Chưa bao giờ người viết chứng kiến một người có cách che giấu sự bối rối, lẫn lộn về cảm xúc lạ như vậy! "Giọt sương trên mí mắt/ Còn nụ cười trên môi...", người viết chợt nhớ tới bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Sau chuyến đi Trường Sa hồi hạ tuần tháng 4.2011, đúng như cô bé Đài Trang nói, nhóm Trường Sa cảm thấy rất gắn bó với nhau. Tuần nào, những nhóm nhỏ của họ cũng gặp nhau cà phê cà pháo, tháng nào nhóm lớn cũng tụ họp nhậu nhẹt, ca hát.
Người viết đã hai lần chứng kiến chuyện này ở Hà Nội. Lần thứ nhất để hỏi thông tin cho chuyến đi Cam Ranh. Lần thứ hai, để thu thập thêm thông tin cho các bài viết.
Ở lần thứ hai, khi người viết chào ra về trước, "Lão Đại uý", nhân vật bí ấn hay xuất hiện trong loạt ghi chép của Đinh Tiến Dũng, có hỏi: "Anh đã thu thập đủ tư liệu cho bài viết chưa?"
Người viết nói: "Đủ rồi, anh ạ."
Tư liệu người viết thu thập được hôm đó là toàn bộ biểu hiện của một thành viên trong nhóm Trường Sa - người mà cuộc gặp mặt này sẽ là cuộc gặp cuối cùng. Ngày 6.9 này, cô sẽ lên đường sang Bỉ học cao học.
Những khuôn hình bị bỏ lỡ
Minh Hà hôm đó trông vui vẻ đến khác thường. Cô luôn cười nói, nói đủ thứ chuyện. Cô chạy đi chạy lại, rót rượu cho người này, rót bia cho người kia. Rồi cô hát hết mình, hết giọng, đôi mắt nhắm nghiền như đang đòn hết tâm lực cho lời hát.
Nhưng mỗi khi cô mở mắt ra, người viết đều cảm thấy dường như đôi hàng mi đang cố gắng giữ cho những giọt nước mắt không trào ra ngoài. Mặc dù, những lúc đó, cái miệng có chiếc răng khểnh vẫn cười, đôi vai nhỏ xinh xinh vẫn cứ lắc đều theo nhịp nhạc.
Ngay cả khi cô mượn chiếc iPad của biên tập viên "Trò chơi âm nhạc" Thu Minh, và hăng say chơi trò "băm cà rốt", ánh mắt cô dường như vẫn như vậy. (Người viết có khẽ liếc vào màn hình chiếc iPad, và thấy ngón tay xinh xinh cứ chém dọc chém ngang, nhưng, lạ thay, rất đúng theo nhịp những bài hát mọi người đang hát.)
Chưa bao giờ người viết chứng kiến một người có cách che giấu sự bối rối, lẫn lộn về cảm xúc lạ như vậy! "Giọt sương trên mí mắt/ Còn nụ cười trên môi...", người viết chợt nhớ tới bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Đã mấy lần, người viết định với tay sang chiếc túi đựng máy ảnh, nhưng lại thôi. Người viết biết rằng mình đã bỏ lỡ những khuôn hình rất độc đáo, nếu không nói là rất hiếm có cơ hội chụp được.
Nhưng người viết biết, sẽ là tội lỗi, nếu cố làm điều đó. Toàn bộ khung cảnh tôi vừa cố gắng tả, sẽ lập tức biến mất sau khi ánh đèn flash loé lên. Mọi người có thể sẽ cười tươi hơn, Minh Hà cũng vậy. Nhưng những giọt nước mắt đang ngấp nghé bên hàng mi sẽ mãi mãi chảy ngược vào bên trong.
Tệ hơn nữa, người viết sẽ cắt ngang dòng hồi tưởng của Minh Hà, với những cảm xúc lẫn lộn khó tả, về những ngày tháng vừa qua, kể từ chuyến đi Trường Sa ấy.
Không có những tấm ảnh để khoe với độc giả, người viết vẫn có câu chuyện để kể cho họ. Câu chuyện mà Minh Hà đã kể cho người viết sau chuyến đi Cam Ranh tháng trước.
Minh Hà trong đêm giao lưu ở Trường Sa Lớn. Ảnh: Trần Hùng
|
Tin nhắn lúc nửa đêm
Vào nửa đêm ngày 16.4 hay 17.4 gì đó, Minh Hà không nhớ chính xác, điện thoại di động của cô chuyên gia tư vấn luật trẻ tuổi này tự nhiên "tít tít".
Đang thiu thiu ngủ, Minh Hà bật dậy. "Quái, ai lại nhắn vào cái giờ oái oăm này?", cô vừa mở tin nhắn ra xem, vừa tự hỏi.
Các bạn có ai muốn đi Trường Sa không thì đăng ký? - Đó là nội dung tin nhắn mà Hiếu, một đồng nghiệp của Minh Hà ở công ty luật.
"Tôi nhảy cẫng lên. Thế là điều ngay cả trong mơ tôi cũng không dám tin đã sắp được thực hiện", Minh Hà nói.
Trước đó, Hiếu, từng công tác ở Thành Đoàn TP HCM, có kể với Minh Hà rằng, gần đây, năm nào thành đoàn cũng tổ chức chuyến ra Trường Sa.
Minh Hà kể cô có nói với Hiếu nhờ đăng ký hộ. Nhưng cô biết cơ hội chỉ dành cho những đoàn viên xuất sắc, các nhà chính trị, hoặc các nhà báo thôi.
Thế mà bây giờ cơ hội đúng là từ trên trời rơi xuống, Minh Hà nghĩ.
Nhưng, khi định bấm máy nhắn tin lại, cô lại thấy do dự. Chả là chỉ còn 20 ngày nữa là đến kỳ thi cho khoá học thạc sĩ luật ở Bỉ. Chính cô đang phải xin tạm nghỉ ở công ty để ôn thi mà.
Đi Trường Sa một tuần về nhỡ thi trượt thì sao, Minh Hà phân vân. Thôi, cứ nhắn tin đặt chỗ đã, mai tỉnh táo tính sau, cô quyết định. Lúc đó là 1 giờ sáng.
Nhưng nằm mãi vẫn không ngủ được, cứ trăn trở mãi với câu hỏi: "To go, or not to go?"
Đến 3 giờ sáng, không chịu được nữa, cô nhắn tin lại cho Hiếu: "Em đi!" Không khẳng định nhanh, nhỡ người khác nhanh chân hơn thì sao, cô nghĩ.
Cơ may đi Trường Sa chỉ có một lần trong đời, còn thi năm nay trượt, sang năm thi lại, cô tự nhủ.
Vào hôm trước khi đoàn khởi hành, bên Tân Cảng tổ chức họp đoàn đi, phổ biến hành trình đi. "Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe một sỹ quan hải quân chính thức nói toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm, và quần đảo Trường Sa thì có một số đảo bị Trung Quốc chiếm", Minh Hà kể.
Trước đó, Minh Hà chỉ hình dung rằng Trường Sa thực sự rất xa.
"Đến lúc đó, tôi mới thực sự cảm thấy rằng đất nước mình có những nơi đang bị nước ngoài chiếm đóng, và cảm thấy nhức nhối", cô nói.
"Chính vì vậy, chuyến đi thực sự có ý nghĩa với một công dân trẻ như tôi. Bởi tôi đã có cơ hội được khẳng định chủ quyền của mình, được đi lại trên lãnh thổ của Tổ Quốc mình", Minh Hà nói thêm.
Trước khi ra Trường Sa, cô cũng được xem clip về trận hải chiến năm 1988, Minh Hà kể. Nhưng cô cứ bán tín bán nghi, vì nghĩ làm gì hồi đó mà người ta lại có thể quay được một clip như vậy.
"Thế rồi, sau những câu chuyện do các sĩ quan và chiến sĩ Hải quân kể trên tàu tôi đã hoàn toàn tin", Minh Hà đoan chắc.
Cô thực sự cảm thấy sôi sục, khi nhìn sang Gạc Ma - hòn đảo mà Trung Quốc chiếm trong trận hải chiến năm 1988, và cho xây dựng theo hình dạng một con tàu chiến đầy khiêu khích.
Minh Hà nói rằng, sau chuyến đi Trường Sa, cô bắt đầu quan tâm đến luật pháp quốc tế về biển, và đọc rất kỹ. Hồi ở trường đại học, cô đã từng được học qua, nhưng không hề để ý.
Phát hiện đầu tiên - GS Cù Trọng Xoay
Minh Hà nói khi lên tàu thấy các chiến sĩ trên tàu cứ gọi Đinh Tiến Dũng là giáo sư, cô lạ lắm. "Hay là ông này đã từng ra đảo dạy đàn nên chiến sĩ mới gọi thế. Giáo sư ghi ta", cô bật cười.
Sau đó, cô mới hỏi một cô cùng đoàn, và cô này trợn tròn mắt nhìn Minh Hà như nhìn một người từ hành tinh khác.
Rồi thấy vẻ ngơ ngác rất chân thật của Minh Hà, cô bạn mới giải thích rằng Đinh Tiến Dũng là nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay trong chương trình "Hỏi xoáy - đáp xoay" trên VTV3 vào tối Thứ Bảy hàng tuần.
"Tôi có bao giờ xem TV vào tối Thứ Bảy bao giờ đâu mà biết anh Dũng là người nổi tiếng như thế. Thứ Bảy 'máu chảy về tim' mà", cô tinh nghịch nói.
Khi người viết hỏi, sau chuyến đi, cô thấy Đinh Tiến Dũng có xứng đáng là người nổi tiếng không, cô cười, và nhỏ nhẹ đáp: "Anh ấy là người sống rất có lửa. Ngọn lửa trong người anh ấy luôn mang lại cảm giác ấm áp cho người khác."
Minh Hà bảo cô rất ấn tượng với hình ảnh Đinh Tiến Dũng dạy cho chiến sĩ cách đệm đàn, hay đứng ngay trên sân khấu ngoài trời ở Trường Sa Lớn dạy mọi người hát bài "Trái tim nơi đảo xa" mà anh vừa sáng tác.
"Hình ảnh anh Dũng đứng trên đảo, vừa đánh ghi ta, vừa hát rất đẹp. Tôi sẽ nhớ mãi", cô khẽ nói.
Minh Hà còn đoán rằng bài hát đó Đinh Tiến Dũng sáng tác trên bờ biển vào buổi hoàng hôn. "Hoàng hôn trên bờ biển đẹp vô cùng. Không sáng tác vào lúc đó thì vào lúc nào", cô nói, giọng mơ màng như đang hồi tưởng lại buổi hoàng hôn đó.
Chỉ có một điều cô có vẻ hơi phật ý, vì những điều cô định kể, Đinh Tiến Dũng đã kể hết rồi, mà còn kể rất hấp dẫn nữa.
Người viết hoàn toàn đồng ý với cô, khi phải cố "mót" từng chi tiết mà Đinh Tiến Dũng còn bỏ sót để làm tư liệu cho bài viết của mình.
Minh Hà trong đêm giao lưu cùng các em nhỏ. Ảnh: Trần Hùng
|
Tìm lại tuổi thơ trên Trường Sa Lớn
Trong buổi chiều tại Trường Sa Lớn, trong khi cả đoàn đi thăm chùa, Đài tưởng niệm Bác Hồ theo sự hướng dẫn của ban chỉ huy đảo, thì Minh Hà tách riêng ra đi chơi với mấy em bé.
Chả là Lê Tiến Dũng, một thành viên của FPT, biệt danh là Dũng Cô Lin, muốn đi chụp ảnh cây bàng quả vuông - được coi là biểu tượng của Trường Sa Lớn. Anh nhờ mấy em bé trên đảo dẫn đi, nhưng chúng dứt khoát không chịu.
"Chú phải tìm thêm một cô thì bọn cháu mới dẫn đi", bọn trẻ nói.
Dũng "Cô Lin" tìm Minh Hà năn nỉ. Nhưng khi gặp Minh Hà, bọn trẻ con cứ khăng khăng gọi cô bằng chị.
"Đi làm tư vấn luật, tuy trẻ nhưng tôi luôn phải cố gắng tỏ ra già dặn để họ khỏi băn khoăn. Nay được mấy đứa trẻ, đứa lớn nhất mới học hết lớp 5, gọi là chị, tôi cũng thấy vui vui", Minh Hà nhoẻn miệng cười.
"Có lẽ đó là điều duy nhất anh Dũng không biết để kể trong loạt bài viết của mình", cô nói, mắt ánh lên vẻ khoái trá.
Bọn trẻ con cứ đi với cô cả buổi chiều. Hết đi dọc theo bờ biển, lại đến nhà đèn - nơi có thể chụp toàn bộ đảo Trường Sa Lớn -, rồi trường học trên đảo.
Đi chơi chán, bọn trẻ gạ cô về nhà chúng chơi, thăm em bé mới sinh. Đó là công dân Việt Nam đầu tiên chào đời trên Trường Sa, chỉ ít ngày trước khi họ đặt chân tới quần đảo này.
Gia đình của công dân đầu tiên sinh ra ở Trường Sa. Ảnh: Trần Hùng
|
"Nhà trông khá khang trang, do nhà nước xây, và có vườn đàng hoàng", Minh Hà tả.
Theo cô tìm hiểu, chín hộ dân trên đảo không phải là ngư dân. Họ làm thuê cho quân đội, như nấu ăn, tạp vụ. "Mình có chính sách dân sự hoá Trường Sa, nên khuyến khích người dân ra đó, và trợ cấp cho họ", cô giải thích cho người viết.
Buổi tối, đến chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ lính đảo, Minh Hà tranh thủ về tàu tìm bánh kẹo, bim bim làm quà cho bọn trẻ con. "Các em nhớ là phải chia cho các bạn khác. Và nhớ là không được ăn vào buổi tối nhé, hỏng răng đấy", ra dáng bà chị, Minh Hà căn dặn bọn trẻ.
Nghe Minh Hà kể đến đây, người viết nhớ là mọi người trong đoàn Trường Sa gọi cô là Hà "din". Còn cô có lần nói rằng biệt danh đó do cô tự đặt cho mình, nhưng lại cười cười không trả lời, khi mọi người hỏi ý nghĩa của biệt danh này.
Hình dung cảnh cô tung tăng chân sáo trên bờ biển cùng tụi trẻ, người viết đoán rằng biệt danh đó viết đúng phải là Hà "Zin".
"Bay cao nào/ nhảy cao nào/ nào nhảy cùng Zin-Zin" - mấy câu hát quảng cáo loại sữa dành cho trẻ con này tự nhiên vang lên trong tai người viết.
Thăm lại tàu 936 và đêm trăng trên bãi biển
Tham gia chuyến đi Cam Ranh cách đây 3 tuần, Minh Hà đã nhận được trường Katholieke Universiteit Leuven chấp nhận sang học thạc sĩ luật. Nhưng điều đó không khiến cô cảm thấy thoải mái hơn.
"Đi Trường Sa, chủ yếu lênh đênh trên biển, nên không điện thoại, không email, không công việc. Sướng ơi là sướng. Còn đi Cam Ranh, suốt ngày khách hàng gọi điện, gửi email giục. Hết cả vui", Minh Hà thở dài.
Nói vậy, nhưng chuyến đi vẫn để lại cho cô hai kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần quay lại thăm tàu 936, và đêm đốt lửa trên bãi biển trước Nhà khách Hải quân Vùng 4 dưới ánh trăng.
"Buổi sáng được thăm lại tàu 936, tôi thích lắm. Tôi tung tăng chạy ngay về phòng mình ở trước đây, và tôi có thể nhận ra có những gì thay đổi. Có một cái tủ lạnh mới, còn vị trí của gương, điện thì thay đổi...", Minh Hà hào hứng kể.
Cô cảm thấy như trở về ngôi nhà cũ của mình. "Đến toilet cũng thấy thân quen", cô nói.
"Tôi bước lên tầng 2, chỗ chúng tôi rất hay ngồi vào buổi tối đàn hát, hay tập nhảy vào những buổi hoàng hôn. Chúng tôi tập nhảy bài "The Duck's Song", Minh Hà kể tiếp.
"Bay cao nào/ nhảy cao nào/ nào nhảy cùng Zin-Zin". Ảnh: Trần Hùng
|
Nghe đến đây, người viết chợt nhớ đến câu chuyện mà Đinh Tiến Dũng kể về chuyện chăn vịt trên đảo Trường Sa Lớn, khi đàn vịt con thấy chú lính chăn vịt đi đâu thì chạy theo đó, và tưởng tượng xem "Vịt con" Minh Hà nhảy như thế nào. Mà lẽ ra phải đổi tên điệu nhảy là "The Duckling's Song" mới đúng.
Minh Hà bảo đây là lần đầu tiên cô được dự một đêm đốt lửa trại bên bãi biển. Mọi thứ đều thích, từ việc đi kiếm củi, nhóm lửa đến nướng ốc, nướng tôm... Rồi bá vai nhau ca hát theo tiếng đệm đàn của mấy thành viên ban nhạc Dao Phay.
"Trăng đẹp, biển đẹp, nước trong, khung cảnh quá lãng mạn. Mọi người quây quần bên nhau, rất vui, như ở trên tàu", Minh Hà lim dim mắt nhớ lại, giọng mơ màng.
Minh Hà nhớ mãi cảm giác khi xuống biển tắm. "Tôi nằm ngửa mặt lên ngắm trăng. Trăng sáng, trời trong, không một gợn mây", Minh Hà tiếp tục dòng hồi tưởng.
Người viết thì vẫn nhớ như in hình ảnh cô ngồi xa xa đống lửa, lặng lẽ khác thường. Hôm đó, thấy cô hút thuốc, và không hề từ chối những ly rượu vodka mà các anh bạn mời.
Lúc đó, tự nhiên người viết lại nghĩ: Hay biệt danh của cô này là Hà "Gin" mới phải.
Người viết đã từng được uống Gin không pha tonic, với một lát chanh và ít muối bôi quanh miệng ly. Có vị chua chua của chanh, vị mằn mặn của muối, và quan trọng nhất, là men say của rượu.
Mà thôi, Hà "Zin", hay Hà "Gin", đâu có quan trọng gì! Điều quan trọng nhất mà cô nói với người viết, sau chuyến đi Trường Sa, là cô thực sự muốn làm một điều gì đó có ích cho Trường Sa như Đinh Tiến Dũng đang làm.
Cô vẫn nhớ mãi câu nói của anh, khi chia sẻ về cảm nghĩ của mình trong một chương trình phát trên VTV3, sau chuyến đi Trường Sa: "Tôi không ngờ chỉ mươi phút của mình mà mang lại nhiều niềm vui cho chiến sĩ đến như vậy. Chứ trước đây chỉ nghĩ đến việc trả nợ ông Đỗ Thanh Hải, lại lo kịch bản, lại dealine... Từ bây giờ, nghĩ đến chương trình này, tôi lại nghĩ đến những người lính, nhất là lính đảo."
Người viết không biết cô sẽ làm gì. Nhưng có một điều người viết biết chắc chắn: Đôi dép rọ của hải quân mà cô xin trên tàu 936, hôm trở lại thăm nó, có cỡ 39.
Anh chàng Lọ Lem nào có số chân 39 vậy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét