Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Đầu tư nước ngoài hay “bờ xôi ruộng mật”?

Đầu tư nước ngoài hay “bờ xôi ruộng mật”?
Ngày 28.04.2008, 14:08 (GMT+7)
“Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói với tôi: Đây là quyết định cuối cùng của tôi, với tư cách thủ tướng chính phủ, cho phép chuyển đất lúa sang làm công nghiệp!”, nguyên phó chủ tịch Vĩnh Phú (sau này là Vĩnh Phúc) Trần Quang nhớ lại. Theo lời kể của ông Quang, mặc dù đã có kết luận của viện Nông hoá thổ nhưỡng Trung ương là khu đất dành cho hai doanh nghiệp Nhật này là đất bạc màu, nhưng khi đến nơi, nhìn ruộng lúa mơn mởn đang thì con gái, thủ tướng vẫn bắt ông Quang cùng ông bí thư huyện uỷ lội xuống ruộng để xem độ nông sâu của bùn thế nào.
Chuyện xảy ra vào đầu năm 1995, khi hai doanh nghiệp Nhật là Toyota và Honda xin 40 hecta đất ở xã Phúc Thắng (huyện Mê Linh) xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và xe máy. Lãnh đạo Vĩnh Phú phải xin phép thủ tướng mới dám quyết định, bởi ngay trước đó, ngày 3.3.1995 ông Võ Văn Kiệt đã ra công điện 1044, quy định hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng đất nông nghiệp và không sử dụng đất lúa sang các mục đích khác.
Đầu năm 1997, Vĩnh Phúc tách ra từ Vĩnh Phú. Cuối năm đó, ngân sách tỉnh thu được 100 tỉ. Sau mười năm, tổng thu ngân sách của tỉnh này vọt lên 5.700 tỉ. “Đó là nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chính sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”, ông Quang nói.
Tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2007 đã miễn thu thuỷ lợi phí cho nông thôn, và quyết định từ năm 2008 mỗi năm đầu tư 320 – 330 tỉ từ ngân sách để phát triển hạ tầng nông thôn, nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.
Vĩnh Phúc cũng có tiền đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kéo các nhà đầu tư lên các vùng xa xôi hơn, và tất nhiên đất đai kém hiệu quả hơn đối với nông nghiệp, như Bình Xuyên, Bá Thiện… Đến cuối năm 2007, tỉnh này thu hút được 500 dự án đầu tư, trong đó có 134 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 1,8 tỉ USD và 366 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 24 ngàn tỉ đồng.
Mất “bờ xôi ruộng mật”: ai là người quyết định
“Là những nhà đầu tư, Honda và Toyota đã tính toán làm sao giảm thiểu chi phí vận chuyển nhằm tăng lợi nhuận. Họ đã chọn Phúc Thắng bởi địa điểm này sát đường quốc lộ 2 ra cảng và sân bay đều thuận lợi”, ông Quang nói.
Trưởng ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hải Dương Mai Đức Chọn cũng chia sẻ cách nhìn nhận này. “Cũng là xôi là mật cả đấy, tại sao các nhà đầu tư không chọn Thái Bình, Nam Định… Chúng tôi có lợi thế sát quốc lộ 5 và gần cảng”, ông Chọn nói.
“Tư duy của chúng ta trước đây là phải phát triển công nghiệp ở các vùng miền núi, nơi xa xôi khó khăn mà đất không trồng được lúa, nhưng làm ở đó thì nước ngoài nào vào làm?”, ông Chọn nói tiếp. (Theo ông Chọn, Hải Dương có 8 khu công nghiệp, mới chiếm 1.500ha bằng 1,5% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, “nhưng vì nằm trên mặt đường chính nên tưởng nhiều lắm”.)
Để phát triển các khu công nghiệp, chúng ta đã sẵn sàng hy sinh những “bờ xôi ruộng mật”, một thứ tài nguyên khác. Cũng rất may sau đợt rét khiến lúa mạ chết hàng loạt vừa qua, và “đợt sóng thần” về mất an ninh lương thực trên thế giới, chúng ta cũng được cảnh tỉnh
Có lẽ ông Chọn có cái lý của ông. Các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia nước ngoài vẫn thường phàn nàn về sự kém phát triển của hạ tầng ở Việt Nam như một bất lợi trong thu hút đầu tư. Sự phàn nàn này lâu nay cũng được chính phủ và các chuyên gia Việt Nam chấp nhận như một lẽ tất nhiên.
Như vậy, cũng chẳng có gì khó hiểu khi các nhà đầu tư nước ngoài lại chọn những vị trí có lợi thế nhất về hạ tầng có sẵn, tình cờ lại là những “bờ xôi ruộng mật” của ta. Cần phải nói thêm một chút, chính đường 5 được nâng cấp là từ nguồn vốn ODA của Nhật, để phục vụ các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào phía Bắc. Cựu đại sứ Nhật tại Việt Nam Norrio Hattori đã từng khẳng định tại một diễn đàn kinh doanh: “ODA là để mở đường cho FDI”.
Mà cũng chẳng riêng gì “bờ xôi ruộng mật” mà các nhà đầu tư nước ngoài hễ muốn là được. Trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài, các tỉnh còn đua nhau đưa ra các ưu đãi “vượt khung chính phủ”. Để rồi, cách đây hai năm chính thủ tướng chính phủ đã phải ra lệnh kiểm điểm các tỉnh “xé rào”.
Việt Nam vẫn có những lợi thế khác
Trong nhiều năm, để có ngoại tệ, chúng ta đã đào tài nguyên lên bán. Chính phủ đã nhận ra điều này, và cố gắng xây dựng nhà máy chế biến ở Việt Nam, trong đó có việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Để phát triển các khu công nghiệp, chúng ta đã sẵn sàng hy sinh những “bờ xôi ruộng mật”, một thứ tài nguyên khác. Cũng rất may sau đợt rét khiến lúa mạ chết hàng loạt vừa qua, và “đợt sóng thần” về mất an ninh lương thực trên thế giới, chúng ta cũng được cảnh tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 18.4 đã ký quyết định yêu cầu các bộ liên quan rà soát lại quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa.
Cũng có những băn khoăn rằng, liệu quá trình công nghiệp hoá có bị chựng lại hay không, khi họ chỉ được tiếp cận những khu đất ở những vùng xa xôi, hạ tầng kém phát triển. Câu trả lời là không, nếu chính phủ coi đây chính là thời cơ thuận lợi để cải thiện những điều kiện khác như sự minh bạch của hành lang pháp lý, trình độ của nguồn nhân lực, và nhất là tình trạng tham nhũng của bộ máy công quyền, để bù đắp cho sự kém phát triển của hạ tầng. Bởi, quyết định của một nhà đầu tư luôn được tính qua một phép tính tổng thể.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét