Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Những câu chuyện từ một quán cà phê vỉa hè

Những câu chuyện từ một quán cà phê vỉa hè

Ở câu chuyện thứ ba trong loạt bài về cà phê này, người viết muốn kể về một quán cà phê báo chí tương tự - nơi giao ban báo chí hàng sáng của một nhóm phóng viên người Việt làm cho một số hãng truyền thông nước ngoài.

LTS - Trừ hai quán cà phê báo chí được thành lập theo chủ địnhcủa toà soạn như ở TBKTSG và Báo Quốc tế, hầu hết các quán cà phê, được quen gọi là cà phê báo chí, chủ yếu là nơi tụ tập, theo thói quen, của các phóng viên. Riêng ở Hà Nội, người ta có thể kể đến những quán ở Hàng Hành, Nhà Thờ, hay Trần Quốc Toản - tụ điểm dành riêng cho các phóng viên ảnh...

Thậm chí, một trong số đó, Cà phê Nhân ở 143 Nguyễn Thái Học - hơn chục năm nay là nơi gặp gỡ hàng sáng của các nhà báo thể thao thành danh ở đất Hà Thành - được nhà báo Nguyễn Lưu dành những dòng đầy trân trọng trong cuốn sách "Những nhà báo thể thao mà tôi biết" của mình.

Ở câu chuyện thứ ba trong loạt bài về cà phê này, người viết muốn kể về một quán cà phê báo chí tương tự - nơi giao ban báo chí hàng sáng của một nhóm phóng viên người Việt làm cho một số hãng truyền thông nước ngoài.

Đã ngót 7 năm nay, bà Bích, chủ quán cà phê ở 15B Trần Hưng Đạo, đã quen với việc phục vụ một nhóm khách đặc biệt. Cứ thấy mặt từng người, chả cần họ phải gọi, bà cứ lẳng lặng bưng ly đen nóng, đen đá, hay nâu nóng, nâu đá. Sau đó, bà mang thêm một ấm trà Thái và đĩa đựng tách trà với số tách tuỳ theo số người ngồi quanh bàn, cộng thêm một phích nước sôi.

Thế là xong. Bà đi phục vụ những vị khách khác, hay làm việc của mình. Lúc nào họ đứng dậy, họ tự gọi thanh toán. Cứ theo số ly trên bàn mà tính. Đen, nâu, đá, nóng đều một giá, như ấm trà. Nước sôi khuyến mại hoàn toàn.

Bà Bích đôi khi cũng thấy hơi khó chịu vì cái đám khách "ngồi lâu nói dai" này. Nhất là vào những dịp chất vấn ở Quốc Hội, hay gần đây nhất là Bế mạc Đại hội Đảng, họ còn "tranh kênh", khiến việc theo dõi phim bộ Hàn Quốc của bà bị gián đoạn. Thế nhưng, hôm nào, vì lý do gì đó, cả nhóm không có ai trong số họ ra quán, hôm sau bà lại hỏi thăm.

Bà Bích cũng không hề biết rằng thói quen uống cà phê hàng sáng của hầu hết các thành viên trong nhóm này chỉ hình thành từ khi đến quán của bà. Chứ nếu biết hẳn bà sẽ rất hãnh diện.

Có điều, thời đó, họ đến uống cà phê chẳng phải vì trào lưu thời thượng, và cũng chẳng phải vì họ phát hiện ra mối liên quan thú vị của cà phê với nghề nghiệp của họ. Lý do thay đổi thói quen uống trà sáng của họ đơn giản hơn nhiều.

Ông Trần Huy Công, đại diện hãng sản xuất truyền hình Nhật Bản NDN tại Hà Nội (thứ hai từ phải) đang say sưa kể lại chuyện làm bộ phim về Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Những vị khách chẳng giống ai

Chả là, cùng với việc nền kinh tế nước nhà ngày càng phồn thịnh, cơ thể, nhất là cái bụng, của một thành viên trong nhóm, cũng trở nên ngày một thêm phồn thực. Vào một ngày đẹp trời, sau khi đặt mông quá đà làm gẫy chân một chiếc ghế đòn bằng nhựa ở quán trà và bản thân thì ngã ngửa ra vỉa hè, anh ta đã quyết định chuyển sang quán cà phê.

"Ngồi ghế cao, chân sắt cho lành", người viết, cũng chính là nhân vật vừa được đề cập, thuyết phục các thành viên còn lại.

Có lẽ, chính vì vậy, chẳng ai trong số họ để tâm xem hương vị của cà phê ở đây có gì đặc biệt. Hơn nữa, theo họ, cái mùi đặc biệt ở quán cà phê này lại là mùi "ẩm thực". Bà chủ quán "chiều chồng hơn chiều khách" này luôn xào xào nấu nấu phục vụ cái thói quen "nâng lên đặt xuống" từ sáng sớm của đức ông chồng, một tay giang hồ có hạng ở đất Hà Thành đã về già.

Họ chỉ biết chắc chắn một điều là cà phê ở đây là cà phê La Vie (bởi người bỏ mối đựng cà phê pha sẵn trong vỏ chai La Vie), hay cà phê kho theo cách gọi của người Sài Gòn. Riêng người viết thì vẫn quen gọi là cà phê bít tất. Bởi, thuở thiếu thời, người viết đã chứng kiến ông bác rể của mình là cố nhà thơ Nguyễn Đình pha cà phê bằng chiếc bít tất, tất nhiên là bít tất sạch, để chuẩn bị cho một buổi bình thơ tại gia.

Những thành viên trong nhóm này tuyệt đối không nói chuyện thơ văn, kể cả thơ con cóc. Mặc dù, đôi khi họ vẫn thấy đả động đến tên một số nhà thơ, nhưng chủ yếu liên quan đến cái đặc biệt, độc đáo trong sự nghiệp làm báo, viết báo của những nhân vật này. Hữu Ước, Nguyễn Quang Thiều, hay Hồng Thanh Quang là những cái tên người viết còn nhớ.

Câu chuyện của họ phần lớn là xoay quanh những thông tin thời sự nóng hổi, để mỗi người có thêm chút thông tin, hay hiểu thêm một khía cạnh mới của vấn đề nào đó. Riêng người viết, ngoài việc thu thập những mẩu thông tin quan trọng, để từ đó ráp nối lại hay phát triển tiếp thành bài viết, thỉnh thoảng vẫn thích chọn cách nêu chủ đề định viết một cách hơi thái quá, để được nghe sự phản biện, thậm chí phản bác, từ những người khác. Từ đó, có thể chọn một cách tiếp cận và diễn đạt vấn đề với sự tiết chế nhất định, dù vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

Khi cần, họ cũng mang những đề tài chưa biết triển khai thế nào ra hỏi các đồng nghiệp.

Chẳng hạn, đại diện hãng NDN tại Việt Nam Trần Huy Công, khi chuẩn bị tham gia làm những bộ phim đã gây tiếng vang lớn ở Nhật Bản như Chiến tranh Việt Nam, Điện Biên Phủ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng, hay Đường mòn Hồ Chí Minh..., đã tham khảo thông tin, cũng như đánh giá của các đồng nghiệp, về từng sự kiện tại quán cà phê này.

Cũng may, người làm báo chính trị, người làm báo kinh tế, người làm báo giấy, người làm báo hình, người làm báo Mỹ, người làm báo Nhật, nên ít khi họ lâm vào trạng thái khó xử, khi phải "cả nể" mà tiết lộ thông tin độc quyền. Vả lại, cái nghề báo này, tuy không ít khi phải cạnh tranh dữ dội, nhưng đa phần vẫn theo cái nguyên tắc "giữa đường thấy cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta".

Thỉnh thoảng, có những người mới, do một mối quan hệ nào đó, đến tham dự. Cuộc tranh luận lại càng thêm sôi nổi. Họ có thể là phóng viên báo trong nước, hoặc chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, thảng hoặc là phóng viên nước ngoài.

Phóng viên ảnh Việt Thanh, người được coi là có hobby sưu tầm các giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, là một trong số những vị khách như vậy, mỗi khi anh ghé thăm hàng bún riêu cua nằm bên cạnh quán cà phê.

Thế là các thành viên của nhóm lại "mắt tròn mắt dẹt" nghe anh giải thích về kỹ thuật chụp ảnh, hay kể những chuyến xuất ngoại kỳ thú. Những nơi anh đã đặt chân tới có khi là Mỹ, nhưng nhiều hơn là Thượng Hải, và nhiều nhất là Quảng Châu. Anh cũng cho họ xem những bộ ảnh mới chụp, cài trong chiếc iphone xịn, chứ không phải loại 2 sim 2 sóng đánh từ Quảng Châu về, như những vật chứng xác thực.

Vào những hôm như vậy, bà Bích phải tiếp đến phích nước sôi thứ ba.

Cho đến nay, số thành viên còn trụ lại ở báo nước ngoài chiếm không tới một nửa. Có người bỏ đi kinh doanh, có người chuyển sang viết cho báo trong nước. Đặc biệt, lại có người lại chuyển lên một cơ quan quản lý báo chí nữa.

Mặc dù vậy, nếu không bận, đầu giờ sáng họ vẫn cứ ghé qua quán cà phê này. Dù chỉ ngồi lại được 15-20 phút. Có lẽ, họ thực sự đã "ghiền" cái không khí tranh luận, nhiều khi đến to tiếng, với nhau.

Cũng ở đây, người viết có niềm tin chắc chắn rằng những bài báo mình viết cũng có người đọc. Bởi những tiếng khen nồng nhiệt nhất, cũng như những lời chỉ trích gay gắt nhất, người viết cũng nhận được từ cái quán này.

Nhưng, có lẽ, sự níu kéo lớn nhất ở quán cà phê này, đối với riêng người viết, là việc từ khoảng 4 năm nay nó đã trở thành một văn phòng di động, khi không ít bài báo được người viết được thực hiện, hay hoàn chỉnh, ngay bên bàn cà phê. Có lẽ cũng vì thói quen đó, người viết đã hơn một lần đã thất bại trong việc từ bỏ quán cà phê này.

Những lúc ngồi cà phê với chiếc laptop đặt trên đùi như vậy, người viết gọi vui là "cà phê một mình".

Cà phê một mình

Sau gần 20 năm bỏ cái nghề gõ đầu trẻ, nói kiểu thời thượng là "xoa tóc sinh viên", với đặc trưng là sự chỉn chu, chuẩn mực, để chuyển sang cái nghề đậm chất phong trần này, người viết đã tự rút cho riêng mình một định nghĩa về nghề phóng viên. Đó là cái nghề tương tự như nghề của anh đánh dậm (tất nhiên, không phải bất cứ cái gì của anh đánh dậm, như dân gian vẫn nói, cũng giống của anh phóng viên).

Sáng sáng rời nhà với cái dậm trên vai, lang thang hết ao trong, mương ngoài, nhiều khi bị đuổi chạy toé khói. Chiều chiều vác dậm về, đa phần trong giỏ có mươi con cua, con ốc, dăm ba con diếc, con rô. Không ít hôm, vác giỏ không về, cả đêm đói bụng không ngủ được. Gần sáng thiếp đi, lại mơ thấy bắt được con cá sộp.

Thế mà, có lần anh chàng đánh dậm có "dậm danh" là Huỳnh Phan này đã bắt được cá sộp thật, chứ không phải trong mơ. Và không chỉ có một con.

Vào một buổi sáng thứ sáu, cách đây ngót nghét một năm, nhờ ngồi cà phê một mình, người viết đã may mắn được cameraman Nguyễn Văn Vinh của hãng Thomson Reuter, người thi thoảng cũng đến quán cà phê này với tư cách một diễn giả, ghé vào thăm hỏi, khi phóng xe ngang qua. Trong câu chuyện, ông Vinh hé ra thông tin về cuộc hội ngộ lần đầu tiên ở Phnom Penh, sau 35 năm của các cựu phóng viên chiến trường phương Tây.

Có lẽ cũng nhờ có thông tin "độc" đó, cũng như contact của người đứng ra tổ chức, mà một phóng viên ở văn phòng đại diện tại Hà Nội của một tờ báo Sài Gòn, đã được phép tháp tòng nhóm truyền hình của tờ báo sang làm loạt phóng sự về các cựu phóng viên chiến trường. Trước khi theo họ quay trở lại Việt Nam để nhập với một nhóm cựu phóng viên chiến trường khác trong cuộc Hội ngộ Sài Gònlần thứ tư.

Trong chuyến đi kéo dài hai tuần lễ đó, người viết đã chộp được khoảng mươi "con cá sộp" như vậy, như Peter Arnett, Tim Page, Mike Morrow, Don North, Elizabeth Becker, Jim Laurie, hay Carl Robinson... Đặc biệt, với không ít người trong số họ, điều người viết thu nhận được không chỉ là những trải nghiệm khi đưa tin chiến sự, những câu chuyện đáng nhớ, mà là cả một triết lý sống, triết lý làm nghề, và một hoài bão thời trai trẻ.

Tất cả những điều đó, nói một cách rất thực lòng, đã tác động không nhỏ tới người viết. Và không chỉ trong quan niệm nghề báo.

Kể từ đó, người viết luôn cố sắp xếp thời gian để sáng thứ sáu hàng tuần có thể ra ngồi ở quán cà phê 15B Trần Hưng Đạo. Mặc dù, đã nửa năm nay, một cơn tai biến nhẹ đã tước đi của người viết cái thú vui được nhấp từng hớp cà phê đen nóng không đường, xen kẽ với việc rít từng hơi thuốc.

Cũng chẳng phải vì người viết chờ đợi một cơ hội "đánh dậm được cá sộp" lần thứ hai. "Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai", các cụ đã bảo rồi. Nói là nhớ về một kỷ niệm đẹp cũng đúng. Mà bảo rằng nhờ đó mà cố "giữ lửa" cho mình cũng chẳng sai.

Vả lại, ngay cả mớ cá sộp đánh dậm được năm ngoái, người viết đã kịp chế biến đâu. Loạt bài dự định kéo tới ít nhất là 10 kỳ, với lớp lang đàng hoàng, vì một lý do nào đó, đã được lãnh đạo báo bảo dừng lại ở kỳ thứ ba.

Thế mà đã gần tròn một năm kể từ chuyến đi đó. Chắc chắn, bằng cách nọ cách kia, người viết sẽ phải nhanh chóng tiếp tục cái dự định đang còn dang dở kể trên. Có lẽ, sau loạt bài viết về cà phê này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét