Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Nỗi sợ hãi, sự khuyếch đại và những cuộc chiến

Sau sự kiện 11.9.2001, khi chính quyền Bush nói rằng Mỹ phải tấn công Afganistan, mọi người dân đều đồng ý. Và khi chính quyền Bush nói Mỹ phải xâm lược Iraq, 76% dân Mỹ ủng hộ. Lúc đó, người Mỹ đã không tư duy bằng cái đầu, mà bằng trái tim.

LTS: Bên lề Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12.2008, phóng viên Huỳnh Phan đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư sử học người Canada Pierre Asseline của Viện Đại học Hawaii (Mỹ) về một số vấn đề, trong đó có cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.
Khác với niềm tin phổ biến rằng động cơ chủ yếu của Mỹ khi phát động cuộc chiến này chủ yếu là vì dầu mỏ, PGS Asseline lại nghĩ rằng quyết định của Tổng thống George Bush được đưa ra do tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, theo vị sử gia này, yếu tố quan trọng nhất chính là ông Bush đã thật sự tin rằng Iraq là một mối hiểm hoạ đối với an ninh quốc gia của Mỹ, chừng nào Saddam Hussein vẫn còn nắm giữ quyền lực.
Theo PGS Asseline, những thông tin bị tiết lộ sau đó cho thấy quyết định của Tổng thống Bush đã bị tác động bởi những thông tin sai lệch nghiêm trọng.
PGS Asseline còn nhận định rằng hệ tư tưởng cũng là một động cơ quan trọng của cuộc chiến này. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Bush, đã tin rằng cuộc xâm lược Iraq là một hành động phải làm, nhằm hướng tới các mục tiêu sau đây: sự đón chào của người dân Iraq; tiến tới việc thể chế hoá nền dân chủ ở quốc gia này; và tạo dựng quá trình dân chủ hoá chính trị trong dài hạn đối với phần còn lại của Trung Đông.
Mục tiêu thứ nhất rõ ràng đã thất bại. Sự thành công của mục tiêu thứ hai dường như còn gây tranh cãi. Nhưng, rõ ràng, mục tiêu thứ ba của Mỹ đã có những kết quả không cần bàn cãi, sau những biến động chính trị từ đầu năm nay ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra sự kiện 11.9, Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Huỳnh Phan và PGS Pierre Asseline.
Nỗi hoảng sợ hậu 11.9 và cuộc chiến Iraq
Khi cuộc chiến ở Iraq nổ ra, mọi người hay nhắc tới "bài học Việt Nam". Theo ông, điểm tương đồng lớn nhất giữa cuộc Chiến tranh Việt Nam và cuộc Chiến tranh Iraq là gì?
PGS Pierre Asseline: Nếu chúng ta cùng quay lại xuất xứ của hai cuộc chiến này, chúng ta sẽ thấy rõ sự tương đồng lớn nhất: Đó là nỗi sợ hãi của chính quyền Washington, và chính nỗi sợ hãi đó là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định đưa quân đội sang Việt Nam và Iraq.
Sau sự kiện 11.9, ở Hoa Kỳ ai cũng lo sợ chủ nghĩa khủng bố, và chính quyền Bush đã khuyếch đại nỗi sợ hãi của người dân thành nguy cơ lớn đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ từ Saddam Hussein.
Cũng tương tự như vậy đối với trường hợp Việt Nam trong giai đoạn 1964-1965. Do cuộc khủng hoảng Vịnh Con Lợn năm 1962, khi Liên Xô đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới đây, và dường như Washington và Moscow đã tiến gần tới một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cả nước Mỹ lúc đó ai cũng lo sợ về một cuộc tấn công của những người cộng sản.
Sau sự kiện Vịnh Con Lợn, có một số vấn đề nổi lên ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Washington đã khuyếch đại mối lo cộng sản nói chung của người dân Mỹ thành sự đe doạ từ những người cộng sản ở Việt Nam.
Nỗi lo sợ, và cả vấn đề hệ tư tưởng, đã dẫn nước Mỹ tới sự lựa chọn phát động cuộc chiến
Trong cuốn hồi ký của mình ông Mcnamara nói đó là một sai lầm của nhà cầm quyền Mỹ. Và nhiều người cho rằng kết luận đó không hề thoả đáng, bởi, sau sự mất mát to lớn của cả hai phía, và những hậu quả mà cho đến giừo không chỉ Việt Nam phải gánh chịu, nói như vậy quá dễ dàng. Ông có nghĩ như vậy không?
Tôi lại nghĩ thế này: Đúng, bây giờ ở thời điểm cuối năm 2008, tôi cũng có thể dễ dàng nói đó là một sai lầm. Nhưng ở thời điểm năm 1964, điều đó không hề đơn giản.
Hãy hình dung trạng thái cảm xúc của cả một xã hội Mỹ, sau sự kiện Vịnh Con Lợn. Họ không biết tương lai họ sẽ ra sao. Họ sợ chủ nghĩa cộng sản. Vào thời điểm 1964-1965, hầu hết người Mỹ ủng hộ việc Mỹ đưa quân sang Việt Nam.
Phó Giáo sư sử học Pierre Asseline
Và đối với Iraq cũng tương tự như vậy. Tôi đã tận mắt chứng kiến nước Mỹ sợ hãi như thế nào sau sự kiện 11.9.2001. Họ sợ lại tiếp tục bị bọn khủng bố tấn công.
Kết quả là khi chính quyền Bush nói rằng Mỹ phải tấn công Afganistan, mọi người đều đồng ý. Và khi chính quyền Bush nói Mỹ phải xâm lược Iraq, 76% dân Mỹ ủng hộ.
Có thể nói rằng, lúc đó, người Mỹ đã không tư duy bằng cái đầu, mà bằng trái tim. Họ muốn quân đội Mỹ phải đập tan chủ nghĩa khủng bố.
Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao những hãng như CNN, khi đưa tin lại tỏ ra không khách quan về cuộc chiến, tức là đưa tin một chiều. Ông có đồng ý không?
Nếu để ý anh sẽ thấy sau sự kiện 11.9, mỗi phóng viên đều ra chiến trường đưa tin với một lá quốc kỳ gắn trên ngực áo. Ngay cả giới báo chí cũng bị mất tính khách quan cần thiết của mình.
Sau sự kiện 11.9, họ ra chiến trường, đến Afganistan, hay Iraq, cùng với quân đội Mỹ. Nói một cách khác là họ hoà mình vào với những người lính. Hãy nói cho tôi biết nếu anh đi cùng quân đội Mỹ, được họ bảo vệ mạng sống, liệu anh còn giữ được tính khách quan hay không? Khó, đúng không?
Bây giờ, ai cũng đổ tội cho Tổng Thống Bush, nói rằng quyết định tấn công Iraq là một sai lầm, thậm chí là một quyết định ngu xuẩn. Nhưng vào năm 2003, nước Mỹ đã có cơ hội phản đối quyết định của chính quyền Bush, nhưng chỉ có rất ít người lên tiếng. Hầu hết đều chọn cách im lặng.
Lúc đó, có thể họ không thích chiến tranh, nhưng họ sợ mọi người chỉ trích là họ không yêu nước.
Đó là lý do mà Bush đã phản công John Kerry một cách thành công trong lần tái tranh cử năm 2004, khi chỉ trích John Kerry là người "tiền hậu bất nhất"?
Đúng vậy. Và Hilary Clinton cũng không khác gì, lúc đầu ủng hộ, sau đó mới phản đối. Chỉ có Barrack Obama là phản đối ngay từ đầu, và giữ nguyên quan điểm của mình từ đầu đến cuối.
Ông dự đoán thế nào về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tân Tổng thống Barrack Obama?
Tôi không cho rằng ông Obama sẽ làm một cuộc cách mạng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới bất cứ hình thức nào. Có những truyền thống và nguyên tắc đã hằn sâu trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, và chắc hẳn ông Obama không dám thách thức chúng. Chí ít là vào những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Là một người trẻ và ít kinh nghiệm, ông Obama có cách lựa chọn tốt nhất là hành động một cách cứng rắn trên trường quốc tế, tức là tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Mặc dù, có thể có đôi chút điều chỉnh.
Tôi tin ông ta sẽ tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel và tránh chỉ trích quốc gia này, cũng như duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Iraq. Bởi nếu ông ta nhanh chóng rút quân khỏi Iraq, ông ta sẽ chịu sự chỉ trích của Đảng Cộng hoà. Nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền của ông.
Lịch sử hấp dẫn vì không có đáp án chính xác 100%
Ông đánh giá thế nào về giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bởi vì trong suốt một thời kỳ dài trong quá khứ, nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam chủ yếu để phục vụ cho mục đích chính trị. Vì lý do đó, khá nhiều nhà sử học khó thoát khỏi lối tư duy như vậy.
Nhiều nhà nghiên cứu trẻ muốn có cách nhìn mới mẻ về các sự kiện lịch sử, nhưng họ vẫn phải nghĩ đến chỗ làm của họ, nghĩ đến tương lai của họ, và rất khó để họ có thể đi ngược lại truyền thống.
Hơn nữa, bản thân lịch sử là một môn khoa học rất bảo thủ. Thậm chí ở Mỹ cũng vậy.
Điều này có vẻ mới mẻ đây. Xin ông nói cụ thể hơn.
Chẳng hạn, trong một thời gian rất dài các sử gia Mỹ đều nói nhiều về sự vĩ đại của nước Mỹ. Chỉ có gần đây, có một số nhà nghiên cứu trẻ mới có cách nhìn mang tính phê phán đối với nước Mỹ.
Lý do?
Tôi nghĩ cuộc chiến tranh ở Việt Nam thực sự đã tạo ra một bước ngoặt trong tư duy nghiên cứu lịch sử. Cho đến cuối những năm '60, thậm chí đầu '70, các sử gia đều cho rằng nước Mỹ là một trường hợp cá biệt.
Chẳng hạn, họ cho rằng Philippines, tuy là thuộc địa của Mỹ, nhưng nước Mỹ đối xử với người Philippines khác hẳn với cách người Pháp cư xử với người dân Đông Dương, hay người Anh ở Ấn Độ. Tức là tử tế hơn nhiều.
Do có cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều học giả Mỹ bắt đầu nhìn lịch sử đất nước mình kỹ càng hơn, và họ "soi" nhiều hơn. Và chính vì vậy, hiện giờ quan điểm của giới sử gia ở Mỹ trở nên cân bằng hơn.
Những nhà nghiên cứu truyền thống vẫn cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ được dẫn dắt bới những ý định tốt. Thế còn những người theo trường phái "xét lại" thì cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ dựa trên những lợi ích quốc gia ích kỷ, hẹp hòi, rất có thể là những lợi ích kinh tế.
Do nước Mỹ cũng phải mất rất nhiều thời gian để có sự cân bằng này, tôi không tin rằng Việt Nam còn phải đi một đoạn đường rất dài nữa để đạt được sự cân bằng. Mặc dù, các bạn đã bắt đầu bước trên con đường này.
Ông thấy có sự khác biệt nào giữa những cuộc tranh luận tại hội nghị và những cuộc tiếp xúc với sinh viên khoa sử của Đại học Xã hội Nhân văn?
Tại cuộc hội thảo, sau khi tôi trình bày, một số học giả đã nói rằng đây là một cách nhìn mới mẻ, nhưng họ vẫn nghi ngờ tính xác thực của nó. Còn sinh viên đã đặt luôn những câu hỏi cụ thể cho tôi, và tôi cảm nhận rằng họ có thái độ cởi mở hơn với những ý tưởng mới, và mong muốn tìm những cách lý giải mới đối với các sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải công nhận rằng vẫn có những sử gia thuộc thế hệ già thực sự mong muốn tìm cách tiếp cận mới, nếu không nói là muốn đặt nền móng cho một tư duy nghiên cứu lịch sử mới. Giáo sư sử học Vũ Minh Giang là một trong những người như vậy.
Trước khi đến dự hội nghị này, ông có chờ đợi sự phản biện mạnh mẽ của các nhà sử học Việt Nam không?
Đó cũng là một cơ hội tốt cho tôi. Ở Mỹ khi tôi trình bày, nhiều đồng nghiệp chỉ nói đại loại như "đó là một ý tưởng tốt", hay "cách tiếp cận mới này hay"... Nhưng họ chẳng giải thích tại sao. Thực sự họ chẳng mấy quan tâm, vì nhiều người trong số họ đã không tìm hiểu các tư liệu từ phía Hà Nội, khi họ nghiên cứu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng ở Hà Nội, khi mọi người không đồng ý, họ luôn giải thích tại sao. Chính điều đó giúp cho nghiêm cứu của tôi toàn diện hơn, khách quan hơn.
Và tiến gần hơn đến sự thật?
Đúng vậy. Tôi phải đọc ký lại tài liệu này, nghị quyết kia. Chính vì vậy, khi trình bày, đối khi tôi cố gắng nói theo cái cách gây tranh cãi nhiều hơn, và quả thực tôi đã nhận được những phản biện mà tôi mong đợi.
Tôi luôn tìm cách đưa ra luận điểm của mình trong mọi cơ hội có thể, để nhận những phản hồi của các học giả Việt Nam, nhất là những người hiểu rõ chủ đề tôi đang nói. Nghiên cứu lịch sử nghiêm túc là như vậy đấy.
"A cowboy work is never done", ông còn nhớ câu đó trong bài "Rain" chứ? Dường như công việc của nhà sử học cũng như vậy?
Chính xác. Tôi luôn nghĩ rằng cho dù có nghiên cứu cả đời, cũng chẳng bao giờ chúng ta tìm ra sự thật 100% cả. Chúng ta chỉ tiến ngày càng gần tới sự thật mà thôi, với những phân tích và dẫn chứng có vẻ hợp lý cho luận điểm mà chúng ta đưa ra thôi. Và đó là tất cả.
Chẳng hạn, quay lại cuộc chiến Iraq, các sử gia sẽ tiếp tục tranh luận nhiều năm nữa, thậm chí hàng thập kỷ, về những động cơ "thực sự" trong quyết định của Tổng thống Bush.
Đó cũng là lý do tại sao tôi thích lịch sử. Đó là loại câu hỏi mà chẳng bao giờ anh tìm ra câu trả lời chính xác 100% cả. Và chính loại câu hỏi này mới hấp dẫn, và khiến người ta luôn tò mò tìm hiểu.
Anh hiểu không, nghề nhà báo của anh cũng giống nghề sử gia của tôi, tức là cũng giống anh cowboy mà thôi. Cái giống nhau giữa tôi và anh là đều phải khách quan. Để có thể viết đúng sự thật nhất, chúng ta không được để cảm xúc xen vào bài viết của mình.
Thế còn cái khác nhau?
Cái khác là anh tìm hiểu hiện tại, còn tôi nghiên cứu quá khứ. À, còn nữa, phát hiện quan trọng nhất trong bài báo anh sẽ để lên đầu, còn tôi lại phải để xuống cuối cùng.
Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét