Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Lao động ở nông thôn: Thừa hoá thiếu

Lao động ở nông thôn: Thừa hoá thiếu
Ngày 08.07.2008, 08:16 (GMT+7)
Mấy năm nay đã thành lệ, đến vụ gặt, vụ cấy, cứ khoảng 4 giờ rưỡi sáng, người ta thấy có hàng trăm người tụ tập ở những cây cầu trên quốc lộ 10, thuộc địa phận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Chợ lao động ở Kim Sơn đã họp từ sáng sớm

Những người thợ gặt, thợ cấy thuê đến từ huyện Yên Mô bên cạnh, hay từ huyện Nga Sơn, Thanh Hoá cách đó mười mấy cây số. Cũng có những người quê Kim Sơn tham gia vào thị trường lao động này do gặt sớm hơn.
Niềm vui của người làm thuê
Anh Bùi Tiến, quê Nga Sơn (Thanh Hoá), cho biết: “Hai vợ chồng tôi, sang đây làm đã được 5 hôm, tiền ngày công trung bình được 100 ngàn một người. Với năm ngày làm thuê nữa, hai vợ chồng thu được khoảng 2 triệu đồng, vừa đủ nhập sản cho Nhà nước. Thế là không phải bán lúa lúc này, đợi giáp hạt giá cao hơn”.
Chị Vũ Thị Tầm, người Lai Thành, Kim Sơn có chồng đi lao động xuất khẩu ở Qatar đã hai năm, nói: “Ruộng nhà tôi hơn một mẫu đã gặt xong, nên đi gặt thuê. Vụ nào tôi cũng đi cấy thuê, gặt thuê, bởi tuy vất vả công gặt, nhưng gấp 6 – 7 lần và công cấy gấp 3 –4 lần so với công đánh lõi đan thảm bình thường”.
Công gặt một sào năm này lên tới 80 – 120 ngàn đồng/sào, tuỳ theo ruộng gần hay ruộng xa và thời điểm đầu vụ hay cuối vụ. Công cấy thấp hơn, khoảng 50 – 60 ngàn đồng/sào, vì phụ nữ tự lo được hết.
Sở dĩ năm nay công gặt cao gần gấp đôi năm ngoái (khoảng 50 – 60 ngàn đồng), theo ông Vũ Đức Toán, chủ tịch xã Tân Thành, Kim Sơn, ngoài nguyên nhân lạm phát cao, năm nay Kim Sơn được mùa, người gặt thuê cũng đòi công cao hơn (một trong những lý do họ nói là công sức bỏ ra cũng nhiều hơn). Theo thống kê sơ bộ của xã Tân Thành, vụ chiêm này toàn xã đạt năng suất trung bình 7,57 tấn/ha, và giá trị tổng sản lượng toàn xã đạt 12,2 tỉ đồng, tức là trung bình mỗi hộ được hơn 10 triệu đồng.
Những mối lo tiềm ẩn
Ông Trịnh Xuân Vĩnh, xã Lưu Phương, Kim Sơn, có 5 sào ruộng, than thở: “Từ mấy năm nay chúng tôi phải thuê hết, từ cấy, phun thuốc trừ sâu đến gặt. Con cái đi làm ăn xa rồi, hai vợ chồng già làm gì được”.
Giải thích chuyện này, chủ tịch xã Tân Thành Vũ Đức Toán nói: “Nghịch lý là như vậy. Người nông dân chỉ bận vào lúc cấy hái, còn những lúc nông nhàn phải đi nơi khác kiếm việc. Đi rồi thành quen, vả lại công việc ở những chỗ đó lại phụ thuộc vào chủ, thành ra đến mùa vụ gia đình lại phải thuê người làm”.
Tuy được mùa, nhưng, theo thống kê của kế toán xã, chi phí toàn bộ cho một sào lúa ở Tân Thành lên tới hơn 700 ngàn đồng/sào, tính cả số giống phải gieo lại do mạ chết rét hồi đầu năm. Thành ra, tính trung bình một sào lúa, người nông dân ở đây chỉ thu được khoảng 700 ngàn đồng/sào, cả công lẫn lãi cho 5 tháng làm ruộng.
Theo ông Toán, trong số 2.300 người ở độ tuổi lao động ở xã Tân Thành, với tỷ lệ nam nữ ngang nhau, có tới 80% đàn ông đi xây, và vào mùa vụ chỉ có khoảng chừng 100 người trong số đó quay trở về giúp gia đình thu hoạch (vụ chiêm vừa rồi, số này tăng lên gấp đôi do công việc xây dựng kém đi và giá gặt lên cao quá).
Còn con số ly nông hoàn toàn, phần nhiều vào Đồng Nai làm thuê trong các khu công nghiệp, đã lên tới hơn 500 người, chủ yếu là thanh niên. Con gái ông Phùng Văn Hán, xã Tân Thành, lấy chồng ở Đồng Nai, mới mở quán trong đó, và tháng đầu bán thử đã tiêu thụ giúp ông 120 lít rượu đặc sản Kim Sơn (nấu bằng gạo nếp, lấy tới hơn 50 độ), để phục vụ những người Kim Sơn xa quê trong đó.
“Nếu có đám ma thì tìm đàn ông đi khiêng cũng khó, vì vậy năm ngoái xã đã phải trích ngân sách 15,1 triệu đồng ra mua một chiếc xe tang”, ông Toán nói.
Chuyện đám tang thì ông Toán đã có cách giải quyết, nhưng việc những người đàn ông, nhất là những chàng trai trẻ, bỏ nhà ra đi biền biệt cả nửa năm, có khi cả năm trời, để lại vợ con họ đối mặt với ruộng đồng và sự thiếu vắng người cha, thì ông chịu. “Cũng may tỷ lệ ly hôn ở Kim Sơn hầu như không đáng kể là nhờ 50% dân số ở đây là giáo dân, và họ cũng có ảnh hưởng đến những người bên lương”, ông Toán nói.
Còn ông Mai Văn Thanh, chánh văn phòng uỷ ban nhân dân huyện Kim Sơn, khi giới thiệu về khu công nghiệp 16ha mà huyện quy hoạch để thu hút doanh nghiệp về đầu tư nhưng chưa có kết quả, lại bảo: “Báo đài nói rằng ở những nơi khác khi làm khu công nghiệp là nhiều người nông dân mất ruộng phải bỏ ra thành thị kiếm sống. Còn ở đây, chúng tôi chỉ mong làm khu công nghiệp để giữ người lại, nhất là thanh niên. Nếu không, rồi con gái trẻ, chưa chồng cũng như có chồng, cũng bỏ đi hết thôi”.
bài và ảnh Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét