Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Lobby quốc hội Mỹ - đàm phán WTO sẽ nhanh hơn?

Lobby quốc hội Mỹ - đàm phán WTO sẽ nhanh hơn?

Chủ nhật, 19 Tháng hai 2006, 16:28 GMT+7

-Đã có lúc người ta nuối tiếc : giả sử như biết cách vận động hành lang với Mỹ thì chắc hẳn, giờ này Việt Nam đã có tấm vé lên con tàu WTO.


Lobby quoc hoi My - dam phan WTO se nhanh hon?

Giáo sư Martin Schwarzt: "Việt Nam cần phải hiểu cái cách vận hành của nền chính trị Mỹ".

Cho dù tiến trình đàm phán song phương Việt Mỹ về WTO đang tiến triển tới mức, hôm 16/2, một thượng sĩ Mỹ đã phát biểu : "Tôi hài lòng được biết đàm phán với VN và Ukraine về gia nhập WTO sắp hoàn tất", song chưa đến lúc để nói mọi chuyện đã xong xuôi, nhất là khi

Mỹ vẫn đang "treo" việc thông qua qui chế PNTR dành cho VN ít nhất tới trước kỳ nghỉ của Quốc hội Mỹ vào tháng 8/2006.

Dự kiến, đoàn đàm phán Việt - Mỹ sẽ gặp nhau tại Washington tháng ba tới và nhiều khả năng Việt Nam sẽ thành công trên bàn đàm phán lần này. Dù vậy, trước thời điểm này không lâu, người ta đã thực sự lo ngại khi thấy tiến trình đàm phán giữa hai bên gần như "đóng băng", và không ít ý kiến đã tỏ ra nuối tiếc: giả sử như chúng ta biết cách vận động hành lang (lobby) với Mỹ thì chắc hẳn, giờ này Việt Nam đã có tấm vé lên chiếc tàu WTO .

Bỏ qua những bê bối trên chính trường Mỹ do sự thao túng của các nhà vận động hành lang nước này gây ra, xin thử bàn chuyện đi lobby Quốc hội Mỹ để hiểu phần nào về thủ pháp thương lượng với chính quyền Washington.

TS đã trao đổi với Giáo sư Martin Schwarzt từ Trường Đại Học Virginia (Hoa kỳ), chuyên gia về toàn cầu hoá và tác giả cuốn sách nổi tiếng “The Global Market” (Thị trường toàn cầu), được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1994 và hiện đã được dịch ra một số thứ tiếng khác về chủ đề này.

Tiến trình đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO với Hoa Kỳ đang rất khả quan, tuy nhiên, trước đó, hai bên đều quan ngại về khả năng bế tắc trong đàm phán. Ông có bình luận gì về việc này?

Đàm phán gia nhập WTO cũng giống bất cứ một cuộc đàm phán nào khác, tức là phải có sự mặc cả.

Nếu anh ra chợ mua cam, người bán cam đòi 15 ngàn VND cho một cân cam. Anh thấy cao, anh có thể trả dần 5 ngàn. và cái giá cuối cùng anh sẽ mua sẽ nằm trong khoảng giữa 5 ngàn và 15 ngàn. Đàm phán WTO cũng như vậy, chẳng có điều kiện nào là bất di bất dịch cả, bởi qui định của WTO chẳng phải là hiệp ước hay luật lệ chung gì cả, nó đơn thuần là một cuộc mặc cả không hơn không kém.

Trước đây, phía Mỹ rõ ràng muốn đòi hỏi rất nhiều điều mà Việt Nam không thể nhượng bộ. Mặt khác, Việt Nam cũng không thể nào nói với phía Mỹ rằng chúng tôi nghèo hơn, chậm phát triển hơn các ông nên việc các ông phải hy sinh quyền lợi cho chúng tôi là lẽ đương nhiên.

Cho dù kết quả đàm phán giữa hai nước khiến người ta lạc quan hơn, song nhiều ý kiến đã cho rằng, việc USTR đòi hỏi quá cao từ phía Việt Nam là do sức ép của quốc hội và những nhóm lợi ích khác nhau ở Mỹ, xuất phát từ nỗi e ngại rằng Việt Nam sẽ được lợi hơn Mỹ trong việc Việt Nam gia nhập WTO?

Trước hết, anh phải hiểu cơ chế chính trị ở Mỹ nó vận hành như thế nào. Tôi vẫn cho rằng Chính phủ Mỹ muốn Việt Nam gia nhập WTO vì nó có lợi cho nền kinh tế Mỹ nói chung và trên cả quan điểm chiến lược.

Thế nhưng, kinh tế thị trường có nghĩa có người được kẻ mất. Nền chính trị ở Mỹ lại cho phép kẻ thua thiệt được phép phủ quyết, chẳng hạn như liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO chẳng hạn.

Trong trường hợp Việt Nam, bộ phận ở Mỹ chịu thua thiệt hay tổn thương nhiều nhất lại chính là bộ phận có đại diện là các chính khách uy quyền nhất tại cả hai viện trong quốc hội. Ý tôi muốn nói đến những mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam sang thị trường Mỹ như catfish, tôm, và kể cả dệt may.

Ở Mỹ các trại nuôi catfish chủ yếu nằm ở các bang miền Nam vốn rất quan trọng với Đảng đang điều hành nước Mỹ hiện nay là Đảng Cộng hoà.

Chẳng hạn như bang Mississippi có hai thượng nghị sĩ đầy quyền lực, và một trong hai người này chính là ông Trend Lott, người được coi là có ảnh hưởng lớn nhất ở Thượng viện từ vài năm trở lại đây.

Mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam đã cạnh tranh với sản phẩm này của bang, và câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi một chính khách quan trọng của bang này chính là người phát ngôn của hạ viện(?).

Chính khách được bầu bởi vì họ nhận được phiếu ủng hộ từ các bang của họ và tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử từ các công ty tại các bang này. Họ có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi cử tri và các nhà tài trợ, và hy vọng được hưởng lợi từ hành động này khi tái tranh cử.

Khi Việt Nam gia nhập WTO và hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các bang này, những nghị sĩ ở đó gây sức ép với bên hành pháp và các nhà đàm phán của Tổng thống để đặt ra các điều kiện khắt khe với Việt Nam, mà thực chất là để tránh sự cạnh tranh trực tiếp từ Việt Nam.

Ngoài ra, còn có một vấn đề khác về khía cạnh tâm lý nữa, đó là những người câu tôm ở phần lớn là người dân tị nạn Việt Nam ra đi từ năm 1975. Rất dễ hiểu rằng, bất chấp họ đúng hay sai trong cuộc chiến đó, họ có một cảm giác nặng nề đối với những gì diễn ra ở Việt Nam. Và điều này khiến cho cuộc mặc cả mang thêm cả sắc thái khác.

Sự ác cảm của những cử tri gốc Việt này tác động đến các chính khách ở Texas, cũng như ở Louisiana, nơi có rất nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống. Ở Mỹ các chính khách thường rất nhạy bén trong ứng xử với những nhóm xã hội có tổ chức. Lại thêm một sức ép nữa lên các nhà đàm phán.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng thống Bush trong việc thúc đẩy đàm phán với Việt Nam? Chẳng gì Bush cũng đã có một lời hứa mang đầy hy vọng cho phía Việt Nam?

Ở Mỹ nếu Tổng thống muốn đưa ra một đạo luật nào đó, ông ta yêu cầu các luật sư của mình soạn thảo, trình quốc hội, và phải tìm mọi cách vận động quốc hội thông qua.

Trong vấn đề đàm phán WTO với Việt Nam, cho dù Tổng thống có toàn quyền, ông ta cũng không thể nói với Quốc hội theo kiểu sau đây: “Các ông không hài lòng với kết quả đàm phán WTO với Việt Nam ư? Các ông muốn ngăn cản chuyện này ư? Nhưng các ông có liên quan gì ở đây đâu, khép miệng lại và đi đi!”

Vì sao ư? Bởi vì khi Tổng thống sau đó nếu có việc cần quốc hội, quốc hội có thể từ chối để phản ứng lại.

Như vậy, trong nhiều trường hợp liên quan đến quốc hội, Tổng thống buộc phải có những quyết định mang tính “đổi chác”. Và rõ ràng là trong năm vừa rồi, Tổng thống có nhiều vấn đề nội bộ cần phải “nhờ vả” Quốc hội.

Lúc đầu ông nói mọi thứ có thể mặc cả được, nhưng có vẻ như rất khó tìm được sự nhượng bộ từ những nguời gây sức ép này. Nhưng chắc chắn phải có lối thoát ở đâu đó chứ, thưa ông?

Việt Nam cần phải hiểu cái cách vận hành của nền chính trị Mỹ. Thủ pháp thường được áp dụng khi phải đối mặt với những nhóm có tổ chức là thuê một công ty lobby (vận động hành lang) chuyên nghiệp. Nếu như anh tìm hiểu lại những gì Hàn Quốc đã làm vào những năm ’60 và ’70, hay Đài Loan vào những năm ’60 và ’70, của thế kỷ trước, anh sẽ thấy họ đã thuê những nhà lobby chuyên nghiệp để tác động đến các chính khách Mỹ.

Trung Quốc cũng làm vậy trong quá trình gia nhập WTO, hay gần đây nhất là Singapore khi muốn ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ.

Việt Nam có thể thuê các nhà lobby chuyên nghiệp để gây sức ép với thượng viện, tương tự như những nông dân nuôi catfish đã làm để gây sức ép lên hạ viện. Đó là cái cách mà người ta thường áp dụng để cân bằng các nhóm có xung đột về lợi ích ở Mỹ.

Giả sử kết quả đàm phán Việt - Mỹ về WTO không lạc quan như hiện tại và chúng tôi phải tìm một cách thương lượng có vẻ hiệu quả hơn là vận động hành lang. Ông có thể gợi ý cụ thể về những điều Việt Nam cần làm trong quá trình lobby?

Thế này, tháng 11 tới ở nước Mỹ chúng tôi có bầu cử hạ viện. Về nguyên tắc các ứng cử viên trong mỗi quyết định hay hành động của mình bao giờ cũng tính tới số phiếu bầu.

Người Việt Nam trong nước các bạn không tham gia bầu cử ở Mỹ, và như vậy việc gì phải tính đến phiếu bầu của Việt đúng không? Nhưng không hẳn như vậy! Tại sao ư? Nhà lobby chuyên nghiệp sẽ nói với hạ nghị sĩ ở một bang có ngành công nghiệp viễn thông phát triển: “Hãy nhìn đây, tất cả các công ty này và công nhân tại thành phố của ông, hay bang của ông, họ đang sản xuất thiết bị viễn thông xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu họ bán được hàng ở thị trường Việt Nam, họ sẽ cảm thấy hài lòng.”

"Nhưng trước khi người Việt Nam có thể có tiền mua được thiết bị viễn thông của Mỹ, phải để cho họ xuất khẩu catfish, tôm, hay hàng dệt may sang đây. Còn nếu không lợi ích của công ty và người lao động sẽ bị tổn thương”, nhà lobby có thể tiếp tục như vậy.

Vị hạ nghị sĩ kia sẽ ủng hộ cho việc Việt Nam gia nhập WTO, không phải vì quyền lợi của Mỹ, hay Việt Nam, mà bởi vì tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử và số phiếu của cử tri tại khu vực có công ty đó.

Đến gần kỳ bầu cử hạ nghị sĩ đó sẽ đến gặp gỡ công ty viễn thông đó, cũng như người lao động tại đó, và nói: “Tôi đã nỗ lực hết sức để thúc đấy vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam, và nhờ thế mà năm tới công ty các bạn có thể kiếm được hàng chục triệu đô la lợi nhuận từ việc xuất khẩu sang Việt Nam".

Kết quả là công ty cũng hài lòng, người lao động cũng hài lòng, và vị hạ nghị sĩ kia cũng hài lòng vì ông ta kiếm đủ số phiếu để tái cử.

Ông có nghĩ rằng khi Việt Nam đã kết thúc xong đàm phán song phương với Mỹ, liệu có nhiều sự cản trở từ Quốc hội Mỹ trong việc thông qua PNTR hay không?

Cái cách mà quốc hội Mỹ vận hành là một vài nghị sĩ có quyền lực có thể ngăn cản một bộ luật được thông qua. Những nghị sĩ này có thể đại diện cho những bang đang ở trong nguy cơ phải cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Rất tiếc, như tôi đã nói, là những nghị sĩ quyền lực lại đến từ những bang đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Đó là những bang miền Nam, nghèo nhất nước Mỹ, bởi họ, cũng như Việt Nam, sản xuất những mặt hàng có năng suất và giá trị gia tăng thấp như dệt may, và chế biến thực phẩm.

Nuôi catfish đỏi hỏi nhiều vốn, nhưng chế biến catfish lại đòi hỏi nhiều lao động. Thường thì các chủ trang trại Mỹ trả cho công nhân của họ 5 đô la một giờ, trong khi đó một nhà máy ở Việt Nam chỉ phải trả khoảng 30-50 cent thôi.

Những chủ trang trại này và công nhân của họ không thể cạnh tranh với catfish của Việt Nam, chính vì vậy việc Việt Nam vào WTO thực sự là một vấn đề lớn với họ.

Như vậy, Việt Nam cần phải tập trung lobby Quốc hội?

Bất cứ ai, chứ không chỉ các nghị sĩ quốc hội. Ở Mỹ chỉ có Toà án là không thể lobby mà thôi.

Nếu muốn lobby Tổng thống, bạn phải chỉ ra những lĩnh vực trong cả nền kinh tế có lợi ích với việc mở cửa thị truờng Việt Nam. Đó là ngành chế tạo máy bay (Boeing), viễn thông, xây dựng (phát triển cảng), hay chế tạo nhà máy điện (General Electric).

Quay trở lại vói những năm \'90 của thế kỷ trước dưới thời Tổng thống Clinton, chúng ta thấy có một chính sách là “bất kỳ cái gì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cũng mang lại lợi ích cho nhà nước".

Chính phủ của ông Clinton nêu ra 10 thị trường mới nổi lên, và chính sách của họ là mở cửa thị trường Mỹ cho hàng xuất khẩu từ những nước như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia...

Tôi không rõ là Việt Nam có nằm trong số 10 thị trường này không khi chính quyền Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, nhưng ý tưởng ở đây vẫn thế:

Mở cửa thị trường cho hàng hoá rẻ từ Việt Nam như giày dép, quần áo, đồ gỗ, vào Mỹ, và đổi lại vì nhu cầu mở rộng nề kinh tế Việt Nam sẽ phải cần nhiều điện, tổng đài điện thoại di động, máy bay, bến cảng, hay máy móc, và họ có thể sẽ nhập từ Mỹ.

Tất nhiên chính quyền Clinton chẳng bao giờ kiếm phiếu được từ các bang miền Nam nên họ chỉ quan tâm đến các bang có Boeing, GE, Backtown (một công ty phát triển hạ tầng lớn), công ty viễn thông, hay dược phẩm...

Còn đối với các nghị sĩ của hay California, nhà lobby có thể nói rằng: "Các nghị sĩ ở các bang miền Nam đang cố gắng ngăn cản việc Việt Nam gia nhập WTO. Ông phải là đối trọng đối với họ, để chứng minh rằng các nghị sĩ ở California và Washington không hề kém thế hơn các nghị sĩ của các bang miền Nam"...

Đón đọc:Hội nhập và cơ hội làm giàu


Hãy làm những gì các nước phát triển đang làm, chứ đừng làm những gì những nước kém phát triển hơn đang chiếm ưu thế trên thị trường. Tôi muốn nhấn mạnh một điều là, Việt Nam nghèo không phải vì người dân lười biếng, trái lại họ rất siêng năng. Nhưng điều quan trọng là lao động của họ lại kém hiệu quả, năng suất và khả năng sinh lợi thấp.


  • Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét