Kịch bản nào cho việc gia nhập WTO?
vietnamnet.vn - 08:38 22-05-2006
(VietNamNet) - Việt Nam và Hoa Kỳ đã kết thúc về mặt nguyên tắc thoả thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO và dự kiến sẽ ký kết chính thức vào đầu tháng 6 tới nhân dịp Tân Chủ tịch USTR Susan Schwab sang dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC.
Tuy nhiên, việc gia nhập của Việt Nam vẫn được bỏ ngỏ với 3 khả năng như VietNamNet đã đề cập ở kỳ trước, với một vài sự khác biệt do kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán.
1. Gia nhập WTO trước, PNTR sau
“Mỹ vẫn là người cầm trịch cuộc chơi trong đàm phán đa phương nên khó có khả năng Việt Nam được chấp nhận gia nhập WTO mà không cần PNTR và đặt Mỹ ra bên ngoài những lợi ích từ những cam kết trong việc mở cửa thị trường. Hơn nữa, quan hệ về chính trị, kinh tế và lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ hoàn toàn khác so với các nước SNG cũ”, một chuyên gia về quan hệ Việt - Mỹ của Bộ ngoại giao nói.
|
Nếu Việt Nam không thể hoàn thành nốt những thủ tục cần thiết, hay có những trở ngại từ các nhóm khác nhau ở Mỹ, và dự luật PNTR không thể được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội trong mùa hè này, Việt Nam đành trông chờ vào cái thông lệ này, đã được Hoa Kỳ áp dụng đối với nhiều nước SNG cũ.
Trong trường hợp này, Hoa Kỳ phải viện dẫn khoản “miễn áp dụng” thuộc Điều 8 của Hiệp định WTO, và nếu như vậy Việt Nam hoàn toàn có quyền ngăn cản Hoa Kỳ hưởng những lợi ích từ những cam kết liên quan đến việc gia nhập tổ chức này.
“Ai cũng biết rằng hầu hết các cam kết WTO đều là BTA plus, nên quan điểm thống nhất của Nhà Trắng và USTR là Việt Nam cần có PNTR trước khi gia nhập WTO”, Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt dự báo.
2. PNTR không kịp thông qua vào mùa hè
Nếu điều này xảy ra, Việt Nam chắc chắn phải chờ đến ít nhất giữa năm 2007 mới có thể được kết nạp. Ngay cả khi buộc phải chấp nhận phương án này, việc hoàn tất cả thủ tục cần thiết để có được PNTR cũng không hề đơn giản, nếu không nói là có phần phức tạp hơn so với thời điểm hiện tại.
Ông Chủ tịch Hạ Viện Hastert, người vừa có chuyến thăm Việt Nam tháng trước để “làm rõ” những vấn đề cuối cùng trong quan hệ song phương nói chung trước khi nhận vai trò chủ trì cho cuộc bỏ phiếu thông qua PNTR đối với Việt Nam tại Hạ Viện, đã tuyên bố với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam rằng “ông kiên quyết thúc đẩy rất mạnh cho việc thông qua này”.
|
“Với kết quả bầu giữa kỳ tại Hạ Viện, tình hình có thể khác đi, Đảng Cộng hoà có thể không còn chiếm đa số nữa, và Chủ tịch Hạ viện mới có thể là một người khác chứ không phải ông Hastert, và Việt Nam phải lobby lại từ đầu”, ông Thomas O’Dore, Chủ tịch Amcham Vietnam, nhận xét.
Ông O’Dore còn cho biết thêm rằng tất cả những nỗ lực đưa các đoàn nghị sĩ sang tìm hiểu tình hình ở Việt Nam trong vòng một năm trở lại sẽ không còn hiệu quả nếu việc bỏ phiếu bị hoãn lại, bởi những cảm giác “nóng hổi” về Việt Nam sẽ bị “nguội lạnh” theo thời gian, và bởi những mối quan tâm khác.
Bà Virginia Foote thậm chí còn đi xa hơn trong việc bày tỏ những lo ngại của mình. Theo Bà Foote động lực cho việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ giảm đi nếu vấn đề PNTR không được thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội.
“Đến lúc đó tôi lại e rằng"trò chỉ trích lẫn nhau"lại tái xuất hiện, với mức độ còn ác liệt hơn cuối năm ngoái, bởi vấn đề này không còn chỉ liên quan đến Chính phủ nữa, mà cả Quốc hội và các cộng đồng lợi ích khác nhau nữa”, Bà Foote cảnh báo.
Như vậy, Việt Nam và những người ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO có lẽ không còn sự lựa chọn “kịch bản” nào tối ưu hơn, ngoài việc tập trung hết sức lực cho việc vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR trong mấy tháng tới .
Vai trò của Chính Phủ Mỹ
Khi đánh gia về khả năng thông qua PNTR tại quốc hội Mỹ, mở đường cho việc Việt Nam gia nhập WTO, các đại diện của cả nền hành pháp lập pháp và công đồng doanh nghiệp Mỹ đều khẳng định rằng “a good trade deal” (một bản thoả thuận tốt) là yếu tố quan trọng nhất, mặc dù mối quan hệ tổng thể giữa hai nước bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, tự do tôn giáo đều được tính đến.
Sự căng thẳng đến mức “cuộc đàm phán có thể bị đổ vỡ” như báo chí ta tường thuật, cũng như lời tuyên bố của Đại sứ Portman rằng “đây là một bản thoả thuận rất tốt cho nước Mỹ”, đã chứng tỏ rằng đoàn đàm phán, đại diện cho Chính phủ Mỹ, đã “cố gắng hết mức có thể” để bảo vệ các quyền lợi của nước Mỹ.
“Sau khi mọi thứ đã kết thúc, những phân tích, lý lẽ và lập trường mà phía Việt Nam đưa ra để bảo vệ lợi ích của mình, nhất là trong vấn đề hạn ngạch dệt may, rõ ràng sẽ giúp thêm căn cứ cho Chính phủ Mỹ khi phải bảo vệ thoả thuận này trước quốc hội, cũng như giải thích với các nhóm được coi là bị thua thiệt”, một thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam nhận xét.
Đại sứ Michael Marine cho biết việc rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, được hy vọng sẽ có tác động tích cực đến quá trình thông qua PNTR tại Quốc Hội, dự kiến sẽ được Bộ Ngoại Giao Mỹ quyết định vào một thời điểm gần với cuộc bỏ phiếu này.
“Theo tôi hiểu có những người tại Quốc Hội sẽ chỉ trích Việt Nam về những vấn đề như tự do tôn giáo, giam giữ các tù nhân “lương tâm’, hay quản lý Internet... Nhưng tôi tin rằng có những bằng chứng rằng tình hình đang được cải thiện, và sự tiếp tục cải thiện sẽ át đi được sự chỉ trích này”, Đại sứ Marine nói.
|
Theo nguồn tin của Sứ quán Việt Nam tại Washington vào tháng 11 năm ngoái, khi mà tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang gặp phải bế tắc, các luật sư của Quốc hội Mỹ đã bắt đầu tiếp xúc với các tài liệu đàm phán. Kể từ đó mọi quan điểm và mục tiêu đàm phán của phái đoàn Mỹ đều có sự tham vấn chặt chẽ với Quốc hội.
“Chính phủ Mỹ không thể bị"mất mặt"theo kiểu: good news là đạt được thoả thuận và bad news là Quốc hội không thông qua, và, cũng chính vì vậy, khi đã thoả thuận xong họ sẽ sử dụng mọi kênh của mình để thuyết phục quốc hội thông qua”, Giáo sư Martin Swarch của Trường Đại học Virginia, chuyên gia hàng đầu về toàn cầu hoá, nhận xét.
Hơn nữa, với vai trò “lãnh ấn tiên phong” trong việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá, và cách tiến hành đàm phán những vấn đề song phương và đa phương cùng một lúc với thoả thuận “cả gói” cho cả hai loại vấn đề, Mỹ được hy vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc kết thúc về nguyên tắc đàm phán đa phương - một điều kiện quan trọng khác để vấn đề PNTR được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.
Doanh nghiệp Mỹ vào cuộc
Ngay trước khi Việt Nam và Mỹ bước vào vòn đàm phán cuối cùng, một Liên minh Ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO đã được thành lập với sự tham gia của nhiều tập đoàn công ty, nghiệp đoàn lớn của Mỹ.
“Với những điều khoản khá lạc quan về điều kiện mở cửa thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ đã được tiết lộ có lẽ đa số các doanh nghiệp Mỹ, tất nhiên trừ những nhà sản xuất dệt may, hay thuỷ sản, sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho việc thông qua PNTR”, ông O’Dore nhận định.
Theo ông O’Dore sự liên kết tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ là một “thông điệp mạnh mẽ” đối với Quốc Hội Mỹ về lợi ích của nền kinh tế Mỹ trong việc Việt Nam gia nhập WTO.
Trong danh sách nhân sự của Fontheim có một cái tên không xa lạ với nhiều người Việt Nam: Đó là Cố vấn cao cấp Andre Sauvageot, người hay được gọi là “Người Mỹ An Nam” bởi khả năng trích dẫn cả ca dao, tục ngữ và cả nghị quyết TW và BCT, cũng như nghị định CP, rất chính xác của ông.
Từ năm 1997 đến 2002, với tư cách là Trưởng Đại diện của General Electric tại Việt Nam, ông đã có những bản trình bày đầy luận cứ và sức thuyết phục tại Tiểu Ban Thương Mại thuộc Uỷ Ban Chính sách Tài chính Hạ viện Mỹ liên quan đến tạm dỡ bỏ Tu chính án Jackson-Vanik cho Việt Nam.
|
Được biết, những tập đoàn công ty lớn của Mỹ đều có “người của mình” ở cả hai viện. Vì vậy, ngoài hoạt động “lobby” đơn lẻ của từng tập đoàn thông qua sự liên lạc thường xuyên của các quan chức phụ trách PR của họ với văn phòng các nghị sĩ, việc thành lập một network, sự chia sẻ thông tin và phối hợp giữa họ với nhau rõ ràng đã “phủ sóng được toàn bộ Washington”.
Bản thân ông O’Dore sẽ về Washington vào 11 tháng 6 tới cùng với một số thành viên khác của Amcham Vietnam và ở lại đó khoảng 1 tuần. Với tư cách là những người từ “thực địa”, họ sẽ gặp gỡ những nhân vật chủ chốt của hai viện để thuyết phục những người này thúc đẩy việc thông qua PNTR.
“Những người Mỹ như chúng tôi hiểu rõ thực tế ở Việt Nam và chắc chắn tiếng nói của chúng tôi phải có một sức nặng nào đó đối với Quốc Hội”, ông O’Dore quả quyết.
Có một điều đặc biệt nữa là trong danh sách những thành viên của Liên minh này còn có Công ty Fontheim International, một cái tên khá nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà còn ở Trung Quốc và Singapore. Chính Fontheim International đã lobby thành công cho Trung Quốc liên quan đến PNTR, và Singapore trong việc thoả thuận được Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ.
Đến thời điểm này chưa biết Fontheim sẽ tham gia tham gia lobby như thế nào (bởi Chính phủ Việt Nam vẫn chưa quyết định bỏ tiền ra thuê lobby), nhưng sự tham gia của một “pro” như Andre Sauvageot rõ ràng sẽ làm cho hoạt động “lobby” chung của cả Liên minh hiệu quả hơn nhiều.
- Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét