Tuần tới, sẽ có tuyên bố quan trọng về WTO?
"Việc phái đoàn đại diện thương mại Mỹ sẽ đến Việt Nam để tiếp tục đàm phán, chứng tỏ phía Việt Nam đã làm được điều gì đó có ý nghĩa trong bản chào mới. Một khi họ quay lại đây, đồng nghĩa với việc một điều gì đó có ý nghĩa lớn về WTO đã được thực hiện".
Liệu chuyến công tác Việt Nam của phái đoàn Mỹ lần này có là cú hích cuối cùng để đi tới những thoả thuận quan trọng trên bàn đàm phán WTO giữa Việt Nam và đối tác "gai góc" nhất của mình? Ông Thomas O’Dore, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với TS về những cơ hội mới gia nhập WTO của Việt Nam.
"Sao đàm phán với Mỹ khó thế?"
Thomas O’Dore: "15 năm sau vị thế Việt Nam sẽ khác, sẽ trở thành một thế lực kinh tế mạnh". |
Xin ông cho biết, tại sao đàm phán với Mỹ lại khó như vậy, trong khi với các đối tác quan trọng khác trong WTO, như EU chẳng hạn, mọi việc diễn ra khá nhanh?
Nói chung, đối với bất kỳ nước nào tham gia đàm phán, những điều khoản cuối cùng bao giờ cũng khó khăn nhất. Hơn nữa, Mỹ lại coi mình là người có trách nhiệm lớn ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại toàn cầu, và phải có sứ mạng phải hoàn thiện cơ chế của nó.
Có một điều gần như thành thông lệ rồi là bất kỳ cái gì mà Mỹ đòi hỏi trong đàm phán, cả thế giới đều được hưởng. Rất nhiều đối tác WTO đã kết thúc đàm phán với Việt Nam, họ nhanh chóng đạt được cái họ cần và kết thúc sớm với Việt Nam, và để lại gánh nặng cho Mỹ. Họ được tiếng là thiện chí, là good guys, còn Mỹ lại mang tiếng là tough guy.
Chúng ta cũng phải hiểu rằng việc thoả thuận WTO, cũng như BTA, với Việt Nam, là cơ hội cuối cùng của từng đối tác thương mại, bởi một khi đã được ký, cơ chế này nó sẽ tồn tại cả mấy chục năm sau, thậm chí cả thế kỷ. Lúc này thì Việt Nam đang là một nước kém phát triển, nhưng 15 năm sau vị thế Việt Nam sẽ khác, sẽ trở thành một thế lực kinh tế mạnh.
Như vậy người ta không thể quá nhượng bộ với Việt Nam trong lúc này để có thể bị thiệt thòi trong quan hệ với Việt Nam 15 năm về sau, bởi vẫn những điều khoản như vậy trong thoả thuận thương mại được áp dụng.
Việt Nam cũng phải hiểu rằng các nhà đàm phán không chỉ nhìn vào Việt Nam bây giờ, mà họ nhìn vào Việt Nam 10, 15, 20 năm tiếp theo, và sự đòi hỏi nếu có cao là theo quan điểm như vậy.
Nhưng dù sao vẫn có lộ trình mở cửa thị trường để thực hiện điều đó theo sự lớn mạnh dần của nền kinh tế Việt Nam cơ mà?
Rắc rối ở đây là Trung Quốc cũng yêu cầu nhượng bộ cho họ, nhưng rồi cả thế giới “phát sốt” lên vì họ, sau khi chấp nhận cho họ thực hiện dần theo lộ trình. Họ có thực hiện một số điều đã cam kết đâu.
Không riêng gì Việt Nam, mà cả Nga và một vài nước khác muốn gia nhập WTO, cũng gặp phải những khó khăn lớn hơn vì chuyện Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam càng phải chứng tỏ là mình sẽ tuân thủ các cam kết WTO bằng cách thực hiện những gì đã cam kết trong BTA, trước khi hai bên có thể tiến về phía trước.
Nhưng rõ ràng Việt Nam không phải là Trung Quốc, cái gọi là “nguy cơ” từ Việt Nam rõ ràng chưa là gì so với Trung Quốc cả?
Tất nhiên không thể so sánh qui mô nền kinh tế của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng ai mà biết được Việt Nam sẽ phát triển như thế nào 10 năm, 15, hay 20 năm sau này.
Tất nhiên ở Mỹ không ai tin rằng toàn bộ nền kinh tế Việt Nam khi lớn mạnh sẽ cạnh tranh với Mỹ, nhưng nếu chúng ta phân chia thành từng ngành kinh tế nhỏ như dệt may, thuỷ sản, cà phê, cao su, hay đồ gỗ... thì rõ ràng những ngành này, nhất là dệt may, đều gây ra nguy cơ cướp đi việc làm ở Mỹ.
Khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua PNTR, từng nghị sĩ sẽ bị ảnh hưởng của cử tri của họ, có thể là nông dân, người chế biến thuỷ sản, công nhân may mặc, và cũng có thể là những nhà sản xuất đồ gỗ... Như vậy, từng ngành kinh tế liên quan sẽ có quan điểm khác nhau, chứ không phải cả nền kinh tế.
Sẽ có một tuyên bố quan trọng vào cuối tuần tới?
Có ý kiến cho rằng, riêng việc hai bên nhất trí tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hồng Kông là thôi không chỉ trích nhau trên báo chí nữa và nối lại đàm phán, đã là một động thái tích cực?
Nói chung thì khi một bên có bình luận thì bên kia chắc chắn sẽ lên tiếng đáp lại. Tôi cũng chẳng biết bên nào khởi xướng trước trò chơi “tit for tat” (ăn miếng trả miếng) này. Có điều cả hai bên đều không đưa ra cái gì cụ thể cả, họ đều nói rất chung chung.
Trong đàm phán đôi khi người ta dùng báo chí để gây sức ép cho bên kia, tranh thủ báo chí để tạo dư luận. Nhưng nếu không có chừng mực thì sẽ rất nguy hiểm, bởi với việc bình luận về thái độ của nhau họ sẽ gián tiếp gây cản trở cho không khí đàm phán.
Tôi cho rằng lẽ ra cả hai bên không nên làm vậy. Nhưng cũng nên hiểu rằng có lẽ việc đặt ra thời hạn kết thúc đàm phán khiến người ta chịu áp lực rất lớn, và, khi thực tế không như chờ đợi, người ta dễ có phản ứng như vậy. Kết thúc những phát biểu ngoài lề và nối lại đàm phán là cách tốt nhất để nhanh chóng kết thúc nó.
Ông đánh giá thế nào về chuyến đi của phái đoàn đại diện thương mại Mỹ (USTR) lần này?
Họ đến Việt Nam để tiếp tục đàm phán có nghĩa là phía Việt Nam đã làm được điều gì đó có ý nghĩa trong bản chào mới. Tôi hy vọng sẽ có một tuyên bố quan trọng được đưa ra sau vòng đàm phán này.
Tôi đã thực sự chờ đợi họ quay lại đây vào tháng 1, bởi một khi họ quay lại đây, đồng nghĩa với một điều gì đó có ý nghĩa lớn đã được thực hiện. Chúng ta không biết Việt Nam đã đưa ra bản chào thế nào, nhưng rõ ràng họ đã thu hút được sự quan tâm của USTR.
Ông có tin chắc rằng Việt Nam đã có động thái tích cực nào đó đáp lại thông điệp của Tổng thống Bush do ông Thứ trưởng Thương mại Sampson chuyển tới hồi cuối tháng 11 vừa qua?
Có chứ. Tôi hy vọng rằng thông điệp đã đủ rõ ràng đối với phía Việt Nam. Chúng ta phải tìm hiểu xem cái gì sẽ diễn ra vào tuần tới. Rất tiếc là cả hai phía đều quá tiết kiệm lời về những gì đang diễn ra. Cũng có lẽ vì cuộc đàm phán này quá nhạy cảm và khó khăn.
Thêm một cơ hội từ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ
Ông Thomas O’Dore cùng Thứ trưởng Thương mại Mỹ Sampson. |
Tại sao ông hy vọng sẽ có một tuyên bố quan trọng sẽ được đưa vào cuối tuần tới?
Nếu Việt Nam muốn gia nhập WTO trong năm nay, thậm chí là cuối năm, họ phải kết thúc đàm phán song phương với Mỹ ngay trong quý 1, và cố gắng làm sao để vấn đề Qui chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) được đưa vào lịch trình xem xét và thông qua ở Quốc hội không muộn hơn cuối tháng 6. Mặc dù đây cũng là một khe cửa hẹp.
Còn sau đó tôi chắc rằng chẳng ai muốn nghe về chuyện này nữa, tất nhiên là cho tới đầu năm sau, khi đã xong xuôi chuyện bầu cử Quốc hội. Đến lúc đó ai biết được lại có chuyện bất thường gì xảy ra, và một loạt vấn đề lại bị gác lại như năm 2005.
Nhưng cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ đến tháng 11 mới diễn ra?
Cuộc vận động tranh cử thực chất đã bắt đầu, chiến dịch gõ cửa các nơi đã bắt đầu, những tờ rơi về chương trình hành động đã được nhét vào các khe cửa, hay rải đi các nơi.
Hiện nay ở Mỹ quốc hội là do Đảng Cộng hoà kiểm soát, và đảng này đang gặp phải rất nhiều vấn đề gây tranh cãi, ngay cả chính sách của Tổng thống Bush cũng không phải được các cử tri Đảng Cộng hoà ủng hộ nhiều. Vì vậy, việc sắp xếp được lịch trình cho vấn đề PNTR đối với Việt Nam là không hề đơn giản.
Việt Nam rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam, cũng như những doanh nghiệp đang nhòm ngó vào thị trường này, nhưng đáng tiếc lại không phải là vấn đề lớn đáng quan tâm đối với các cử tri Mỹ ở những nơi như miền Trung nước Mỹ, vốn chủ yếu là nông dân.
Những vấn đề bên ngoài nước Mỹ như vấn đề WTO của Việt Nam, nhất là nó lại có nguy cơ gây ra nạn thất nghiệp, sẽ không hề được quan tâm gần thời điểm bầu cử Quốc hội. Cử tri đã không quan tâm thì nghị sĩ cũng vậy. Như vậy thời điểm vận động cho PNTR gần với thời điểm bầu cử sẽ không hề có lợi cho Việt Nam.
Sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ
Khi Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Bush có bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam tham gia WTO. Thế nhưng từ đó đến nay hầu như không có tiến bộ đáng kể nào trong đàm phán. Vậy nên hiểu sự “ủng hộ” của Tổng thống như thế nào?
Thứ nhất Tổng thống Bush có nói với Thủ tướng Phan Văn Khải là ông sẵn sàng ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Điều đó không có nghĩa là ông có thể tác động đến quá trình đàm phán. Điều này phải làm từ dưới lên. Điều ông nói có nghĩa là sau khi Việt Nam kết thúc đàm phán với Mỹ, vấn đề PNTR được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, thì Tổng thống sẽ đứng đằng sau cuộc bỏ phiếu này.
Trong chuyến thăm Mỹ của đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống Bush đã tuyên bố sẽ ủng hộ VN gia nhập WTO. |
Điều này thực sự khá bất ngờ với nhiều người Việt Nam, kể cả một số quan chức mà tôi tiếp xúc. Chúng tôi cứ ngỡ rằng với tuyên bố như vậy, ông sẽ bằng cách này hay cách khác tác động vào quá trình đàm phán để thúc đẩy nó.
Ít nhất là theo cái cách mà nền chính trị của chúng tôi được xác lập, Tổng thống không thể tác động được vào quá trình này. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ có sự phân định rõ ràng về trách nhiệm, ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề gì. USTR có trách nhiệm với việc tạo ra một khuôn khổ quan hệ thương mại trọn gói để Quốc hội có thể chấp nhận được.
Tổng thống có thể nói với Quốc hội: “Tôi ủng hộ PNTR cho Việt Nam”. Nhưng rút cục lại mọi nguời phải tự mình giải quyết phần việc của mình theo tuần tự từ dưới lên.
Ta có thể tìm thấy sự tương tự ở Việt Nam. Ngài Thủ tướng có thể tuyên bố đơn giản hoá thủ tục hải quan để các nhà nhập khẩu có thể dễ dàng đưa hàng hoá vào Việt Nam, thế nhưng phía hải quan lại thực hiện theo cái cách họ muốn thực hiện, bất chấp mọi luật lệ, hay nghị định. Nói chung ở cấp cao nhất mọi người đều có thái độ tích cực, thế nhưng trên thực tế mọi thứ phải thực hiện dần dần từ dưới lên.
Như vậy, mọi thứ trên bàn đàm phán đều phải đảm bảo được tính công bằng, sau đó nó sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Khi quyết định ủng hộ, họ sẽ lên tiếng một cách tích cực tại Quốc Hội. Nhờ thế mà các nhà lãnh đạo quốc hội sẽ tự tin mà bỏ phiếu cho nó. Và cuối cùng là Tổng thống sẽ ký phê chuẩn.
Cứ cho là Việt Nam sẽ kịp làm hết mọi thứ từ kết thúc đàm phán đến có được lịch trình tại Quốc hội về PNTR, vậy lá phiếu của Tổng thống nằm ở đâu?
Chúng tôi có 485 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ, nhưng cuộc bỏ phiếu ở Hạ nghị viện có ý nghĩa quan trọng hơn. Tất nhiên là phải có tỷ lệ phiếu đa số, còn nếu không vấn đề này cũng chẳng được chuyển lên bàn Tổng thống. Quốc hội sẽ thảo luận, có người ủng hộ, người chống đối, nhưng theo tôi hiểu những người chống đối là không nhiều.
Như vậy, sự ủng hộ của Tổng thống chỉ là không phủ quyết lại sự thông qua của Quốc hội?
Đúng thế!
Riêng về vấn đề WTO, chuyến đi của Thủ tướng vẫn thành công
Người ta vẫn nói rằng nếu không có việc Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO thì chắc sẽ không có chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam sang Hoa Kỳ. Như vậy, nếu sự “ủng hộ” của Tổng thống Mỹ chỉ dừng ở mức như vậy, chuyến đi này liệu có thành công vang dội như người ta nói, tất nhiên không kể đến cơ hội quảng bá một cách toàn diện về đất nước Việt Nam thông qua các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ?
Chính anh đã trả lời rồi còn gì. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam đã có rất nhiều bài viết liên quan đến chuyến thăm này và Việt Nam nói chung. Tất nhiên cũng có những bài tiêu cực, nhưng đại đa số là tích cực.
Cũng nhờ những bài viết này mà sự quan tâm của người Mỹ nói chung và nghị sĩ Mỹ nói riêng đối với Việt Nam tăng lên rất nhiều. Chưa bao giờ trong lịch sử Amcham ở đây chúng tôi lại chứng kiến nhiều nghị sĩ đến thăm và tìm hiểu Việt Nam đến như vậy, chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, và hy vọng sẽ còn tiếp tục.
Rõ ràng với những thực tế tìm hiểu tại Việt Nam họ sẽ có cách nhìn khác đi, khách quan hơn, và tiếng nói của họ trong quốc hội sẽ tăng thêm sự quan tâm của Quốc hội đến vấn đề PNTR, và khi nó được đưa ra bàn thảo, tiếng nói ủng hộ sẽ nhiều hơn.
Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội là chủ nhà APEC để quảng bá cho mình, và tạo ra một sự quan tâm mới. Chuyến thăm của Tổng thống Bush đến Việt Nam cũng có thể thu hút sự chú ý của dư luận và Quốc hội Mỹ.
Ông có thực sự tin rằng các nghị sĩ Mỹ sau khi rời Việt Nam có cái nhìn thiện cảm hơn về đất nước này?
Thường thì vào cuối chuyến thăm họ thường tham gia vào các cuộc giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở đây. Chính họ nói ra những suy nghĩ của họ với chúng tôi. Đó cũng là điều kiện tốt để chúng tôi đối thoại, cảm nhận những phản hồi từ phía họ.
Với những gì họ đọc được trên báo, hay tạp chí tại Mỹ, họ đến đây với một quan điểm, và điều chúng tôi cố gắng làm là thay đổi suy nghĩ đó, định hình lại nó bằng những thực tế ở Việt Nam. Những gì chúng tôi nói với họ là triển vọng của Việt Nam theo đánh giá của chúng tôi, thực tiễn kinh doanh ở đây theo cách nhìn của chúng tôi.
Qua trao đổi tôi thấy những điều ấn tượng nhất với họ là sự tấp nập của dòng xe máy, ô tô trên đường phố. Điều đó nói lên với họ sự khấm khá lên của đời sống nói chung, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, sự cải thiện trong thu nhập của người dân. Và sự phát triển đó một phần quan trọng là nhờ có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ, những người đã đóng góp vào việc định hình lại nền kinh tế.
Vì vậy nếu thoả thuận đàm phán nhanh chóng được chuyển lên quốc hội, nhiều nghị sĩ đã qua đây vẫn còn giữ được những ấn tượng tươi mới về Việt Nam. Chính họ sẽ là những người thúc đẩy quá trình thông qua PNTR cho Việt Nam.
VN phải chứng tỏ năng lực thực hiện cam kết BTA
Vào tháng 9 năm ngoái, khi có sự bế tắc trong quá trình đàm phán song phương, Amcham đã công bố trên website những vấn đề liên quan đến WTO và việc thực hiện BTA của phía Việt Nam. Ông có thể giải thích lý do được không?
"Cho tới nay, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chưa thể biết rõ ràng điểm cuối cùng là ở đâu". |
Thứ nhất, những cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ theo BTA họ chưa thực hiện được, và điều đó làm cho cuộc đàm phán liên quan đến WTO trở nên khó khăn hơn. Thứ hai, chúng tôi coi những đòi hỏi trong BTA là mức độ tối thiểu mà họ vẫn chưa thực hiện được thì với mức độ đòi hỏi cao hơn họ làm sao thực hiện được.
Rõ ràng, khi Quốc hội Mỹ bàn về vấn đề PNTR, chúng tôi phải quay về Washington với tư cách nhân chứng. Và làm sao chúng tôi có thể thuyết phục Quốc hội là cứ thông qua đi, Việt Nam sẽ thực hiện tốt cam kết WTO, trong khi những cam kết lần đầu với BTA còn chưa được thực hiện được. Việt Nam phải chứng tỏ được năng lực thực hiện cam kết của mình.
Như vậy thái độ của Amcham lần này khác với quá trình đàm phán để thoả thuận về BTA? và rõ ràng điều này có tác động đến lập trường đàm phán của USTR?
BTA có một số điều khoản nhất định được thực hiện theo một lộ trình nhất định. Còn với WTO, rõ rằng đây là một thoả thuận lớn hơn nhiều, có rất nhiều điều khoản phải đàm phán. Có một điều mà chúng tôi, Amcham, và USTR thống nhất với nhau rằng trong việc kết thúc đàm phán liên quan đến WTO phải tính đến việc Việt Nam thực hiện những cam kết theo BTA như thế nào.
Rõ ràng là có một số cam kết Việt Nam chưa thực hiện. Rõ ràng chỉ riêng việc này thôi đã làm khó cho Việt Nam trong việc đạt được thoả thuận với Mỹ về WTO, bởi vì quan điểm của USTR là Việt Nam phải thực hiện nốt những cam kết theo BTA trước khi hai bên chuyển sang bước tiếp theo.
Đoàn đàm phán của USTR sẽ gặp Amcham vào Thứ ba tuần tới, để bàn về những diễn biến mới nhất liên quan đến đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, cũng như để nghe lập trường của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ về vấn đề Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Ảnh hưởng của doanh nghiệp Mỹ vào tiến trình WTO của VN
Như vậy, việc thực hiện các cam kết BTA đối với các doanh nghiệp Mỹ sẽ tác động đến cả tiến trình đàm phán và PNTR ở Quốc hội?
Chính xác tuyệt đối. Đây là thoả thuận thương mại chứ không phải chính trị. Chúng tôi không làm điều đó vì Quốc hội, mà vì quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và cả vì Việt Nam.
Vì sao ư? Bởi vì một khi thoả thuận thương mại được ký kết, rất nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho họ. Khi qui mô nền kinh tế lớn lên, sẽ có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ tham gia vào nền kinh tế, và họ sẽ làm cho cái bánh to gấp bội. Như thế miếng bánh “tuyệt đối” dành do doanh nghiệp Việt Nam sẽ không hề nhỏ đi, mặc dù tỷ lệ “tương đối” trong cái bánh đó có vẻ nhỏ lại.
Như vậy, việc Việt Nam thực hiện các cam kết BTA sẽ khiến cho các công ty Mỹ tác động tích cực vào quá trình đàm phán và cả vào quá trình bỏ phiếu ở Quốc Hội. Tại Quốc hội họ sẽ nhìn vào cả bức tranh, tất nhiên là cả những gì đã được thực hiện theo BTA. Họ muốn nhìn thấy cả một loạt những ghi nhận, thành công do BTA, và cả sự cải thiện trong quan hệ giữa 2 nước, mang lại.
Nhưng giả sử như Việt Nam không kịp thực hiện tất cả những điều đã cam kết theo đúng lộ trình, liệu phía Mỹ, hay nói đúng hơn cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, sẽ chấp nhận những phần cơ bản gì?
Theo tôi điều này lại phụ thuộc vào những công ty Mỹ nào sẽ được hưởng lợi từ những phần này. Những tên tuổi lớn như Procter & Gamble, hay Coca-cola, Federal Express… là những công ty có mạng lưới khắp toàn nước Mỹ, và có ảnh hưởng đến toàn nước Mỹ trong cuộc sống thường nhật. Đó là những công ty có tiếng nói mạnh mẽ nhất ở Quốc hội.
Hay chẳng hạn như ngành bảo hiểm là ngành có rất nhiều quyền lực chính trị ở Washington. Nên rõ ràng việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều thế lực ở Washington, nếu Việt Nam thật sự mở cửa thị trường cho những công ty này vào. Còn nếu không Việt Nam sẽ mất những thế lực ủng hộ này.
Một điều nữa cũng cần quan tâm là một số ngành tuy nhỏ nhưng tiếng nói lại lớn, chẳng hạn như đánh bắt thuỷ sản (như trong vụ kiện cá basa và tôm), họ có ảnh hưởng lớn vì họ to mồm lắm.
Như vậy, Việt Nam phải chú ý đến những công ty có ảnh hưởng lớn đến Quốc hội, họ có tiếng nói lớn tại đó, và có thể át đi sự phản đối.
Doanh nghiệp Mỹ: "Phía Mỹ cũng phải có nhượng bộ!"
Nói tóm lại, quan điểm của Amcham trong vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam là thế nào?
Nói gì thì nói, Amcham vẫn rất tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Những gì chúng tôi đã làm là cố gắng tìm cách phá vỡ sự bế tắc trong đàm phán, bởi sớm hay muộn phía Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề đó, không trên bàn đàm phán thì tại Quốc Hội.
Ngoài nhu cầu tự nhiên của các nghị sĩ, chúng tôi cùng với Hội Đồng Thương mại Việt - Mỹ, và Hội đồng Thương mại Mỹ -ASEAN, luôn tận dụng mọi cơ hội, từ kỳ nghỉ giữa hai kỳ họp, mùa gặp gỡ cử tri, hay bất kỳ dịp nào, để khuyến khích các nghị sĩ thăm những nơi như Việt Nam. Và khi họ đã ở đây, chúng tôi ngồi lại và cung cấp cho họ những thông tin về những gì thực sự đang diễn ra ở Việt Nam.
Thường thì những người này thường là thành viên của những uỷ ban lớn trong quốc hội, những người thường có ảnh hưởng lớn trong vấn đề thương mại với Việt Nam, cũng như những cuộc bỏ phiếu liên quan đến Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng vòng đàm phán lần này sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với cả 2 phía, và đưa Việt Nam đến gần hơn “chiếc cửa sổ cuối cùng” để có thể đạt được thoả thuận với Mỹ. Và tất nhiên là phía Mỹ cũng phải có những nhượng bộ nhất định trước khi thoả thuận có thể ký.
Cho tới nay thì cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chưa thể biết rõ ràng điểm cuối cùng là ở đâu. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sau vòng đàm phán này USTR sẽ cởi mở hơn trong câu chuyện với chúng tôi, và từ đó chúng tôi biết có thể giúp gì trong việc thực hiện cú hích cuối cùng này.
- Huỳnh Phan
thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét