Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Không có ai tẻ nhạt trên đời

Không có ai tẻ nhạt trên đời

Trong phần cuối cùng của Đối thoại này, nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ những "câu chuyện đằng sau cánh gà" của trong quá trình tác nghiệp, cũng như góc nhìn riêng của mình, trong một lĩnh vực đã mà tên tuổi của anh đã được ghi lại.

Được hỏi về chân dung của nhà báo Lê Thọ Bình, anh trả lời ngắn gọn "Gã Thợ cày!", với vẻ mặt thảnh thơi, nếu không nói là viên mãn, của "anh nông dân vừa cày xong thửa ruộng".
Còn khi được hỏi về người bạn thân, và cũng là người đồng nghiệp ăn ý, Huy Đức, anh nheo mắt tinh nghịch nói: "Là một người bạn, Huy Đức sẵn sàng bỏ tiền ra để lo cho bạn từ A đến Z, khi bạn gặp khó khăn. Nhưng, là một nhà báo, anh không bao giờ chia cho ai một cái đề tài hay mà anh phát hiện ra, thậm chí đó là một phụ nữ mà anh rất yêu và ngưỡng mộ."
Nói đến Lê Thọ Bình, không thể không nhắc tới một thế mạnh nổi bật là tả chân dung, và làm đối thoại. Ở Tuổi Trẻ và Pháp Luật HCM, anh đã thực sự để lại một dấu ấn lớn trong mục Chân dung & Đối thoại. Với những nhân vật thuộc nhiều tầng lớp, với những cá tính và thân phận khác nhau.
Trong phần cuối cùng của Đối thoại này, nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ những "câu chuyện đằng sau cánh gà" của trong quá trình tác nghiệp, cũng như góc nhìn riêng của mình, trong một lĩnh vực đã mà tên tuổi của anh đã được ghi lại. Và không chỉ trong báo chí. Vừa rồi, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản cuốn sách "Không có ai tẻ nhạt trên đời", tập hợp một số bài Chân dung & Đối thoại tiêu biểu của anh.
Khi làm đối thoại, người phóng viên đặt mình ở vị trí nào? Sử dụng các thủ pháp để dồn người ta phải bộc lộ hết sơ hở, hay gợi mở cho người ta nói những điều mình muốn biết một cách tự nhiên?
Tôi cố gắng dẫn dắt để người ta kể về cuộc đời, về câu chuyện của họ, để họ bộc lộ tính cách một cách hết sức tự nhiên. Chẳng hạn, khi phỏng vấn ông cố Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Vũ Ngọc Kỳ (có trong cuốn sách), tôi đã làm nổi bật mấy điểm này: Thứ nhất, khi làm chủ tịch Hà Giang, đi đâu ông ấy cũng yêu cầu "tiền hô hậu ủng", rồi bắt chăng đầy khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Vũ Ngọc Kỳ đến làm việc". Thứ hai, ông ấy thẳng thắn bộc lộ vì sao ông ấy thích người dân tung hô như thế. Thứ ba là chuyện nhận phong bì ông ấy có nhận hay không, nhận bao nhiêu, trong đó phong bì nào là tình cảm, phong bì nào là hối lộ.
Tôi cố gắng gợi mở để họ bộc lộ con người thật của họ.
Trong cuốn sách của mình, tôi cố gắng đưa mặt tốt của họ nhiều hơn là mặt trái đằng sau, mặc dù tôi vẫn cố gắng để làm sao để họ bộc lộ cái mặt đằng sau của họ. Vả lại, để những bài chân dung - đối thoại này xuất hiện trên mặt báo cũng không thể làm khác hơn được. Nên nếu anh đọc những nhân vật tôi viết, một phần đã có trong cuốn sách này, có thể hình ảnh họ đẹp hơn hình ảnh thật của họ.
Ảnh: Nam Việt
Đứng về mặt con người, đó cũng là cái tốt, cái nhân văn. Nhất là đối với những người đã "từ giã võ đài", khi có hiểu không chính xác về họ cũng không mấy chịu những tác động tiêu cực từ đó.
Thế nhưng, đối với những người đương chức, khi độc giả đọc bài viết của nhà báo Lê Thọ Bình, hiểu những nhân vật đó theo cách diễn đạt của nhà báo Lê Thọ Bình, và, vô hình trung, lại cổ suý cho cái sai nọ, lỗi kia.
Có thể tôi chưa diễn đạt rõ ý của mình. Không phải là mình viết về họ tốt hơn cái họ có, mà để ý khai thác nhiều hơn mặt tốt, mặt thiện của họ, chứ không quá thiên về những mặt trái.
Theo tôi biết, đã tồn tại trong làng báo cái slogan rằng "khoác cho ai đó cái áo đẹp để anh ta đỡ làm những chuyện xấu". Anh có biết về chuyện này không?
Cũng có thể. Có những nhân vật ở những vị tri xã hội nhất định, được dư luận xã hội chú ý, người ta phải xem xét lại mình, và khi muốn làm hành động gì đó có thể bị xã hội lên án, người ta phải nhìn trước nhìn sau.
Khi viết chân dung - đối thoại, anh có bị dẫn dắt, hay ảnh hưởng, bởi cách suy nghĩ như vậy không?
Có chứ, thậm chí nhiều. Như tôi đã nói, tức là hướng họ tới những cái thiện hơn.
Thế còn đối với một nhân vật mà xã hội coi là "phản diện", hoặc "tiêu cực", thường có hai cách thể hiện trong báo chí, theo quan sát của tôi. Báo chí nước ngoài, tôi không nói đến những tờ báo "lá cải", thường cố gắng bóc cái "mặt nạ" ra để dư luận nhìn thấy khuôn mặt thật, và thế là xong "sứ mạng" của họ.
Còn báo chí mình, trong không ít trường hợp, còn tiếp tục làm tổn thương bộ mặt thật đó. Nhiều khi còn khiến cho nó bị biến dạng.
Quan điểm của anh?
Tôi công nhận với anh rằng báo chí của ta thường hay mắc phải trường hợp này. Cũng do nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn cần lượng độc giả bình dân nhiều, bởi những độc giả này rất thích đọc những khía cạnh xấu của các quan chức. Và nhiều đồng nghiệp của chúng ta ý thức được nhu cầu đó, hoặc giả cũng phải thực hiện yêu cầu của lãnh đạo của những tờ báo có nhu cầu tăng số lượng phát hành. Nói chung có nhiều loại sức ép.
Hơn nữa, quyền được bảo vệ về mặt đời tư ở nước ta chưa được chú trọng, nên nhiều nhân vật bị vu khống, bị viết bịa đặt, cũng chỉ biết phản ảnh lên cơ quan quản lý báo chí, lên bộ chủ quản, hoặc viết thư cho tờ báo thôi. Họ ít ý thức được rằng việc đó cần phải được giải quyết rốt ráo ở toà.
Tôi tin rằng khi dân trí cao lên, luật pháp được hoàn thiện, chỉ cần có vài vụ kiện ra toà đòi bồi thường lớn, có khi có tờ báo bị sạt nghiệp, như ở phương Tây, không chừng. Lúc đó, sẽ cơ tác động mạnh đến hành vi cư xử của báo chí.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Cũng có tâm lý rằng có những người được "che chắn" quá mạnh, nếu không "đánh" ngã hẳn, không khéo báo chí lại "ăn đòn". Anh nghĩ sao?
Không được quan niệm đã làm báo là phải đánh đấm. Vai trò của báo chí không phải là vai trò "đánh". Vai trò lớn nhất của báo chí là phản ánh càng gần với sự thật càng tốt, để xã hội, công chúng nhìn thấy. Tức là vai trò của báo chí là minh bạch hoá mọi chuyện.
Đầu tiên tôi cứ tưởng mục "Chân dung & Đối thoại" là các báo ăn theo cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Trần Đăng Khoa. Hoá ra, hình như nó đã xuất hiện sớm hơn trên báo Tuổi Trẻ (HCM), và nhà báo Lê Thọ Bình cũng là người tham gia khá nhiều vào mục này.
Không phải thế. Chân dung & Đối thoại là một thể loại văn học, đã xuất hiện từ rất lâu rồi, và trên báo cũng rải rác đăng nhiều rồi. Còn cá nhân tôi, tôi bắt đầu viết Chân dung & Đối thoại là trên báo Tuổi Trẻ, nhưng không phải là chuyên mục thường xuyên. Chỉ khi có bài thì họ đề là Chân dung & Đối thoại thôi.
Còn trên Pháp luật (HCM) thì có chuyên mục vào số cuối tuần, khi tôi chuyển về báo này vào cuối 2002, hay đầu 2003 gì đó. Rất tiếc là sau này họ không duy trì bởi không có ai làm cả, từ khi tôi chính thức rời tờ báo này.
Anh có nhớ bài đầu tiên là bài gì không?
Đó là bài về chân dung nhà sử học Trần Quốc Vượng. Khi tôi còn làm ở báo Quân đội Nhân dân và cộng tác với Tuổi Trẻ, tôi có được đặt viết bài cho số Tết của Tuổi Trẻ Chủ Nhật phỏng vấn ông Trần Quốc Vượng về căn tính nào của người Việt Nam giúp cho họ nhanh chóng hoà nhập, và căn tính nào cản trở họ.
Sau khi bài đăng, tôi thấy nhân vật này là nhân vật rất hay, khi đó ông mới đi một loạt nước, trong đó có Mỹ, về, và có viết một số tham luận gây xôn xao dư luận, nhất là đối với người Việt ở hải ngoại. Còn ở trong nước những tham luận này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tôi đề nghị được viết về chân dung ông Vượng.
Khi viết về chân dung Trần Quốc Vượng tôi có đưa ra một thông điệp với câu nói của ông. Ông ấy nói rằng vào cuối những năm '70, một ông bạn rất thân của ông có đi nước ngoài về, có ghé qua Moscow, ở lại một tuần, về nói với ông Vượng: "Xã hội xô viết chắc chắn sẽ sụp đổ."
Ông Vượng nói ông ấy bắt đầu suy nghĩ về chuyện đó, và nghĩ rằng ông bạn giáo sư của ông nói đúng. Tôi có hỏi tại sao ông khẳng định như vậy, ông Vượng trả lời: "Một xã hội không thể tồn tại lâu được trên nền tảng của sự dối trá."
Tôi từng học ở Liên Xô tôi biết, khi ở bên ngoài hành lang, hay bên dưới, ai cũng phê phán thế nọ thế kia, nhưng khi lên bục lại nói ngược 180 độ. Thậm chí, có một nhà văn nổi tiếng của Xô Viết nói rằng 50% công dân Xô Viết theo dõi 50% còn lại.
Bài này được Tổng Thư ký toà soạn Tuổi Trẻ lúc đó là Đoàn Khắc Xuyên rất thích. Từ đó, ông luôn khuyến khích tôi tiếp tục viết. Nhưng đa số những bài viết trong cuốn sách này là những nhân vật tôi từng viết, hoặc từng đối thoại trong thời gia làm ở báo Pháp luật HCM, khoảng 2 năm.
Những yếu tố gì đảm bảo cho một bài về chân dung, hay bài đối thoại thành công?
Thứ nhất là tôi chọn nhân vật, xem con người ấy có cá tính gì khác biệt. Thứ hai, tìm hiểu xem cá tính đó xuất phát từ cuộc đời của người đó, chắc chắn cũng khác người. Như Giáo sư Phan Huy Lê là người uyên bác, làm được nhiều việc, nhưng lại không phải là nhân vật hay của báo chí như ông Trần Quốc Vượng - một con người không bằng về học vị học hàm, chức vị, nhưng cuộc đời lại lên bổng xuống trầm, và rất cá tính. Tóm lại là góc cạnh, và nhiều chuyện.
Như vậy, mình viết báo nên phải chọn nhân vật hấp dẫn về mặt báo chí.
Ảnh: Nam Việt
Thường anh phải quan sát nhân vật rất lâu trước khi quyết định viết?
Có những nhân vật tôi viết, tôi phải chơi với họ cả mươi, mười lăm năm, như nhà văn Sơn Tùng, nữ thi sĩ Ngân Giang, hay ông Lê Huy Ngọ, ông Phạm Hưng. Thậm chí, cả mười mấy năm tôi theo quốc hội, tôi mới viết được một bài về ông Trịnh Hồng Dương.
Nhưng có những nhân vật tôi chỉ gặp 1-2 lần là có thể viết ngay. Như "triết gia khoán hộ".
Có nhân vật nào mà chỉ khi phỏng vấn, anh mới ngã ngửa ra là hoá ra trước nay mình chẳng hiểu gì về ông ta cả?
Duy nhất có một nhân vật. Đó là ông Trịnh Hồng Dương. Theo dõi lâu ông ta ở QH, tôi từng nghĩ khó có thể tìm một người khô khan, buồn tẻ hơn. Và lý do tôi phỏng vấn ông ta cũng để tìm hiểu xem một người buồn tẻ thì nó buồn tẻ đến mức nào. Nhưng khi gặp, lại hoá ra là một con người hết sức hài hước.
Tôi hỏi, nếu nhận xét về mình thì ông nói gì, ông Dương kể:
Một hôm tớ vào Việt -Xô (Bệnh viện Hữu Nghị - NV) khám bệnh, cậu bác sĩ là bạn thân từ nhỏ hỏi:"Cậu có rược chè gì không?"
Đáp: "Không!"
Lại hỏi: "Thế có hút thuốc không?"
Tớ bảo: "Không!"
Hắn nhíu mày: "Vậy tôi hỏi thật nhá: ông có gái gú gì không?"
Tớ thật thà: "Cũng không!"
Hắn đùng đùng nổi giận, quát: "Thôi ông về đi, không khám khiếc gì hết. Sống như thế thì chết mẹ nó đi cho rồi!"
Ông Trịnh Hồng Dương chính là ý tưởng để anh đặt tên cho cuốn sách mới xuất bản?
Không hẳn là thế, mặc dù cũng đúng. Ý tưởng là từ câu thơ của nhà thơ Xô Viết Evtushenko "không có ai tẻ nhạt trên đời, mỗi số phận ẩn một phần lịch sử", trong bài đối thoại với nhà báo Xuân Ba.
Nhân vật nào viết xong mà ông hài lòng nhất?
Đó là bài viết về Triết gia khoán hộ, người cùng thời với ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tên là Lê Xuân Thiết. Thời ấy ông Thiết viết học thuyết về "Khoán hộ".
Cuộc đời ông là một bi kịch lớn. Ông khăng khăng bảo vệ cái học thuyết "Khoán hộ" và ông mất tất cả. Khi tôi gặp ông, ông đang làm nghề bán vé số ở Huế, không nhà cửa, không vợ con.
Chỉ sau khi đọc bài viết, vợ ông, con ông về lại với ông vì họ ngộ ra rằng chồng họ, bố họ không phải là kẻ bất tài, vô dụng, mà là một tài năng lớn, nhưng không gặp thời.
Khi làm Chân dung - Đối thoại có lúc nào sau đó anh cảm thấy ân hận không?
Anh nói rõ hơn đi, tôi chưa hiểu.
Thôi tôi lại đành phải lấy ví dụ của tôi để giải thích vậy.
Chẳng hạn, trong bài Đối thoại đầu tiên tôi viết, mà chính anh biên tập, về ông Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Cho đến bây giờ, dù dư luận có đàm tiếu về chuyện nọ chuyện kia của ông ta, tôi vẫn thấy thích cái tính cách, và nhất là bản lĩnh có cái gì đó gợi nhớ đến Hàn Tín của ông ấy. Và đọc lại bài Đối thoại, tối vẫn thấy mình song phẳng với độc giả, và với ông ta.
Có điều, sau đó tôi được biết là có một số người từ Sài Gòn ra mua đất ở Tuần Châu, và nói rằng họ quyết định mua vì đọc bài đó trên báo Pháp luật HCM, và cả bài "Đào Hồng Tuyển - Kẻ điên rồ tỉnh táo" trên Nhịp Cầu Đầu Tư, cũng do tôi viết. Tự nhiên, tôi cảm thấy gờn gợn. Từ đó, mấy năm liền tôi không viết chân dung, hay đối thoại với doanh nhân nữa.
Ảnh: Hồ Chí Quang
À, tôi hiểu rồi. Trong cuốn sách này không có bài nào như vậy. Nhưng có hai lần viết xong tôi cũng thấy ân hận.
Lần thứ nhất là một bài phỏng vấn rất dài trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật về một anh Việt Kiều, kể về sự phấn đấu của anh để trở thành một nhân vật trong giới khoa học ở đó, và sự cưu mang của anh đối với những người Việt mới sang nhập cư.
5 năm sau ông ấy trở về Việt Nam. Ngồi uống cà phê với tôi, ông ấy nói: "Vì bài của anh mà tôi sạt nghiệp, bởi sau này, bởi cái tiếng tốt anh đặt cho tôi, quá nhiều người tìm đến chỗ tôi và tôi không từ chối được".
Tôi cảm thấy đúng là mình đã đẩy câu chuyện hơi quá đà, và vô tình làm hại người ta. Mặc dù tôi xuất phát từ ý định tốt là nêu bật tính đùm bọc của người Việt bên ngoài, để chứng minh đó không phải là đặc tính riêng của cộng đồng người Hoa.
Còn trường hợp thứ hai là hồi những năm '90 tôi có đưa một cái tin ngắn thôi, nhưng sau này trở thành một sự kiện chấn động. Đó là vụ Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà từ chối nhận 10 ngàn USD của một ông từ binh đoàn 11 làm kinh tế. Ông bị nhiều người, nhất là trong quân đội tẩy chay.
Sau nhiều năm, tôi mới biết, qua nhiều người rằng ông là người tốt, có năng lực. Điều đó khiến tôi áy náy mãi, bởi chuyện ông bị kỷ luật là tất nhiên, nhưng tôi lại làm rùm beng vụ này lên. Làng báo cũng nhảy vào ầm ầm.
Sau này anh có gặp lại ông ta không?
Có chứ. Ông ấy không nhắc tới chuyện đó, và nói chuyện rất cởi mở. Rất may là sau khi bị kỷ luật và về hưu, ông chuyển sang làm kinh tế tư nhân và khá thành công.
Với tất cả sự kính trọng với anh, tôi vẫn phải hỏi anh về một nhân vật mà anh có lẽ không muốn nhắc tới.. Đó là tỷ phú Bìm.
Nếu anh biết tôi không muốn nhắc lại thì sao lại cứ hỏi? Có nhất thiết phải hỏi không?
Nhất thiết, bởi đây là bài Đối thoại mà.
Tôi có thể trả lời ngắn gọn thế này: Đó là một sai lầm trong tác nghiệp của tôi trong lúc say sưa với ý tưởng xây dựng một nhân vật hoàn mỹ, và tôi đã phải trả giá lớn trong cuộc đời. Có sự lầm lẫn giữa văn chương và báo chí.
Với tình bạn hơn 15 năm với anh, tôi có thể nhìn thẳng vào mắt anh mà nhắc lại rằng đây thuần tuý là một tai nạn nghề nghiệp. Những người có trách nhiệm lúc đó ở Tuổi Trẻ hiểu chuyện này.
Anh đã tin chưa?
Tôi (người thực hiện đối thoại) tin chứ. Anh, Lê Đức Sảo (tên thật của nhà báo Lê Thọ Bình), cùng với Trần Công Khanh ở Sài Gòn Tiếp Thị, nằm trong số ít những người bạn mà tôi hoàn toàn tin. Không hề cần thêm một lời giải thích.
Lúc chuyện đó xảy ra, có dễ hơn chục năm rồi, tôi cũng không hề hỏi anh vì sao, và cũng chẳng nói với anh một lời động viên, an ủi. Tôi đã mua một chai Johnny Walker (Black Label), loại rượu anh thích dù anh khi ít uống rượu. Và chúng tôi ngồi với nhau, gần như trong im lặng. Hôm đó, còn có cả Huy Đức và Kim Chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét