Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Nữ hoá trong sản xuất nông nghiệp

Nữ hoá trong sản xuất nông nghiệp
Ngày 26.05.2008, 09:30 (GMT+7)
Trước năm 1975, những người phụ nữ miền Bắc vừa hát bài Đường cày đảm đang của nhạc sĩ An Chung, vừa cố giữ cái cày cho thẳng, hay vung cao chiếc cuốc đào mương thuỷ lợi. Hàng triệu thanh niên trai tráng đã giã từ cái cày, cái cuốc, khoác lên vai cây súng ra chiến trường
Nữ hoá trong sản xuất nông nghiệp
Mấy chục năm sau ngày những người lính còn sống trở về làng, để trở lại công việc cày cuốc, mà vợ họ, người yêu họ đã một mình đảm đương thay họ trong thời chiến, một làn sóng đàn ông khác lại rời bỏ nông thôn ra đi kiếm kế sinh nhai. Một thế hệ phụ nữ thời hậu chiến ở vùng đồng bằng sông Hồng lại một lần nữa thay đàn ông một mình đảm đương công việc đồng áng.
Theo kết quả một dự án điều tra của viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), lực lượng phụ nữ tham gia vào nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng chiếm tới gần 80%, so với khoảng 50% cách đây 20 năm. Có một số vùng như Thái Bình, Hải Dương con số này lên đến 90% hoặc hơn.
Ở đồng bằng sông Hồng, bình quân ruộng đất rất ít, bình quân đất canh tác chỉ 4 sào/hộ (với bốn người), và càng có nguy cơ bị thu hẹp lại do quá trình công nghiệp hoá – đô thị hoá, cũng càng buộc người nông dân phải ra đi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Theo TS. Khuất Thu Hồng, viện trưởng ISDS, người phụ nữ thường có trách nhiệm nội trợ, trông nom cha mẹ già, rồi chăm sóc, dạy dỗ con cái, nên họ bị trói buộc ở nhà và để những người đàn ông ra đi.
TS. Hồng nói: Điểm tích cực của xu hướng này là nó mang lại cái quyền quyết định khá lớn cho người phụ nữ trong chiến lược sản xuất nông nghiệp, như đầu tư bao nhiêu, trồng cây gì, nuôi con gì, cũng như trong những giao dịch liên quan đến đất đai, như có cho thuê đất hay không, hay có nên thuê thêm đất để canh tác không.
Thu nhập của người đàn ông mang về cũng đóng góp đáng kể cho kinh tế gia đình ở nông thôn. Hơn nữa, những người ra đi cũng có thể học được những điều hay, điều tốt, điều tiến bộ ở thành phố, và những giá trị văn hoá khác, để mang luồng gió mới về nông thôn, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn.
Những hệ luỵ
Nhưng, mặt khác, xu hướng nữ hoá trong nông nghiệp đặt thêm gánh nặng lên vai người phụ nữ, ngoài gánh nặng gia đình không thể chối bỏ. Theo một điều tra do cục Y tế dự phòng và môi trường thực hiện năm 2000, phụ nữ nông thôn thường phải làm việc kéo dài 8 – 17 giờ/ngày với phương tiện sản xuất chủ yếu là thủ công.
Điều tra này cho thấy có 26,2% phụ nữ nông thôn đi phun hoá chất bảo vệ thực vật và vẫn dùng những hoá chất bị cấm như Monitor, Wolfatox. Nhiều người còn đi phun thuốc cả khi mang thai, đang có kinh nguyệt, hoặc cho con bú. Trong số đó, 68,8% phụ nữ phun hoá chất bảo vệ thực vật bị các biểu hiện nhiễm độc, 10,6% bị sẩy thai.
Theo một điều tra do cục Y tế dự phòng và môi trường thực hiện năm 2000, phụ nữ nông thôn thường phải làm việc kéo dài 8 – 17 giờ/ngày với phương tiện sản xuất chủ yếu là thủ công
Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, đại học Quốc gia, nhận xét: đa số phụ nữ tham gia phun thuốc sâu đang ở tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Nguy hiểm hơn, sau khi sản xuất ngoài đồng ruộng, về nhà họ nhiều khi không kịp tắm giặt, đã cho con bú, nấu nướng, hay dọn dẹp nhà cửa...
Một nguy cơ khác trong xu hướng di cư và nữ hoá trong nông nghiệp là cấu trúc gia đình nông thôn đang bị phá vỡ.
TS. Hồng nói: trong gia đình luôn ở tình trạng thiếu tiếng nói và bàn tay người đàn ông.
 Thiếu sự sẻ chia hàng ngày, tình cảm vợ chồng không được bồi đắp, chưa nói đến chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của một trong hai người hay cả hai, kéo theo sự đổ vỡ của gia đình. Theo một điều tra năm 2006 của tổng cục Thống kê, số phụ nữ ở nông thôn trong toàn quốc (không phân chia thành từng vùng) đã ly hôn là 245 ngàn, và ly thân là 149 ngàn.
TS. Hồng nhấn mạnh: vấn đề những người đàn ông nông thôn bỏ ra thành phố kiếm việc càng nhiều không phải là nguyên nhân duy nhất của những vụ ly hôn, ly thân, nhưng đó là một nguy cơ cần cảnh báo.
Số vụ phạm tội của lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng ở nông thôn, cũng như tỷ lệ học sinh bỏ học chắc chắn có nguyên nhân từ việc thiếu vắng sự giáo dục của người cha trong quá trình hình thành nhân cách của mình. Trong khi người phụ nữ nông thôn lại càng có ít thời gian dành cho con cái, do một mình phải gánh hết cái gánh nặng đồng áng.
Những người đi nghiên cứu về nông thôn, như TS. Hồng, đều nói: hầu như không nghe thấy những người phụ nữ nông thôn miền Bắc hát bài Đường cày đảm đang khi làm đồng, như cách đây 30 – 40 năm.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét