Ngày 08.08.2007, 09:00 (GMT+7)
Sáng nay, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn tuỳ tùng, rời sân bay Nội Bài đi Jakarta, bắt đầu chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng tới Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar và Brunei
Chiều 28.7.1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei) đã tổ chức trọng thể Lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN). Trong ảnh: Các vị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chào mừng Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7 của tổ chức này. Ảnh: TTXVN
|
Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng xung quanh mục đích chuyến đi này.
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Singapore từng nói rằng việc hội nhập ASEAN là một sự khởi đầu quan trọng và vẫn là một trong những cái đích hướng tới trong quá trình hội nhập của Việt Nam, bởi nó giúp Việt Nam tăng cường “năng lực mặc cả” với tư cách là một thành viên của khối này. Xin cho biết đánh giá của ông?
Tôi hoàn toàn chia sẻ nhận định này. Đó là bàn đạp để Việt Nam hội nhập rộng hơn vào các tổ chức có quy mô rộng lớn hơn, như APEC, ASEM, WTO…, hay thúc đẩy mạnh hơn quan hệ song phương với các đối tác lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay EU.
Với tư cách thành viên của ASEAN, rõ ràng Việt Nam có một “năng lực mặc cả” tốt hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ, hay thậm chí cả Nga, đang muốn mở rộng ảnh hưởng, trước hết là thương mại (thông qua các hiệp định thương mại tự do) và đầu tư, ở khu vực có vị trí địa lý chính trị quan trọng này.
Biểu hiện rõ nhất là các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU hay Trung Quốc sang tìm hiểu cơ hội ở Việt Nam từ đầu năm đến nay đều phát biểu rằng họ tính đến một thị trường với khoảng nửa tỉ dân, tổng GDP đạt gần một ngàn tỉ USD với mức tăng trưởng trung bình là 6 – 7%.
Việt Nam được trông đợi gì với tư cách thành viên của ASEAN? Với vị thế đang lên của Việt Nam sau khi gia nhập WTO và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC 14, và trong một bối cảnh ASEAN có nhiều bất ổn như hiện nay, đã có những gợi ý Việt Nam nên đóng vai trò “thủ lĩnh”?
Ông Lê Dũng
|
Theo tôi, Việt Nam luôn được các nước ASEAN đánh giá cao với những đề xuất tích cực nhằm đảm bảo cho một ASEAN đoàn kết hơn trong nội khối và chủ động hơn trong quan hệ với bên ngoài, cũng như việc duy trì các nguyên tắc cơ bản của hiệp hội như “không can thiệp” và “đồng thuận”.
Chẳng hạn, những sáng kiến được Việt Nam nêu ra trong Tuyên bố Hà Nội tại Thượng đỉnh ASEAN 6, năm 1998, nhất là sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển, hiện vẫn được tích cực triển khai.
Hay, khi bàn về quan hệ với các đối tác khác trong khuôn khổ “ASEAN cộng 3”, hay khối Đông Á, đã có nhiều phương án khác nhau được đưa ra, nhưng Việt Nam vẫn kiên quyết với phương án ASEAN phải là một “driving force” (lực lượng chủ đạo).
Còn về vấn đề thứ hai, đúng là chúng ta đã tạo dựng được một vị trí và vai trò vững vàng trong ASEAN. Biểu hiện rõ nhất là việc tiếng nói của Việt Nam trong các quyết sách lớn liên quan đến định hướng phát triển tương lai của hiệp hội luôn được các thành viên khác lắng nghe và tôn trọng.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng Việt Nam nên giữ vai trò là một thành viên tích cực hơn trên cơ sở những lợi thế của mình, chứ không phải là “thủ lĩnh”, như ai đó đề xuất. Bởi Việt Nam, tuy được đánh giá cao về vị thế quốc tế và sự ổn định chính trị, nhưng về kinh tế còn đi sau nhiều nước, nên trong những năm tới đây cần tập trung nhiều cho phát triển kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước khác.
Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Phan thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét