng kinh tế? NCĐT đã trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Công ty PTT Global s.r.o. (Hà Nội), chuyên cung cấp hàng cho Czech, Slovakia, miền Đông nước Đức và Ba Lan, về vấn đề này.
 Ông nghĩ thế nào về kết quả nghiên cứu của Incoma GfK? Một tin vui cho người Việt bán hàng ở Czech, như ông, và cho các nhà sản xuất ở Việt Nam?
Ông Phạm Thanh Tùng: Tôi nghĩ chỉ vui một nửa. Đúng là người tiêu dùng Czech đã đến các khu chợ, hay cửa hiệu của người Việt bên Czech nhiều hơn. Nhưng, người vui không phải là các nhà sản xuất Việt Nam mà là Trung Quốc.
 Vì sao, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Tùng: Ở Czech có 4 khu chợ do người Việt xây dựng, trong đó lớn nhất là chợ Sapa ở Praha rộng 350.000 m2, có người Việt và người Hoa cùng buôn bán. Người Hoa thì chắc chắn chỉ đánh hàng Trung Quốc rồi, còn cứ 100 người Việt thì có tới 90, thậm chí 95 người đánh hàng Trung Quốc. Đánh hàng từ Việt Nam khó hơn từ Trung Quốc nhiều.
 Các ông gặp phải những khó khăn gì ở Việt Nam?
Ông Phạm Thanh Tùng: Thứ nhất, rất khó kiểm định chất lượng hàng hóa. Xin đơn cử một chuyện đã xảy ra với tôi cách đây 9-10 năm. Hồi đó, tôi có đánh thử một công (container) pin Con Thỏ sang Czech bán thử. Sau 3 tháng, mới bán được một nửa thì số pin còn lại chảy hết, phải bỏ đi. Tôi lỗ mất 25.000 USD. Đó là chưa kể việc mất uy tín khi khách hàng đã mua pin phàn nàn về chất lượng, pin chạy chóng hết quá. Bạn bè tôi thì kêu về chuyện đánh hàng từ Việt Nam, chỉ vài công đầu tiên là ổn, về sau chất lượng cứ kém dần.
Thứ hai, làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam rất mất thời gian. Cách đây 3 năm, tôi quyết định thử lại lần nữa với mặt hàng đồ chơi bằng gỗ. Nhưng có mỗi chuyện báo giá mà họ bắt tôi phải chờ đến nửa tháng trời. Phần vì chờ lâu, phần vì nghĩ rằng họ trông mặt mà ra giá nên tôi cạch luôn, quay sang mối khác.
Thứ ba, tôi thấy hình như các doanh nghiệp trong nước chưa đối xử bình đẳng giữa khách hàng là người nước ngoài và khách hàng người Việt ở nước ngoài. Điều này tôi nhận thấy qua cung cách họ tiếp chúng tôi và những khách hàng người nước ngoài trong một lần tình cờ có mặt tại một nhà máy.
Thứ tư, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ít được chú trọng. Chẳng hạn, khi tham gia hội chợ, một số nhà sản xuất của Việt Nam dường như quên mất đây là cơ hội quảng bá hàng hóa, mà cho là cơ hội bán hàng để gỡ lại chi phí tham dự hội chợ. Điều này tôi nhận thấy khi tham gia các hội chợ ở Hamburg và Frankfurt (Đức), ở Czech và so sánh với hội chợ Giảng Võ (Hà Nội).
Hay có lần, tôi đến làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), họ đưa tôi vào gian trưng bày hàng rồi để tôi tự xem, hỏi gì thì họ trả lời nhát gừng, chứ không chủ động giới thiệu. 
35%
Số gia đình ở Czech quyết định mua hàng Việt Nam thay vì mua hàng hiệu đắt tiền.
Ngay tại Diễn đàn Đầu tư diễn ra sau Đại hội Thành lập Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài (10.8.2009), nhiều người làm thương mại như tôi rất mong được gặp những nhà sản xuất hàng tiêu dùng hay hiệp hội làng nghề, nhưng không hiểu vì sao các nhà tổ chức lại không mời. Câu chuyện ở Diễn đàn Đầu tư lại chủ yếu xoay quanh chủ đề bất động sản, chứ ít thấy nói đến thương mại.
Và điều cuối cùng là ở Việt Nam mua hàng với số lượng ít còn có, chứ muốn mua nhiều, kiểu mua buôn như tôi, là rất khó. Tổ chức sản xuất của mình còn manh mún quá.
 Ở Trung Quốc thì sao?
Ông Phạm Thanh Tùng: Khác biệt lớn nhất của Trung Quốc so với Việt Nam là việc giữ mặt bằng giá. Khi chúng tôi hỏi về bất cứ mặt hàng gì, các nhà cung cấp Trung Quốc đều đưa ra mức giá hầu như tương đương, dù có hỏi hàng trăm người, từ các tỉnh khác nhau. Hơn nữa, họ cũng rất nhanh trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng. Chẳng hạn, ngay trong buổi làm việc đầu tiên là hai bên có thể thỏa thuận xong về giá. Khách hàng vừa tiết kiệm được thời gian, vừa có cảm giác yên tâm rằng đó là giá chuẩn.
Thứ hai, tuy giá nhân công Trung Quốc cao hơn Việt Nam, nhưng các nhà cung cấp hay sản xuất của Trung Quốc không tính lợi nhuận ngắn hạn như nhà sản xuất ở Việt Nam (chỉ 2-3 năm hoặc khá hơn là 5 năm). Trung Quốc tính dài hơi hơn nên ăn lãi ít hơn và vì thế hàng của họ rẻ.
Thứ ba, họ tiếp thị rất tốt. Vừa xuống sân bay là đã thấy những bảng chỉ dẫn làng nghề nào làm mặt hàng gì, không mất công hỏi thăm gì nhiều. Hay là khi vào thăm các gian trưng bày hàng gốm sứ, nhân viên của họ niềm nở đón chào, người mời nước, người chủ động giới thiệu phân tích công năng của sản phẩm rồi quy trình sản xuất…
Thứ tư, tổ chức sản xuất của Trung Quốc rất tập trung, bài bản. Ở Trung Quốc từng làng, từng xã đều có một nghề nhất định. Người sản xuất chỉ việc sản xuất, đã có người khác làm đầu mối mua và cung cấp cho nước ngoài. Vì vậy, muốn đặt mua bất cứ loại sản phẩm nào ở Trung Quốc, với số lượng bao nhiêu cũng được đáp ứng. Muốn nhanh có nhanh, có điều giá phải cao hơn một chút vì đặt hàng gấp.
Tôi có công ty xuất nhập khẩu bên Trung Quốc, chuyên nhập đồ chơi bằng gỗ, nhựa, sứ, thủy tinh, vải hay hàng thủ công mỹ nghệ. Thành phố Shantou (Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông), nơi có trụ sở công ty tôi, có 30 triệu dân chủ yếu làm đồ chơi. Họ không cần nhà máy mà chia việc làm về từng hộ dân.
 Như vậy, những kỳ vọng như của ông Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc là “doanh nhân Việt ở nước ngoài sẽ là cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong nước” có vẻ như không có cơ sở?
Ông Phạm Thanh Tùng: Khi những người Việt ngồi với nhau bàn về chuyện làm ăn buôn bán, họ đã không ít lần đề cập tới việc tại sao mình là người Việt mà lại không bán hàng do Việt Nam sản xuất. Trong giai đoạn đầu làm ăn, vốn liếng còn ít, tất nhiên là chúng tôi luôn đặt lợi nhuận lên trên hết. Nhưng nay đã khấm khá rồi, chúng tôi vẫn có mong muốn làm một cái gì đó mang tính “màu cờ sắc áo”.
Tuy tôi kể ra một loạt khó khăn như vậy, nhưng không phải hàng Việt Nam ở Czech không có ưu điểm so với hàng Trung Quốc. Không như hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam được người nước ngoài ưa chuộng hơn. Nếu hàng có vấn đề, các doanh nghiệp chúng tôi tự loại trừ, còn hàng bán ra thị trường là hàng tốt. Đối với hàng Trung Quốc thì tốt cũng bán, xấu cũng bán, chỉ cần giảm giá thôi. Cảm nhận của dân Czech nói chung là hàng Trung Quốc rẻ tiền và kém chất lượng.
Tôi không nghĩ lòng tự tôn dân tộc có vai trò hàng đầu, mà thực sự hàng Việt Nam, một khi đã kém chất lượng, là phải vứt đi. Một số bạn bè của tôi buôn hàng may mặc Việt Nam, nếu thấy hàng có lỗi, họ tự sửa ngay trong xưởng may nhỏ của mình. Hay đồ mây tre đan, họ đem phơi, sấy lại, rồi mới mang ra bán.
Còn mong muốn như ông Lộc, tôi nghĩ là hoàn toàn có cơ sở, nếu các cơ quan hữu quan thực sự vào cuộc, tạo thuận lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người làm thương mại. Họ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư và tạo những đầu mối cung ứng tốt hơn. Lần về này, ngoài việc đi thăm các làng nghề để tìm cách nhập hàng sang Czech, tôi cũng muốn đầu tư sản xuất đồ chơi bằng gỗ, ở những vùng như Tuyên Quang chẳng hạn, theo mô hình tôi đang làm ở Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét