Cái sân truyền hình này rộng lắm, chẳng ai đủ sức chơi một mình. Liên thủ với nhau chỉ có lợi chứ không có thiệt - ông Bạch Ngọc Chiến, Trưởng ban truyền hình Đối ngoại VTV nhận định.
LTS: Cách đây vài năm, trong câu chuyện với VTV4, một lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đã kể rằng ông đã nhận được bức thư từ nước ngoài gửi về, và tác giả bức thư nói rằng ông ta rất nhớ quê hương, nên buộc lòng phải bật VTV4 xem. Có điều ông ta tắt tiếng đi vì không thích tiếng miền Bắc.
Sự ra đời của chương trình Việt Nam Ngày Nay, chính thức phát sóng trên VTV4 vào ngày 15.7.2010, đã khiến cho vị khán giả trên, và nhiều người Việt ở hải ngoại có gốc gác miền Nam khác, không phải tắt tiếng khi xem những hình ảnh về quê hương. Và không chỉ có vậy, cùng với những chương trình khác mà VTV4 đang thực hiện ở một trình độ chuyên nghiệp hơn, theo một cách tự nhiên hơn, "Việt Nam Ngày Nay" đã thực sự tạo được bước đột phá trong công tác thông tin đối ngoại trong cuộc chiến "quyền lực mềm". Nhất là khi nhu cầu củng cố đoàn kết dân tộc, gồm cả người Việt trong nước và ở hải ngoại, cấp thiết hơn bao giờ hết, trước những thách thức từ bên ngoài.
Nhân kỷ niệm một năm ngày ra đời chương trình Việt Nam Ngày Nay trên VTV4, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Bạch Ngọc Chiến, Trưởng ban Biên tập Truyền hình Đối ngoại, xung quanh câu chuyện này.
Thưa ông, cái thu được sau 1 năm bắt đầu phát sóng chương trình Việt Nam Ngày Nay là gì?
Đó là khán giả, đặc biệt là khán giả gốc miền Nam, nhất là là tại Mỹ, rất thích. Đó cũng là sự bù đắp phần thiếu rất lớn mà VTV4 chưa làm được.
Thứ hai là chương trình này đã đem lại diện mạo mới cho VTV4. Đây là chương trình hợp tác sản xuất có thời lượng lớn nhất của Đài THVN từ trước tới nay, 1 tiếng 1 ngày. Nói VTV4 sang trọng hơn lên nhờ chương trình này cũng không hề quá lời.
Dựa trên cơ sở nào ông nhận định như vậy? VTV4 đã làm khảo sát đối với khán giả?
Tôi ước gì tôi làm được như vậy. Bởi làm khảo sát quá tốn kém, nhất là so với nguồn lực hạn chế hiện nay của VTV4.
Cái bắt tay đánh dấu "cuộc hôn nhân chiến lược" giữa VTV4 và Báo Sài Gòn Tiếp Thị. |
Nhưng tôi cảm thấy sự "lên hạng" của VTV4 khi đi công tác tại Mỹ, khi các đối tác tại Mỹ đặt vấn đề cùng hợp tác phục vụ cộng đồng người Việt. Có đối tác còn ví von là mạng lưới truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giống như hình đàn sếu bay, với con sếu bay đầu đàn là VTV4.
Trong chương trình Việt Nam Ngày Nay, ông đánh giá những mảng nào hay nhất?
Thế mạnh của Sài Gòn Tiếp Thị chính là các phóng sự, phim tài liệu theo hình thức khám phá, như sê-ri phim "Những dòng sông vượt qua vách núi", là những chương trình đặc trưng hương vị miền Nam như "Sài Gòn Tôi Yêu", hoặc như các chương trình mang đậm phong cách của Sài Gòn Tiếp thị như "Người Việt, Hàng Việt".
Còn những chương trình khác như talkshow vẫn cần đầu tư thêm.
Năm ngoái, tại lễ ký kết tại trụ sở Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông có nói rằng đó là một cuộc "hôn nhân chiến lược". Sau một năm chung sống, ông thấy thế nào?
Đầu tiên phải nói đây là đối tác "chịu chơi". Bởi vì sản xuất 1 giờ 1 ngày thực sự tốn kém và đòi hỏi một bộ máy rất lớn. Để tránh sự nhàm chán, cần phải sáng tạo và liên tục tìm tòi, thay đổi. Có xem chương trình mới biết anh chị em của SGTT lên rừng xuống biển, lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm trong nước ngoài nước. Cá nhân tôi rất khâm phục tinh thần làm việc của báo SGTT.
Chỉ có một điều khiến tôi chưa vui là đối tác mới chỉ sử dụng được khoảng 10% thời lượng quảng cáo mà Đài THVN đổi trả lại chi phí sản xuất chương trình VNNN. Tôi không hiểu liệu SGTT còn đủ nguồn lực theo đuổi chương trình này trong thời gian tới hay không.
Vietnam Discovery - đặc sản của VTV4/SGTT |
Chưa có tín hiệu nào. Tôi biết là chương trình VNNN ra đời được và tồn tại đến lúc này là nhờ quyết tâm rất cao của anh Tâm Chánh, Tổng Biên tập báo SGTT vào giờ này năm ngoái. Quả thực tôi thấy hơi lo là bây giờ người thay anh Tâm Chánh liệu có còn "máu lửa" như anh ấy hay không.
Bối cảnh ra đời của chương trình VNNN như thế nào?Câu chuyện bắt đầu từ trong một buổi họp giữa một lãnh đạo Đài THVN với VTV4. Vị này kể rằng ông đã nhận được bức thư từ nước ngoài gửi về, và tác giả bức thư nói rằng ông rất nhớ quê hương, nên buộc lòng phải bật VTV4 xem. Có điều ông ta tắt tiếng đi vì không thích tiếng miền Bắc.
Đã từ lâu, lãnh đạo VTV4 đã quyết định phải đa dạng hóa chất liệu chương trình để đáp ứng nhu cầu khán giả người Việt ở nước ngoài, mà phần đông có gốc miền Trung và Miền Nam
Ý ông nói là VTV4 phục vụ cái khán giả muốn, chứ không phải áp đặt cái mình có?
Đúng vậy. Nhưng mình cũng không thể thỏa mãn tất cả những gì họ muốn, nhưng dứt khoát không thể có chuyện áp đặt bởi khán giả hiện nay có nhiều lựa chọn hơn trước. Nếu chương trình của mình không hấp dẫn, họ chuyển qua kênh khác ngay.
Từ đó, chúng tôi đưa ra tỉ lệ nội dung là Bắc 40%, Trung 20% và Nam là 40%.
Nhưng khi đặt ra tỉ lệ như thế, chúng tôi cũng băn khoăn biết lấy đâu ra nguồn chương trình. Trong tất cả các hội nghị khách hàng của VTV, chúng tôi đều chỉ ca một bài "Chúng tôi cần chất liệu miền Nam". Bà Nguyễn Thế Thanh, Tổng Giám đốc Saigon Media nghe thấy, và đánh tiếng là SGTT và Saigon Media sẽ làm.
Và khi lãnh đạo SGTT đến chính thức đặt vấn đề hợp tác, chúng tôi sốt sắng nhận lời ngay.
Tôi cho rằng chương trình này thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo SGTT và SG Media, bởi họ biết là có những phân khúc thị trường chưa được khai thác. Tôi thực sự khâm phục những người của SGTT vì đó là một quyết định táo bạo vì SGTT có thể có những lựa chọn khác như VTV1 hay HTV. Riêng việc bảo vệ được cái đề án này với cấp trên là cũng giỏi rồi, chưa nói tới việc huy động được nguồn lực để sản xuất hơn một năm qua.
Phóng viên SGTT lên rừng... |
Tức là, như người ta vẫn nói, "sự gặp nhau của hai ý tưởng lớn"?
Nói đúng hơn là sự gặp nhau của một bên có sẵn ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, và bên kia có nguồn lực, nhưng thiếu đất dụng võ.
Hơn nữa, cũng cần phải nói rằng có rất nhiều báo lớn hơn SGTT, có bộ phận truyền hình rất mạnh, nhưng không dám làm một việc táo bạo như SGTT. Sau khi có chương trình VNNN, có nơi đã "giật mình tỉnh giấc" và đã bắt đầu đặt vấn đề với VTV4 "chúng ta cùng làm cái gì đó nhé".
Cái sân truyền hình này rộng lắm, chẳng ai đủ sức chơi một mình. Liên thủ với nhau chỉ có lợi chứ không có thiệt. Bởi theo nhìn nhận của tôi từ khi có chương trình VNNN, thương hiệu SGTT cũng lên rất mạnh.
Ông không phải là quan chức ngoại giao duy nhất chuyển sang lĩnh vực truyền thông. Nhưng đa phần những người đi trước ông đều làm cho báo giấy, một lĩnh vực cũng gần gũi hơn với công việc giao tiếp, nghiên cứu của họ. Nhưng truyền hình là một lĩnh vực hoàn toàn khác, từ tư duy đến cách thức thể hiện, và đặc biệt là công cụ, với yếu tố kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ.
Xin hỏi là cơ duyên nào đã đưa ông tới với VTV4? Liệu đây có phải là một quyết định mạo hiểm không, nhất là đối với một người mà "quan lộ" bên ngành ngoại giao bắt đầu mở ra?
Câu chuyện với VTV4 xuất phát từ chính giai đoạn tôi đang làm tuỳ viên báo chí và văn hoá tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Mỹ. Hồi đó, ngày nào chúng tôi cũng thu lại bản tin thời sự của VTV4 để cả cơ quan xem vào bữa trưa ngày hôm sau. Hồi đó, VTV4 không có chương trình thời sự riêng mà lấy nguyên si của VTV1.
....xuống biển |
Lúc đó, tôi nhận thấy VTV4 rất quan trọng, vì nó gần như là kênh thông tin trong nước duy nhất cho người Việt ở nước ngoài.
Vào tháng 10. 2003, Đại sứ quán có nhận được một đề xuất của Times Warner Cable, một công ty truyền hình cáp rất mạnh ở bờ Tây nước Mỹ, muốn đưa VTV4 vào gói truyền hình cáp phục vụ cho khán giả người Việt. Trước khi đề nghị chính thức, họ đã làm một nghiên cứu thị trường tại Little Sài Gòn với nội dung đại thể là:
"Nếu chúng tôi đưa VTV4 vào gói truyền hình trả tiền hiện nay, thì quý vị sẽ...
1. Phản đối và đi biểu tình;
2. Xem;
3. Không có ý kiến.
Phía Times Warner Cable nói với tôi là tỷ lệ "xem" và "không có ý kiến" cao hơn mức họ trông đợi và vì thế họ mới quyết định đặt vấn đề hợp tác với VTV4. Tôi mừng quá chuyển ngay đề nghị này về Đài THVN
Kết quả ra sao?
Không thấy hồi âm. Mãi đến tháng 5.2008, một đoàn THVN sang trụ sở của TWC giữa New York và nhắc lại với họ về đề nghị họ đưa ra gần 5 năm trước. Họ bảo "Cám ơn các ông vẫn nhớ tới đề nghị đó. Nhưng thời điểm đó đã qua quá lâu rồi."
Tức là ông nung nấu câu chuyện VTV4 từ đó?
Ở góc độ một khán giả của VTV4, thỉnh thoảng tôi vẫn gửi thư về Đài THVN, đóng góp ý kiến xây dựng kênh. Khi về nước tháng 11/2005, tôi có gặp trực tiếp một lãnh đạo của VTV và trình bày các suy nghĩ của mình về VTV4. Vị lãnh đạo đó khá ngạc nhiên vì thấy một người "ngoại đạo" lại say sưa với việc của VTV4 và đề nghị tôi tiếp tục góp ý về đổi mới VTV4. Đến năm 2007, khi Trưởng ban VTV4 về hưu, vị lãnh đạo đó gặp lại tôi và đề nghị tôi về VTV4 làm việc. Tôi nhận lời ngay vì tôi hiểu công việc này cũng sẽ giống như những việc tôi đã làm trước đây như hướng dẫn du lịch hay tùy viên báo chí.
Tôi chưa hiểu ý ông...
Tôi vẫn tự cho rằng tôi làm công tác thông tin đối ngoại từ khi tốt nghiệp đại học đến nay. Trước khi vào Bộ Ngoại Giao, tôi làm hướng dẫn du lịch, quảng bá về đất nước và con người VN cho vài trăm khách du lịch. Khi làm tùy viên báo chí ở Mỹ, thì đối tượng mở rộng ra khoảng vài nghìn. Còn sang VTV4, tôi hy vọng đối tượng tôi phục vụ là vài triệu.
Nhìn lại, có bao giờ ông thấy có đôi chút "ân hận" về quyết định của mình không?
Tôi không bao giờ ân hận vì đã đổi nghề. Tuy nhiên, nếu nói là không bao giờ cảm thấy chán nản trong công việc này thì không trung thực lắm. Nhưng "nản" là do sốt ruột vì cái mình muốn làm thật nhanh lại không nhanh được.
Sau hơn 3 năm rưỡi ở VTV4 anh rút ra điều gì? Muốn nhanh thì phải từ từ?
Không thể như thế được! Nói thế là ngụy biện cho sự đầu hàng. Nhưng muốn mọi việc được giải quyết nhanh, đúng theo yêu cầu cuộc sống và không bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên sẽ không tránh khỏi va chạm. Nhưng va chạm để được việc chung thì tôi hoàn toàn không ngại.
Xin cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét