Báo chí được nhiều người trong xã hội tin, thì cũng phải có trách nhiệm lớn với xã hội, phải nêu lên những vấn đề đáng quan tâm... Bởi ngày nào cũng uống cà phê, người ta cầm tờ báo đọc chuyện cô nọ bị hiếp, anh kia bị giết, rồi bình thản bình phẩm về những nạn nhân đó. Dần dần người ta sẽ trở nên vô cảm trước những chuyện đó.
LTS: Tuần Việt Nam, trong mục "Gặp gỡ & Đối thoại" tuần này, xin được giới thiệu tiếp phần 2 của cuộc trò chuyện với Giáo sư Cù Trọng Xoay.
Thay vì những câu hỏi "xoáy", như nữ ký giả xinh đẹp Hoàng Hường đã đặt ra, để làm bộc lộ những nét hấp dẫn cần thiết cho một "ngôi sao giải trí", người nhận cây gậy tiếp sức lần này, phóng viên Huỳnh Phan, lại đưa ra những câu hỏi đơn giản và thẳng thắn, để giúp độc giả hiểu được một con người khác của Đinh Tiến Dũng - con người của một cán bộ Đoàn.
Bí thư Đoàn TNCSHCM của Tập đoàn FPT nói: "Giới trẻ rất cần hình tượng để bám vào mà sống, mà vươn lên."
Những "hình tượng" bị méo mó, hoặc "photoshop"
Theo lời Anh nói, có vẻ như giới trẻ hiện nay đang sống mà thiếu hình tượng để noi theo?
Tôi nghĩ vậy. Ngày xưa, thời chiến, Việt Nam mình làm rất tốt. Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ đẹp đến khó tả. Nói đến bộ đội là tin, nói đến bộ đội là yêu. Chắc điều này thế hệ các anh cảm nhận rõ hơn thế hệ chúng tôi nhiều. Tôi chỉ có thể cảm nhận một cách gián tiếp qua cha mẹ mình, hoặc xem lại tài liệu, mà thôi.
Nhưng bây giờ...
Bây giờ thì sao?
Anh thử nghĩ xem, hiện chúng ta có cái gì để cho giới trẻ noi theo. Có mấy chàng Hàn Quốc sang, thế là đòi vào khách sạn để tự tử cùng với họ. Thế rồi, động tí là chửi nhau, động tí là rút dao, rút kiếm ra múa, rồi "xin tí tiết" nhau...
Anh đừng có cười. Trách các em một phần thôi, chứ truyền thông của các anh cũng không phải vô can.
Xin Anh nói rõ hơn.
Giới truyền thông của các anh dựng lên những hình ảnh gì? Tôi thử ví dụ nhé.
Suốt 10 năm qua, khi FPT mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, đào tạo kỹ sư phần mềm, tuyển mãi mà chả được mấy. Đùng một cái, chúng tôi mở ra chuyên ngành quản trị kinh doanh, rồi kinh tế, số lượng nộp đơn đông nghịt.
Điều đó nói lên rằng FPT đã phải đi "đúng" theo cái hình tượng mà truyền thông xây dựng về một người thành đạt. Đó là một anh giám đốc trẻ, doanh nhân trẻ, có nhà cao cửa rộng, ô tô xịn, nói một lúc hai thứ tiếng, toàn nói những vấn đề rất rộng dài....
Hay thần tượng của không ít bạn trẻ hiện nay là những người trông nam không ra nam, nữ không ra nữ, nhảy múa hát hò những bài chả biết là thứ tiếng gì...
Hôm nọ, nhạc sĩ Phạm Tuyên có nói một câu rất đáng chú ý: "Mấy người bạn Hàn Quốc sang đây chơi có nói với tôi rằng hoá ra văn hoá Việt Nam cũng chẳng có gì khác so với văn hoá Hàn. Ra đường nhìn thấy nhiều người cũng giống Hàn Quốc, chỉ có điều hơi tóp hơn thôi."
Ông còn nói sự xâm lăng văn hoá có khi còn nguy hiểm hơn sự xâm lăng thông thường. Tôi thấy đúng quá, báo chí chúng ta, nhất là các báo điện tử, mà cứ chạy theo pageview kiểu này, chắc là giới trẻ của chúng ta nguy to.
Vâng, tôi hiểu. Nhưng báo chí thì vẫn phải có nguồn để sống, để duy trì công việc. Và lượng pageview luôn gắn với nguồn thu từ quảng cáo. Và có lẽ cách đáp ứng nhu cầu dễ dãi của độc giả, nhất là những độc giả trẻ, là cách dễ nhất để tăng nhanh pageview. Trên bó, dưới bó, khó lắm Anh ơi.
Khi làm việc với các bạn trẻ, tôi luôn nói đối với bất kỳ việc gì, luôn có hai sự lựa chọn về cách làm. Nếu chọn cách dễ thì bất cứ ai cũng làm được, hà cớ gì mà anh em chúng ta phải lao tâm khổ tứ.
Chẳng hạn thế này. Tôi lập ra mạng cộng đồng để chia sẻ những suy nghĩ với các bạn trẻ, rồi ghi lại những cảm nhận sau những chuyến đi... Tôi chia sẻ với họ cách sống, cách nghĩ của tôi. Trong cái cộng đồng trên facebook của tôi, tới 70% là các bạn trẻ tuổi từ 18 đến 24, nên tôi hết sức tránh hô hào suông.
Vậy Anh viết những gì về bản thân trên đó?
Tôi thể hiện mình một cách hết sức tự nhiên là tôi yêu nhạc, tôi cũng có tâm hồn, tôi có thể viết thơ viết văn. Mặt khác, tôi cũng có thể chơi hết mình, cũng có nhậu nhẹt, cũng mải chơi. Tôi làm việc cũng có thành công, cũng kiếm được tiền bạc...
Tức là một hình ảnh tương đối toàn diện với tư cách một con người, nhưng đời hơn, chứ không gọt dũa bớt những phần xấu xí.
Về phần này, công nghệ của Mỹ làm rất tốt. Anh cứ xem phim Mỹ, phần xây dựng hình tượng họ làm rất tốt. Họ tạo cảm hứng cho người xem cảm thấy con đường của mình, bởi xuất phát điểm từ những gì rất là gần gũi, sau đó mới lên tới những thành công. Chứ không oạch một phát là thành công ngay.
Nói cách khác, nó làm cho người ta thấy rõ cái đường dẫn đấy, và những người ở mức bình thường nhờ đường dẫn đấy hoàn toàn có thể thành công được.
Tôi cũng có nhận xét như vậy. Chính cái sự "gọt dũa" khi xây dựng hình tượng trên truyền thông khiến cho những người bình thường cảm thấy khó có thể đi trên con đường đó được. Lỗi của truyền thông là một chuyện, nhưng ngay cả những người đã thành công, khi kể lại câu chuyện của mình, dường như cũng rất thích photoshop lại con đường đó.
Anh dùng từ "photoshop" rất chuẩn. Ngay các bậc trưởng lão khi nói chuyện với giới trẻ luôn có một câu cửa miệng "ngày xưa thế nọ...", "ngày xưa thế kia..."
Cái "ngày xưa" của các cụ liệu có giúp được gì nhiều cho con đường sắp tới của thế hệ chúng tôi hay không? Hay chỉ giúp chúng tôi khi chúng tôi đi lại cái con đường họ đã đi? Và liệu có còn con đường y như cũ hay không?
Bản thân tôi nhiều khi rất chống chếnh trên con đường mới của mình, và rất muốn có một đàn anh đi trước, nhưng không cách xa tôi lắm, để hỏi, để xin lời khuyên. Các bạn trẻ bây giờ cũng vậy, bản lĩnh có khi còn kém hơn, nên chuyện chọn lựa những cái dễ dãi để noi theo cũng là dễ hiểu.
Nhưng điều đáng ngại nhất là giới trẻ hiểu đó là điều mặc định, xã hội đã qui định thế rồi.
Còn các bậc trưởng lão thì chỉ phán một câu xanh rờn: "Xã hội bây giờ hỗn loạn, nhiễu nhương quá, loạn giá trị quá..." Nhưng bản thân các vị trưởng lão đó lại ngồi khoanh tay, mà không góp sức vào việc tạo ra một giá trị mới phù hợp với thời đại mới. Vậy nên hiểu họ thế nào đây?
GS Xoay và Bí thư Đoàn Dũng ĐT trong nỗ lực xây dựng hình tượng mới
Anh nói đúng. Vậy, về phần mình, Anh đang cố làm gì để tạo ra cái giá trị mới cho giới trẻ?
Tôi rất nhiệt tình tham gia các công tác bên ngoài, bởi tôi thực sự muốn xây dựng một hình ảnh cho giới trẻ thật tốt. Việc tham gia vào ngành giải trí cũng cho tôi một sự quen biết rộng hơn, một cú tăng tốc tốt.
Tôi lập ra địa chỉ ở Facebook có tên là "Giáo Sư Xoay" cũng một phần vì lý do đó. Tôi hoàn toàn có tiếng nói trong cái cộng đồng facebook của mình, hay trong giới sinh viên.
Tôi nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa, phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình hơn nữa. Bởi, có thể tôi không phải là một hình tượng của giới trẻ, tôi vẫn có thể vạch ra một con đường để các bạn trẻ cùng đi với tôi.
Anh nghĩ điều gì quan trọng nhất đối với một hình tượng được công nhận?
Có thể mắc sai lầm, chứ không phải cái gì cũng đúng. Cũng có thể có nhiều thất bại, vấp ngã, chứ không phải toàn thành công. Nhưng có một điều không thể thiếu - đó là phải có cái tâm sáng, cái tâm muốn phục vụ cho xã hội, cho cộng đồng.
Trên facebook, hình thức Anh trao đổi với các bạn trẻ như thế nào?
Nguyên tắc bất biến của tôi là không thoả hiệp. Thứ hai, những vấn đề quá lớn tôi tránh không trao đổi.
Các bạn trẻ thường quan tâm đến những vấn đề gì?
Thường có 3 dạng câu hỏi.
Thứ nhất là dạng câu đánh đố. Dạng thứ hai là toàn những câu hỏi ngây thơ, bởi người hỏi ngây thơ thật. Dạng thứ ba là hỏi để cho vui.
Nếu hỏi nghiêm túc, tôi trả lời rất nghiêm túc, rất trách nhiệm. Hỏi cho vui, tôi trả lời vui. Còn hỏi đánh đố, tôi cũng không mất thời gian để trả lời, mà cố xoay lại thành câu hỏi để đánh đố lại người hỏi, hoặc đặt ra một bài toán khác để đánh lạc hướng.
Thế nhưng, chuyện giao lưu của tôi với các bạn trẻ không chỉ dừng ở cái cách phần nào thụ động đó. Tôi vẫn chủ động cung cấp "thức ăn" để "nuôi" số lượng các bạn trẻ truy cập vào trang facebook của tôi. Đó là các bài viết.
Tôi luôn đưa thông tin một cách tưởng như rất vô tình thôi. Chẳng hạn, hôm nay vừa ra chụp ảnh tàu hải quân, đứng chơi với một anh lính hải quân, và trao đổi với anh ấy chuyện nọ chuyện kia... Trong lúc đất nước đang có vấn đề này nọ, rõ ràng tình yêu đất nước không được phép mù quáng mà phải rất tỉnh táo.
Về việc xây dựng hình tượng trên truyền thông, Anh có gợi ý gì không, từ những trải nghiệm của riêng mình?
Tôi có người em làm hoạ sĩ, cậu ấy nói làm hoạ sĩ cũng phải có độ "kiêu" nhất định. Tức là không thoả hiệp. Chứ khách hàng thì đa dạng, và thuộc nhiều tầng văn hoá lắm. Nếu cứ chiều theo họ thì sản phẩm của mình, cho dù họ vẫn là người mua, sẽ không còn dấu ấn riêng của mình nữa.
Theo tôi nghĩ, nghề báo của các anh cũng vậy, vẫn phải quan tâm đến pageview để tự tồn tại mà hành nghề tiếp tục, nhưng vẫn phải cung cấp cho độc giả những thứ tốt nhất, tử tế nhất. Rồi cuối cùng họ sẽ hiểu. Năng lực phải đi cùng với trách nhiệm chứ.
Tức là sao...?
Thì báo chí được nhiều người trong xã hội tin thì cũng phải có trách nhiệm lớn với xã hội, phải nêu lên những vấn đề đáng quan tâm chứ không phải chỉ đưa những loại thông tin "cướp, giết, hiếp", hay "lộ hàng, lộ hoá"... Nó làm băng hoại xã hội đi.
Bởi ngày nào uống cà phê, người ta cầm tờ báo đọc chuyện cô nọ bị hiếp, anh kia bị giết, rồi bình thản bình phẩm về những nạn nhân đó. Tôi nghĩ dần dần người ta sẽ trở nên vô cảm trước những chuyện đó.
Con đường mang tên Đinh Tiến Dũng
Ở cái tuổi 30 mà Anh đã làm được nhiều việc, đã khá nổi tiếng. Anh có thể chia sẻ với các độc giả Tuần Việt Nam, nhất là các độc giả trẻ, những trải nghiệm "không photoshop" của mình được không?
Tôi là người đến sau trong nhiều lĩnh vực, nên, thú thực, nhiều khi cảm thấy rất tự ti. Nhưng có một lần, tôi được nghe câu nói của Napoleon, và từ đó tôi tự tin lên rất nhiều, và đã giành được không ít thắng lợi.
Câu thần chú gì hay vậy?
Đó là người chiến thắng không phải người rút gươm ra trước, mà là người tra gươm vào vỏ sau cùng.
Lý do vì sao Anh thi vào Đại học Nông nghiệp?
Tất cả khu tôi ở (khu y tế dự phòng ở Nam Định) đều là con cái bác sĩ hết. Vì vậy, bọn trẻ chúng tôi không có nhiều lựa chọn, tức là đầu cấp 3 là phải hướng theo khối B rồi.
Riêng tôi, tôi thích cây cối, thích trồng trọt trong chậu từ bé. Nên lúc lựa chọn ngành nghề, tôi chọn cả hai trường là Y Thái Bình và Đại học Nông nghiệp. Tôi đỗ cả hai.
Vậy tại sao Anh lại chọn Đại học Nông nghiệp?
Khi báo kết quả, tôi vừa đúng khít điểm đỗ Y Thái bình. Trong khi đó, điểm thi của tôi vào Đại học Nông nghiệp lại là thủ hoa, hay á khoa gì đó.
Thế là, chọn ngành nông nghiệp. Vừa có tí Mr. Oai, lại xa nhà đỡ bị phụ huynh quản lý.
Thời học đại học, Anh học hành có dễ dàng không?
Tôi được giao làm lớp phó phụ trách học tập. Thế rồi chủ quan, chơi bời thoải mái, đến lúc thi trượt ngay một môn. Trắng mắt ra, lại học nghiêm chỉnh, lại có học bổng.
Thế tại sao Anh lại không theo nghề kỹ sư nông nghiệp?
Cũng do không quá thách thức, nên tôi học cũng không chuyên tâm. Đến khi đi thực tập, làm việc với nông dân, tôi mới thấy nếu tôi mà làm kỹ sư nông nghiệp thì làm hại cho nông dân nhiều hơn là giúp ích cho họ.
Thế là tôi đã quyết định chọn một việc mà mình chắc chắn là có năng lực tốt và làm tốt. Tôi đã về Trung ương Đoàn (Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh).
Tại sao lúc đó Anh lại tin rằng mình làm công tác Đoàn tốt hơn? Kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn ở Đại học Nông nghiệp?
Còn hơn thế nữa. Tôi là một cán bộ thanh niên có tiếng tăm ở Thành Đoàn và cả Trung ương Hội Sinh viên nữa...
Tôi còn tham gia nhiều hoạt động lắm, cả những hoạt động từ thiện ở vùng sâu vùng xa. Cũng có nhiều thành công, đoạt nhiều giải thưởng và bằng khen.
Và đó là lý do vì sao khi ra trường, Trung ương Đoàn họ mời tôi ngay.
Khi bắt đầu tham gia công tác Đoàn ở trường, Anh nghĩ gì?
Có nghĩ gì đâu. Vì vui thôi. Cũng như tham gia hát hò, kịch cọt, vẽ vời ấy mà. Vào một ngày đẹp trời, lúc tôi vẫn đang học năm thứ nhất, có một vị đến bảo tôi có muốn làm phó chủ tịch Hội Sinh viên trường không. Làm thì làm, tôi ngại gì bố con thằng nào.
Có điều này, tôi chỉ nói riêng với Tuần Việt Nam thôi nhé. Thực ra, nhận lời làm lãnh đạo sinh viên tôi cũng có chút tính toán vụ lợi. Chả là, tôi phát hiện ra trong kho của trường có bộ trống cũ, mà tôi lại rất thích chơi trống. Chỉ có ở cương vị mới, tôi mới có quyền lôi bộ trống đó ra, và khôi phục lại ban nhạc của trường.
Nhiều người cho rằng bây giờ hướng sinh viên vào các hoạt động lành mạnh rất khó, bởi tác động tiêu cực từ xã hội vào trường học quá mạnh. Anh có nghĩ vậy không?
Cũng không hẳn là khó, nếu người lãnh đạo biết cách.
Chẳng hạn, trường tôi rộng lắm. Cứ đến Tết là lắm chuyện. Mỗi nhóm một góc nhậu nhẹt, đánh nhau, đốt pháo... Nhà trường thì lo sốt vó.
Tôi nghĩ đơn giản thôi: Sinh viên ai mà không quậy. Tôi cũng rất quậy mà.
Tôi tổ chức một chương trình đón giao thừa lần đầu tiên cho sinh viên toàn trường, kéo dài tới tận 1 giờ sáng. Đầy đủ trò, từ hát hò, nhảy múa, đến giao lưu...
Đèn sáng trưng, đội xung kích đứng khắp nơi, có muốn quậy phá cũng không làm gì được.
Tức là thay vì đi theo dõi cấm đoán, ngăn chặn, ta phải tổ chức cho họ một hoạt động với cùng mục đích, nhưng dưới hình thức khác, lành mạnh hơn, bổ ích hơn, cho họ?
Đúng vậy. Làm sao mà đi theo ngăn chặn, cấm đoán được mãi. Sức trẻ hừng hực mà, giập chỗ này, họ quậy chỗ khác. Điều quan trọng là làm sao phải có chỗ để năng lượng đang tích tụ trong người họ có chỗ được xả ra một cách lành mạnh nhất.
Hơn nữa, cũng vì tổ chức lại hoạt động cho sinh viên mà an ninh trường tôi yên hẳn. Chứ, trước đó, trai làng thường vào chiếm sân bóng, chòng ghẹo các nữ sinh viên, mà nam sinh viên chẳng dám làm gì. Khi có đội xung kích do chúng tôi lập ra làm nòng cốt, sinh viên tự tin hẳn lên. Sau một số va chạm, trai làng thấy chúng tôi đoàn kết và thể hiện rõ bản lĩnh đã không dám vào quậy phá, làm càn nữa.
Ngoài hoạt động tình nguyện, nghe nói Anh còn tham gia viết kịch cho hội diễn từ hồi sinh viên?
Đúng thế. Năm 2001 là năm thành công rực rỡ của tôi. Một vở kịch của tôi giành giải vàng của ba hội diễn. Hoành tráng lắm.
Cảm giác lúc đó ra sao?
Lâng lâng trong cảm giác mình là ngôi sao, mà ngôi sao sáng chói nữa chứ. Anh tính mới sinh viên năm thứ hai mà được ngần ấy thành công, có mà thoát đằng trời cái bệnh ngôi sao.
Tôi cũng nghe nhiều đến bệnh này, nhưng triệu chứng của nó thế nào, Anh nhỉ?
Thì trước khi đi đâu lo lo lắng lắng, cũng ngắm ngắm vuốt vuốt. Mình là người của công chúng mà.
Thứ hai là không nhận làm những việc nhỏ nữa, bởi mình đã quá to rồi. Chẳng hạn, mời đi dự đại hội Đoàn của lớp, quên đi nhé.
Thế căn bệnh này kéo dài có lâu không? Vì sao lại chữa trị được?
Cũng mất đến 2-3 tháng ấy, chứ chẳng ít. Rồi tôi cũng lờ mờ nhận ra là mình đang tự bó hẹp mình lại. Không đi, không tiếp xúc, là không biết nhiều điều mới.
Nhưng nguyên nhân trực tiếp làm cho tôi tỉnh ngộ thực sự là một trận mắng té tát của một thầy giáo, và cũng là đàn anh của tôi. Phải nói là chửi thì đúng hơn. Và tôi nhận thấy mình sai quá, ngu quá.
Sau này ra tiếp xúc với sinh viên, hay nhân viên mới của FPT, thấy phần lớn các bạn thích làm những việc rất to, và nghĩ rằng mình phải làm những việc to mới xứng tầm, tôi lại nhớ lại những ngày đó. Và tôi nói với các bạn đó rằng nên quan tâm đến những việc nhỏ, bởi nhiều việc nhỏ góp lại thành việc to.
Khi về Trung ương Đoàn, anh được phân công làm gì?
Tôi được phân công làm chuyên viên Ban Thanh niên - Trường học của TW Đoàn. Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thì làm uỷ viên ban chấp hành, nay tốt nghiệp rồi thì lại bị "giáng chức" thành chuyên viên.
Suốt ngày soạn công văn giấy tờ, biên soạn bản tin tình nguyện, đi dạy kỹ năng cho các cơ sở Đoàn. À quên mất hai nhiệm vụ quan trọng nhất là lấy báo và pha trà.
Sau 9 tháng 10 ngày, tôi mới được ký hợp đồng chính thức.
Nghe cái giọng của Anh, dường như đã có một sự hụt hẫng ghê gớm. Có phải vì vậy mà Anh lại dứt áo ra đi không?
Đúng là có sự hụt hẫng. Nhưng là cảm giác của một người chơi game khi thắng xong. Bao công phấn đấu để đạt được hợp đồng, nhưng khi có hợp đồng rồi, tôi lại nghĩ: Chẳng lẽ đây là chỗ của mình ngồi trong nhiều năm nữa?
Cùng lúc đó, tôi gặp lại anh Trương Quý Hải, như một định mệnh. Gặp nhau từ năm 1999 khi tham gia Thành Đoàn, gặp lại vào năm 2005, anh Trương Quý Hải lại rủ tôi về FPT.
Anh được phân công nhiệm vụ gì khi về FPT?
Phát triển Đảng, anh ạ. Nhưng, có lẽ tôi không được "mát tay" lắm, khi, sau một năm rưỡi, tôi phát triển thêm cho đảng bộ FPT thêm được đúng một Đảng viên. Vả lại, cũng có lẽ do phần lớn thời gian tôi dành cho công tác văn hoá văn nghệ.
Và Anh lại bị điều chuyển...?
Thì đã hẳn. Nhưng tôi được trao một cơ hội khác thì đúng hơn. Đó là phụ trách mảng phát triển thương hiệu. Đó là một thời gian rất hữu ích với cá nhân tôi, bởi suốt thời gian đó, tôi phải đọc nhiều hơn là làm. Tôi phải học về xây dựng thương hiệu, xây dựng hình tượng...
Giới trẻ cần được thừa nhận, tin tưởng và bao dung
Có phải đó là lý do Anh nghĩ nhiều đến hình tượng cho thanh niên không?
Có lẽ đúng như vậy. Và rất may là tôi lại được "đi thực tế", khi được phân công về Đại học FPT năm 2007. Thời gian 2 năm rưỡi ở Đại học FPT đã giúp tôi kiểm nghiệm nhiều điều trong việc xây dựng hình tượng cho thanh niên, sinh viên.
Nếu nói một cách ngắn gọn về môi trường ở FPT, nơi mang lại cho Anh khá nhiều thành công, Anh sẽ nói thế nào?
Gói gọn trong 6 chữ: "Thừa nhận, tin tưởng, bao dung". Có được thừa nhận, có được tin tưởng, thì những người trẻ như tôi mới dám liều thực hiện những ý tưởng của mình chứ. Có được bao dung thì sau khi sai lầm, thậm chí vấp ngã, mới có cơ hội đứng dậy mà làm lại chứ.
Lý do Anh rời TW Đoàn là do cái vai của một chuyên viên, mà tiêu chí cao nhất là sự cần mẫn, không phù hợp với một con người hoạt bát, lắm ý tưởng và ưa bay nhảy như Anh? Dường như Anh chỉ thành công ở cương vị thủ lĩnh, chứ không phải ở vị trí kẻ thừa hành?
Cũng có thể là vậy, tôi chẳng rõ lắm.
Nhưng, cũng còn một lý do khác. Anh tính lương có 542 ngàn, thuê nhà hết mất 400 ngàn rồi. Phải làm thêm đủ thứ mới đủ sống.
Nên, nghĩ lại, lý do thực sự khiến tôi ra đi là vì tôi muốn hanh thông, muốn sống vui, sống khoẻ, muốn nhanh chóng có nhà riêng.
Thời làm TW Đoàn, Anh có cảm thấy mất tự tin hay không?
Ý anh là thế nào?
Tức là con người ta mất tự tin khi không thể hiện được những điểm mạnh nhất của mình.
À. Cái làm tôi mất tự tin nhất là tính cách của tôi không được thừa nhận. Làm chính trị thì phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, mà tôi thì thích sự thẳng thắn, tính phổi bò, thậm chí hơi ngang tàng một chút.
Tôi đã hết tuổi Đoàn từ lâu rồi. Nhưng, qua theo dõi, tôi thấy dường như hoạt động Đoàn nói chung vẫn không khác thời của tôi là mấy. Tức là có gì đó quá nghiêm túc, quá mô phạm, quá "ông cụ non, bà cụ trẻ".
Chính vì vậy, họ khó tập hợp được thanh niên, vốn ưa sôi nổi, trẻ trung, đôi khi hơi ngông cuồng một chút. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi cũng không rõ lắm. Kinh nghiệm của tôi ở Đại học Nông nghiệp, hay sau này là Đại học FPT, cho thấy để làm tốt công tác Đoàn ở môi trường sinh viên phải có sự bao dung nhất định. Tính tuổi trẻ là thế, thích xù lông xù cánh, tỏ ra tinh tướng, nói năng có khi hơi nghịch nhỉ, nhưng bản chất của họ là hướng thiện. Người xét nét thì chắc chắn sẽ thấy ngứa mắt, rồi dẫn đến định kiến.
Tôi nghĩ rằng nếu sinh viên cần một thủ lĩnh tôi cũng làm thủ lĩnh được, họ cần một đại ca thì tôi cũng làm đại ca được.
Theo Anh một thủ lĩnh của sinh viên, hay thanh niên nói chung, cần những phẩm chất gì?
Thứ nhất là dám làm dám chịu. Bởi người trẻ rất cần sự công bằng, và họ đánh giá cao sự chịu trách nhiệm.
Thứ hai là phải hiểu họ, hoà cùng với họ, nhưng luôn phải vượt trên họ một cái đầu. Thế mới xứng làm thủ lĩnh chứ, mới tập hợp được họ chứ.
Có bao giờ Anh nghĩ sẽ quay trở lại TW Đoàn, nhưng với vị trí lãnh đạo không?
Cái gì mà gắn với thanh niên, sinh viên một cách hiệu quả nhất là tôi sẽ tham gia.
Hiệu quả nhất là thế nào? Tôi chưa hiểu ý Anh.
Tức là nếu tôi cảm thấy môi trường của TW Đoàn phù hợp để tôi phát huy hết khả năng của mình, tôi sẵn sàng từ bỏ mức lương hấp dẫn ở đây để về đóng góp vào phong trào Đoàn.
Tôi tin rằng mình có thể làm tốt, nếu có môi trường tốt. Bởi tôi đã có trải nghiệm làm công tác Đoàn với nhiều đối tượng khác nhau, từ môi trường đại học đến môi trường doanh nghiệp. Rồi trong cuộc đời cũng giao du, va chạm với thanh niên thuộc nhiều giai tầng khác nhau.
Xin cám ơn Anh vì những câu trả lời thẳng vừa rồi.
Sở dĩ tôi hỏi Đinh Tiến Dũng câu hỏi cuối cùng đó, bởi vì tôi chợt nhớ lại một tuyên bố nổi tiếng cách đây gần một thập kỷ rưỡi của một nhân vật khác từ FPT. Năm 1997, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu là Trương Đình Anh, đã nói: "Ước mơ của tôi là trở thành thủ tướng năm 40 tuổi." Lúc đó, Trương Đình Anh cũng trạc tuổi của Đinh Tiến Dũng bây giờ.
Tuy nhiên, dường như Trương Đình Anh đã không thể hiện những nỗ lực cần thiết để thực hiện ước mơ của mình. Hơn nữa, dường như các điều kiện về thể chế cũng cũng không ủng hộ ông. Và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Nước CHXHCN Việt Nam vẫn chưa có tiền lệ đón nhận một vị thủ tướng ở tuổi 40.
Mặc dù vậy, không thể nói ông không thành công. Ở tuổi ngoài 40, Trương Đình Anh đã trở thành "Tể tướng" ở một Vương quốc khác - Vương quốc FPT.
Còn con đường đi của Đinh Tiến Dũng có vẻ như rất đúng theo "cái đường dẫn", theo cách nói của Anh, để trở thành một thủ lĩnh Đoàn. Hơn nữa, ở lĩnh vực hoạt động Đoàn Bí thư Thứ nhất TW Đoàn Võ Văn Thưởng đã tạo ra một tiền lệ tốt, khi nhậm chức ở tuổi 36.
Nếu được như vậy, hoàn toàn có thể hy vọng rằng, sau 10 năm nữa, các Đoàn viên (TNCS HCM) sẽ có một thủ lĩnh mới, một người hiểu giới trẻ và luôn hoà cùng với họ, một người dám làm dám chịu, và, quan trọng hơn, biết thừa nhận, tin tưởng và bao dung họ.
Và, thú vị nhất, đó là một thủ lĩnh Đoàn "rậm ria", hay chơi guitar...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét