Cơ giới hoá nông nghiệp: Không thể chần chừ
Ngày 20.05.2008, 14:25 (GMT+7)
Huyện Kim Sơn, Ninh Bình, từ hai năm nay cứ vào vụ gặt lại xuất hiện một chợ lao động với con số thường trực khoảng trên 100 người. Chợ này không tập trung ở một nơi cố định mà thường ở những xã lúa đã chín. Ai có nhu cầu bao nhiêu thợ gặt thì ra chọn.
Ở đồng bằng sông Cửu Long mấy năm nay cũng vậy. Cứ vào vụ gặt là xe của “đầu nậu” lao động chở cửu vạn về gặt thuê đông như bộ đội đổ quân ngày xưa. Một ngày mấy chục ngàn.
Cuộc công nghiệp hoá của Việt Nam đã bắt đầu từ mười mấy năm nay với làn sóng đầu tư ào ạt của nước ngoài, nhất là trong mấy năm gần đây, đã thu hút một lực lượng khá lớn lao động nông nghiệp vào các khu công nghiệp. Đất nông nghiệp mất để làm khu công nghiệp, người nông dân trở thành công nhân?
Theo tổng cục thống kê, số lao động trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ gần 227 ngàn năm 2000 lên hơn 700 ngàn năm 2006. Còn tính chung trong lĩnh vực công nghiệp, cũng trong thời gian đó số lao động đã tăng từ 3,9 triệu lên tới 6,2 triệu.
Câu chuyện không hẳn đơn giản như vậy. Các ông chủ thuê lao động chỉ tuyển những thanh niên trẻ khoẻ, có học để có thể vận hành máy móc nhanh chóng, hiệu quả. Công nghiệp và đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã đưa GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam tăng gấp đôi sau hơn 10 năm công nghiệp hoá, và sắp sửa đưa Việt Nam vào hàng ngũ những nước phát triển trung bình trên thế giới vào năm 2010.
Không chỉ vậy. Chiến lược xuất khẩu lao động tạo việc làm của Việt Nam cũng lấy nốt những lao động còn lại của nông thôn. Trong ba năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất khẩu 240 - 250 ngàn lao động sang các nước. Và theo kế hoạch xuất khẩu lao động từ nay đến năm 2010 hàng năm có khoảng 400 - 500 ngàn lao động sẽ có mặt thường xuyên ở nước ngoài.
“Tổng số tiền người lao động gửi về hàng năm khoảng là 1,6 tỉ USD, tương đương với giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam”, một lãnh đạo bộ Lao động đã phát biểu trước báo giới ngay trước khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu xảy ra chỉ 1 - 2 tháng.
Lĩnh vực nông nghiệp, khu vực hàng năm đóng góp đều đặn 20% GDP, lực lượng lao động tinh tú nhất của nông nghiệp dần dần ra đi. Chỉ còn những người trung niên và ông bà già ở lại bám với ruộng đồng
|
Tuy nhiên, ở lĩnh vực nông nghiệp, khu vực hàng năm đóng góp đều đặn 20% GDP, lực lượng lao động tinh tú nhất của nông nghiệp dần dần ra đi. Chỉ còn những người trung niên và ông bà già ở lại bám với ruộng đồng. Cái chợ người di động ở Kim Sơn cũng chủ yếu là phụ nữ, chỉ lác đác mươi ông trung niên lẫn vào đó. Giá ngày công gặt ở đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng gấp rưỡi trong vụ thu hoạch vừa rồi do số lao động thời vụ này cũng ngày càng ít đi.
“Trong quá trình chuyển dịch kinh tế, sản xuất nông nghiệp bị mất dần người cho công nghiệp và dịch vụ, mà yêu cầu sản xuất vẫn như vậy, suy ra cơ giới hoá là cách duy nhất giải quyết vấn đề”, ông Lâm Chí Quang, chủ tịch HĐQT tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) nói.
Theo viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long, một máy gặt đập liên hợp, làm việc khoảng 14 - 16 tiếng/ngày, có thể thay thế chừng 100 - 120 công lao động. Dùng máy gặt, giá thành thu hoạch cũng rẻ hơn khoảng 300 ngàn đồng/ha. Hiện nay, riêng đồng bằng sông Cửu Long có trên 42.000 máy tuốt lúa, gần 3.000 máy gặt rải hàng và khoảng 600 máy gặt đập liên hợp, nhưng mới chỉ giải quyết được 15% diện tích gieo trồng mỗi năm.
Viện này cũng cho biết, toàn vùng cần 5.000 máy liên hợp gặt đập đến năm 2010. Ông Lê Phấn Hải, phó phòng thị trường và kinh doanh của VEAM, cho biết trên thị trường hiện nay máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc chiếm 70% thị phần, còn lại là máy của VEAM, doanh nghiệp địa phương và tư nhân.
Theo ông Hải, nếu nhu cầu của nông dân tăng lên nhờ chính sách bù lãi suất tín dụng, VEAM hoàn toàn có thể nâng công suất lên khoảng 50% mỗi năm, để sau năm năm nữa tăng thị phần lên 40 - 50%, mà vẫn giữ giá bán cạnh tranh.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách hỗ trợ nông dân lãi suất tín dụng vẫn phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Đến nay mới chỉ có hơn 20 địa phương có chính sách này.
Ông Hải kể: Năm 2004, tại hội nghị tổng kết ba năm thí điểm thực hiện cho nông dân vay vốn ưu đãi để mua máy móc, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là phó thủ tướng - đã rất ủng hộ. Nhưng Văn phòng Chính phủ đã bị áp lực từ bộ Thương mại, đang chủ trì đàm phán WTO, liên quan đến chính sách hỗ trợ nông nghiệp, thành ra không ra được một chính sách chung ở tầm quốc gia. (Trên thực tế, nỗi ngại ngùng của họ là không có căn cứ, vì hỗ trợ công cụ không bị WTO coi là trợ giá.)
Gần đây, thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra lại quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa. Các quan chức và chuyên gia nông nghiệp nói nhiều về sự cần thiết phải đầu tư nhiều vào nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài.
Có những người còn đi xa hơn nữa, khi đề cập tới chiến lược đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh đối ngoại theo cả góc độ kinh tế lẫn chính trị. Cách đây ít tháng, bà Tổng thống Arroyo của Philippines đã chẳng từng “năn nỉ” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ nguyên hợp đồng xuất khẩu gạo đó thôi.
Ba trăm tỉ đồng hỗ trợ nông dân mua máy móc, như ông Quang đề xuất, là một con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các khoản chi từ ngân sách đều bị thắt chặt như hiện nay. Nhưng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp đang ở mức báo động.
Vả lại, trong một bài toán khác, con số đó chưa bằng 1/10 giá trị thiệt hại trong và sau thu hoạch tại đồng bằng sông Cửu Long hàng năm. Theo ước tính của viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm vựa lúa này mất từ 700 ngàn đến 1 triệu tấn lúa hàng hoá do thu hoạch không kịp thời hoặc bảo quản sau thu hoạch kém, tương đương với 3.200 - 3.600 tỉ đồng.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét