Trò chuyện với nghệ sĩ “râu quặp - lắm lời” Đức Khuê
Trong chuyến đi Cam Ranh cách đây khoảng 3 tuần, đưa tin về cuộc lưu diễn phục vụ sĩ quan, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân của Nhà hát Tuổi trẻ và các ca sĩ không chuyên của nhóm Trường Sa, phóng viên Huỳnh Phan đã có dịp ngồi cùng mâm rượu với nghệ sĩ Đức Khuê – người nổi tiếng với nhân vật chính vở hài “Bệnh nói nhiều”, hay anh chàng Mạnh “Quặp” trong bộ phim truyền hình 40 tập “Lập trình trái tim”.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trò chuyện thân mật giữa phóng viên này và NS Đức Khuê, xung quanh chuyến lưu diễn, cũng như câu chuyện lính đảo, biển đảo nói chung. Cuộc trò chuyện được thực hiện bên bàn cà phê ở Hà Nội, chứ không phải bàn nhậu ở Cam Ranh.
Các sĩ quan chiến sĩ hải quân ở Cam Ranh, khi trò chuyện với NS Đức Khuê, họ quan tâm đến những gì?
Họ hỏi về các vai diễn, về cuộc đời nghệ sĩ. Từ chiến sĩ đến cán bộ chỉ huy đều rất quan tâm đến mảng đời của nghệ sĩ, rồi cảm giác khi phục vụ chiến sĩ thế nào.
Tôi nghĩ điều đó cũng thể hiện rằng chuyến biểu diễn của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ đã thành công khi thu hút được sự quan tâm đó.
Diễn cho các chiến sĩ quân đội thì chúng tôi diễn nhiều rồi, nhưng cho hải quân, và nhất là chiến sĩ mới từ hải đảo về, đây là lần đầu tiên. Cảm giác chung của anh chị em trong đoàn chúng tôi là rất xúc động khi được đón nhận nhiệt tình đến như vậy. Với nghệ sĩ, sự phản ứng nhiệt tình của khán giả là điều "sướng" nhất.
Sắp tới, anh Chí Trung, trưởng đoàn, sẽ cho ra một chương trình "Chiến sĩ cười" để nói về cuộc sống của người chiến sĩ, những buồn vui, mong ước của họ, để giúp người trong đất liền hiểu hơn về cuộc sống của họ, chia sẻ với họ bằng hình thức này hay hình thức khác.
"Năm anh em trên một chiếc xe tăng". Ảnh: Huỳnh Phan |
Anh xem đấy, ai có điều kiện tiếp xúc với lính đảo đâu. Nghệ sĩ chúng tôi, rồi nhà báo các anh, mới có điều kiện làm việc này. Thế mà không làm được cái nhiệm vụ cầu nối này, thì còn nói làm nghề gì nữa, phải không anh?
Chương trình sắp tới sẽ có những vở như "Tin vui trên đảo nhỏ" (kể về một ca đỡ đẻ trên đảo - TG) mà anh đã xem đấy.
Về vở "Tin vui trên đảo nhỏ" có liên quan gì đến việc một công dân Việt Nam, lần đầu tiên, đã chào đời trên đảo Trường Sa Lớn không?
Loại vở như vậy đã có từ lâu rồi. Nhưng nghe nói anh Chí Trung đã cho sửa lại kịch bản cho phù hợp với câu chuyện mà anh nói, để diễn cho các chiến sĩ hải quân ở Cam Ranh. Thực sự, đến đây chúng tôi mới bắt đầu tập vở này. Hai vở khác cũng được gấp rút cải biên cho phù hợp với câu chuyện của lính đảo.
Không biết nhà báo khách quan có nhận xét thế nào về chuyến lưu diễn phục vụ hải quân vừa rồi của chúng tôi?
Những buổi tối đó, tôi đóng hai vai. Ở vai nhà báo, tôi quan sát thấy ở dưới các chiến sĩ bật cười, hò reo, tán thưởng liên tục, trong từng vở diễn. Còn ở vai một khán giả, tôi cũng cười liên tục.
Tôi cũng thỉnh thoảng có xem các chương trình hài của Nhà hát Tuổi Trẻ, và có nhận xét thế này: Ngoài 3 vở về chủ đề lính đảo, các vở khác dường như không hề có sự phân biệt khán giả ở dưới là dân sự hay quân nhân, từ những ngôn từ "lóng" hay được giới trẻ dùng, hay những tình huống xảy ra.
Có ý đồ gì trong đó, hay chỉ là câu chuyện tình cờ?
Chúng tôi chọn những kịch mục xuất sắc nhất trong chương trình "Đời cười" mang theo trong chuyến đi này.
Chúng tôi có ý đồ rõ ràng. Ngoài bộ quần áo lính, và cuộc sống tập luyện hàng ngày để sẵn sàng chiến đấu, và kỷ luật quân đội, họ vẫn là những thanh niên trẻ trung, có những buồn vui, hay ước mơ.
Vì vậy, anh thấy các vở diễn về tình yêu có, về cuộc sống hàng ngày có, thậm chí về thói hư tật xấu cũng có. Rồi họ cũng trở lại với cuộc sống xã hội bình thường cơ mà. Hay, chí ít, chúng tôi cũng muốn họ không bị tách khỏi cuộc sống xã hội hiện nay, dòng chảy cuộc sống hiện nay. Anh thấy họ hò reo, tán thưởng như vậy, tức là chúng tôi đã "bắt đúng mạch" rồi.
Chúng tôi vào phòng truyền thống, đọc được những bài thơ, những dòng nhật ký, thấy họ cũng rất nhớ bố mẹ, nhớ người yêu... Đó cũng là khía cạnh con người bình thường, chứ có khác gì chúng ta đâu.
Họ chỉ khác những nghệ sĩ như Đức Khuê về công việc thôi. Chúng tôi làm công việc biểu diễn, còn họ làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Với góc độ cá nhân, tôi muốn diễn hết mình, để chiến sĩ cười hết cỡ. Nghe họ cười như vậy, mới biết những người lính trẻ cần tiếng cười thế nào. Một vị chỉ huy đã nhận xét với anh Chí Trung rằng chưa bao giờ có đoàn nghệ thuật lại mang đến nhiều niềm vui, qua tiếng cười, đến cho lính biển đảo đến thế.
Đi mới biết cuộc sống của họ vất vả lắm, khắc nghiệt lắm, nên cũng muốn mang tiếng cười làm cho họ thấy sảng khoái hơn, yêu đời hơn.
Đức Khuê có nói rằng đây là lần đầu tiên đi diễn cho lính biển đảo. Vậy diễn cho lính biển đảo có khác gì so với diễn cho các quân binh chủng khác không?
Cái khác lớn nhất là lính đảo ở xa, nên không có điều kiện tiếp xúc được với những gì của đất liền. Trong khi, lục quân và không quân tiếp cận những cái đó dễ dàng hơn nhiều.
Chẳng hạn, hôm các em nữ trong đoàn doanh nghiệp đi tắm họ lấy máy di động chụp ảnh, hay ra hỏi han, xin chụp ảnh chung... Họ nhớ tiếng con gái, màu con gái.
Hay khi các cô hát, họ lao lên nhảy rất "bốc". Tôi có một cảm giác về một sự giải thoát những cảm xúc bị kìm nén quá lâu.
Trong chuyến đi vừa rồi, sau từng buổi biểu diễn, thường là có tiệc chiêu đãi của các vị chỉ huy. Đức Khuê có dịp gặp gỡ nói chuyện với chiến sĩ không?
Có chứ ạ. Sau mỗi tiết mục, các chiến sĩ tranh thủ lên phía sau cánh gà để xin chữ ký nghệ sĩ chúng tôi. Và đó là những dịp tôi có thể tiếp xúc với họ. Tôi hay hỏi về gia đình, có người yêu chưa, hay những lúc rỗi ở trên đảo thì nghĩ gì, hay làm gì...
Đó cũng là mối quan tâm nghề nghiệp của chúng tôi, để có thêm vốn sống và tư liệu diễn sau này.
Nói chung, mỗi buổi có mấy chục chiến sĩ lên xin chữ ký, nên cũng hỏi han mỗi người được một chút.
Tôi còn tranh thủ lọ mọ ra xem bữa ăn của các chiến sĩ nữa. Cũng đầy đủ rau, cá, thịt. Họ tự tăng gia được mà.
Nhìn bữa ăn của họ mà vui, bởi như vậy mới có sức tập luyện, có sức chiến đấu. Có chiến sĩ kể phải có sức bơi liên tục 15 cây số, rồi còn phải tập sống dưới biển hàng giờ nữa chứ.
Tôi nghe một anh trong đoàn doanh nghiệp nói rằng lần này đi lưu diễn, ngoài phần ăn ở đi lại là do bên đoàn doanh nghiệp lo, anh chị em Nhà hát Tuổi Trẻ không hề lấy thù lao cho 4 đêm diễn.
Vẫn biết "cơm áo không đùa với Đức Khuê" (cười), nhưng là diễn viên trong biên chế nhà hát chúng tôi thỉnh thoảng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, như chuyến đi vừa rồi. Nhưng thu được nhiều lắm, trải nghiệm nhiều. Nhất là nhận được tình cảm của họ, sự quan tâm của họ với những buồn vui của nghệ sĩ, khiến chúng tôi cảm thấy được động viên nhiều lắm.
Hơn nữa, mấy khi có dịp diễn trong ánh trăng sáng vằng vặc, đẹp kinh khủng.
Nhất là buổi thứ ba diễn cho lính đảo mới về. Tôi cảm thấy như có cuộc giao lưu trực tiếp:Mình ở trên sân khấu nói câu nào buồn cười, ở dưới họ nói "đế" luôn. Cảm thấy không có khoảng cách giữa diễn viên và khán giả.
Sau từng buổi diễn, anh chị em trong đoàn lại họp rút kinh nghiệm xem cái gì chưa phù hợp thì chỉnh sửa lại. Cứ xem phản ứng ở dưới là biết ngay hiệu quả thế nào.
Tức là khi diễn, ngoài việc nhập vai, mỗi diễn viên vẫn theo dõi phản ứng ở dưới?
Có chứ. Luôn tồn tại hai cái "tôi": "tôi" diễn viên và "tôi' nhân vật.
Từ này giờ kể nhiều trải nghiệm, nhiều điều hay rồi. Nhưng Đức Khuê cảm thấy điều gì hay nhất?
Đi gặp lính đảo xa, tự nhiên thấy những người ở đất liền gắn kết nhau hơn. Chẳng hạn, không có chuyến đi này, làm gì anh em mình có cơ hội quen nhau, uống rượu với nhau, rồi về Hà Nội ngồi uống cà phê, nói chuyện với nhau thế này.
Khi nói chuyện, vai diễn nào của Đức Khuê anh em sĩ quan, chiến sĩ nhớ nhất?
Anh Bình, Tư lệnh phó, ngồi cùng bàn với anh em mình ấy, thích nhất là bộ phim "Về quê ăn Tết". Có lẽ, anh ấy tìm thấy một cái gì đó chung giữa những người lính, người sĩ quan dưới quyền anh ấy, với nhân vật trong đó. Vì quá bận bịu làm ăn mà không có thời gian tìm hiểu, và nhân vật đó phải thuê một cô về giới thiệu là người yêu để thầy u yên tâm...
Quân nhân chắc không ít người cũng chẳng có thời gian, cơ hội để tìm hiểu yêu đương, rồi lập gia đình.
Còn đa phần anh em thì nhớ nhất vở "Bệnh nói nhiều". Đức Khuê cũng bước ra khỏi bóng tối từ vở đó.
Cả nhà tôi, kể cả cô con gái mới 3 tuổi, cũng đi xem vở đó ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Sau đó, cứ phật ý với ai trong nhà, cô bé lại hét lên một tràng: "Điên à, thần kinh à, dở hơi à? Trời không mưa vẫn mặc áo mưa". Cả nhà không nhịn được cười, càng cười nó càng "mắng" khoẻ.
Còn hai cô bé của FPT, cũng ngồi cùng mâm với anh em mình, lại nhớ nhất anh chàng Mạnh "Quặp", trong phim "Lập trình trái tim", hợp tác với FPT sản xuất. Ai lại cứ mê mẩn yêu đương trong thế giới ảo.
Có điều, mấy em dễ thương đó mà ấn tượng nhiều về anh chàng Mạnh "Quặp", thì có khi phải xem lại mấy bác lập trình ở FPT thôi. (Lại nheo mắt cười)
Đức Khuê có theo dõi về câu chuyện tranh chấp biển đảo không?
Cũng có chứ. Ngày nào anh Chí Trung chả mang đến một tập báo cho anh chị em đọc. Theo tôi nghĩ, hành động thiết thực nhất cho câu chuyện chủ quyền biển đảo là mỗi người chúng ta phải làm tốt việc mà mình có thể làm tốt nhất.
Diễn viên như chúng tôi phải biểu diễn hay, động viên tinh thần chiến sĩ. Còn như nhà báo các anh thì phải viết những bài báo hay, đúng sự thật...
Mỗi người đều phải cố thì đất nước mới mạnh được, mới bảo vệ được biển đảo chứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét