Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hành trình của hai chiếc mỏ neo cổ (1)


Ngày 31.05.2008, 08:43 (GMT+7)
Một ngày đông năm ngoái, ông Quách Văn Địch, chủ nhân của hai chiếc mỏ neo trong phóng sự ảnh Mỏ neo Bạch Đằng? đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số trước, nhận được một cú điện thoại. Người gọi là nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nói: “Cám ơn anh đã cho tôi biết chuyện này, tôi sẽ đến gặp anh trong thời gian sớm nhất”
Trước đó hai tiếng đồng hồ, ông Địch đã đến văn phòng của ông Quốc tại viện Bảo tàng cách mạng, nhưng không gặp do ông Quốc bận họp Quốc hội. Ông Địch đã để lại bức thư và mấy tấm ảnh về hai chiếc mỏ neo.
Một trong hai chiếc mỏ neo đã được trả giá tới 30.000 USD
Từ bãi sông đến văn phòng đại biểu Quốc hội
Vào một ngày thu năm 1999, có người bạn rủ ông Địch đi ra một cái quán ven sông Hồng để uống bia. Đi qua bãi của công ty du lịch Sông Hồng, bất chợt một cái mỏ neo cực lớn, vẫn còn ướt nguyên đập vào mắt ông. Nhân viên công ty nói với ông rằng có người thuyền chài vớt được nó lúc chiều và gửi lại đó để bán. Xưa nay, xem phim ảnh, chỉ biết có mỏ neo sắt nhỏ hơn nhiều, lại thấy có cái mỏ neo bằng gỗ đồ sộ như thế này, ông hỏi giá luôn và móc ví nhờ trả tiền cho thuyền chài. “Lúc đó, tôi chợt nghĩ, mình sắp mở nhà hàng, mua về bày cho khách xem có khi cũng hay, và đặt tên cái nhà hàng là Mỏ Neo luôn”, ông Địch kể lại.
Tuy cái nhà hàng ra đời không mang tên Mỏ Neo như ông mong muốn, bởi bà vợ gốc Huế khăng khăng đòi lấy tên mình đặt cho nhà hàng món Huế, nhưng đúng là nhiều thực khách đến thật. Vì lời đồn đại về hai cái mỏ neo lạ (vài tháng sau khi mua chiếc đầu, ông đã mua được chiếc mỏ neo thứ hai do một người thuyền chài ở Chèm vớt được đến tận nhà ông gạ bán, vì “nghe người ta bảo ông chơi mỏ neo”).
Trong số thực khách, cả nội lẫn ngoại, tới quán ông, có một người Trung Quốc đã bảo ông rằng hai chiếc mỏ neo này rất quý, và gạ ông bán lại. Vị khách Trung Quốc này đã trả tới 30.000 USD. “Tôi không bán, vì nghĩ không khéo đây là mỏ neo của những chiến thuyền bị đánh đắm trong trận Bạch Đằng thời Nguyên Mông xâm lược nước ta. Hà Nội thì đang rậm rịch chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, ông Địch kể.
Ông Địch tìm tới viện Bảo tàng lịch sử, đối diện với nhà ông qua con đê, xin gặp ông viện trưởng Phạm Quốc Quân để nhờ thẩm định. Ông Quân có cử một cán bộ phòng lưu trữ sang xem. Anh này sau đó có nói viện không có điều kiện nghiên cứu, và giới thiệu ông Địch sang viện Lịch sử. Ở đó, họ bảo ông họ không nghiên cứu “món này”, và giới thiệu ông sang viện Dân tộc học. “Tự tôi đến đó được chứ, đâu cần họ giới thiệu. Chạy theo mấy ông này mệt quá”, ông Địch thở dài.
Trong thời gian đó, vị khách Trung Quốc vẫn chưa “buông” ông. Cuối năm 2002, ông ta nhờ một tay buôn đồ gỗ bên Đồng Kỵ đến trả giá gấp năm lần giá ban đầu. Một tay buôn ô tô người Việt cũng cứ theo ông gạ gẫm, thậm chí còn định lừa ông vắng nhà để thuyết phục vợ ông, với cái lý do rất hợp lý là “vừa được tiền, vừa đỡ chật nhà, chị ạ”. “Có lúc bà ấy đã thấy xuôi tai, nhưng vẫn ngại tôi nên hai cái mỏ neo vẫn còn đây”, ông Địch nói.
“Tôi nghĩ ra ông Dương Trung Quốc. Ông này là đại biểu cho dân, mình đến xem thế nào”, ông Địch nói.
Nghiên cứu sinh này đang thuyết trình với đoàn của viện Khảo cổ hàng hải Mỹ về trường hợp cái mỏ neo có một ngạnh. Ảnh: T.V.Đ
Giới nghiên cứu vào cuộc
Hai ngày hôm sau, ông Quốc tới nhà ông Địch. Ông không đến một mình, mà kéo theo bạn ông, nhà khảo cổ học Vũ Thế Long. “Anh Quốc bảo tôi là hội Sử học giao cho tôi việc này, chứ nếu tôi mà biết được tự tôi cũng mò tới. Tôi làm khảo cổ học môi trường, tôi quan tâm đến việc đi lại trên biển từ thời nguyên thuỷ tới giờ, bỏ qua vụ này sao được”, ông Long nói.
“Anh Địch có tâm giữ lại hai cái mỏ neo, anh ấy vất vả liên hệ chỗ nọ chỗ kia mà không được, anh ấy bực là phải. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan mà đừng trách họ, xưa nay mình đã làm gì có chuyên gia được đào tạo về tàu cổ mà dám nhận lời nghiên cứu, thẩm định”, ông Long nói tiếp.
Ông Long đã chọn cách lên mạng để liên hệ với những chuyên gia quốc tế nghiên cứu về tàu cổ, trong đó có những người Nhật. “Lúc đó, tôi đã giả thiết rằng hai chiếc mỏ neo này là của những chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị đánh đắm trong trận Bạch Đằng. Cũng trong thế kỷ 13 đó, ba lần quân Nguyên đã vượt biển sang chinh phục Nhật Bản, nhưng bị bão nên thất bại. Chắc người Nhật có nghiên cứu những hiện vật về tàu cổ trục vớt được”, tiến sĩ Long lập luận.
Có vẻ ông đã đúng. Sau nhiều lần trao đổi qua lại qua email, một nhóm nghiên cứu quốc tế về tàu cổ, qua đầu mối là một nghiên cứu sinh tiến sĩ mang hai dòng máu Nhật – Mỹ, đã đến Việt Nam cách đây gần hai tuần. Nhóm sáu người này bao gồm hai thành viên ban lãnh đạo của học viện Khảo cổ hàng hải (INA), hai giáo sư của INA và Flinder University cùng hai nghiên cứu sinh tiến sĩ của họ.
Cùng với ông Long và ông Địch, nhóm này đã có chuyến du khảo đến Bãi Cọc, nơi diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử, thăm viện Bảo tàng Bạch Đằng (Quảng Ninh) và viện Bảo tàng lịch sử. “Điều thú vị nhất là nhóm này đến từ Pháp, Nhật, Mỹ và Úc, những nước ít nhiều đều có dính líu quân sự ở Việt Nam trước đây”, ông Long nói. Tuy nhiên ông khẳng định: “Tôi xin nói, việc nghiên cứu về hai chiếc mỏ neo này sẽ không phải do các chuyên gia quốc tế thực hiện, mà phải do người Việt Nam, với sự hợp tác và hỗ trợ của họ”.
“Nhóm chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ phía Việt Nam về phương pháp nghiên cứu và thậm chí cả việc kêu gọi tài trợ để lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu”, Randall Sasaki, nghiên cứu sinh tiến sĩ của INA khẳng định với SGTT.
“Qua so sánh với những mỏ neo gỗ trục vớt được ở Nhật năm 1994 (đã được xác định có từ thời Nguyên Mông, thế kỷ thứ 13), cảm giác của tôi là có vẻ như hai chiếc này ra đời muộn hơn”, Jun Kimura, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Flinder University nhận xét, vừa chỉ những điểm khác biệt của hai loại mỏ neo qua những tấm ảnh lưu trong chiếc máy tính xách tay của mình.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét