Ngày 02.07.2008, 07:37 (GMT+7)
Sau sáu tháng là thành viên không thường trực của hội đồng bảo an (HĐBA), từ 1.7 Việt Nam đã nhận chức chủ tịch luân phiên của cơ quan quyền lực này. Đại sứ Anh Mark Kent nhận xét: “Với tư cách chủ tịch, Việt Nam phải là trung gian cho các thoả hiệp và cố gắng tạo ra sự đồng thuận giữa các thành viên trong hội đồng. Thường thì khó có thể làm hài lòng mỗi thành viên, nhưng hậu quả của sự thụ động còn dở hơn nhiều”.
Theo vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế (bộ Ngoại giao) Lê Hoài Trung, khi xây dựng chương trình nghị sự cho các phiên họp của HĐBA, chủ tịch hội đồng phải khéo léo, biết ưu tiên đưa vấn đề nào ra trước, tuy những vấn đề này là do những nước có lợi ích thúc đẩy. Trong điều hành các phiên họp, chủ tịch phải biết chủ động thời lượng thảo luận, biết tạm dừng vấn đề đúng lúc, để tiếp tục trao đổi tìm thêm sự ủng hộ ngoài hành lang.
Cũng theo ông Trung, công việc phát ngôn sau mỗi cuộc họp cũng cần hết sức khéo léo. “Có thể phát ngôn theo như đã thoả thuận, hoặc khéo léo tranh thủ bằng cách nhấn mạnh quan điểm mà chủ tịch hội đồng ủng hộ, qua đó tạo phản ứng tốt của dư luận, nhưng cần tránh phát biểu quá đà”, ông Trung nói.
Đại sứ Mark Kent cho biết, những điểm nóng mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm và tìm kiếm được sự đồng thuận giữa các thành viên là những diễn biến mới ở những điểm nóng như Zimbabwe. Theo đánh giá chung những điểm nóng khác mà chủ tịch HĐBA vẫn cần để mắt là Myanmar, Trung Đông, Kosovo, hay Bắc Triều Tiên. Theo sự phân cấp quyết định, những vấn đề có ảnh hưởng đến an ninh khu vực hay thế giới, lập trường của Việt Nam sẽ được quyết định ở cấp cao, nên nhiều khả năng những cuộc vận động tìm kiếm sự ủng hộ sẽ diễn ra ở Hà Nội.
Trong một tháng trên cương vị chủ tịch, Việt Nam còn phải chuẩn bị dự thảo báo cáo năm của HĐBA (giai đoạn từ 31.7.2007 đến 31.7.2008), và hoàn thiện các dự thảo tiếp theo, ngay cả khi đã thôi giữ chức chủ tịch, cho đến khi đạt được sự đồng thuận và thông qua vào tháng 9 tới.
Báo cáo thường niên của HĐBA, theo thông lệ, thường được các thành viên Liên hiệp quốc rất quan tâm, bởi mối quan ngại về sự thao túng quyền lực của cơ quan này. Tuy nhiên, do sự thoả hiệp giữa các thành viên HĐBA, nhiều khi từ ngữ được dùng rất chung chung, mà không phản ánh được thực chất những gì đã diễn ra trong cơ quan này (báo cáo của Trung Quốc khi nước này làm chủ tịch đã không được các thành viên Liên hiệp quốc đánh giá tốt khi họ cho là nó tròn vo quá).
Tuỳ theo sự đánh giá chung, họat động HĐBA, hay của chính đại hội đồng Liên hiệp quốc, được coi là những diễn đàn nói, còn các mối quan hệ quốc tế đều được giải quyết thông qua các quan hệ song phương, hoặc áp lực của các nước lớn. Việc khéo léo chủ trì và dung hoà các ý kiến khác nhau trong HĐBA vẫn nâng cao được vị thế của Việt Nam với cương vị chủ tịch.
Đại sứ Mark Kent nhận xét: “Việc giữ chức chủ tịch HĐBA lần đầu tiên là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng tôi cho rằng đó chính là biểu tượng của vai trò ngày càng quan trọng và chủ động của Việt Nam đối với các sự kiện quốc tế. Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò này trong các nghị quyết của HĐBA về Iran, hay gần đây nhất là Somali.”
Ít nhất, những hoạt động này cũng giúp Việt Nam hiểu thêm các vấn đề, lợi ích quốc tế, hay nâng cao năng lực của chính mình. Điều này hoàn toàn có lợi cho lợi ích lâu dài của Việt Nam trong các mối quan hệ song phương, cũng như đa phương (việc tổ chức và điều hành thành công hội nghị thượng đỉnh APEC là một minh chứng rõ ràng).
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét