Ngày 22.03.2006, 10:59 (GMT+7)
Đàm phán WTO: Việt Nam vào chặng nước rút
Ngày 25/3 tới đây Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bước vào một vòng đàm phán được mong đợi là có ý nghĩa quyết định đối với cơ hội gia nhập WTO của Việt Nam trước cuối năm nay, tuy vẫn có những dự báo khác nhau về khả năng kết thúc đàm phán hoàn toàn, hay chỉ dừng ở mức độ kỹ thuật.
Bà Foote trả lời phỏng vấn VietNamNet.
|
VietNamNet đã trao đổi với Bà Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt Virginia Foote về những khả năng xung quanh vòng đàm phán này, cũng như những diễn tiến cuối cùng của cả quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.
Đại hội Đảng có ảnh hưởng đến nỗ lực WTO?
- Xin bà cho biết cảm tưởng của mình sau các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cùng các thành viên chính phủ khác.
Virginia Foote: Tôi thấy hài lòng với các cuộc tiếp xúc vừa rồi. Tôi cảm thấy ở họ một thái độ cởi mở và một mong muốn rất rõ ràng, và qua đó cho thấy là một động lực mạnh mẽ cho việc hoàn tất vấn đề WTO.
Như anh biết đấy, đôi khi trong đàm phán bên này muốn tiến tới thì bên kia lại không, và ngược lại. Chúng ta thật may mắn vì vào thời điểm này cả hai bên đều sẵn sàng xích lại với nhau để tìm ra sự một sự thoả hiệp.
- Bà là người ở vị thế có thể tiếp cận khá sâu với lập trường đàm phán của cả hai phía, vậy theo bà, những lĩnh vực nào mà hai bên chưa thống nhất được thực sự là khó khăn với Việt Nam?
Những vấn đề thực sự hóc búa còn lại bao gồm quyền phân phối trực tiếp, một số ít lĩnh vực dịch vụ, và cả trợ cấp công nghiệp nữa.
Thật khó cho tôi nếu phải nói vấn đề nào là khó khăn nhất. Có lẽ điều này phụ thuộc vào bộ phụ trách vấn đề đó sẽ có bước tiến thế nào để hoàn tất quá trình đàm phán.
- Trong những cuộc tiếp xúc vừa rồi, chính phủ Việt Nam có đề nghị bà chuyển một thông điệp nào đó tới Chính quyền ông Bush không?
Thông điệp ở đây tương đối rõ ràng: Việt Nam rất nghiêm túc trong việc kết thúc đàm phán song phương cũng như cam kết gia nhập WTO.
Đoàn doanh nghiệp của chúng tôi trong mỗi cuộc tiếp xúc luôn đặt ra câu hỏi với các quan chức Việt Nam là liệu Đại hội Đảng sắp tới sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của Việt Nam, cũng như vấn đề WTO.
Bất cứ ai được hỏi đều nói rằng quyết định gia nhập WTO là từ cấp lãnh đạo cao nhất, và quan trọng hơn, vượt lên trên tất cả, đó là quyết định của cả dân tộc chứ không phải là ý muốn của một số ít trong giới lãnh đạo, nên vấn đề này chẳng mấy liên quan đến Đại hội Đảng sắp tới.
Họ còn nói rằng đây là vấn đề chiến lược dài hạn liên quan đến tương lai của đất nước Việt Nam, chứ không phải là vấn đề chính trị nhất thời. Tôi nghĩ rằng đây chính là một cam kết vững chắc cho nỗ lực của cả hai bên.
- Có một tờ báo trong nước đã đưa tin rằng phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề nghị lãnh đạo Việt Nam nên hoãn lại Đại hội Đảng lại để tập trung nỗ lực vào việc hoàn tất đàm phán WTO. Xin bà giải thích rõ hơn.
(Hơi bật cười, rồi lắc đầu, thở dài) Tôi rất lấy làm tiếc về lời trích dẫn này. Thực ra điều này chỉ được nói cho vui thôi.
Khi trao đổi về lịch trình dày đặc của những sự kiện mà Việt Nam phải tiến hành trong năm nay như WTO, APEC, Đại hội Đảng, rồi chuyến thăm của Tổng thống Bush…, tôi có nói: “Tại sao các vị không hoãn lại Đại hội Đảng nhỉ?”.
Những gì liên quan đến APEC là không thay đổi được. Và tôi nghĩ ở chừng mực nào đó điều này cũng đúng với kết thúc đàm phán WTO và vấn đề PNTR tại Quốc hội chúng tôi. (Chẳng gì thì mục đích chính của đoàn sang Việt Nam lần này chính là thúc đẩy vấn đề WTO mà.)
Điều này chẳng có hàm ý gì ghê gớm lắm đâu, ngoài sự e ngại có sự trùng lặp nào đó về thời gian biểu cho các sự kiện.
Chẳng hạn, nếu vòng đàm phán song phương giữa Mỹ và Việt Nam sắp tới ở Geneva có thể kết thúc về mặt kỹ thuật như mọi người hy vọng, liệu Bộ trưởng Tuyển, chẳng hạn, có thể sang Washington để cùng với Đại sứ Portman để giải quyết những tồn đọng cuối cùng hay không, một khi ông lại bận bịu với Đại hội Đảng?
Tháng tư là thời điểm quyết định với Việt Nam?
"Việt Nam rất nghiêm túc trong việc kết thúc đàm phán song phương cũng như cam kết gia nhập WTO".
|
- Tại sao bà lại cho rằng nhất thiết phải có vòng cuối cùng tại Washington?
Ý tôi không hẳn vậy, bởi, về nguyên tắc, vòng nào cũng có thể là vòng cuối cùng. Chẳng hạn, khi hai bên gặp nhau vào Tháng Giêng vừa rồi, đó đã có thể là vòng cuối cùng nếu chúng ta vượt qua được bất đồng.
Có điều, theo phán đoán của cá nhân tôi dựa trên cách tiến triển của các cuộc đàm phán song phương khác, sẽ có những vấn đề phải được đưa lên cho cấp chính phủ, cả ở hai phía, để quyết định. Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ cũng kết thúc theo cách đó.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng cần phải có sự can thiệp ở cấp chính phủ thì mới xong, nhưng rõ ràng là có những vấn đề thực sự khó đối với cả hai chính phủ. Trong trường hợp như vậy, lãnh đạo các bạn muốn đối diện trực tiếp với lãnh đạo chúng tôi và nói: “Thế nào, chúng ta thoả thuận chứ?”
Theo dự đoán của tôi, hay gọi là suy diễn cũng được, quá trình này sẽ diễn ra như sau:
Về mặt kỹ thuật, hai đoàn sẽ hoàn tất 99% nội dung đàm phán, và hai tuần sau đó các quan chức ở cấp cao hơn sẽ gặp nhau, thoả thuận nốt một vài vấn đề còn lại, và sau đó là một lễ ký kết trang trọng.
Vẫn có những đàm phán song phương liên quan đến gia nhập WTO kết thúc ngay tại Geneva. Tuy nhiên, như tôi đã từng nói, chẳng có hiệp định song phương nào, chẳng có cách gia nhập WTO nào giống nhau cả.
- Tức là vẫn còn những vấn đề không thuần tuý về mặt kinh tế, và cần phải có “thiện chí chính trị” mới giải quyết xong?
Có những vấn đề đối với chúng tôi thuần tuý là kinh tế thì lại nhạy cảm về chính trị đối với phía Việt Nam, và ngược lại. Vì vậy, rất khó xác định cái gì là chính trị, còn cái gì là kinh tế.
Chúng tôi thường nói rằng những gì thoả thuận được ở cấp Thứ trưởng Tự và Trợ lý USTR Dwoskin là những vấn đề kỹ thuật. Vì vậy, khi những vấn đề còn lại được đưa lên cấp cao hơn, thì cần phải có thẩm quyền chính trị để quyết định.
Chẳng hạn như khi thảo luận đến thể chế kinh tế thị trường hay phi thị trường, quyền phân phối trực tiếp, hay một dòng thuế đặc biệt nhạy cảm nào đó, có thể ở cấp kỹ thuật không quyết định được, Bộ trưởng Tuyển sẽ đến gặp và nói với Đại sứ Portman: “Tôi sẽ nhượng bộ cái này, còn ông nhượng bộ cái kia…”.
Tôi đoán đó là cái cách họ kết thúc, bởi trong những thời khắc quyết định đó, Bộ trưởng Tuyển, chẳng hạn, chắc chắn có “đường dây nóng” với Bộ Chính trị, hay Văn phòng Chính phủ, còn Đại sứ Portman cũng “nối mạng” với Toà Bạch Ốc.
- Xin bà có thể nói rõ hơn về những vấn đề được coi là kỹ thuật với phía Mỹ, nhưng lại mang tính chính trị với phía Việt Nam.
Có lẽ ta lấy những ví dụ từ BTA vậy. Quyền phân phối trực tiếp với các công ty Mỹ, chẳng hạn như công ty kinh doanh đậu tương, chỉ có ý nghĩa kỹ thuật, nhưng với Việt Nam nó có thể có ảnh hưởng sâu rộng hơn, và vì vậy nó có ý nghĩa chính trị. Vấn đề ngân hàng cũng vậy.
Còn ví dụ ngược lại là vấn đề dệt may. Nhiều người lao động ở Việt Nam sống nhờ ngành này, nên nó có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế các bạn. Trong khi đó, ngành này chẳng có ý nghĩa lớn lao gì trong nền kinh tế Mỹ, nhưng về chính trị lại rất quan trọng.
Thể chế kinh tế thị trường hay phi thị trường không có mấy ý nghĩa về mặt kinh tế với Việt Nam nhưng về mặt chính trị lại rất quan trọng. “Thị trường” hay “phi thị trường” cũng không phải là một “chuyện lớn” của một quốc gia trong một khoảng thời gian nào đó, trừ phi bị “dính” vào các vụ kiện chống phá giá, nói chung là được nhìn nhận “mang màu sắc chính trị”. (Bật cười lớn).
- Ngoài kịch bản Tháng Tư, theo bà sẽ còn có phương án nào cho việc kết thúc đàm phán song phương?
Theo lịch trình, đầu tháng Sáu tới tại TP.HCM sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC. Ông Chủ tịch USTR Portman có thể sẽ tới tham dự, và việc hoàn tất hoàn toàn và ký kết có thể diễn ra ở đây trong thời gian đó.
Nhưng điều tôi lo ngại là nếu chúng ta kết thúc theo cách như vậy, ta không có đủ thời gian để đưa ra Quốc Hội cho việc bỏ phiếu PNTR.
Như vậy, hy vọng lớn nhất của tôi là thoả thuận song phương về WTO sẽ hoàn tất trong Tháng Ba và Tháng Tư, và Quốc Hội chúng tôi còn 3 tháng tiếp theo để xem xét và thông qua PNTR.
Một kịch bản khả dĩ thứ hai là chúng ta phải giải quyết dứt điểm vấn đề WTO từ nay đến tháng Năm, và dành hai tháng còn lại cho Quốc Hội. Nhưng phương án này tương đối mạo hiểm đối với PNTR.
- Hình như trong Tháng Tư tới Đại sứ Portman sẽ bận rộn với vòng đàm phán Doha?
Chính xác. Vì vậy những người sắp xếp chương trình WTO của Việt Nam phải hết sức thận trọng để làm sao không xảy ra cái cảnh khi Bộ trưởng Tuyển hay ai đó từ phía Việt Nam sang Washington thì Đại sứ Portman lại đang có mặt ở Geneva, hay Brussel, tranh luận với phía EU về những vấn đề Doha.
Còn khả năng ông Portman sang Việt Nam vào Tháng Tư thì hết sức thấp, bởi, như tôi đã nói, đầu tháng Sáu ông đã có kế hoạch sang Việt Nam dự APEC rồi. Và, chắc cũng như chúng tôi, hẳn các bạn không muốn chờ đến tháng Sáu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét