Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

PNHĐ6: Tài năng - đắc dụng và hai cuộc phản biện Thủ tướng

PN&HĐ: Tài năng - đắc dụng và hai cuộc phản biện Thủ tướng

Học để làm gì, tài dùng ở đâu, và câu chuyện phản biện chính sách là những lát cắt của mục Phát ngôn & Hành động tuần này

Học để làm gì?

Đó là câu hỏi mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, bất ngờ đặt ra cho các học sinh lớp 12, khi ông đến dự lễ khai giảng ở Trường PTTH Việt - Đức (Hà Nội).
Có một học sinh đã trả lời: "Theo em, học sau này để làm việc và làm chủ đất nước."
Tất nhiên, thật khó đòi hỏi một câu trả lời hay hơn trong hoàn cảnh đó. Mà chắc gì nhiều người đã trưởng thành như chúng ta, tất nhiên kể cả người viết, có thể trả lời chính xác câu hỏi này?!
Hãy lấy cách mà chỗ nọ chỗ kia người ta thực hiện mục tiêu đào tạo 20 ngàn tiến sĩ đến năm 2020 làm ví dụ.
Đưa ra mục tiêu này, rõ ràng là để bù đắp sự thiếu hụt về giảng viên có trình độ tiến sĩ trong hệ thống đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam, nhằm nhanh chóng nâng tầm công tác đào tạo và nghiên cứu ở Việt Nam lên tầm khu vực, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc công cuộc hiện đại hoá đất nước. Và học bổng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ ắt hẳn phải ưu tiên cho những ai làm trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.
Ấy thế mà cách đây 2 năm lại có chuyện ông Chủ tịch Hà Nội ký bản kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 100% cán bộ thuộc diện Thành uỷ quản lý có học vị tiến sĩ. Mặc dù sau này, trước sự phản ứng của công luận, việc này đã phải điều chỉnh lại.
Câu chuyện phong giáo sư và phó giáo sư là một ví dụ khác.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn vừa đưa ra trong bài viết nhan đề "Đề nghị cải cách chức danh giáo sư" một con số giật mình. Chỉ có 2100 trong số 9000 giáo sư và phó giáo sư được phong ở Việt Nam hiện đang công tác tại các trường đại học và viện nghiên cứu.
"Học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, liệu có giúp những người không làm công tác nghiên cứu, hay giảng dạy, cơ hội thăng tiến, hay mang lại cho họ bổng lộc gì không nhỉ, mà người ta cố giành, hay cố giữ vậy?", người viết tự hỏi.
Tự nhiên lại nhớ tới một chuyện đã diễn ra cách đây khoảng hơn 10 năm, khi người viết đưa một phóng viên Nhật Bản đến phỏng vấn ông Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội - Giáo sư Lê Văn Viện.
Trên đường về, người phóng viên Nhật Bản này cứ soi đi soi lại tấm danh thiếp của GS Lê Văn Viện, và thắc mắc: "Ông này có phải giáo sư thật không? Ông ta dạy gì ở cái sở ngoại vụ này? Ở Nhật, hay các nước khác, chỗ của giáo sư là ở trường đại học, hay viện nghiên cứu."
Người viết cứ trả lời bừa rằng chắc ban ngày ông đi làm quan chức ở Hà Nội, còn buổi tối ông lại đi dạy ở các lớp ban đêm. "Độc đáo, một mình một kiểu, thế mới là Việt Nam", người viết tỉnh bơ phán.
Phóng viên này cứ bán tín bán nghi, và chỉ thực sự tin khi sau đó được dự khán (để lấy thông tin viết bài) một buổi học về thương mại quốc tế tại trường Kinh tế Sài Gòn do thầy Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường, giảng.
Câu nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhân ngày khai giảng ở Việt  Đức: "Các em học để làm gì?"
Sống và làm việc ở nước ngoài nên GS Nguyễn Văn Tuấn hoàn toàn có thể chia sẻ được với nỗi băn khoăn của người phóng viên Nhật kể trên. Trong bài viết của mình, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng việc rất nhiều người có chức danh giáo sư, nhưng không trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu, là một điều bất bình thường.
Chính vì vậy, ông đã đề nghị nên có qui chế cho những giáo sư chính thức (đối với những người giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở đại học), giáo sư kiêm nhiệm (đối với những chuyên gia ngoài cơ sở đại học có công đào tạo nghiên cứu sinh), và giáo sư danh dự (đối với những mạnh thường quân), theo thông lệ quốc tế.
Nếu được như vậy, nếu quay lại Việt Nam, chắc hẳn người phóng viên Nhật sẽ không còn ngỡ ngàng khi thấy một quan chức tỉnh thành, thậm chí cả ở cấp cao hơn, có tấm danh thiếp ghi thêm chức danh giáo sư.
Còn em học sinh lớp 12 ơi, tất nhiên là học xong em sẽ đi làm, và sau đó làm chủ đất nước. Nhưng, theo thiển nghĩ của người viết, trước khi đủ độ chín chắn để làm chủ đất nước, em phải có năng lực làm chủ chính mình. Tức là phải học thành tài, và biết cái tài của mình dùng để làm gì.
Chẳng hạn, nếu học tiến sĩ, em phải biết có học vị tiến sĩ để làm gì?
Tài năng và đắc dụng
Viết đến đây, người viết lại nhớ tới cuộc hội thảo về chiến lược nhận tài, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức vào sáng 6.9 cũng tại Hà Nội.
Theo khảo sát của PGS.TS Đỗ Minh Cương, (Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng Cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) một trong các nguyên nhân khiến nhiều cơ quan nhà nước không sử dụng được người tài, là khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, người tài thường ra đi, vì họ chỉ là thiểu số, vì tính cách thẳng thắn, cứng rắn...
Trước đó, trả lời Vietnamnet về nạn chảy máu chất xám ở khu vực công quyền, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hoà đã chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản. Đó là lương không đủ sống, không được trọng dụng, có thủ trưởng trực tiếp năng lực kém, và môi trường làm việc thiếu cạnh tranh.
Cũng theo ông Đinh Duy Hoà, đó một thảm hoạ thực sự. Bởi vì, các cơ quan hoạch định thể chế, chính sách, pháp luật, từ nhiều năm nay không thu hút được những sinh viên giỏi. "Nay lại thêm người giỏi "dứt áo ra đi" thì làm sao có được chất lượng tốt của bộ máy", ông than.
Đối với chính sách thu hút người tài để giải quyết nguy cơ "thiếu chất xám trong hoạch định thể chế, chính sách, pháp luật", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng đã ví von rằng đừng nên bàn chuyện chiêu dụ thế nào để bắt được sư tử, mà phải mở ra những cánh rừng cho sư tử được tung hoành.
"Nếu không, sẽ không bắt được sư tử mà chỉ săn nhầm những con thú khác", ông nói.
"Những con thú khác", theo hàm ý của ông, là những kẻ cơ hội. Chứ còn những con "sư tử" là trí thức chân chính, những người có tài, có tầm nhìn đi trước, và dự đoán được các xu hướng phát triển, lại thường là những người luôn phải chịu đơn độc bởi sự đố kỵ, ghen ghét, quy chụp.
"Ngay cả chọn người ngồi cùng chiếu với mình trong một cơ quan, đơn vị, lãnh đạo cũng ngại chọn những người giỏi cãi hơn mình", ông Vũ Ngọc Hoàng nói.
Còn nhớ, trong một bài trả lời phỏng vấn VietNamNet cách đây gần 3 năm, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng đối với trí thức, vấn đề nhận thức chỉ có thể hình thành thông qua cùng trao đổi bình đẳng, chứ không thể áp đặt, và bất cứ đảng cầm quyền nào cũng cần sử dụng những tư duy vượt trước của trí thức để thúc đẩy xã hội, và cộng đồng đi lên.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương
"Nếu trí thức không có chính kiến riêng, không có tư duy độc lập, sáng tạo, vượt trước, tất nhiên là theo nghĩa cái đúng, thì không hiểu xã hội cần ở họ cái gì", ông đặt vấn đề.
Người viết những muốn khuyên em học sinh lớp 12 trường Việt - Đức, rằng em vẫn có thể học thành tài, và tìm chỗ đứng ở khu vực kinh tế tư nhân, bởi ở đó họ thực sự trọng dụng người tài. Bác Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính đã rút ra kết luận đó mà.
Và em cũng có thể trở thành người chủ của đất nước, theo cách đó. Tuy nhiên, cái đất nước em sẽ làm chủ khó có thể giầu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh được, một khi đa số những người tài vẫn chưa được trọng dụng trong hệ thống hoạch định và thực thi chính sách.
Chính phủ và phản biện
Tuy nhiên, câu chuyện nhân tài, câu chuyện vận mệnh đất nước ở thời điểm 2020, khi em học sinh đó đi làm, chưa hẳn đã ảm đạm như vậy. Ít nhất có chút cơ sở để người viết tin vào điều này.
Đó là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình bằng hai cuộc làm việc với các chuyên gia tư vấn trong nước, cách đây hơn 2 tuần, và các chuyên gia tư vấn nước ngoài, cũng vào đúng hôm 6.9.
Hai cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sau 8 tháng của năm 2011 đã đạt được "những cái nhất đáng lo ngại", theo cách nói của chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra.
Đó là lạm phát đạt mức 23% - cao nhất châu Á; VND là đồng tiền duy nhất ở châu Á giảm giá so với USD; dự trữ ngoại tệ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1994, tương đương với 8 tuần nhập khẩu, trong chiều hướng ngược lại so với hầu hết phần còn lại của châu Á; nợ nước ngoài dẫn đầu ASEAN ở mức 42% GDP; rủi ro tín dụng cao hơn gấp đôi so với các nước ASEAN khác...
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình bằng việc củng cố hệ thống các bộ phận giúp việc của Văn phòng Chính phủ - cơ quan tham mưu của các lãnh đạo chính phủ. Hồi đó, tình hình kinh tế Việt Nam cũng thuận lợi hơn bây giờ rất nhiều.
Nguyên thành viên ban nghiên cứu (của thủ tướng) Trần Xuân Giá, người đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Ngân hàng Á Châu khoảng dăm năm nay, hẳn đã rất vui sau cuộc tham vấn đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết của các chuyên gia, trong đó có ông, đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Điều đó, theo lời Thủ tướng, thể hiện qua những đề xuất, giải pháp hết sức thiết thực, nhằm giúp chính phủ xây dựng những chính sách điều hành phù hợp.
Bởi xét cho cùng, những điều mà những chuyên gia độc lập như ông đề xuất, cho dù có được gọi là "ý kiến đóng góp", thực chất vẫn là những ý kiến phản biện.
Để đi tới quyết định này, hẳn người đứng đầu Chính phủ cũng nhận ra rằng những trí thức mà ông vẫn làm việc hàng ngày thuộc biên chế các vụ chức năng trong Văn phòng Chính phủ khó có thể đóng vai trò phản biện. Bởi đơn giản là vai trò của họ là tham mưu. Hay như cách nói ở trường đại học, thầy hướng dẫn luận văn không thể đồng thời là thầy phản biện được.
Đó là chưa nói đến việc, biết đâu đấy, không ít người còn bị nhiễm cái văn hoá "đón ý cấp trên", và vì thế ngay cả việc tham mưu cũng không hoàn thành một cách trọn vẹn.
Hơn nữa, qua kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia thuộc nhóm Harvard - những người đã gửi tới bốn bản khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn 2008-2009, Thủ tướng càng có thể vững tin với quyết định vừa rồi của mình. Bản khuyến nghị được coi là có chất lượng tốt nhất chính là bản đầu tiên, được nhóm này hoàn thiện sau một buổi làm việc với một nhóm chuyên gia kinh tế độc lập của Việt Nam.
Thủ tướng gặp gỡ, hỏi ý kiến chuyên gia
Một thành viên khác của ban là ông Vũ Quốc Tuấn cho người viết biết rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mỗi khi phải đưa ra một quyết định quan trọng, đều bỏ nhiều thời gian để lắng nghe các loại ý kiến phản biện của các chuyên gia tư vấn. Từ nhóm tư vấn thuộc văn phòng chính phủ đến các chuyên gia kinh tế độc lập, như nhóm Thứ Sáu chẳng hạn.
Với hình thức tham vấn mới này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người cuối cùng vẫn phải đưa ra những quyết định quan trọng, chắc chắn sẽ có sự đánh giá toàn diện hơn hẳn so với trước đây về những tác động hai mặt của chúng, mà có những "gia giảm" cần thiết.
Và chắc hẳn, người đứng đầu ban tham mưu của Thủ tướng - Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam -, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thường xuyên những cuộc tham vấn kiểu này. Là người đã từng "qua trường Đại học Võ Văn Kiệt", như ông đã "khoe" với người viết trong cuộc gặp ở Bắc Ninh cách đây 7 năm, ông Vũ Đức Đam hiểu rất rõ giá trị của chúng.
Người viết muốn kết luận bài viết này bằng câu khái quát của ông Vũ Ngọc Hoàng đối với lý giải của Nhà Vật lý vĩ đại Albert Einstein về phản biện:
"Nhờ có phản biện nhiều chiều, mà anh nghe được nhiều chân lý tương đối để từ đó anh tìm ra một chân lý sát hơn, gần hơn, tiếp cận với lẽ đúng nhiều hơn. Còn khi anh chỉ nói mà không được nghe, người khác chỉ nghe mà không được nói, anh sẽ là người thiệt thòi hơn, bởi trong tư duy của anh chỉ có độc nhất mỗi ý kiến của mình, không có sự bổ sung đa dạng từ ý kiến của người khác. Cuối cùng, tư duy của anh sẽ chậm phát triển hơn người ta."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét