Ngày 07.03.2007, 15:49 (GMT+7)
Bốn nhà phân phối hùng mạnh hàng đầu của Việt Nam, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Liên hiệp hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Sài Gòn Co-op) và Công ty Phú Thái, luôn bị đè nặng áp lực nước ngoài sau WTO, đã liên kết thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA)
Sức mạnh bó đũa
Saigon Co-op có thế mạnh về quản lý và nhiều năm kinh nghiệm với hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Ông Phạm Đình Đoàn, tổng giám đốc Công ty Phú Thái, một thành viên sáng lập của VDA, đã ví von như vậy trong lễ ký.
Thực ra, mô hình liên kết giữa các tập đoàn trong nước đã được phôi thai từ hai năm trước, khi SATRA đã ký một thoả thuận nguyên tắc với Saigon Co-op về việc đầu tư ra ngoài TP.HCM, như An Giang, Huế, Đà Nẵng. Sự hợp tác này theo mô hình công ty TNHH hai thành viên, cùng góp vốn, cùng cử người làm, để tận dụng thế mạnh của nhau. Ví dụ như Saigon Co-op có thế mạnh về quản lý và nhiều năm kinh nghiệm với hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam, cũng như khả năng đàm phán với các nhà cung cấp, còn SATRA có thế mạnh về nguồn sản xuất, như sản phẩm của Vissan, APT, hay các loại thuỷ hải sản.
Với sự tham gia của hai "đại gia" nội địa nữa là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty Phú Thái, công ty cổ phần này sẽ nối được "cầu truyền hình" với Hà Nội, cũng như tận dụng được hệ thống hậu cần và kho vận, vốn là lợi thế của Phú Thái.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại VN?
Với tổng mức bán lẻ là 30 tỉ USD (năm 2005) và tỷ lệ phân phối hiện đại và truyền thống là 15/85, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Nga theo đánh giá của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
|
Theo dự kiến, trong giai đoạn I từ tháng 3.2007 đến 10.2008, VDA sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, tập trung các nguồn thu mua và xuất nhập khẩu phục vụ sự phát triển chung trên phạm vi toàn quốc với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng.
Còn từ thời điểm đó đến tháng 10.2011, VDA sẽ đầu tư khoảng 3.000 - 6.000 tỉ đồng để xây dựng các đại siêu thị, trung tâm phân phối bán buôn và nhượng quyền kinh doanh, đồng thời tiến hành mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp khác để tạo thành một tập đoàn phân phối số 1 tại thị trường nội địa.
Để đạt được tham vọng này, ngoài việc dựa vào thế mạnh của từng thành viên trong tập đoàn, VDA đang có ý định mời sự tham gia của một tập đoàn chuyên về bảo quản hàng đông lạnh Huurre của Phần Lan, theo sự giới thiệu của Bộ Thương mại. Theo ông Veli-Matti Vanhaen, giám đốc xuất khẩu của Huurre, nhà cung cấp thiết bị và kỹ thuật đông lạnh cho gần 30 quốc gia trên thế giới, tập đoàn này rất quan tâm đến việc đầu tư vào dự án VDA, chứ không chỉ thuần tuý bán hàng. Huurre đang có mặt ở Việt Nam để khảo sát việc xây dựng kho lạnh bảo quản và mô hình hệ thống trung tâm hậu cần (logistics) hiện đại trong một dự án trợ giúp kỹ thuật của Chính phủ Phần Lan với Việt Nam.
Những nhà sáng lập cũng không giấu giếm kỳ vọng sẽ tiến hành đầu tư ra nước ngoài, bởi theo chủ tịch hội đồng quản trị SATRA Trần Văn Thuận, những tập đoàn siêu thị nước ngoài có mặt ở VN hiện nay như Metro, Big C, hay Parkson, thu hút được các nhà cung cấp bởi họ mua với một số lượng lớn vì có kênh phân phối ở nước ngoài.
Theo ông Thuận, sự xuất hiện dần dần và có điều kiện của các tập đoàn siêu thị lớn trên thế giới này, cũng như sắp tới là Lotte Shopping, Carrefour, Tesco Dairy Farm, và nhất là Wal-Mart, như "những liều tiêm chủng" giúp các nhà bán lẻ Việt Nam hình thành "kháng thể" để đối chọi lại với sự xâm nhập mạnh mẽ từ bên ngoài, khi Việt Nam phải hoàn toàn mở cửa thị trường phân phối vào đầu năm 2009 theo cam kết WTO.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét