Ngày 09.04.2008, 09:26 (GMT+7)
Từ cuối năm 2007, thủ tướng đã yêu cầu viện Quản lý kinh tế Trung ương dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế, để trình trong quý 3 này. Những nội dung chính sẽ bao gồm những điều kiện để thành lập, quan hệ bên trong tập đoàn, tổ chức quản lý, giám sát, cũng như những lĩnh vực nào nên có tập đoàn, lĩnh vực nào không.
Ts Trần Tiến Cường, trưởng ban Nghiên cứu, cải cách và phát triển doanh nghiệp - viện Quản lý kinh tế Trung ương
|
Bên cạnh việc sơ kết đánh giá của ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sẽ có những cuộc hội thảo được tổ chức, là cơ hội cho các chuyên gia trong ngoài nước, cũng như các cơ quan chuyên ngành, đóng góp những quan điểm hữu ích về mô hình này.
Lý do là cho đến nay chưa hề có một khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực nào cho việc thành lập tập đoàn kinh tế cả. Chỉ có một đề án do viện chúng tôi về thực trạng và xu hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước, kinh nghiệm quốc tế về tập đoàn kinh tế, và một loạt các hướng để thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đề án đó, các tổng công ty 91 xây dựng đề án tập đoàn, để các bộ ngành góp ý, ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp thẩm định, rồi trình thủ tướng ký.
Vừa rồi, khi thủ tướng yêu cầu bộ Tài chính soạn thảo quy chế phân chia vốn đầu tư của các tập đoàn trên cơ sở 70/30, có một tín hiệu tốt mà tôi nhận thấy là thủ tướng đã xác định việc các tập đoàn nhà nước đầu tư tràn lan là vấn đề cấp bách phải xem xét, và cảnh báo. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể như thế nào phải có định lượng khoa học, và cơ quan chức năng được giao phải tìm hiểu, nghiên cứu chứ không thể áp đặt cứng nhắc. Ngành chính bao nhiêu là vừa, ngành phụ bao nhiêu cho đủ, đều phải tìm hiểu, phân tích trên cơ sở thực tế kinh doanh, triển vọng thị trường, năng lực tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ… của từng tập đoàn.
Hơn nữa, chỉ nói về vốn, cục tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính), có thể nắm được phần vốn do nhà nước đầu tư vào các tập đoàn đó, nhưng vốn vay họ đầu tư vào đâu, ai mà biết được, bởi chưa có cơ chế giám sát nguồn vốn đầu tư này. Việc bổ nhiệm chủ tịch của những tập đoàn quan trọng có khi còn phải do ban Tổ chức trung ương duyệt trước, ông cục tài chính doanh nghiệp có “dài tay” với tới được không?
Về thời hạn nội trong tháng tư này phải nộp để thủ tướng ký ban hành, tôi nghĩ, chắc ông bộ trưởng phải đốc thúc quân làm thôi. Nhưng với cách suy nghĩ, đặt vấn đề như tôi vừa nêu, cực kỳ khó thực hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Bởi xét cho cùng, cái danh mục đầu tư theo một tỷ lệ nhất định nào đó phải sống được trong dài hạn, chứ không phải sáu tháng, một năm lại thay đổi một lần.
Chính phủ đã tin tưởng giao phó cho các tổng công ty nhà nước, sau này là tập đoàn, đóng vai trò đầu tàu trong những lĩnh vực mà tư nhân tạm thời chưa đủ khả năng làm, với rất nhiều ưu đãi. Nếu các tập đoàn cứ cố lảng tránh nhiệm vụ chính trị này, có lẽ cũng nên có cách nào đó khuyến khích tư nhân tham gia vào, nhân danh lợi ích của cả nền kinh tế Việt Nam
|
Nói trộm vía, thế nhỡ một tập đoàn nào đó, nhờ vào sự tài ba xuất chúng của người lãnh đạo, lại làm tốt cả nhiệm vụ ngành chính, lại dư sức làm tốt cả các ngành phụ thì sao? Tôi giả định tập đoàn ấm chén, tên gọi là Vinachen chẳng hạn, nếu vẫn đáp ứng tốt thị trường, mở rộng xuất khẩu mạnh, mà năng lực tài chính vẫn đủ để sản xuất cái phích (để đựng nước sôi pha trà) thì tại sao cấm họ?
Tôi hình dung khi thủ tướng hỏi các tập đoàn, họ sẽ lý luận rằng kinh doanh ngành này tạm thời chưa có lãi lắm, nên dùng cách lấy mỡ nó rán nó, tức là đầu tư chỗ khác, lợi dụng nhu cầu thị trường lấy tiền nhanh, sau này đầu tư lại cho ngành chính. Rải trứng ra nhiều giỏ mà. Nghe cũng xuôi tai lắm chứ.
Nhưng những ngành kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận cao mà các tập đoàn đang có xu hướng đầu tư là địa ốc, ngân hàng, chứng khoán…, cũng chứa nhiều rủi ro lắm chứ. Rủi ro cao, lợi nhuận cao. Họ chỉ để ý tới vế sau mà quên vế trước. Mà nguy cơ rủi ro cao là có thật, bởi họ có hiểu biết gì về những lĩnh vực đó đâu. Đành rằng họ có thể thuê người làm, nhưng lãnh đạo tập đoàn không có kiến thức gì thì liệu anh có quyết định chính xác trước những đề xuất của cấp dưới không? Tôi cũng không hiểu là các tập đoàn bỏ tiền ra kinh doanh chứng khoán thiệt hại bao nhiêu khi giá chứng khoán tụt như vừa rồi.
Tôi còn thấy có một nguy cơ nữa. Đó là việc nếu các tập đoàn nhà nước không dồn phần lớn nguồn lực cho ngành kinh doanh chính, có thể có lợi với những đầu tư kiểu “mì ăn liền”, khi quay lại ngành chính thì sức cạnh tranh không còn như trước nữa. Sức mạnh của doanh nghiệp, ngoài tiềm lực tài chính, thị phần, thương hiệu, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực cũng rất quan trọng.
Chính phủ đã tin tưởng giao phó cho các tổng công ty nhà nước, sau này là tập đoàn, đóng vai trò đầu tàu trong những lĩnh vực mà tư nhân tạm thời chưa đủ khả năng làm, với rất nhiều ưu đãi. Nếu các tập đoàn cứ cố lảng tránh nhiệm vụ chính trị này, có lẽ cũng nên có cách nào đó khuyến khích tư nhân tham gia vào, nhân danh lợi ích của cả nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đừng nên quên rằng việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều những “ông kẹ” nhòm ngó tới thị trường Việt Nam. Nếu “cờ bị cướp mất”, cả nền kinh tế Việt Nam bị thiệt thòi. Và lúc đó, người Việt Nam chúng ta chắc sẽ phải chấp nhận vai trò làm gia công, hay làm thầu phụ cho người ta. Với cái giá mà ai cũng biết “cao” như thế nào!
Huỳnh Phan ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét