Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Blog phóng viên: Có một quán cà phê Biển Đông

Tại quán cà phê này, có một cái bàn mà những ẩm khách ngồi cố định ở đó rất hay bàn chuyện Biển Đông.

Tra trên google, độc giả có thể tìm thấy 2 quán cà phê Biển Đông. Một ở Bưởi (Hà Nội), và một ở TP Tân An (Long An).
Trong bài này, tôi muốn nói đến một quán cà phê "Biển Đông" khác, cũng nằm trên phố Trần Hưng Đạo, cách cái quán 15B mà tôi đã từng viết, chừng 300 mét.
Và tên của nó cũng chẳng phải là "Biển Đông", mà có thể là Mimosa, Lily, hay Mango, tôi không nhớ rõ. Mà cũng có thể là Hồng, Na, Nụ, Mít, hay Bưởi gì đó. Nhưng chắc chắn không phải Sầu Riêng. Chúng tôi quen gọi là Cà phê Số 9. Nhưng điều quan trọng là tại quán cà phê này, có một cái bàn mà những ẩm khách ngồi cố định ở đó rất hay bàn chuyện Biển Đông.
Tiếc là quán cà phê này, không hiểu vì lý do gì đã đóng cửa được khoảng 1 năm nay, và thay vào đó là một cửa hiệu "Yến Sào Cao Cấp". Cũng vì vậy, tôi còn gọi quán này Cafe "Biển của một thời đã mất".
Lãng tử Yến Thanh và Huyền mao Sư vương
Thường 1-2 ngày trong tuần, tôi bỏ đám bạn bên quán 15B, lẻn sang bên này.
Người rủ tôi sang là phóng viên ảnh Việt Thanh. Nhưng tôi hay gọi anh là Lãng tử Yến Thanh, bởi phong cách lãng tử của anh mà tôi nhìn thấy ngay, và số đào hoa của anh mà tôi nghe thiên hạ đồn đại.
Tôi quen Việt Thanh hồi viết bài trên Nhịp Cầu Đầu Tư về triển lãm ảnh của anh và Hoài Linh, kết hợp với "rối nước" của Chu Lượng, tại Smithsonian, nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007. Theo trí nhớ của tôi, những bức ảnh mà Việt Thanh mang đến cuộc triển lãm đó, chủ yếu là ảnh chân dung.
Đã chứng kiến cảnh chúng tôi hay tranh cãi ỏm tỏi với nhau bên quán 15B, và sợ tôi buồn, Việt Thanh giới thiệu ngay với tôi một nhân vật trông rất ngầu, vẻ mặt lừ lừ, râu ria xồm xoàm, đang chúi mũi vào chiếc laptop.
"Xin giới thiệu với anh đây là một chuyên gia có hạng về Biển Đông. Chỉ sợ anh không đủ sức 'chém gió' thôi", Việt Thanh vừa cười vừa nói.
Còn Na Sơn, một phóng viên ảnh nổi tiếng khác của đất Hà Thành, chêm vào: "Tên anh ấy là Mr. Patriot."
Không hiểu tại sao, nhìn cái đầu từ từ ngước lên, vẻ mặt lừ lừ của người được giới thiệu, tự nhiên tôi lại liên tưởng tới Tạ Tốn, theo bức ảnh bìa của bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký mà tôi đã đọc đi đọc lại hàng năm trời, khi phải thức đêm lau mồ hôi lưng cho cô con gái trong ba năm đầu đời. Mai Kỳ (tên thật của Mr. Patriot) mũi cao, mắt to. Mặc dù râu tóc không dài, và cũng không vàng, như của Kim Mao Sư Vương.
Quán cà phê Biển Đông. Ảnh: Việt Thanh
Mai Kỳ là một doanh nhân. Anh có một công ty chuyên làm quảng cáo. Nhưng anh giao du với Việt Thanh, cũng như Na Sơn, do sở thích chụp ảnh. Thay cho thanh đao Đồ Long như Tạ Tốn, Huyền Mao Sư Vương dùng khẩu thần công (nghe nói tiếng Anh người ta gọi là Canon).
Mai Kỳ hay chụp về biển, về diêm dân, và nhiều nhất là về ngư dân miền Trung - những người vì sinh kế luôn phải đối mặt với thiên tai, và, gần đây, là "tàu lạ".
Cứ hễ đọc báo, chủ yếu là Tuổi Trẻ và Thanh Niên, thấy có tin ngư dân gặp bão, hay bị tàu Trung Quốc cướp ngư cụ, hay bắt giữ đòi tiền chuộc, Mai Kỳ lại nhấp nhổm định lên đường. Những hôm như vậy, chúng tôi đến khổ vì sự càu nhàu, cáu bẳn khác thường của anh.
Xuân Thi, một đồng nghiệp cũ ở Sài Gòn Tiếp Thị của tôi, đã nhận xét rằng, nếu ai không biết về thi sĩ Xuân Quỳnh và mối tình bà dành cho Lưu Quang Vũ, đều có thể nghĩ rằng bài "Thuyền và Biển" là viết về tình cảm của những người như Mai Kỳ.
"... Chỉ có biển mới hiểu, Kỳ đi đâu về đâu...", hay, "Nếu phải cách xa em, Anh chỉ còn Bão Gỗ". Xuân Thi hay ngâm nga như vậy, mỗi khi nhắc về Mai Kỳ. ("Bão Gỗ" là tên một phóng sự ảnh nổi tiếng của Mai Kỳ trên Báo SGTT về trận bão lũ dữ dội ở Quảng Nam năm 2009).
Khác với Mai Kỳ, Việt Thanh có nhiều bộ ảnh chụp miền núi rất đẹp. Tôi cứ trộm nghĩ, nếu sau này Sài Gòn Tiếp Thị ăn nên làm ra, ra tiếp ấn phẩm "Vùng cao Tiếp Thị" (cũng là để đưa hàng Việt Nam chất lượng cao lên vùng cao), chỉ cần Việt Thanh và Na Sơn là đủ sức "thầu" chuyên trang phóng sự ảnh.
Tuy nhiên, cũng có lần Việt Thanh cho chúng tôi xem bộ ảnh hiếm hoi về biển. Biển trong ảnh của Việt Thanh nói chung là đẹp, trong sự hiền hòa, thanh bình, với mầu sắc tươi sáng. Nhưng trong đó, có một bức ảnh đã khiến tôi cảm thấy bị sốc thực sự. Đó là tấm ảnh vợ một người ngư dân đang bày bán mớ cá nhỏ xíu, chắc còn lâu mới đến tuổi trưởng thành.
Tôi chợt nhớ tới lời khuyến cáo của ông Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản về chuyện bao năm nay ngư dân Việt Nam thuyền nhỏ - lưới bé, thân cô thế cô bị chèn ép trên biển, nên cứ đành phải an phận "gà què ăn quẩn cối xay". "Chả mấy chốc mà nguồn lợi thủy sản gần bờ bị khai thác cạn kiệt", ông Chu Tiến Vĩnh cay đắng thốt lên, khi nói tới đề xuất thành lập đội tàu bảo vệ ngư dân, để họ có thể yên tâm ra đánh bắt xa bờ.
"Sự yên bình của biển". Ảnh: Việt Thanh
Việt Thanh, ai cũng biết, đã tham gia nhiều triển lãm ảnh trong và ngoài nước, và cũng đoạt nhiều giải thưởng. Mai Kỳ, theo tôi biết, mới một lần tham gia cuộc triển lãm ảnh về đề tài "Việt Nam - thiên tai và con người", sau khi đoạt giải nhất ở cuộc thi ảnh cùng tên, do Ngân hàng Thế giới và Bộ Nông nghiệp đồng tổ chức vào cuối năm 2009.
Tôi cứ nghĩ tại sao hai người bạn thân này lại không tổ chức một triển lãm ảnh chung về chủ đề biển nhỉ? Cái đẹp, cái bình yên của biển, trong ảnh Việt Thanh, dường như rất mong manh - mong manh như tiếng đàn piano, của chàng cựu cử nhân Đại học Văn hóa Hà Nội này - mà kết hợp với cái đời thường trần trụi, khắc khổ trước những hiểm họa tiềm ẩn qua ống kính của "Huyền Mao Sư Vương", thì hay biết bao. Tôi tin chắc người xem sẽ có những cảm xúc lẫn lộn, và nhận được những thông điệp rõ ràng.
Càng quen lâu với Mai Kỳ, tôi càng nhận thấy đây là một con người yêu, ghét rất rõ ràng, thậm chí đến cực đoan.
Tôi đã chứng kiến Mai Kỳ lôi ngay một người bạn đến Vinatex để sắm cho bộ đồ mới từ từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, thay cho bộ quần áo hàng Tầu biên giới mà anh bạn này đang mặc.
Còn tôi, cứ hễ gặp, anh lại hỏi đã đọc bài này của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, bài kia của Thạc sĩ Hoàng Việt, hay bài nọ của Thiếu tướng Lê Văn Cương, chưa. Kiến thức và sự ham mê về đề tài Biển Đông của tôi cũng nhờ "sự giáo dục cưỡng bức" đó của Mai Kỳ mà tiến bộ rất nhiều. Thỉnh thoảng, tôi cũng có cơ hội "góp giỗ", với những điều "hóng hớt" được từ các hội thảo về Biển Đông, hoặc từ những câu chuyện bên lề với những học giả quốc tế như Carl Thayer, Ramses Amer, hay Tướng về hưu Daniel Schaeffer.
Và càng ngày, tôi càng nhận thấy Mai Kỳ giống Hoàng thân Myshkin của Dostojevski, hơn là Tạ Tốn của Kim Dung. Ai mà được "Gã khờ" này yêu, chắc hạnh phúc lắm nhỉ? Ít nhất là về khoản 'hàng Việt Nam chất lượng cao".
Có một lần, ngồi uống bia với Mai Kỳ và Nguyễn Thị Hậu ở ngõ Hàng Hương, khi nghe tôi nhận xét rằng Mai Kỳ trông giống "Gã khờ" Myshkin, vị nữ học giả này chợt nhướn mắt lên, rồi quay sang nhìn Mai Kỳ rất chăm chú, và cũng rất lâu. Xuân Thi, người cũng có mặt hôm đó, đoan chắc rằng đó không hề là ánh mắt của một nhà khảo cổ.
Song hiệp Quách Tỉnh - Hoàng Dung
Cũng tại quán cà phê này, tôi đã có lần ngồi uống cà phê với phóng viên Hồng Nga của BBC. Cô về thăm nhà sau chuyến đi Indonesia viết về câu chuyện của những ngư dân Việt Nam bị bắt, khi mải theo luồng cá mà lạc vào vùng tranh chấp.
Tôi quen Hồng Nga hơn 15 năm nay, hồi còn cùng trong biên chế của Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Nếu tôi nhớ không nhầm, đó là vào dịp tất cả anh chị em của Trung tâm tổ chức liên hoan tại thành phố Hồ Chí Minh, chào mừng cho sự thành công về truyền thông đối ngoại của Lễ Kỷ niệm 20 năm đất nước thống nhất.
Hồi đó, Hồng Nga, đang làm cho AFP Hà Nội, còn "thương lắm tóc dài ơi". Chứ không cắt tóc ngắn như bây giờ.
Cô cử nhân báo chí của Lomonosov (tên thường gọi của Trường Tổng hợp Quốc gia Moscow danh tiếng) này khởi đầu cái nghiệp của mình ở Tuần Báo Quốc Tế. Có thể nhận xét không hề phóng đại rằng dấu ấn mà tờ báo non trẻ của Bộ Ngoại giao tạo ra được trong làng báo Việt Nam thời đó có sự đóng góp không nhỏ của Hồng Nga. Bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Trường, Đinh Hoàng Thắng, hay Nguyễn Vĩnh.
Tổng biên tập thời đó là Nguyễn Ngọc Trường, khi giới thiệu về Hồng Nga với ai đó, thường xoè 5 ngón tay giơ lên. Tức là ông hãnh diện khoe rằng "lính" của ông có thể tác nghiệp bằng 5 ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, và, tất nhiên, là tiếng Việt.
"Biển với hiểm hoạ tiềm ẩn". Ảnh: Mai Kỳ
Nghe nói bây giờ Hồng Nga đang học thêm tiếng Hoa, vì mối quan tâm về Biển Đông của BBC đòi hỏi cô như vậy. Để đọc thông nói thạo tiếng Hoa không phải là điều khó với Hồng Nga, mặc dù tuổi tác và công việc bận chúi mũi hiện giờ cũng là một trở ngại đối với cô, so với thời sinh viên son rỗi. Nhưng cái khó hơn, nếu không nói là khó nhất, theo tôi hình dung, lại nằm ở chỗ liệu BBC có tuyển được ông Sếp có "bàn tay sáu ngón" cho Hồng Nga hay không.
Được giao theo dõi các hoạt động đối ngoại, tôi có cơ hội quan sát cách tác nghiệp của Hồng Nga, và cũng học được nhiều từ cô. Trừ cái vốn ngoại ngữ gần như "vô song, vô đối", và khả năng "chen, huých" để luôn là người tiếp cận gần nhất đối với các "yếu nhân". Hồng Nga vốn là một "võ sĩ" karatedo có đai, có đẳng.
Tôi thích sự ngắn gọn, nhưng đa chiều, và đặc biệt là thấu đáo vấn đề, trong các bài tường thuật của Hồng Nga. Nhất là bài viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, mà theo tôi nghĩ, đã nêu đúng bản chất của câu chuyện đầy bi kịch, theo nhiều nghĩa, kéo dài tới cả chục năm này.
Thế mà có lần Hồng Nga lại than với tôi: "Em lúc nào cũng hùng hục như trâu húc mả, đôn đáo ngược xuôi. Nhưng, nhìn lại, chẳng thành công bằng ông anh giai nhà em, người lúc nào cũng lững thững, đủng đỉnh."
"Ông anh giai nhà em" mà Hồng Nga nói chính là Greg Torode, Ký giả trưởng ban châu Á của tờ South China Morning Post, có trụ sở ở Hongkong.
Mai Phụng Lưu, người mà Greg đã gặp ở Lý Sơn
Tôi biết anh lâu rồi, từ hổi anh còn là phóng viên thường trú của tờ báo này tại Hà Nội. Không cần thuê văn phòng, sáng sáng anh cùng người trợ lý Nguyễn Văn Dũng, biệt danh là "Dũng nghệt" hay "Giáo sư Thần học", người còn lững thững và đủng đỉnh còn hơn cả anh, ra ngồi điểm báo tại một ghế đá bên bờ Hồ Gươm, hoặc trong một quán cà phê quanh đó.
Nhưng chỉ đến dịp ASEAN năm ngoái tại Hà Nội, tôi mới có dịp ngồi cà phê với anh. Rất tiếc là không phải ở quán này (mà lúc đó nó cũng đóng cửa rồi), mà tại Khách sạn Nikko, nơi anh ở. Và cũng lần đầu tiên tôi hiểu tại sao khi điểm các bài về Biển Đông, ông Giáo sư Trần Hữu Dũng lại không thể bỏ qua những bài viết của anh.
Và tôi cũng hiểu tại sao Hồng Nga, người mà tôi rất rất phục tài, lại tỏ ra "ghen tị" với thành công của cái "anh giai luôn lững thững, đủng đỉnh" ấy.
Sau này trong một lần cà phê ở Sài Gòn sau Hội nghị Quốc tế về Biển Đông sau đó hơn một tháng, Giáo sư Carl Thayer, người mà nhiều năm nay vẫn trao đổi email hàng ngày với Greg, đã nói: "Greg không thuần tuý là một nhà báo, mà là một chuyên gia thực thụ về Biển Đông. Anh có thể bỏ cả 6 tháng trời cần mẫn lần tìm từng manh mối để có đủ cứ liệu viết một bài về cái cách của Trung Quốc đã ép các công ty dầu khí nước ngoài, như BP, rút ra khỏi các dự án ở Việt Nam như thế nào."
Tôi nghĩ chắc Hồng Nga đùa vậy thôi, chứ theo tôi, hai người họ mỗi người một sở trường, và đều thành công, và thành danh cả. Nếu Greg có công lực thâm hậu như Quách Tỉnh, với Hàng Long Thập Bát Chưởng sức mạnh vô song, thì Hồng Nga có cái nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt, nhanh như chớp, trong các tình huống "giáp lá cà". Tuy trên tay cô là chiếc máy ghi âm, và gần đây hình như có thêm chiếc máy ảnh hiệu Canon, chứ không nhất thiết là chiếc gậy trúc để thi triển Đả Cẩu Bổng Pháp.
Tôi vẫn mong muốn được chứng kiến Song Hiệp Quách Tỉnh - Hoàng Dung của thế kỷ 21 này tiếp tục hành tẩu giang hồ. Ồ, mà phải nói là "hải hồ" mới chính xác, khi Trung Quốc đang cố biến Biển Đông thành cái "ao nhà" của họ.
Mà Greg cũng chẳng hoàn toàn lững thững, đủng đỉnh đâu. Ít nhất hai lần "Quách Tỉnh" Greg đã "xuất chiêu" trước "Hoàng Dung".
Lần thứ nhất là cuộc gặp với Tướng Nguyễn Chí Vịnh trước ADMM+8 năm ngoái, tạo cảm hứng cho anh viết bài "Chiến thuật ngoại giao du kích". Mãi đến Shangri-La đầu tháng 6 vừa rồi, "Hoàng Dung" mới phỏng vấn được "nhà ngoại giao" đeo quân hàm này.
Lần thứ hai là chuyến đi đầu tiên có mặt ở Lý Sơn này của Greg để gặp những ngư dân bị Trung Quốc bắt tàu, mà anh đã đề cập trong bài viết gây chấn động trước ADMM+8 năm ngoái, với tiêu đề "Double Standard" (bản dịch trên Tuần Việt Nam có tiêu đề "Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo"). Bài viết của người phóng viên nước ngoài có mặt ở Lý Sơn xuất hiện trên SCMP số ra ngày 30.5.2011, với tiêu đề "Disputed islands are prized catch".
Hồng Nga đang chờ cơ hội của mình - cái nguyện vọng cô đề đạt từ năm ngoái. Tôi cũng rất chờ đợi bài viết của cô, bởi chắc hẳn cô sẽ có cái nhìn thấu đáo, không chỉ về mối quan hệ giữa các quốc gia, mà cả về thân phận "bèo bọt" của những ngư dân trên cái "biển đời" mênh mông và đầy bất trắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét