Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Quán cà phê và tờ tuần báo kinh tế

Quán cà phê và tờ tuần báo kinh tế

(VEF.VN) - Cách đây 20 năm, những người làm báo kinh tế ở TP.HCM tưởng mở một quán cà phê làm nơi giao lưu giữa các nhà báo với các chuyên gia kinh tế, và giới doanh nhân. Để từ đó các những người tay mơ về kinh tế như họ có thể làm một tờ báo chuyên nghiệp thực sự.

LTS: Đã từ lâu lắm rồi, cà phê và báo chí thường đồng hành với nhau.
Trong một thập kỷ trở lại đây, với sự phát triển của mobile phone, laptop và Internet, quán cà phê đã trở thành văn phòng làm việc di động của nhiều nhà báo. Không ít người trong số họ, trong đó có cả người viết, lại thấy thích ngồi viết bài ở quán cà phê, trong tiếng nhạc và tiếng nói chuyện. Thỉnh thoảng lại nhập một ngụm cà phê, rít thuốc, cho thêm phần cảm hứng sáng tạo.
Nhưng trước đó, không biết từ bao giờ, và cho tới tận bây giờ, quán cà phê vẫn là nơi thích hợp để các nhà báo tác nghiệp. Họ vừa uống cà phê, vừa trao đổi thông tin, hay gặp gỡ các nguồn tin. Thậm chí nhiều cuộc phỏng vấn cũng được thực hiện ở quán cà phê. Có những quán cà phê, Givral ở Sài Gòn - nơi các phóng viên chiến trường của các hãng tin phương Tây, trước năm 30.4.1975, hay gặp gỡ nhau để trao đổi thông tin - đã trở thành địa danh lịch sử.
Vào đầu những năm '90 đã xuất hiện hai quán cà phê khá đặc biệt ở Việt Nam. "Đặc biệt" là bởi vì sự ra đời của những quán cà phê đó gắn liền với sự ra đời của hai tờ tuần báo. Một về kinh tế, một về đối ngoại. Một ở Sài Gòn, một ở Hà Nội.
Cũng từ cảm hứng sáng tạo do cà phê mang lại, nhiều nhà báo cũng hay viết về cà phê.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, từ đầu tháng Ba này sẽ giới thiệu loạt bài của phóng viên Huỳnh Phan về cà phê - những câu chuyện mà tác giả đã tình cờ nghe được - từ những quán cà phê đến phòng hội thảo.
Câu chuyện thứ nhất: Quán cà phê và tờ tuần báo kinh tế
Thôi làm Phó Tổng Biên tập Saigon Times Group (SGT) được một năm nay, theo chế độ hưu trí, hàng ngày ông Trần Ngọc Châu vẫn đến 35 Nam Kỳ Khởi Ngĩa, Quận Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, nơi có SGT Club, để uống cà phê, ăn sáng.
Những khi cần tiếp khách, mời tiệc, vị giám đốc điều hành của kênh truyền hình chuyên về tài chính và kinh doanh FBNC cũng thường chọn chỗ này.
"Một thói quen đã hình thành suốt hai thập kỷ đã khó bỏ rồi. Huống hồ SGT Club lại đồng hành với cuộc đời làm báo kinh tế của các thế hệ người làm báo ở SGT Group, như tôi", ông Châu nhớ lại.
Quán cà phê và giải pháp tình thế
Tháng 1/1991, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) ra số báo tuần đầu tiên. "Thực ra, tờ tuần báo tiếng Việt lúc đầu chỉ là giải pháp tình thế để chúng tôi xin được giấy phép xuất bản tờ tiếng Anh về kinh tế", ông Châu nói.
Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987. Đầu những năm '90, thành phố HCM, với vị trí địa lý, bối cảnh lịch sử và cả sự đi đầu về tư duy đổi mới, mặc nhiên có vai trò tiên phong trong mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, qua trao đổi với các doanh nhân Việt Kiều, Phó Chủ tịch UBND Phạm Chánh Trực, người được giao trọng trách này, hiểu rằng thành phố khó có thể thành công được, nếu thông tin về hành lang pháp lý và cơ hội đầu tư không được cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Kiều. Ý tưởng về một tờ báo tiếng Anh đã ra đời từ đó.
"Chủ trương mở cửa và hội nhập dù hình thành từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhưng sau năm 5 năm nhiều người trong bộ máy chính trị vẫn còn e ngại đủ thứ", ông Châu giải thích lý do tại sao tờ báo tiếng Anh về kinh tế phải mãi đến tháng 10/1991 mới được phép ra số đầu tiên.
"Chúng tôi phải ra trước một tờ tuần báo tiếng Việt, để rồi từ đó thuyết phục các cấp quản lý cho phép dịch 70% nội dung sang tiếng Anh. Còn 30% còn lại, chủ yếu là tin, do chúng tôi tự viết", ông Châu nói.
Thách thức tiếp theo, theo ông Châu, họ đều là những nhà báo chính trị - xã hội, chứ không được đào tạo về kinh tế. Vả lại, những người như ông Trực và bạn ông là Tổng Biên tập Võ Như Lanh - nguyên uỷ viên Hội đồng Biên tập Sài Gòn Giải phóng, đều có những kỷ niệm không mấy vui vẻ với chính trị, nên họ quyết tâm làm một tờ báo kinh tế thuần tuý.
Nhưng cái khó ló cái khôn...
Tình cờ, trong một lần ngồi uống cà phê, những người sáng lập TBKTSG đã nảy ra ý tưởng mở một quán cà phê làm nơi giao lưu giữa các nhà báo với các chuyên gia kinh tế, và giới doanh nhân. Để từ đó các những người tay mơ về kinh tế - kinh doanh như họ có thể làm một tờ báo chuyên nghiệp thực sự.
Gần như cùng một lúc với sự ra đời của tờ tiếng Việt, một quán cà phê trong khuôn viên trụ sở tờ báo cũng ra đời. Sáng sáng, trước khi đến công ty, nhiệm sở, các chuyên gia kinh tế và doanh nhân, đến uống cà phê, ăn sáng, và nói chuyện thời sự, đọc báo. Và, từ đó, mối quan hệ giữa tờ báo và họ đã được thiết lập. Phóng viên có thêm thông tin và bổ sung kiến thức để viết báo.
Cũng nhờ đó, nhiều người đã trở thành cộng tác viên của TBKTSG. Số lượng bài viết của họ đã trên TBKTSG đã từng được SGT Group xuất bản thành hàng chục tập sách. Và, từ một giải pháp tình thế, TBKTSG (tiếng Việt) đã trở thành một thương hiệu lớn. Nhất là trong phân tích và phản biện chính sách.
Trong thời kỳ cực thịnh của báo chí Việt Nam, nhiều người, trong đó có cả bản thân người viết, coi việc có bài được đăng trên TBKTSG như một sự một sự công nhận về nghề nghiệp.
Hơn nữa, từ những buổi ngồi nghe các chuyên gia phân tích, một số phóng viên của TBKTSG đã trở thành những chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực mình phụ trách. Hải Lý là một ví dụ tiêu biểu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, khi các chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là giới trẻ, luôn tìm các bài phân tích của chị để tham khảo.
Sân chơi chuyên nghiệp
Những điều mà tờ báo thu được từ quán cà phê không chỉ có vậy.
"Chúng tôi hiểu rằng để có thể tiếp tục duy trì nơi giao lưu này, cần phải có dân chuyên nghiệp điều hành nó", ông Châu nói.
Một doanh nhân Việt Kiều là Alan Tấn đã hùn vốn để thành lập một nhà hàng liên doanh trên cơ sở quán cà phê đó. Buổi sáng vẫn là quán cà phê bình thường, còn trưa và tối trở thành quán ăn.
Cũng nhờ đó, SGT Group đã mở rộng thêm hoạt động của mình. Họ thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm theo những chủ đề nhất định. "Việc đứng danh nghĩa của SGT Club khiến các buổi toạ đàm diễn ra dễ dàng hơn nhiều", ông Châu nói.
Và những diễn giả tham dự không chỉ bó gọn trong giới học giả hay doanh nhân nữa, mà bao gồm cả các chính khách. Ông Châu cho biết ông Võ Văn Kiệt, nhất là sau khi về hưu, rất hay đến SGT Club để nói chuyện. Về những vấn đề ông thấy bức xúc. Còn trong thập niên 90, các thành viên nhóm Thứ Sáu là những vị khách thường xuyên.
SGT Club còn mời cả những chính khách từ Hà Nội, nhân những chuyến công tác của các vị này vào Sài Gòn. Một trong số đó là nguyên Thứ trưởng ngoại giao Lê Mai - người sau đó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một quán cà phê khác ở Tuần báo Quốc tế ngoài Hà Nội, và định hướng phát triển của tờ báo đối ngoại này.
"Lúc đầu, chúng tôi chỉ mời ông Lê Mai tới uống cà phê. Nhưng thấy nhiều anh em phóng viên, biên tập viên ngồi quanh đó, ông ngẫu hứng nói chuyện thời sự đối ngoại luôn", ông Châu kể lại kỷ niệm với nhà ngoại giao xuất thân từ giới truyền thông này.
Theo thời gian, trong SGT Club lại sinh ra những "club" (câu lạc bộ) nhỏ hơn, mang tính chuyên ngành, như CLB Doanh nhân 20-30, CLB Nông sản, CLB Ý tưởng...
Đặc biệt, một trong những CLB đó lại gắn liền với sự ra đời của một tờ báo khác trong SGT Group, trước khi tách ra để khẳng định hướng đi độc lập của mình. Đó là CLB "Hàng Việt Nam chất lượng cao" và tờ Sài Gòn Tiếp Thị - một tờ báo, tiếp bước TBKTSG thuở trước, đã có nhiều đột phá trong làng báo Sài Gòn mấy năm vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét