Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Có thể chuyển sang thanh toán nhập khẩu bằng NDT?


Ngày 10.06.2008, 09:16 (GMT+7)
Với cơn sốt đô la Mỹ trên thị trường tự do kể từ 27.5, một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, linh kiện, hay nguyên liệu từ Trung Quốc đã tính đến chuyện chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) thay vì USD như trước
Theo suy đoán của các doanh nghiệp này, nếu đúng như ngân hàng Nhà nước đã giải thích là cơn sốt đô la vừa rồi chỉ là do tâm lý, hay đầu cơ, thì chắc hẳn nó không ảnh hưởng đến tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và NDT.
Giá NDT cũng tăng theo USD
Chỉ cần nộp tiền Việt tại biên giới Lạng Sơn, người bán hàng ở Trung Quốc sẽ được thanh toán bằng NDT. Ảnh chụp tại chợ tiền biên giới Lạng Sơn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chợ Đông Kinh vào ngày thứ bảy vừa rồi không tấp nập khách như những dịp cuối tuần trước đây. Anh Hương, một người bán hàng ở chợ đã nhiều năm nay nói: “Hai tuần vừa rồi, tỷ giá đồng tệ tăng nên hàng Trung Quốc nhập về cũng tăng, hàng bán chậm lắm”. Anh Hương cho biết chiếc máy nghe nhạc mà anh bạn tên Long của tôi mua với giá 280 ngàn đồng cách nay hai tuần chỉ khoảng 250 ngàn đồng. Cái vợt muỗi cũng tăng từ 30 ngàn lên 35 ngàn.
Những thành viên ở chợ tiền dưới chân cầu Kỳ Lừa, được coi là nguồn cung cấp đồng NDT chủ yếu ở đất Lạng Sơn này cho những người nhập hàng tiểu ngạch và một phần chính ngạch, cũng có cùng nhận xét như vậy. Những người ở chợ cho biết tỷ giá bán ra vào ngày 6.6 đã tăng lên 2.580 đồng/tệ, so với 2.382 đồng/tệ mười ngày trước đó, tăng 8,3%. Bà Liên, một người có vẻ là “thủ lĩnh” ở đây nói: “Mấy ngày vừa rồi, khách ít hơn do tỷ giá tăng, người ta cũng ít mua đồng tệ ở đây sang Trung Quốc buôn hàng”. Cùng thời gian đó, NDT trên website của ngân hàng Công thương và Sacombank công bố cũng tăng lần lượt là 9% và 7,5%.
Báo cáo hàng tuần của cục Hải quan Lạng Sơn cũng khẳng định điều tương tự. Nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn trong tuần từ 28.5 – 3.6 đã giảm từ khoảng 36,3 triệu USD một tuần trước đó xuống còn 33,4 triệu USD, giảm 8,7% (mọi giao dịch thương mại ở đây bất kể là USD hay NDT đều được quy đổi ra USD để báo cáo).
Trong khi đó, trên website quốc tế www.x-rate.com chuyên theo dõi tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền trên thế giới, trong 10 ngày USD chỉ mất giá không đáng kể so với NDT, khi một USD ăn 6,945 NDT giảm xuống còn 6,923 NDT, tức 0,31%.
Bà Liên cũng nhận xét thêm: “Giá nhân dân tệ ở đây cũng phụ thuộc vào cung cầu. Khi chúng tôi mua được nhiều từ các doanh nghiệp xuất khẩu thì giá có hạ, còn ít thì người mua phải chịu giá cao”.
Thiếu nguồn cung: do xuất khẩu tăng chậm?
Nguồn NDT chảy vào Việt Nam hoàn toàn do xuất khẩu mang lại, khác với USD từ nguồn tiền rót vào thị trường chứng khoán, FDI, ODA, hay kiều hối... Từ trước đến nay, những con số chính thức cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc luôn chỉ là một phần nhỏ bé so với nhập khẩu từ nước láng giềng này. Xu hướng nhập siêu tăng.
Chỉ tính riêng hàng hoá kê khai tại các cửa khẩu ở Lạng sơn từ đầu năm cho đến 15.5, Việt Nam đã nhập 545 triệu USD hàng hoá, tăng 188,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt 109 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.
Thâm hụt thương mại thực tế có thể còn cao hơn nhiều, nếu tính đến số hàng hoá nhập lậu qua biên giới. Trong 5 tháng đầu năm, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện được 265 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá hàng hoá ước tính khoảng gần 1,3 tỉ đồng. Bà Hà Kim Dung, phó phòng nghiệp vụ cục Hải quan Lạng Sơn nói: “Bắt được vụ nào thì biết vụ đó thôi, chứ bao nhiêu hàng lậu qua biên giới vào Việt Nam có thánh cũng chịu”.
Một nguyên nhân nữa có thể khiến nguồn cung NDT giảm đi, theo đánh giá của các chuyên gia, là việc Chính phủ gần đây đã tỏ ra khá kiên quyết với việc xuất khẩu tài nguyên, nhất là xuất lậu. Việc chỉ trong một tuần mà biên phòng Quảng Ninh, theo lệnh của lãnh đạo tỉnh này, đã bắt giữ tới 104 tàu xuất 100.000 tấn than lậu cho thấy nguồn xuất than lậu này có thể đã là một nguồn cung lớn cho thị trường NDT ở Việt Nam.
Người ta cũng nói rằng việc xuất lậu quặng sắt, quặng kim loại quý hiếm khai thác trái phép, cũng vẫn diễn ra ở cả biên giới trên bộ lẫn trên biển. Còn Hải quan Lạng Sơn gần đây đã phát hiện ra một số vụ xuất lậu xăng dầu và gạo sang Trung Quốc.
Với những suy luận như trên, chắc hẳn sự phụ thuộc vào USD trong thanh toán mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc sẽ vẫn là vấn đề của trung và dài hạn ở tầm vĩ mô. Từ chính sách điều hành tỷ giá, đến những biện pháp thúc đẩy sản xuất trong nước, cũng như chống buôn lậu… trong một chiến lược chung là thúc đẩy xuất khẩu và giảm dần nhập khẩu.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét