Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Wilfred Burchett - một huyền thoại gây tranh cãi

Theo George Burchett, con trai nhà báo Wilfred Burchett, ông, ở mức độ nào đó, đã có một vai trò tương tự như anh chàng đồng hương Julian Assange của Wikileaks. Tức là ông đã tung ra những tư liệu mà trước đây mọi người đều không biết. Về Trung Quốc của Mao Trạch Đông, về Bắc Việt Nam, về Pathet Lào, về Mặt trận Dân tộc Giải phóng... Có điều khác biệt là những thứ Burchett tung ra đều do chính ông thực hiện qua những chuyến đi của mình.

LTS: Tháng 8.1945, vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, trong khi các nhà báo quốc tế, tập trung ở Tokyo, đang mải chờ đợi sự kiện Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, thì có một người lặng lẽ lên tàu đi Hiroshima. Đó là Wilfred Burchett, một phóng viên Úc đang viết cho tờ Daily Express có trụ sở ở London (Anh).
Wilfred đã nhận được tin về vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Trên chuyến tàu ông đi Hiroshima, hành khách toàn là các sĩ quan quân đội Nhật Hoàng, và họ đã từng tìm cách ngăn ông lại. Nhưng Wilfred vẫn tới nơi, và phóng sự của ông đã gây ra một tiếng vang lớn trong dự luận thế giới.
Với riêng Wilfred, đó là sự mở đầu cho một phong cách làm báo của riêng ông -luôn đứng tách ra một góc riêng, hoặc tìm một con đường riêng, để tiếp cận và phản ánh sự thật. Chính điều đó cũng gây không ít tai tiếng cho ông, và gây không biết bao trở ngại cho ông và gia đình ông.
Hôm qua, 14.9.2011, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), đã khai mạc cuộc triển lãm ảnh "Wilfred Burchett và Việt Nam'", giới thiệu 100 bức ảnh do Wilfred chụp tại VN trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Theo họa sĩ George Burchett, người con trai thứ hai và cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển lãm này nói riêng, và chịu trách nhiệm về việc thu thập, quản lý và khai thác những di sản của ông nói chung, ở phương Tây có hai luồng ý kiến chính đánh giá về Wilfred Burchett.
Những người bảo thủ thì cho ông là một kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí ngay tại quê hương ông, cả một thời gian dài những người này coi ông là "Kẻ thù số Một của công chúng", và suốt 17 năm từ chối cấp lại hộ chiếu cho ông.
Những người cấp tiến thì lại tỏ lòng biết ơn vì ông đã "mở mắt" cho họ về một thế giới mà họ chưa từng được biết - thế giới của những người Cộng Sản. Đặc biệt, ông là nhà báo phương Tây đầu tiên cung cấp những thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam từ "phía bên kia", tức là phía Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Wilfred Burchett, khi viết về chiến tranh Việt Nam, đã làm được những điều mà hiếm người làm được. Đó là gặp phỏng vấn được những nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, Sihanouk, Suphanuvong... Hay viết về những vùng núi hẻo lánh ở Thượng Lào, về khu vực sông Mekong, về Pathet Lào, về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...
Có thể nói ông đã góp phần quan trọng giúp châu Âu, cả Đông Âu lẫn Tây Âu, hiểu rõ về từng nước Đông Dương, chứ không không phải đơn giản là khu vực Đông Dương như cách gọi của người Pháp.
Sự thống nhất ý kiến duy nhất của hai phe cấp tiến và bảo thủ nằm ở thực tế là ông đã để lại một di sản khổng lồ gồm hơn ba chục cuốn sách, trong đó có khoảng mươi cuốn viết về Việt Nam, được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng trên thế giới.
Với gia tài hàng ngàn bài báo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, có lẽ ông và một nhà báo khác cũng đến từ châu Đại dương (New Zealand) là Peter Arnett xứng đáng được coi là những huyền thoại về báo chí chiến tranh, nhất là Chiến tranh Việt Nam. Mặc dù, họ đưa tin về cuộc chiến từ hai phía đối diện nhau.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Huỳnh Phan và George Burchett, diễn ra cách đây 1 năm nhằm chuẩn bị cho sự kiện này.
Ý thức được rằng chủ đề Wilfred Burchett đã được truyền thông Việt Nam khai thác khá nhiều và đã từ khá lâu, cũng như trước cuộc gặp gỡ này George Burchett đã được một nhà báo nói tiếng Anh giọng Mỹ của VTV "tra tấn" suốt 2 tiếng đồng hồ về toàn những vấn đề quan trọng, Huỳnh Phan chỉ hỏi những điều vụn vặt bên lề.
Mặc dù, người thực hiện cuộc trò chuyện này vẫn có một hy vọng nhỏ nhoi là, biết đâu đấy, những câu trả lời của George Burchett vẫn có thể cung cấp cho độc giả của Tuần Việt Nam thêm một vài thông tin mới thú vị.
George Burchett và nhà báo Nguyễn Văn Vinh - người bạn và cộng sự đắc lực trong việc tổ chức cuộc triển lãm về Wilfred Burchett
Lý do ông đến Việt Nam lần này?
Tôi được Liên hiệp các Hội Hữu nghị với nước ngoài mời sang Việt Nam nhân kỷ niệm 65 nền độc lập của Việt Nam.
Nghe nói ông sinh ra ở Hà Nội?
Đúng vậy. Năm 1955, một năm sau khi Hiệp định Geneva được ký kết.
Tại sao cha mẹ ông lại có mặt tại Hà Nội vào thời điểm đó?
Cha tôi đưa gia đình vào Việt Nam để chờ đưa tin về cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, theo tinh thần hiệp định Geneva, và viết 1 cuốn sách về một Việt Nam mới, từ vĩ tuyến 17 trở lại. Cuốn sách này được xuất bản tại Hà Nội, và hiện rất khó tìm. Đó là một cuốn sách hay về sự khởi đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với những vấn đề nổi cộm lúc đó như cải cách ruộng đất, những vấn đề hậu thuộc địa...
Wilfred Burchett ở lại Hà Nội bao lâu?
Gia đình chúng tôi ở Hà Nội đến năm 1957, trước khi sang Moscow và ở đó đến năm 1965. Em gái tôi ra đời ở Moscow năm 1958.
Gia đình ông có cuộc sống giống như dân du mục?
(Cười) Đúng vậy. Anh trai tôi sinh năm 1953 ở Bắc Kinh. Trước khi đến Hà Nội, Wilfred sang Trung Quốc. Ông muốn chứng kiến Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.
Tại sao Wilfred không chọn Paris, hay London, mà là Moscow? Ông vẫn viết cho báo phương Tây cơ mà.
Cha tôi đã bị mất hộ chiếu Anh (lúc đó mọi công dân Úc đều được cấp hộ chiếu Anh) và ông bị từ chối cấp lại. Vì thế, chính phủ Việt Nam đã cấp cho ông cái giấy thông hành (laissez-passer), và ông chỉ được phép đi lại giữa các nước trong phe XHCN. Ông muốn sang Moscow để tìm hiểu về hệ thống XHCN ở Đông Âu, và có thể hành nghề như một phóng viên quốc tế. Chỉ đến năm 1967, ông mới được cấp lại hộ chiếu. Có điều đó là hộ chiếu Cuba, do đích thân Phidel Castro cấp.
Thú vị nhỉ? Câu chuyện đầu đuôi ra sao?
Khi Wilfred đến gặp Chủ tịch Castro, ông hỏi luôn: "Tôi muốn được xem tấm hộ chiếu của ông. Nghe nói nó rất đặc biệt."
Wilfred đáp lại: "Tôi để ở khách sạn, vì nó quá to để có thể đút trong túi áo veston."
Chủ tịch Castro nói: "Nếu ông muốn, tôi có thể cấp cho ông một cuốn hộ chiếu nhỏ hơn, để có thể bỏ trong túi áo."
Mấy ngày sau, Wilfred có tấm hộ chiếu Cuba.
Khi nào thì Wilfred được nhận hộ chiếu Úc?
Năm 1972, khi Công Đảng đã lên cầm quyền.
Thế còn ông?
Tôi nhận được hộ chiếu Úc, tấm hộ chiếu đầu tiên vào năm 1970, tại Paris.
Sau Moscow, gia đình ông lại tiếp tục chuyển đến đâu?
Chúng tôi sang Phnompenh năm 1965, và ở đó đến 1969. Lúc đó, Mỹ đã đưa quân vào miền Nam Việt Nam, và Wilfred muốn ở gần nhất với nơi diễn ra cuộc chiến. Wilfred đã nhiều lần bí mật vượt qua biên giới giữa Campuchia và Việt Nam để vào vùng giải phóng. Vào một trong những chuyến đi như vậy, ông đã phỏng vấn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nguyễn Hữu Thọ.
Vả lại, Wilfred đã quá ngán mùa đông lạnh lẽo ở Moscow.
Ông nhớ nhất điều gì trong thời gian 4 năm ở Phnompenh?
Khi rời Phnompenh qua Paris, chúng tôi có để lại chiếc van cũ cho Đại sứ quán Việt Nam tại đó. Khi xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol vào tháng 3.1970, tôi tình cờ nhìn thấy nó trên tấm ảnh bìa của Newsweek. Có điều, nó bị lật ngửa và đang bốc cháy.
Còn người lái chiếc xe đó bị đánh cho tơi tả, trước khi bị trục xuất về Việt Nam.
Sao anh biết?
Ông ta là hàng xóm với nhà tôi. Con trai cả của ông ấy là bạn thân của em trai tôi.
À, thế lần đầu tiên anh đọc sách của cha anh viết về Việt Nam là khi nào?
Trong thời gian ở Phnompenh. Cuốn sách có tiêu đề là "Việt Nam sẽ chiến thắng".
Nói thật là đối với một cậu bé 14 tuổi như tôi, lúc đọc thấy nó buồn tẻ lắm. Bởi có quá nhiều chính trị và súng đạn. Sau này, khi đã hiểu biết hơn, tôi mới thấy nó hay thực sự.
Cha ông viết tổng cộng bao nhiêu cuốn sách về Việt Nam?
Khoảng mươi cuốn, trong số tổng cộng hơn ba chục cuốn sách trong cả cuộc đời làm báo của ông. Ông quan tâm đến nhiều chủ đề, nhưng Việt Nam luôn là chủ đề trọng tâm. Ông luôn nói Việt Nam là nỗi đam mê trọn đời của mình.
Những gì ông viết có ảnh hưởng tới dư luận thế giới trong cách nhìn nhận về Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và cuộc chiến do họ tiến hành. Bởi ông là người đi đầu trong việc đưa cuộc chiến này ra ánh sáng công luận thế giới. Ngay từ khi cuộc chiến vẫn đang còn bí mật, từ hoạt động cố vấn, huấn luyện của CIA cho quân độ Sài Gòn đầu những năm 60, cho đến khi Mỹ chính thức đưa quân vào Việt Nam năm 1965.
Ông đã nhiều lần tới vùng ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc, hay biên giới Lào - Việt, nhưng không thâm nhập vào vùng đất do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Bởi nếu gặp họ, ông sẽ bị bắn ngay lập tức.
Sau đó, ông viết cuốn sách với tiêu đề "Inside the Guerilla War", là kết quả của hàng tháng trời nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Cuốn sách này đã có tác động rất lớn ở Mỹ và phương Tây nói chung, bởi lần đầu tiên sự kháng cự kiên cường và mãnh liệt của "phía bên kia" được mô tả rất kỹ.
Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội (Ảnh do con trai Nhà báo Wilfred Burchett cung cấp)
Wilfred là nhà báo gốc phương Tây đầu tiên đưa tin về cuộc chiến từ phía miền Bắc?
Không còn nghi ngờ gì nữa. Bertrand Russell, nhà triết học nổi tiếng người Anh (đoạt giải Nobel 1966) đã nhận xét rằng chính Wilfred Burchett, với các bài viết của mình, đã đưa "chúng ta" can dự vào Việt Nam. Ý ông nói là phong trào phản chiến trên thế giới đã bắt đầu từ đó.
Tôi không đếm được chính xác số bài báo ông đã viết về Việt Nam, nhưng chắc chắn phải là con số hàng ngàn. Hãy hình dung rằng trong suốt 25 năm, tuần nào ông cũng có bài cho một tờ báo ở New York có tên là "Guardian". Và các tờ báo lớn như New York Times cũng hay lấy bài của ông trên đó ra bình luận. Ông cũng hay gửi bài cho Daily Express.
Năm 1969, cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt ở miền Nam Việt Nam. Tại sao Wilfred lại rời Phnompenh sang Paris?
Thực ra, ông sang Paris từ năm 1968, để theo dõi cuộc đàm phán Paris. Gia đình tôi chuyển sang Paris sau đó 1 năm.
Có thể nói, không chỉ có Chiến tranh Việt Nam, mà Việt Nam nói chung, là chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp làm báo của Wilfred. Sau chiến tranh, ông tiếp tục viết về thời kỳ hoà bình, và sau đó là 2 cuộc chiến tranh biên giới.
Đây là thời kỳ khó khăn nhất của ông, bởi ông vốn cũng là người bạn của Trung Quốc. Lẽ ra ông phải đứng sang một bên khi giữa Trung Quốc và Việt Nam xảy ra xung đột. Nhưng nhận thấy Trung Quốc sai, Việt Nam đúng, và ông đã quyết định đứng về phía Việt Nam.
Ông cũng là bạn của Norodom Sihanouk nữa, nên những bài báo của ông đã lên án chế độ Khmer Đỏ - những kẻ không chỉ được Trung Quốc "chống lưng" mà được cả phương Tây dân chủ, đứng đầu là Mỹ, ủng hộ. Ông muốn bảo vệ những nỗ lực của Việt nam trong việc giúp Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng. Nhất là khi những gì Việt Nam nhận được cho nghĩa cử của mình là sự tẩy chay, cấm vận...
Wilfred sang lại Việt nam lần cuối cùng là vào năm nào?
Năm 1980, khi David Bradbury, một người bạn của tôi, làm bộ phim về ông. 3 năm sau ông mất.
Tháng 4.2010 vừa rồi tôi có sang Phnompenh, và có gặp David Brabury ở đó. Ông cũng đang làm phim về cựu phóng viên chiến tranh phương Tây. Tôi có nói chuyện với ông ít phút, nhưng vội quá quên không xin danh thiếp.
Thế độc giả phương Tây đánh giá về cha ông thế nào?
Sách của ông được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng, tức là cả thế giới đọc ông. Cả hai phía đều đọc ông, đều coi những gì ông viết là rất hữu ích, với những mục đích hoàn toàn trái ngược nhau.
Xin ông giải thích rõ hơn.
Khi ông sang Cuba, những người Mỹ Latinh đang đấu tranh vì tự do đã đến La Habana, và chào đón ông nồng nhiệt. Họ, cũng như những người châu Phi, coi cuốn sách "Inside the Guerilla War" như biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do.
Còn những sĩ quan Bồ Đào Nha, sau đó gặp ông ở châu Âu, đã nói rằng họ đọc sách của ông rất kỹ, vì họ muốn có kinh nghiệm chống lại cuộc chiến tranh du kích ở Angola, Mozambique.
"Chúng tôi biết ông từ lâu, bởi chúng tôi phải nghiên cứu sách của ông", họ như vậy.
Thế còn người Mỹ?
Người Mỹ đọc nhiều nhất. Bởi sách luôn được xuất bản ở Mỹ đầu tiên. Khi tôi sang Mỹ sưu tầm tư liệu để in 2 cuốn sách cho cha tôi, tôi được biết rằng cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều nghiên cứu bài viết của ông, như một nguồn thông tin quan trọng, để hiểu rõ hơn về Bắc Việt Nam. Tức là chúng có ích đối với cả chính quyền Mỹ, chứ không chỉ đối với những người phản chiến.
Thậm chí, Henry Kissinger đã mời ông đến Nhà Trắng để thảo luận về tình hình Việt Nam.
Vào thời điểm nào vậy?
Đó là vào năm 1972, ngay trước khi Wilfred nhận lại được hộ chiếu Úc của mình, và trước khi Nixon gặp Mao Trạch Đông. Khi đó Kissinger vẫn đang tiến hành cuộc đàm phán bí mật với Lê Đức Thọ.
Wilfred, lúc đó, đang ở New York, nói chính xác hơn là ở trụ sở của Liên Hợp Quốc. Ông đang theo dõi việc Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc.
Từ Nhà Trắng Kissinger gọi điện cho Wilfred và nói: "Mr. Burchett, tôi muốn gặp ông." Wilfred nói: "Xin lỗi, tôi không thể. Tôi không thể đến Washington DC, bởi tôi bị hạn chế đi lại trong phạm vi 60 cây số quanh New York."
Kissinger nói rằng Wilfred có thể phớt lờ lệnh hạn chế đó. Và họ đã cùng ăn sáng, nói chuyện ở Nhà Trắng. Kissinger muốn hiểu thêm về những thông điệp của Hà Nội.
Nhà báo Wilfred Burchett
Luôn phải thay đổi chỗ ở như vậy thì chuyện học hành của ông thế nào?
Tôi ở Moscow 8 năm (1957-1965), một kỷ niệm tuyệt vời. Rồi tôi học trường Pháp ở Phnompenh, sau đó học trung học ở Paris. Còn đại học tôi học ở Bulgaria. Ngoài tiếng Anh, tôi nói được tiếng Pháp, tiếng Bulgaria và tiếng Nga.
Ông có nói được tiếng Việt không?
Rất tiếc là không. Bởi học lúc bé quá, quên hết rồi. Thế nhưng, cả tuổi thơ và tuổi trẻ, nếu không nói là đến tận bây giờ, Việt Nam, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam, luôn ngự trị trong tâm trí tôi.
Tại sao?
Đơn giản thôi. Cha tôi thường xuyên vắng nhà. Sau mỗi chuyến đi là một lô những câu chuyện kể của ông, và hầu như toàn dính dáng tới Việt Nam. Rồi bạn bè, đồng nghiệp ông tới nhà chơi, cũng toàn nói chuyện Việt Nam.
Việt Nam trong bữa sáng, Việt Nam trong bữa trưa, và Việt Nam trong bữa tối.
Chính vì vậy khi đến Hà Nội tôi không thấy lạ, tôi nhận ra mọi thứ, theo câu chuyện của Wilfred.
Hồi ở Paris có nhiều người đến nhà ông không?
Có chứ. Họ là những nhà báo, và những người có phản chiến nói chung. Họ muốn tìm hiểu Việt Nam, cả Bắc Việt Nam, lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng, qua Wilfred. Trong số đó có cả Jane Fonda - người sau này tham gia rất tích cực vào phong trào phản chiến và đã sang Việt Nam năm 1972.
Ông có đọc cuốn hồi ký làm chồng của Roger Vadim chưa?
Tôi biết ông đạo diễn này, nhưng chưa đọc cuốn đó.
Trong đoạn hồi tưởng về mối tình với Jane Fonda, Roger Vadim có nói rằng thiện cảm với thế giới cộng sản của minh tinh màn bạc này đã hình thành sau chuyến đi Moscow của họ. Jane thấy người Nga cộng sản cũng là những người bình thường thân thiện, chứ không như ở Mỹ người ta tuyên truyền. Nhất là việc cô chứng kiến những cảnh thanh niên Nga làm tình ngay trên tàu hoả...
Đúng rồi. Nhiều người cũng trở nên có thiện cảm với con người ở những nước cộng sản, sau khi biết họ cũng là những người bình thường. Chính vì vậy những gì Wilfred viết có ý nghĩa rất quan trọng: Việt Cộng cũng là những con người bình thường, họ hy sinh vì sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước của họ, chứ không phải những con thiêu thân cuồng tín.
Jane đến nhà ông có nhiều không?
Nhiều chứ. Jane đã trở thành một người bạn gần gũi của Wilfred. Và câu chuyện của họ chỉ toàn về Việt Nam.
Chồng Jane sau này là Tom Hayden, mỗi khi đến Hà Nội (không phải chuyến đi cùng Jane năm 1972), cũng hay ghé chỗ chúng tôi ở Phnompenh. Hồi đó, nhà báo phương Tây nào qua Phnompenh cũng muốn gặp Wilfred. Thậm chí có những người còn được ông giúp để đến Hà Nội, hoặc vùng giải phóng.
Anh thấy đấy, cuộc chiến tranh Việt Nam có vai trò như cục nam châm hút những người khác nhau, thuộc những quốc tịch khác nhau, lại với nhau.
Tóm lại, qua những gì chứng kiến và tìm hiểu, ông đánh giá vai trò của cha mình trong chiến tranh Việt nam như thế nào?
Ông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra công khai tiếng nói, nguyện vọng thực sự của "phía bên kia", cũng như tạo cảm hứng cho phong trào phản chiến sau đó.
Rất tiếc là sau này những người Afganistan, hay Iraq, đã không may mắn có được cơ hội nói cho phương Tây biết họ muốn gì, như người Việt Nam đã có.
Cũng chính vì vậy, chính phủ Úc, cũng như không ít người Úc, đã coi ông là kẻ thù của nước Úc, ông đã giúp đỡ "kẻ thù" quá nhiều. Cái biệt danh "Public Enemy Number One" xuất hiện trong bối cảnh đó.
Lần đầu tiên Wilfred trở lại Úc là năm nào?
Vào giữa những năm '60 đã có cuộc vận động rất lớn để chính phủ Úc đồng ý cấp lại hộ chiếu cho ông. Những người được giải thưởng Nobel, các nghị sĩ, những tên tuổi lớn như Jean Paul Sartre... đều nằm trong số đó. Nhưng không được.
Đến năm 1968, khi ông nội tôi ốm nặng, cha tôi xin về thăm, nhưng cũng không được cho phép. Đến khi ông nội tôi mất, ông xin về dự lễ tang. Họ vẫn nói không.
Chỉ đến khi bác ruột tôi mất vào cuối năm 1969, ông quyết định mua vé về Úc. Ông bị kẹt ở New Caledonia, bởi chính phủ Úc cảnh cáo rằng bất cứ hãng hàng không nào cho ông lên máy bay về Úc, sẽ gặp rắc rối. Nhưng do chuyện này ầm ỹ trên báo chí nên ông đã lên được một chuyến bay về Brisban. Và ông đã bình an vô sự, mặc dù có cả một đám biểu tình rất đông phản đối sự trở lại của ông.
Thế còn hiện nay?
Ở Úc, thỉnh thoảng trên báo vẫn có những bài viết chỉ trích ông. Dường như cái bầu không khí của thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn chưa tan hẳn, tuy đã loãng đi nhiều. Mặc dù, hiện giờ chính phủ và giới doanh nghiệp Úc có quan hệ rất gần gũi với những quốc gia cộng sản như Việt Nam, và nhất là Trung Quốc.
Năm 2006, khi vừa từ Việt Nam về sau khi mang bộ phim "Public Enemy Number One" đi tham dự một film festival nho nhỏ ở Hà Nội, tôi đã suýt bị choáng khi thấy trong thùng thư báo của mình có 3 bài viết chỉ trích Wilfred Burchett. Toàn những tờ báo của Rupert Murdoch.
Nhưng thôi, việc ai nấy làm. Tôi không quan tâm.
Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét