Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Không thắng từng phiếu - Thắng cả cuộc bỏ phiếu

Không thắng từng phiếu - Thắng cả cuộc bỏ phiếu-

Nếu cuộc đàm phán song phương kết thúc như cách mọi người chờ đợi, Việt Nam và những người ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO phải bước vào một thách thức mới: Vượt qua cuộc bỏ phiếu PNTR.
Khong thang tung phieu - Thang ca cuoc bo phieu
Cuộc trao đổi tiếp theo dưới đây với bà Virginia Foote hy vọng sẽ gợi mở những thách thức gì đang chờ đợi Việt Nam ở phía trước, những gì Việt Nam cần làm, và bối cảnh chung mà Việt Nam cần quan sát.
Hãy thưởng thức món xúc xích…
Bà có cho rằng vấn đề dệt may sẽ là vấn đề lớn tại Quốc Hội, đặc biệt là đối với các nghị sĩ của các bang Miền Nam?
Virginia Foote: Cũng khó nói lắm, mặc dù một phần công việc của tôi là phải xác định ra được vấn đề gì thực sự khó khăn và vấn đề gì không khó lắm.
Nhưng, theo tôi, nếu thoả thuận “cả gói” mà tốt, nếu quan hệ song phương nói chung mà diễn biến tốt, và nếu chúng ta tiếp tục gìn giữ được những ấn tượng tốt về BTA cũng như quá trình bình thường hoá quan hệ, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không cần phải thắng từng phiếu bầu, (mà điều đó là không tưởng trên thực tế), nhưng chúng ta phải thắng với đa số ấn tượng.
Sở dĩ phải thắng với đa số ấn tượng vì, cũng giống như các bạn thôi, chúng tôi không muốn nước Mỹ bị chia rẽ thông qua cuộc bỏ phiếu này, với một nửa ủng hộ và một nửa phản đối việc Việt Nam gia nhập WTO.
Hơn nữa nếu chúng ta kiếm được càng nhiều sự ủng hộ thì càng có lợi cho quan hệ giữa hai nước sau này.
Xin hỏi bà một câu hỏi nhỏ: Về nguyên tắc chiếm tỷ lệ bao nhiêu thì được coi là đa số tối thiểu để chiến thắng?
Virginia Foote: Chỉ cần một phiếu hơn là đủ. Nhưng tôi hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ cao hơn nhiều.
Bà có nói trong bữa tiệc trưa ở Amcham rằng cũng hơi “khó ăn khó nói” cho Tổng thống Bush khi ông sang thăm Việt Nam mà đất nước này vẫn đứng ngoài WTO, và, vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ cố hết sức thúc đẩy nhanh việc kết thúc đàm phán và quá trình thông qua PNTR cho Việt Nam.
Nhưng có một băn khoăn ở đây là liệu có phải vì vậy mà cuộc đàm phán lại trở nên khó khăn hơn khi chính phủ muốn đảm bảo rằng thoả thuận đạt được sẽ ít gặp trở ngại tại Quốc Hội?
Virginia Foote: Thật dễ dàng cho Việt Nam nếu mọi việc đều rõ ràng: anh phải là cái này, anh phải làm cái kia, và anh được vào WTO. Cuối cùng thì Việt Nam cũng sẽ phải xác định xem thái độ người Mỹ là công bằng hay bất công trong cuộc chơi này.
Cả hai phía chúng ta đang gặp may vì cộng đồng doanh nghiệp cả hai nước đều muốn Việt Nam gia nhập WTO, và cả hai quốc hội cũng muốn vậy.
Tôi tin rằng cuối cùng thì cả hai bên cũng đạt được một thoả thuận công bằng về tổng thể, trong đó mỗi người có thể nhìn vào và nói: “Ồ, chúng ta đã thắng và họ đã thua!”
Chúng tôi có một câu nói rất quen thuộc ở Mỹ: “Hãy thưởng thức món xúc xích, nhưng hãy đừng xem nó được nhồi thế nào!”
Đặc biệt là trong các quán ăn Tàu?
Khong thang tung phieu - Thang ca cuoc bo phieu
Virginia Foote:
Ồ, đúng quá! (Cười rất to). Đó là cách hiện nay chúng ta đang tiến hành.
Không phải bất cứ điểm nào trong bản thoả thuận chung cũng là sự thoả hiệp tốt, nhưng về tổng thể thoả thuận này phải tốt cho cả hai bên, để hai chính phủ và hai quốc hội đều ủng hộ. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một thoả thuận mà cả hai phía đều thấy hài lòng 100% cả. Không bao giờ!
Và hãy nhìn vào một sự thật khác: Tổng thống chúng tôi sẽ sang thăm Việt Nam vào Mùa Thu này; Việt Nam muốn đón ông và bản thân ông cũng muốn điều đó; APEC tổ chức ở đây, và chúng ta đã đàm phán WTO cả chục năm rồi! Đây chính là lúc cần phải kết thúc nó, cần phải phải thoả hiệp!
Tiền lệ “Trung Quốc” trước “máy soi” của Quốc hội Mỹ
Bà cũng có nói trong bữa tiệc trưa của Amcham rằng Quốc hội Mỹ hiện nay phát hiện ra rằng Trung Quốc không thực hiện đầy đủ các cam kết WTO, và vì vậy chắc họ cũng “soi” kỹ hơn trong khi xem xét khả năng thực hiện cam kết của Việt Nam?
Virginia Foote: Tôi nói điều đó trong bối cảnh hiện nay nhiều nước đã gia nhập WTO và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực và với Mỹ!
Với trường hợp của Trung Quốc, do có nhiều cam kết khi gia nhập WTO đã không được nước này thực hiện, nên Quốc hội Mỹ đã bắt đầu xây dựng một đạo luật, hay qui định, khá chặt với Trung Quốc, chẳng hạn như trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.
Vì vậy Quốc hội Mỹ không chỉ để ý những gì Trung Quốc đã cam kết, mà còn “đảo mắt” sang phía Việt Nam, xem mọi qui định hay khuôn khổ pháp lý đã đủ đảm bảo cho việc thực hiện cam kết của phía Việt Nam hay chưa.
Đây cũng là một trong những bất lợi của việc ngày càng chậm trễ gia nhập WTO: Tất cả những “lỗi” mà các nước khác mắc phải đều bị Quốc hội Mỹ “bắt” rất kỹ và dùng chúng để “soi” Việt Nam.
Bà đánh kết quả chuẩn bị về cơ sở pháp lý và luật lệ cho việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam thế nào?
Virginia Foote: Việt Nam đã có sự chuẩn bị thật tuyệt vời. Chỉ còn một số rất ít các lĩnh vực cần phải có thêm sự điều chỉnh này khác. Chúng tôi đang cố gắng để xem tất cả các luật khác nhau, và phát hiện xem Việt Nam cần phải bổ sung thêm những điều gì.
Nhưng xét về tổng thể, Quốc Hội Việt Nam đã hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ, nếu so với một năm trước đây. Theo những gì tôi biết, không có một nước thứ hai nào đã làm được như vậy.
Bà có thể chỉ ra cụ thể xem Việt Nam cần bổ sung thêm những gì nữa.
Virginia Foote: Còn một số vấn đề về thuế nữa mà USTR đang xem xét, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, liệu chúng có phù hợp với Hiệp định TRIP hay không. Vấn đề sở hữu cũng chưa được làm rõ lắm.
Còn một chuyện nữa là mỗi khi một luật được thông qua lại phải chờ đợi một thời gian kha khá mới có qui định cụ thể hướng dẫn thi hành.
Trước sau cũng có lợi nhờ môi trường kinh doanh tốt hơn
Có những ý kiến khác nhau về về việc Việt Nam thực hiện các cam kết BTA: các doanh nghiệp Mỹ thì phàn nàn, còn phía Việt Nam thì họ nói đã cố hết sức rồi, và chẳng nước nào trong WTO lại thi hành đẩy đủ các cam kết cả.
Bà đánh giá thế nào về tỷ lệ thực hiện khoảng hơn 80% các cam kết BTA (do cả hai phía đều đưa ra)? Liệu có nó ảnh hưởng đến thái độ của các doanh nghiệp Mỹ trong việc ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO không, nhất là đối với vấn đề PNTR?
Virginia Foote: Việt Nam đã thực hiện tốt, trừ một số ngoại lệ. Chẳng hạn như vấn đề thực hiện quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ hữu hiệu, và bị chậm khoảng nửa năm, khiến các công ty Mỹ không hài lòng.
Còn một vấn đề nữa là BTA, hay WTO không bao trùm lên tất cả. Chẳng hạn như vấn đề mua sắm chính phủ mà các công ty đang làm ăn ở đây phàn nàn là có quá nhiều hạn chế đối với đấu thầu quốc tế lại không thuộc lĩnh vực qui định của BTA hay WTO.
Tất nhiên sẽ có những công ty kêu lên: “Chúng tôi chưa có đủ những gì chúng tôi muốn, hay vấn đề của chúng tôi hoàn toàn không được đề cập gì cả…”
Nhưng, theo tôi, các công ty Mỹ có quan điểm đồng thuận trong việc ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, hay ít nhất sẽ không có công ty nào vận động chống lại việc này.
Tại sao ư? Đơn giản là tại vì tuy vấn đề của họ không được đề cập đến trong thoả thuận chung, nhưng về tổng thể môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện nhiều trong khuôn khổ các cam kết WTO, và một nền kinh tế ngày càng phát triển ở Việt Nam sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh ở đây.
Trở lại chuyến đi “thúc đẩy chính sách thương mại” của 21 tập đoàn công ty lớn, họ sang đây để thúc đẩy quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Nếu chúng ta đạt được một thoả thuận thương mại tương đối tốt cho cả hai phía, tôi tin rằng họ vận động rất mạnh để PNTR được thông qua tại Quốc hội
Trước khi sang Geneva, chắc bà Dwoskin sẽ tham khảo ý kiến bà để xác định quan điểm cho vòng đàm phán tới chứ?
Virginia Foote: Chúng tôi luôn luôn giữa mối liên hệ chặt chẽ với USTR, cả với tư cách cá nhân lẫn tư cách tổ chức. Vì vậy, USTR biết rõ những gì đang diễn ra.
Cửa vào Hạ viện Mỹ
Ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng có nói với tôi rằng việc vận động thông qua PNTR của Việt Nam gặp thuận lợi rất nhiều với việc Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Mỹ-Việt (US–Vietnam Caucus) được thành lập, vì đây là cửa ngõ vào Hạ nghị viện Mỹ, bên cạnh hai ông McCain và Kerry là cửa vào Thượng viện.
Khi tôi vào website của Hội đồng Thương mại Việt Mỹ, tôi có thể click “chuột” vào webpage của US-Vietnam Caucus. Vậy xin bà cho biết sự liên quan giữa hai tổ chức này và vai trò của US-Vietnam Caucus đối với việc vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR.
Virginia Foote: Chúng tôi đã giúp đỡ việc thành lập nhóm nghị sĩ này cách đây nhiều năm nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt nói chung. Chính chúng tôi đã gợi ý chuyện này, bởi trong quốc hội chúng tôi đã có rất nhiều caucus song phương kiểu này, và tiếp cận rất nhiều người để xúc tiến cho việc thành lập.
Vừa rồi, các nghị sĩ Việt Nam đã qua Mỹ để gặp những người đồng sự phía Mỹ của họ, trong khi đó tôi lại đang có mặt ở đây. Nhưng theo những gì Madame Ninh và một số thành viên khác của đoàn cho tôi biết, cũng như theo những kênh thông tin khác, tôi cho rằng chuyến đi này rất được chào đón ở Mỹ và rất thành công.
Tôi cũng nói với Madame Ninh rằng vào thời điểm Quốc hội Mỹ xem xét để bỏ phiếu cho PNTR, nhất thiết phải có một đoàn nghị sĩ quốc hội Việt Nam qua Washington để gặp gỡ các nghị sĩ Mỹ mà vận động.
Nhân nhắc đến Madame Ninh, tại “BBQ Spring Route” tại Câu Lạc Bộ Mỹ để đón đoàn 21 tập đoàn doanh nghiệp, tôi cảm nhận thấy dường như câu chuyện giữa Bà và Madame Ninh dường như không thể dứt được. Bà thậm chí còn “đuổi theo” Madame Ninh ra tận xe khi bà ta phải ra về.
Tôi rất tò mò về câu chuyện giữa hai người. Bà có thể “bật mí” chút ít, nếu đó không phải là “chuyện riêng giữa hai người phụ nữ”?
Virginia Foote: Tôi thực sự không nhớ cụ thể hôm đó chúng tôi đã nói những chuyện gì. Nhưng vì hai chúng tôi biết nhau từ lâu rồi, nên mỗi khi gặp nhau chúng tôi luôn luôn tìm ra điều gì đó để nói.
Vậy tôi xin hỏi cụ thể. Bà có yêu cầu Madame Ninh vận động phía Việt Nam việc kết thúc quá trình đàm phán song phương hay không?
Virginia Foote: Tôi nghĩ một trong những việc tôi biết rõ hơn bất cứ ai là khoảng cách trong đàm phán đang nằm ở đâu và tại sao phía Mỹ lại đòi hỏi như vậy, cũng như là cách nào để tìm thấy cái điểm mà hai bên có thể gặp nhau.
Như vậy, việc tôi phải làm khi tiếp xúc với quan chức của phía Việt Nam, hay phía Mỹ, là “thúc” cả hai bên.
Xin cảm ơn bà!
  • Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét