Ngày 05.06.2008, 08:29 (GMT+7)
Hai chiếc mỏ neo cổ:
Khởi đầu cho ngành khảo cổ hàng hải
Nghe hai chuyên gia người Nhật phỏng đoán rằng hai chiếc mỏ neo này có thể thuộc đời Minh, thậm chí chỉ cách đây 3 – 4 thế kỷ, ông Địch hơi buồn. Mặt ông chỉ tươi lên khi tiến sĩ Vũ Thế Long nói: “Kiểu nào cũng có cái hay, cái giá trị của nó. Nếu không phải thuộc thời Nguyên Mông, nó cũng chứng minh được các cụ nhà ta đã có những lúc mở cửa giao thương từ lâu rồi”. Trao đổi với SGTT, TS Vũ Thế Long cho biết: Mỏ neo này thuộc thời đại nào, bằng nguyên liệu gì phải có thời gian mới trả lời được. Phương pháp xác định niên đại tuyệt đối bằng carbon phóng xạ C14 ít có giá trị, bởi khả năng định tuổi bằng C14 phải áp dụng cho những thứ xuất hiện sớm hơn. Theo tôi, chìa khoá của việc nghiên cứu, thẩm định là phải trả lời được những câu hỏi sau đây:
Ông Vũ Thế Long, tiến sĩ khảo cổ học
|
Thứ nhất, xem gỗ làm mỏ neo là gỗ gì? Nếu xác định đúng, ta cũng sẽ xác định được gỗ được lấy từ vùng nào.
Thứ hai, sợi bện lại để làm chão là vật liệu gì? Tôi phỏng đoán rằng đây là sợi của cây móc, thuộc họ cau, dừa, nhưng cao vài chục mét và chu vi rộng bằng một vòng tay người ôm, sợi cũng để làm nón. Loại cây này chỉ mọc ở miền Bắc Việt Nam, hay miền Nam Trung Quốc, nơi khí hậu nửa nhiệt đới, nửa ôn đới. Tôi đã thấy những cây móc này ở Hà Giang, hay Lào Cai. Đặc điểm của loại sợi này là đốt không cháy, và tôi đã đốt thử.
Thứ ba, cách xoắn dây thành chão và buộc dây, như buộc khung nhà, hay buộc chân chó, là đặc điểm dân tộc học, thể hiện rất rõ anh thuộc dân tộc nào. Jun Kimura có chỉ cho tôi xem trên laptop của anh ấy là mỏ neo tìm thấy ở Thái Lan cũng buộc dây như thế này.
Cho đến nay, chúng ta chưa có ngành khảo cổ hàng hải. Vì vậy, khi ngư dân họ phát hiện ra một vài cái tàu đắm, Nhà nước lại phải đứng ra thuê nước ngoài vào trục vớt, rồi nghiên cứu, thẩm định. Cái cách người ta thường làm là bán đi một nửa để trang trải kinh phí. Giới khảo cổ và sử học chúng tôi rất phản đối cách này.
Ý tưởng thành lập một trung tâm khảo cổ dưới nước đã có từ cách đây mười mấy năm. Lúc đó, tôi và viện phó Hà Văn Phùng đã được viện Khảo cổ học cử đi sang cơ sở khảo cổ dưới nước Chanthaburi (Thái Lan) để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Lúc về, làm báo cáo khoa học hẳn hoi, nhưng chẳng ai để ý. Mấy năm sau, anh Phạm Quốc Quân, nay là viện trưởng viện Bảo tàng lịch sử, cũng được cử sang đó. Nhưng tiếng nói cũng chẳng khá hơn được tí nào.
Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để xới lại câu chuyện này. Chúng ta còn phải lập cả bảo tàng hàng hải nữa. Tôi nghĩ với sự hỗ trợ của các chuyên gia khảo cổ nước ngoài, chúng ta có thể tìm thấy nhiều mảnh xác chiến thuyền dưới lòng đất (Bãi Cọc), hay dưới lòng sông. Giáo sư Delgado đã thống nhất với chúng tôi rằng việc xác định niên đại của hai chiếc mỏ neo chỉ là một phần của dự án sắp tới. Phần lớn hơn sẽ là tiến hành khai quật, hay trục vớt các mảnh xác chiến thuyền Nguyên Mông ở khu vực diễn ra trận Bạch Đằng.
Hơn nữa, theo hiểu biết của tôi, đã có những lúc, như vào thời Nguyễn, chúng ta đóng những hạm thuyền lớn. Tôi sang Thái Lan vào bảo tàng Khảo cổ hàng hải thấy họ bày ở sân một khẩu đại bác thời Nguyễn.
Đại học Flinders sẵn sàng nhận sinh viên Việt Nam sang học ngành khảo cổ học hàng hải. Nước ngoài họ đã quan tâm và đánh giá cao lịch sử của mình như vậy, mà mình lại không để ý thì thật là đáng trách
|
Tôi cũng biết, người Việt từ miền Trung trở vào đã có truyền thống đi biển bằng ghe buồm, ghe bầu mạnh lắm. Tôi đã cùng cụ Vượng (cố giáo sư Trần Quốc Vượng), trong một chuyến lang thang ở Nha Trang, đến một hợp tác xã đóng tàu. Ở đó, tôi nhìn thấy một ông có quyển sách gọi là “Book Blue”, ghi lại rất nhiều loại tàu thuyền của miền Nam Việt Nam.
Giáo sư James Delgado, chủ tịch INA, đồng thời là người tài trợ cho chuyến đi vừa rồi, đã từng làm giám đốc bảo tàng Hàng hải Vancouver (Canada) trong suốt 15 năm. Trong số những cuốn sách về khảo cổ của ông, cuốn Khubilai Khan’s Navy (Hải quân của Đại hãn Hốt Tất Liệt) đã dành khá nhiều trang cho Trần Hưng Đạo và trận Bạch Đằng. Khi đến đền thờ Phạm Ngũ Lão, tôi vừa định mở miệng giới thiệu, thì ông đã “mở máy” nói vanh vách về viên danh tướng này với các thành viên trong nhóm mình.
Ngay cả George Belcher, thành viên ban lãnh đạo của INA có mặt trong nhóm nghiên cứu vừa rồi, cũng có một bài viết khá dài đăng trên tạp chí Maritime Life and Traditions về thuyền buồm bằng tre của Việt Nam, trong chuyến du khảo trước đó cùng người vợ Việt của mình.
Trước khi về nước, phó giáo sư Mark Staniforth, thầy của Jun Kimura, có hứa với tôi rằng trường đại học Flinders sẵn sàng nhận sinh viên Việt Nam sang học ngành khảo cổ học hàng hải. Nước ngoài họ đã quan tâm và đánh giá cao lịch sử của mình như vậy, mà mình lại không để ý thì thật là đáng trách.
Huỳnh Phan (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét